Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Lễ Giỗ Mãn Tang Ba Năm Đức Cố Viện Phụ Stêphanô Trần Ngọc Hoàng Tại Giáo Xứ Thánh Mẫu

LỄ GIỖ MÃN TANG BA NĂM ĐỨC CỐ VIỆN PHỤ STÊPHANÔ TRẦN NGỌC HOÀNG TẠI GIÁO XỨ THÁNH MẪU



Vào hồi 10:00 sáng ngày 09 tháng 05 năm 2011, tại thánh đường giáo xứ Thánh Mẫu, Giáo phận Bùi Chu, đã diễn ra Thánh lễ đặc biệt để tưởng nhớ và cầu nguyện cho Đức cố Viện Phụ Têphanô Trần Ngọc Hoàng, nhân dịp giỗ mãn tang của Ngài.
Cộng đồng dân Chúa trong giáo xứ Thánh Mẫu và giáo miền Quần Cống hết sức vui mừng chào đón Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng đã về thăm giáo xứ và chủ sự Thánh lễ cầu nguyện cho Đức cố Viện Phụ Têphanô, ngừơi con ưu tú và là đại ân nhân của quê hương Thánh Mẫu. Cùng đồng tế với Đức cha Giuse trong thánh lễ có 16 linh mục đến từ giáo phận Bùi Chu, Hà Nội, Lạng Sơn và các Dòng tu. Đông đảo bà con giáo dân và quý nam nữ tu sỹ đã tham dự Thánh lễ trong bầu khí phụng vụ trang trọng và đầy cảm xúc.
Đức cố Viện Phụ Stêphanô Trần Ngọc Hoàng sinh năm 1928 tại Giáo họ Nghiệp Thổ, Giáo xứ Quần Cống, Bùi Chu (nay là Giáo xứ Thánh Mẫu, Bùi Chu). Ngài gia nhập dòng ngày 16 tháng 7 năm 1947 tại đan viện Châu Sơn (Nho Quan, Ninh Bình) và khấn Dòng ngày 20 tháng 3 năm 1950, thụ phong linh mục ngày 24 tháng 8 năm 1957, sau đó đi du học tại Thuỵ Sĩ.

Ngày 12.10.1961: Cha Stêphanô Trần Ngọc Hoàng đắc cử Viện Trưởng Đan Viện Châu Sơn – Đơn Dương – Lâm Đồng. Ngày 13.11.1963: Tòa Thánh quyết định nâng ba Đan Viện Phước Sơn, Châu Sơn và Phước Lý lên hàng Đan Phụ Viện.
Ngày 02.03.1964. Đức Tổng Phụ Dòng Xitô từ Rôma sang Việt Nam đến Đơn Dương chủ tọa buổi họp công nghị bầu chọn Viện Phụ tiên khởi. Các đan sĩ nhanh chóng dồn phiếu tín nhiệm cha Đan Viện Trưởng Stêphanô. Đức Viện Phụ tiên khởi Têphanô Trần Ngọc Hoàng chọn khẩu hiệu : “Amator Regulae et Fratrum” (Yêu Thánh luật và Yêu anh em).

Để đánh dấu bước trưởng thành của Dòng Xitô giữa lòng Giáo Hội Việt Nam, đồng thời để động viên khích lệ ơn gọi sống đời chiêm niệm, Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đề nghị tiến hành nghi lễ chúc phong Viện Phụ tiên khởi của Dòng Xitô Việt Nam tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sàigòn. Buổi lễ chúc phong được long trọng cử hành vào ngày lễ Thánh Cả Giuse 19.03.1964 do Đức Khâm Sứ Sighard Kleiner chủ sự. Hầu hết các Giám mục đều có mặt. Đại diện Chính quyền các cấp, Bề Trên các Dòng tu, linh mục, nam nữ tu sĩ và rất đông đồng bào lương giáo hoan hỷ tham dự.

Ngài đã có công lớn xây dựng Thánh Đường và cơ sở cũng như đặt nền móng quan trọng cho việc đào tạo nhân sự chủ chốt cho Đan Viện Châu Sơn Đơn Dương hiện nay.

Ngày 09.09.2007: Đức viện phụ Têphanô mừng kỷ niệm kim khánh 50 năm Linh mục. Trong thư chúc mừng nhân dịp đại lễ này của Đức viện phụ Têphanô, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt viết: “Kính xin chúc mừng Viện phụ nhân dịp mừng kim khánh Linh mục. Xin Thiên Chúa ban tràn đầy ơn lành cho người tôi tớ trung tín và khôn ngoan, đã 50 năm tận tuỵ phụng sự Thiên Chúa. Xin Viện phụ không ngừng cầu nguyện nhiều cho Giáo hội tại miền Bắc…”
Vào hồi 16giờ ngày 10.5.2008, Đức viện phụ Têphanô Trần Ngọc Hoàng đã an nghỉ trong Chúa, hưởng thọ 80 tuổi với 58 năm khấn dòng.

*********
Sau đây là toàn văn bài chia sẻ của Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân trong Thánh lễ giỗ 3 năm Đức cố Viện phụ Têphanô Trần Ngọc Hoàng tại thánh đường giáo xứ Thánh Mẫu:

Kính thưa quý Cha,
Quý Ông Bà Anh Chị em rất thân mến,

Chúng ta cùng hiện diện nơi đây để hiệp ý cùng Giáo xứ và Gia đình dâng lễ cầu nguyện cho Đức cố Viện phụ Stephano Trần Ngọc Hoàng nhân ngày lễ giỗ mãn tang của Ngài. Đây thực sự là thánh lễ của sự gặp gỡ trong niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô tử nạn Phục Sinh; thánh lễ của sự gặp gỡ sẻ chia và hiệp nhất của tình quê hương và gia đình để cầu nguyện cho Đức cố Viện phụ; cũng là sự gặp gỡ của niềm hy vọng, hy vọng vào sự sống lại trong Chúa Giêsu Kitô, để xin Chúa ban ơn cho chúng ta trong hành trình sống ơn gọi Kitô hữu. 
Khi chúng ta lắng nghe Lời Chúa qua Phúc âm, chúng ta như đang được đồng hành với 2 môn đệ trên đường Emaus để khám phá và nhận ra Đức Ki tô luôn đồng hành với mỗi người chúng ta trong đức tin và cuộc đời. Với các môn đệ, Đức Giêsu thành Nazareth đã chết và được mai táng trong mộ đá là một sự thật đau lòng và thật lạ lùng. Chính các ông là người đã dám bỏ gia đình, quê hương, nghề nghiệp để đi theo Ngài là một Tiên tri, là Đấng mà các ông tin rằng có thể cứu được dân tộc Israel. Ngài đã làm những phép lạ lớn lao: cho người mù xem thấy, người điếc nghe được, người câm nói được, người què đi được và kể cả người chết sống lại…thế mà giờ đây tất cả niềm hy vọng đó sụp đổ trước cuộc khổ nạn của Ngài; họ không thể hiểu nổi với tâm tình sợ hãi, hụt hẫng, lo lắng cho một tương lai bất ổn. Còn đâu những ngày đẹp nhất của niềm tin yêu và hy vọng, còn đâu sự đỡ nâng ủi an đầy tình thầy trò giữa Đức Giêsu và các môn đệ; còn ai có thể nâng đỡ bảo vệ cho họ trước các luật sĩ, biệt phái Do thái? Phải chăng chỉ còn một lựa chọn duy nhất là trở về với quê hương, vì sự nhiệt thành và niềm vui phải chăng đã mất? Khi cùng đồng hành với hai môn đệ đi đường Emaus sẽ không làm chúng ta ngạc nhiên, bởi nếu sự kiện như vậy xảy ra nơi chính chúng ta, thì chúng ta sẽ phản ứng thế nào?
Nhưng điều 2 môn đệ đi làng Emaus không ngờ, đó là Chúa Giêsu Phục Sinh luôn đồng hành với họ như đã và đang tiếp tục hiện diện nâng đỡ đức tin và cuộc đời của họ. Từ tâm hồn nguội lạnh, băng giá vì sợ hãi, lo lắng, bối rối, Chúa Giêsu đã đốt nóng họ bằng ngọn lửa Thánh Thần, để họ được mở tâm hồn mà nhận ra Lời Chúa, nhận ra tình thương của Chúa và nhận ra sự hiện diện của Ngài trong cuộc đời của họ. Chính lúc tâm hồn 2 môn đệ được đốt nóng lên như vậy, họ đã nài xin Chúa Giêsu: Xin Thầy ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều”. Từ 2 tâm hồn đang khao khát Lời Chúa và sự thiện qua đức ái, mà Chúa Giêsu đã ở lại với họ, đồng bàn và mở tiếp đôi mắt đức tin của họ với nghi thức BẺ BÁNH (Bí tích Thánh Thể) để họ nhận ra CHÚA KITÔ PHỤC SINH đang hiện diện trước mắt họ.
Vui mừng và Yêu mến khi gặp gỡ Chúa Kitô Phục Sinh, làm cho 2 môn đệ đã biến đổi đức tin đích thực, biến đổi tâm hồn, và biến đổi cuộc đời mình; để dù Chúa Phục Sinh đã biến đi thì ngay đêm tối họ lập tức trỗi dạy trở về Giêrusalem, khởi đầu cho một hành trình mới là chứng nhân Tin Mừng Phục Sinh của Thầy Giêsu.
Khi dâng lễ cầu nguyện cho đức cố Viện phụ Stephanô, chúng ta cùng lắng đọng để nhìn lại đức tin và chọn lựa ơn gọi trong cuộc sống chứng tá Tin Mừng Phục Sinh và đức cố Viện phụ Stephano đã thể hiện, đó là:
* Chọn lựa Chúa Giêsu là cùng đích cuộc đời.
Đức cố viện phục Stephano sinh năm 1928 tại Giáo họ Nghiệp Thổ, giáo xứ Quần Cống, Bùi Chu (Nay là Giáo xứ Thánh Mẫu); năm 9 tuổi đã theo Cha Chính để khởi sự tìm hiểu ơn gọi dâng hiến. Năm 19 tuổi đã nhập dòng Đan tu là Đan viện Châu Sơn – Nho Quan (Ninh Bình). Ngài được khấn dòng năm 1950 và được chịu chức Linh mục năm 1957. Sau đó vào sống tại Đan viện Châu Sơn- Đơn Dương- Lâm Đồng và đắc cử Đan viện Trưởng năm 1961. Khi Tòa Thánh quyết định nâng 3 Đan viện Phước Sơn – Châu Sơn và Phước Lý lên hàng Đan Phụ Viện. Khi Công nghị họp bầu Viện phụ Tiên khởi, Ngài đã được các đan sĩ tín nhiệm. Đức Viện phụ tiên khởi Stephano đã chọn khẩu hiệu “Amator Regulae et Fratrum” (Yêu Thánh Luật và Yêu Anh em). Buổi lễ Chúc Phong Viện phụ được tổ chức trọng thể tại Nhà thờ Chính tòa Sàigòn ngày 19.03.1964 do chính Đức Khâm sứ Tòa Thánh chủ sự. Với hành trình đời tu, Ngài đã sống 40 năm tại Đan viện Châu Sơn (Nho Quan) và Đan viện Châu Sơn (Đơn Dương) rồi mới có dịp về thăm quê hương. Từ một cậu bé ra đi tìm hiểu ơn gọi, ngày về là một đức Viện phụ Dòng Đan tu Xitô với phẩm phục như một vị Giám mục. Hành trình của vị Viện phụ tiên khởi của Đan viện Châu Sơn (Đơn Dương) đã có công lớn xây dựng Thánh Đường và các cơ sở cũng như đã đặt nền móng quan trọng cho việc đào tạo nhân sự chủ chốt cho Đan viện Châu sơn Đơn Dương ngày nay. Ngài đã được Chúa gọi về ngày 10.05.2008, hưởng thọ 80 tuổi, đã khấn dòng được 58 năm.
Cũng như 2 môn đệ trên đường Emaus đã chọn Chúa Giêsu như một người thầy, là Chúa để theo, để dấn thân, để chọn lựa hành trình theo Đấng đã từng nói: Con chồn có hang, con chim có tổ, Con Người không nơi gối đầu”. Viện phụ Stephano đã chọn Chúa, chọn Giáo hội ngay từ nhỏ, dấn thân theo Chúa một cách quyết liệt và muốn Chúa Giêsu Kitô là tất cả mục đích cuộc đời mình. Từ cậu bé khởi đầu đi tìm ơn gọi, đến quyết định chọn lựa đan viện Xitô, đến khi làm linh mục, rồi được bầu là Đan viện Trưởng, sau cùng được bầu là Viện Phụ tiên khởi, bất cứ khi Dòng cần đến là Ngài hiện diện để phục vụ: Ngài luôn để Chúa Giêsu là tất cả, cùng đích cuộc đời mình là Thiên Chúa, với Giáo Hội là Yêu Thánh luật và yêu mến anh em.
* Sống sự chọn lựa nơi ơn gọi và bổn phận. 
Bài học thứ hai mà Đức cố Viện phụ Stephano mời gọi chúng ta là Sống Niềm tin trong Yêu thương và Phục vụ. Bất cứ ai gặp Đức cố Viện phụ đều cảm nhận Viện phụ là người rất hiền từ, bao dung, sống tình cảm và vui tươi, siêu thoát. Ngài luôn cố gắng cổ võ và nâng đỡ Ơn gọi đời dâng hiến. Ai gặp Ngài cũng cảm nhận niềm vui khi gặp gỡ được một tâm hồn luôn gặp được Chúa, với nụ cười bao dung, đơn sơ, chân thành và niềm vui sẻ chia của đức ái. Đời sống yêu thương và bác ái đặc biệt Ngài chú trọng tới việc giúp đỡ người nghèo, nâng đỡ những anh chị em bất hạnh, nâng đỡ trẻ thơ có điều kiện học hành, giúp việc học hành, và nâng đỡ về y tế.
Hình ảnh của 2 môn đệ làng Emaus sau khi gặp Đức Giêsu Kitô Phục Sinh, đã lập tức trỗi dậy, trong tin tưởng phó thác và yêu mến để trở lại Giêrusalem bắt đầu làm Nhân Chứng Phục Sinh của Chúa Giêsu. Đối với Đức cố Viện phụ, từ khi dấn thân tìm kiếm ơn gọi cho tới khi chọn được Ơn gọi cho cuộc đời mình; thì Đức Kitô Phục Sinh luôn hiện diện; trở nên niềm tin, tình yêu mến, và sức mạnh với Ơn của Chúa Thánh Thần biến đổi sống ơn gọi theo Chúa giữa những khó khăn thử thách, có biết bao những thách đố nhưng với Ơn Chúa, và nỗ lực của dấn thân chọn lựa, cũng như các môn đệ xưa kia, Đức viện phụ góp phần giới thiệu Chúa Giêsu Kitô tử nạn Phục Sinh bằng chính đời sống dấn thân của mình. Từ sự cảm nhận, yêu mến, tin tưởng mà Ngài đã trở nên chứng nhân cho Tin Mừng Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô trong đời đan tu của mình.
Trong tâm tình của Mùa Phục Sinh, là lời mời gọi chúng ta gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu Kitoâ, gặp gỡ Chúa qua Giáo hội, gặp gỡ Chúa qua tha nhân, và gặp được Chúa nơi chính mình. Qua bài học mà Đức cố Viện phụ trao gửi, chúng ta cùng bước đi trong Ánh sáng Phục Sinh với tâm tình của Niềm tin, Vâng phục và Khiêm hạ; để đời sống của mỗi chúng ta trở nên lời đáp trả tiếng gọi Tình Yêu và Huyền nhiệm của Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh. Mỗi ngày là một khởi đầu mới cho hành trình Ơn gọi Kitô hữu theo ơn gọi riêng của mỗi người chúng ta.
Cuộc đời của Đức cố Viện phụ Stephano luôn tôn kính Đức Mẹ, Ngài luôn cổ võ phép lần hạt Mân Côi, và chính Ngài thực hành bằng yêu mến và tin tưởng. Ngài luôn đọc lời nguyện: “Giêsu – Maria – Giuse lòng con mến yêu, xin thương cứu các linh hồn”. Lời nguyện Đức cố Viện phụ luôn đọc khi còn sống cũng là lời mà giờ đây chúng ta cùng đọc để dâng lên Thiên Chúa mà cầu nguyện cho Ngài, xin Chúa đón nhận Ngài sớm được hưởng Tôn Nhan Thiên Chúa.
Lậy Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, xin thương linh hồn Đức cố Viện phụ Stephano yêu quý của chúng con . Amen.
*
Nhân dịp lễ giỗ mãn tang của Đức cố Viện phụ Trần ngọc Hoàng, xin được góp nhặt một vài thông tin về chức vụ Đan Viện Phụ:
Các Đan Viện Phụ tại các đan phụ viện thuộc hội dòng Bỉển Đức và Xitô đều phẩm phục Giám mục, tức là có mũ, gậy và nhẫn như các giám mục. Có thể nói đó là một ân ban mà Giáo hội dành cho các Đan Viện Phụ từ thời rất xa xưa. Danh xưng phụ” không phải là một thánh chức nhưng là một chức vị lãnh đạo được Giáo hội công nhận. Các viện phụ được chúc phong trong thánh lễ với các nghi thức giống hệt nghi thức tấn phong một vị Giám mục. Bình thường, Đan Viện Phụ được bầu giữ chức vụ này suốt đời, vì trong một gia đình, người ta không thay đổi người cha theo hạn kỳ. Ðan viện phụ được quyền ban phép lành, một trong những phụ tích cao quý của Hội thánh (xc. Phép lành, Bí tích).
Trong các đan viện, Đan Viện Phụ được xem là người cha (Abbot) của tất cả các đan sĩ, thay mặt Chúa Kitô để trông coi, chăm sóc và hướng dẫn về mọi mặt cuộc sống những người trong đan viện. Chính vì trách nhiệm hướng dẫn lớn lao và cao cả như thế, nên Hội thánh đã ban đặc ân cho các viện phụ được mặc phẩm phục bên ngoài như các giám mục, với mũ, gậy và nhẫn để mô tả, trân trọng quyền bính cũng như đức hạnh của một vị chủ chăn. Mặc dù không là giám mục, nhưng trách vụ của Đan Viện Phụ cũng tương tự như sứ mệnh chủ chăn của đấng kế vị các tông đồ.
Như vậy, việc có mũ, gậy và nhẫn của các Đan Viện Phụ là ân ban có từ lâu đời trong Hội thánh, chứ xét về mặt quản trị thì các Đan Viện Phụ cũng chỉ giống như các bề trên cấp cao của các hội dòng khác, nghĩa là đứng đầu một hội dòng, có trách nhiệm chăm sóc, hướng dẫn các tu sĩ trong hội dòng của mình. Còn nếu nói về số lượng tu sĩ, thường các đan viện thời xưa rất lớn về diện tích và số lượng đan sĩ, có khi lên đến mấy trăm người, nhưng điều đó cũng rất tương đối, vì ngày nay có nhiều hội dòng khác có số lượng tu sĩ thậm chí còn nhiều hơn các đan viện. Trong Hội thánh, tùy vào cách thức của mỗi hội dòng, trực thuộc Giáo hoàng (Tòa Thánh) hay Giáo phận (Giám mục địa phương), mà các hội dòng phải “vâng lời” trực tiếp Giám mục hay Giáo hoàng. Thông thường, các hội dòng đan sĩ đều trực thuộc Đức Giáo hoàng, tuy nhiên, vì hiện diện trong phạm vi lãnh thổ của giáo phận nên các đan sĩ, cụ thể các đan viện phụ, cũng đều tôn trọng và hết lòng cộng tác với Giám mục địa phương nơi mà đan viện mình hiện diện.

Giuse Trần ngọc Huấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét