Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Theotokos - Người Mang Thiên Chúa


THEOTOKOS - NGƯỜI MANG THIÊN CHÚA

Cuộc viếng thăm của Đức Mẹ thật lạ lùng. Không nghi thức. Không kèn trống. Không lễ vật. Nhưng tràn đầy sức mạnh, tràn đầy niềm vui, tràn đầy lời ca tràn đầy tâm tình vâng phục thi hành thánh ý Chúa.Nguồn gốc của niềm vui là Thiên Chúa. Đức Mẹ thăm viếng đem đến niềm vui vì Đức Mẹ là Théotokos, Người mang Thiên chúa. Qua các bài Lời Chúa ta có thể thấy Đức Mẹ mang Chúa đến cuộc gặp gỡ qua 4 hình thức.

1. Đức Mẹ đem Chúa đến qua cuộc rước kiệu Thánh Thể.
Đức Mẹ là chiếc kiệu. Chúa Giêsu chính là Thánh Thể. Không phải là Thánh Thể bí tích, nhưng là Thánh Thể bằng xương bằng thịt, là Ngôi Hai nhập thể tượng thai trong lòng Đức Trinh Nữ. Có lẽ đây là cuộc rước kiệu Thánh Thể dài nhất lịch sử. Từ Nagiareth đến En Karem đường dài gần 200 cây số. Đây là cuộc rước kiệu Thánh Thể đầu tiên với tất cả ý nghĩa và sức mạnh của Thánh Thể. Nếu khi rao giảng công khai, Chúa đi đến đâu là thi ân giáng phúc đến đấy đến nỗi chỉ cần chạm đến bóng Người lập tức bệnh nhân được khỏi bệnh. Giáo hội vẫn hằng rước kiệu Thánh Thể để nài xin và biểu dương sức mạnh của Chúa. Chẳng hạn khi thành phố Milanô bị bệnh dịch, thánh Carôlô Borromêo đã đi đầu cuộc cung nghinh Thánh Thể để ngăn chặn bệnh dịch. Hôm nay không biết bóng Thánh Thể đã đổ xuống trên bao nhiêu người trên đường đi. Chắc chắn một điều là Thánh Thể Chúa đã chữa lành Gioan Baotixita còn trong lòng mẹ, đã giải thoát thánh nhân khỏi tội tổ tông truyền. Thánh nhân được ơn hưởng kiến nên đã nhẩy mừng trong lòng mẹ. Niềm vui vì được ơn sức mạnh của Thánh Thể từ thánh Gioan Baotixita đã trào dâng, tràn lan đến tất cả mọi người hiện diện.
2. Đức Mẹ đem Chúa đến qua Cửa Thiên Đàng.
Đức Mẹ rước kiệu Thánh Thể không bằng hào quang mặt nhật, nhưng bằng chính tấm lòng trinh trong như kinh cầu Đức Bà dùng nhiều hình ảnh cao đẹp để diễn tả. Đức Mẹ như Hòm Bia Thiên Chúa. Hòm Bia chỉ là 2 bia đá. Nhưng Thiên Chúa ngự trong Hòm Bia đã khiến Hòm Bia có sức mạnh quật ngã quân thù, làm cho Israel vui mừng phấn khởi. Chúa Giêsu nhập thể ngự trong lòng Đức Mẹ như Thiên Chúa ngự trong Hòm Bia đem đến niềm vui tươi phấn khởi cho gia đình ông Giacaria và bà Êlisabeth. Vì thế Đức Mẹ giống như Đền Vàng nơi Vua Cả ngự trị. Nơi nào có Thiên Chúa nơi ấy là thiên đàng, như hàng chữ Latinh ghi phía sau Nhà Chầu: ESSE CUM IESU PARADISUS.  Ngôi Hai nhập thể trong thân xác phàm nhân nên bị giới hạn trong không gian thời gian. Trong thời kỳ tượng thai, nơi nào có Đức Mẹ nơi ấy có Chúa Giêsu. Vì thế Đức Mẹ chính là Cửa Thiên Đàng mở ra cho ta được gặp Chúa Giêsu, đem đến cho ta tràn đầy niềm vui. Chính Thiên Chúa cũng vui mừng nhảy lên như bài sách Sôphônia: “Reo vui lên hỡi thiếu nữ Sion, hò vang dậy đi nào, nhà Israel hỡi. Hỡi thiếu nữ Giêrusalem hãy nức lòng phấn khởi, vì Đức Vua của Israel hằng ngự giữa người…Vì ngươi, Chúa sẽ nhả múa tưng bừng như trong ngày lễ hội”.
3. Đức Mẹ đem Chúa đến qua lời cầu nguyện.
Lời cầu nguyện khiến Thiên Chúa hiện diện. Và ngược lại sự hiện diện của Thiên Chúa khơi gợi nên lời cầu nguyện như trong cuộc Đức Mẹ thăm viếng. Thăm nhau nhưng không nói về nhau, về sức khỏe, về công việc làm ăn.. nhưng chỉ nói về Thiên Chúa. Đây là điều hợp lý. Khi có một vị khách cao quí ở giữa, hẳn câu chuyện phải xoay quanh vị khách quí đó. Huống hồ vị khách này là nguồn gốc niềm vui, nguồn gốc ơn lành đang tuôn đổ xuống trần gian qua cuộc gặp gỡ này. Vì thế lời cầu nguyện biến thành lời tạ ơn. Bà thánh Êlisabeth tạ ơn Chúa vì tuy bà không xứng đáng nhưng đã được Thiên Chúa qua Mẹ Người đến viếng thăm. Đức Mẹ cất tiếng tạ ơn vì biết mình không xứng đáng nhưng đã được Thiên Chúa hạ mình cúi xuống thân phận nữ tỳ thấp hèn. Trong tâm tình tạ ơn, hai người phụ nữ chia sẻ cảm nghiệm về ơn Chúa mình đã nhận được. Cũng trong buổi cầu nguyện, Đức Mẹ đã chia sẻ Lời Chúa khi ôn lại lịch sử cứu độ từ ngàn xưa, trải qua Abraham, các tổ phụ, các tiên tri cho đến nay.  Tất cả đã đúc kết thành bài Magnificat tràn đầy niềm vui tươi phấn khởi và tràn đầy tâm tình tạ ơn Thiên Chúa.
4. Đức Mẹ đem Chúa đến qua việc thực hành thánh ý Chúa.
Từ ngàn xưa Thiên Chúa đã mong muốn đến với dân Người, nhưng không đến được vì tội lỗi tạo nên đôi bờ cách trở. Hôm nay khi cây cầu nối liền đất trời vừa được xây dựng, Đức Mẹ đã đem Vầng Hồng rực rỡ xuống trần gian, lập tức Thiên Chúa muốn đến gặp gỡ Dân Người. Đức Mẹ vội vã lên đường không phải là làm theo ý riêng. Nhưng theo ý Thiên Chúa qua sự tác động của Chúa Thánh Thần. Khi đến gặp Dân Người, Chúa Cứu Thế đã tỏ mình ra là Đấng không đến để được người ta phục vụ, nhưng đến để phục vụ. Để thực hành thánh ý Chúa, Đức Mẹ đã xưng mình là “nữ tỳ” của Thiên Chúa. Nhưng hôm nay Đức Mẹ cùng Chúa Giêsu trở thành tôi tớ của loài người, khi ở lại 3 tháng phục vụ bà chị họ Êlisabeth. Qua việc Đức Mẹ lau nhà, rửa bát, giặt giũ, ta thấy trước hình ảnh Chúa Giêsu rửa chân cho các tông đồ. Đó chính là điều thánh Phaolô nhắc nhở ta trong thư Rôma: “Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà… Hãy vui với người vui, khóc với người khóc. Hãy đồng tâm nhất trí, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn”.
5. Đời sống Linh mục
Chính vì những ý nghĩa cao đẹp đó mà nhiều nơi tổ chức lễ phong chức, lễ khấn dòng vào ngày lễ Đức Mẹ Thăm Viếng. Với ước mong các linh mục, tu sĩ noi gương Đức Mẹ trở thành những người đem Chúa đến cho anh em, đem niềm vui đến cho mọi người. Riêng Linh mục được mệnh danh là “Alter Christus” là “Bản Sao của Chúa Kitô” hãy phấn đấu sống như Đức Mẹ.
Nơi nào có Đức Mẹ, nơi ấy có Chúa Kitô. Ước gì người cũng có thể nói: Nơi nào có Linh mục, nơi ấy có Chúa Kitô.
Đức Mẹ là Cửa Thiên Đàng, khi đến với Đức Mẹ, người ta thấy niềm vui thiên đàng. Ước gì khi gặp Linh mục, giáo dân cũng gặp được niềm vui thiên đàng ấy.
Được ơn làm Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ đã ca tụng lòng nhân lành Thiên Chúa đã cúi xuống thương nâng phận hèn nữ tì lên. Ước gì Linh mục luôn sống khiêm nhường, và suốt cuộc đời Linh mục là bài ca tụng tình thương của Chúa.
Đức Mẹ xưng mình là nữ tì và đã phục vụ hết lòng. Ước gì Linh mục cũng trở thành tôi tớ của mọi người, noi gương Chúa Giêsu Linh Mục Thượng Phẩm, “đến không phải để được kẻ hầu người hạ, nhưng đến để phục vụ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc mọi người”.
Như Đức Mẹ, Linh mục phải là Théotokos, Người Mang Thiên Chúa. Chỉ khi mang Thiên Chúa trong mình, Linh mục mới sống đúng ơn gọi của mình. Chỉ khi mang Thiên Chúa trong mình, Linh mục mới hoàn thành nhiệm vụ của mình. Chỉ khi mang Thiên Chúa trong mình, Linh mục mới thực sự có ý nghĩa: trở thành niềm vui cho mọi người.
TGM.Giuse Ngô quang Kiệt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét