Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

Hủy Hoại Bia Đá - Tội Phỉ Báng Tiền Nhân


HỦY HOẠI BIA ĐÁ - TỘI PHỈ BÁNG TIỀN NHÂN
Giu-se Trần Minh An
Trong suốt những ngày gần đây, hàng trăm tờ báo tiếng Việt đã không ngớt đăng tải các thông tin về Chùa Trăm Gian ở xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội - một công trình được khởi dựng từ thời nhà Lý, nay bị dỡ bỏ để làm mới.


Công trình Chùa Trăm Gian này vừa mang giá trị văn hóa lại vừa mang giá trị lịch sử. Sự đập phá nó để xây lại một ngôi Chùa mới đã làm cho hằng triệu con tim phải đau đớn, xót xa, và phẫn uất. Vì đâu? Vì những hành vi vô văn hóa, dị hợm, phá hoại, và phỉ báng tiền nhân một cách có hệ thống của một số kẻ có chức có quyền nhưng lại dốt nát, hám lợi và hám danh?

Trước cảnh tượng ấy, chính GS Nguyễn Huệ Chi đã phải thốt lên rằng “Chưa có một thời nào mà những chuyện nhố nhăng kệch cỡm lại diễn ra trâng tráo như thời buổi hôm nay. Cả một Chùa Trăm Gian nổi tiếng hàng mấy trăm năm bỗng dưng bị quan chức ngành văn hóa đè ra đập phá vô tội vạ nhân danh “tôn tạo”, kỳ thực chỉ là vì khoản tiền hàng mấy chục đến cả trăm tỷ đồng béo bở gói trong cái dự án tôn tạo quái dị này.” Sự phá bỏ các công trình cổ đã và đang diễn ra hàng ngày, đã làm cho biết bao những con người có lương tri như GS Nguyễn Huệ Chi phải  “cay đắng”,  “bẽ bàng” , “cực lòng đến xốn xang bứt rứt”, và phải đặt vấn nạn: “hỏi có vạn lần vô phúc hay không?”

Khi đọc những thông tin về sự phá hoại Chùa Trăm Gian nói trên, chúng tôi lại liên tưởng đến sự việc đã diễn ra ở ngay chính làng quê của chúng tôi, tức làng Thôn Thổ hay còn gọi là Giáo họ Nghiệp Thổ thuộc xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định (Sau này, khi Đức Cha Giu-se Maria Vũ Duy Nhất, [Giáo phận Bùi Chu] quyết định nâng Giáo họ Nghiệp Thổ lên hàng Giáo xứ, thì từ đó - tức năm 1999 - làng Thôn Thổ còn được gọi với một danh xưng mới: Giáo xứ Thánh Mẫu. Danh xưng Giáo xứ Thánh Mẫu này được bắt nguồn do sự gợi ý của Linh mục nguyên chánh xứ Phao-lô Nguyễn Hòa Kiên. Tất nhiên, danh xưng này cũng có nguyên nhân từ việc Giáo họ Nghiệp Thổ đã nhận Đức Maria Mẹ Thiên Chúa làm Quan Thầy).
Trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi không có tham vọng đưa ra tất cả các chi tiết liên quan đến vấn đề sử tính, đến các công trình kiến trúc, văn hóa của Thổ Thôn, mà chỉ xin đề cập đến cách thức đối xử, thái độ phá hoại, hành vi phỉ báng của thế hệ ngày nay trước các kỷ vật do Tiền Nhân để lại mà thôi.

Những kỷ vật chính thức do các vị Tiền Nhân của Thổ Thôn để lại không nhiều. Có lẽ, một trong những kỷ vật, hay bảo vật có giá trị nhất, có ý nghĩa lịch sử và văn hóa nhất, hẳn phải là tấm Bia Cầu Đá. Xét về một khía cạnh nào đó, Tấm Bia này cũng có thể được gọi  là  một “cuốn sách cổ” được làm bằng đá, giống như “Hòm Bia Thiên Chúa”, hay Bia Đá Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội v.v, và đó là cuốn sách duy nhất mà Tiền Nhân của Thôn Thổ đã để lại. Sở dĩ người dân Thôn Thổ có thể coi tấm Bia Đá này là kỷ vật, là bảo vật  hay là “cuốn sách cổ” duy nhất của mình, vì cho đến nay, ngoài Tấm Bia này, chưa có một tài liệu cổ nào được tìm thấy ở Thôn Thổ. Xin nói thêm rằng ở Thôn Thổ chỉ có vỏn vẹn bốn công trình lớn, được xây cất vào bốn thời kỳ khác nhau: Công trình thứ nhất là Cầu Đá (1887), công trình thứ hai là Nhà Thờ phía Bắc (1923 và Đại tu năm 1986), Công trình thứ ba là Tháp Chuông Nhà Thờ phía Bắc (1975) và công trình thứ tư là Nhà Thờ phía Nam (1999).

Cả bốn công trình trên, mỗi công trình đều có tầm quan trọng riêng của nó. Nhưng đối với công trình Cầu Đá thì nó lại mang một ý nghĩa rất đặc biệt (vấn đề này xin xem bài: LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA CỦA CẦU ĐÁ, sẽ được công bố trong thời gian tới). Chính vì ý nghĩa đặc biệt này của công trình Cầu Đá mà Tiền Nhân của chúng ta đã phải lập Bia Đá cho nó. Trong khi công trình Nhà Thờ (1923), xét về hình thức thì quy mô và  rộng lớn hơn rất nhiều, lại được xây dựng gần đây hơn, thế mà Cha Ông của chúng ta đã không lập Bia Đá hay sổ vàng cho nó.
Tấm Bia Cầu Đá nói trên có chiều cao 1.2m, rộng 0.75m, và dầy 0.12m, đầu hình bán nguyệt, có tiết họa đường viền chung quanh, một mặt nhẵn bóng và mặt bên kia ít nhẵn hơn. Cả hai mặt của Bia Đá đều được khắc các chữ nho một cách tinh xảo. Phía trên đỉnh của mặt nhẵn hơn có khắc năm chữ lớn và mặt ít nhẵn hơn có bốn chữ (chữ nổi), và ở dưới là các chữ nhỏ (chữ chìm), được khắc theo hàng dọc thẳng hàng (nội dung các chữ này sẽ được bàn trong một bài viết khác).

Việc lập Bia Đá này là điều chứng tỏ cho thấy các vị Tiền Nhân của chúng ta đã rất coi trọng công trình Cầu Đá. Qua Công trình và tấm Bia Đá này, các vị Tiền Nhần còn muốn nhắn nhủ và gửi gắm nhiều nội dung quan trọng không chỉ là nội dung thi công của công trình Cầu Đá mà còn là ý nghĩa lịch sử, văn hóa, phong thủy, lời vàng thước ngọc để lại cho các thế hệ sau này. Do vậy, vì sợ việc phong hóa có thể làm cho Bia Đá bị hư hỏng, khiến cho những lời nhắn nhủ của các cụ không thể đến được với các thế hệ sau này, nên các ngài đã phải cẩn thận dựng nhà để che cho nó.

Các bậc Tiền Bối của chúng ta đã rất coi trọng công trình Cầu Đá cũng như Tấm Bia của công trình như thế. Nhưng hậu duệ của các Cụ thì sao?

Nói đến đây chúng tôi chỉ còn biết thở dài não nuột, xót xa, đau đớn, hổ thẹn và tiếc nuối. Bởi các vị Tiền Bối đã trân trọng đối với công trình Cầu Đá và Tấm Bia bao nhiêu thì hậu duệ của các Cụ lại coi thường, khinh khi bấy nhiêu.

Vì sự thiếu hiểu biết và cũng vì sự bất kính, bất hiếu đối với Tiên Tổ, nên vào năm 1975, một số trong đám con cháu của các cụ đã lấy tấm Bia Đá này để lót đường đi. Mà nếu chỉ đem Tấm Bia này làm đá lót đường thôi thì cũng đã là điều đáng trách lắm rồi, nhưng đám con cháu vô học ấy còn đem nó đặt ở dướt giọt chảy của ống thoát nước mưa từ độ cao 12m của ngọn Tháp Chuông Nhà Thờ phía Bắc (việc mang bia đá đặt dưới dòng chảy có mục đích để tránh cho dòng chảy khỏi dội trực tiếp xuống nền bê tông của tháp chuông ). Tuy nhiên, có một điều rất may rằng, áp lực của dòng chảy nước mưa đã không làm cho các con chữ (được khắc trên mặt đá) bị bào mòn, mà còn làm cho mặt Bia Đá trở nên nhẵn hơn, và các con chữ cũng vẫn còn có thể đọc được một cách dễ dàng.
Nếu sự việc chỉ dừng lại ở đây, thì vấn đề về tấm Bia Đã cũng không có gì nghiêm trọng.

Nhưng thật đáng tiếc, lớp hậu duệ tiếp theo còn ngu muội, thất đức, bạc bẽo, ngạo mạn và bất kính với Tổ Tiên hơn nhiều.

Năm 1996, do dân số của Thôn Thổ tăng lên, ngôi Nhà Thờ phía Bắc trở nên chật hẹp, vì thế mà phát sinh nhu cầu cần phải có một ngôi nhà thờ mới rộng rãi hơn để đảm bảo không gian sinh hoạt tôn giáo cho những người dân trong Thôn. Nhờ sự hỗ trợ tài chính của Đức Viện Phụ Tê-pha-nô Trần Ngọc Hoàng, một người con ưu tú của Thôn Thổ, người ta đã tiến hành khởi công xây dựng công trình Nhà Thờ phía Nam. Tuy nhiên, khi tiến hành thi công Công trình này, người ta đã biến khu vực Tháp Chuông Nhà Thờ phía Bắc trong đó có tấm Bia Đá, làm mặt bằng thi công để gia công cốt thép. Việc đặt sắt thép lên bề mặt tấm bia để gò, để cắt, để hàn…, lẽ dĩ nhiên, đã làm cho tấm bia này bị hư hại rất nhiều. Nhưng dẫu vậy thì các chữ được khắc trên đó vẫn còn có thể đọc được.
Vào năm 1999 sau khi hoàn thành công trình Nhà Thờ phía Nam, do nhu cầu cần vật liệu để làm sân thượng cuối Nhà Thờ này, lớp con cháu ấy, đứng đầu là ông Trùm Trần Thế Việt, đã đập ngọn tháp chuông Nhà Thờ phía Bắc để lấy vật liệu (tức gạch vụn). Trước cảnh tượng ngọn Tháp Chuông này bị đập phá, ông Trùm Trần Tiến Sự đã đứng từ xa, buồn bã, tiếc nuối và thốt lên rằng: Thế là hết đời Trùm Uy!



Số phận của tấm Bia Đá từ lúc đó đi theo một hướng khác.

Người ta đào tấm Bia Đá lên, rồi dùng xà beng để kích đẩy như kích đẩy một “của nợ”. Hành động thiếu cẩn trọng này đã làm cho một phần của tấm Bia bị vỡ ra, các chữ bị bào mòn hầu như gần hết. Đã vậy, lũ con cháu này còn đem tấm Bia Đá này vứt xuống rãnh thoát nước bên cạnh bờ tre trước nhà ông Trần Tiến Tụng, giống như thể người ta muốn quẳng cái "của nợ" này đi cho thật xa miễn sao cho khuất mắt vậy.
Trước cảnh tượng này, ông Trần Tiến Đoán đã nhiều lần nhắc nhở ông Trần Thế Việt, lúc đó đang là trùm chánh và là trưởng ban thi công Nhà Thờ phía Nam, cần phải tôn trọng kỷ vật của Tiền Nhân, và phải dựng tấm Bia Đá ấy lên vào một nơi xứng đáng. Thế nhưng ông Trùm Trần Thế Việt đã phớt lờ lời nhắc nhở của ông Trần Tiến Đoán.

Mặc dù những lời nhắc nhở của mình bị phớt lờ, nhưng ông Trần Tiến Đoán vẫn cứ kiên nhẫn và không bỏ cuộc. Trong một dịp thuận tiện khác, ông Trần Tiến Đoán vừa nhắc, vừa cảnh báo ông Trần Thế Việt về chuyện tấm Bia, rằng: “Nếu các ông không tôn trọng những kỷ vật của Tiền Nhân, thì con cháu các ông cũng không tôn trọng những gì mà các ông để lại đâu. Dù các ông có lập sổ vàng như đang làm hiện nay, thì rồi cũng sẽ bị con cháu chúng nó xé bỏ…”
Những tưởng ông Trần Thế Việt sẽ thức tỉnh trước lời cảnh báo rõ ràng và dứt khoát ấy, nhưng ngờ đâu ông ta vẫn phớt lờ.

Sau khi ông Trần Thế Việt kết thúc nhiệm kỳ và ông Trần Tiến Tuyên được bầu lên kế vị, ông Trần Tiến Đoán lại tiếp tục nhắc nhở người kế nhiệm này giống như ông đã từng nhắc nhở và cảnh báo ông Trần Thế Việt. Lúc đầu, ông Trần Tiến Tuyên tỏ ra lưỡng lự không muốn thực hiện, nhưng rồi không lâu sau thì ông Trần Tiến Tuyên đã hiểu ra vấn đề và đã thực hiện đúng theo lời nhắc nhở và đề nghị của ông Trần Tiến Đoán. Tấm Bia Đá đã được dựng lên ngay sát Cổng chính của Nhà Thờ, nằm bên ngoài khuôn viên Thánh Đường (hiện nay do dự án mở rộng đường liên thôn, người ta đã thay đổi Cổng chính của Nhà thờ và vì thế tấm Bia Đá hiện giờ lại nằm vào phía bên trong của khuôn viên Thánh Đường).

Như vậy, sau khi bị đặt làm đá lót đường và bị đặt ngay dưới luồng giọt chảy suốt 24 năm (1975-1999), bị “dày vò, chà sát” ba năm (1996-1999), bị đẩy kéo bầm dập trong suốt gần một buổi sáng (1999), và bị vứt bỏ dưới rãnh nước thải suốt một thập niên (1999-2009), tấm Bia Đá bây giờ chỉ còn là một cục đá trầy trụa với đầy những chỗ nứt mẻ; Chữ khắc ở mặt nhẵn hơn bị bào mòn gần như hoàn toàn, còn mặt ít nhẵn hơn thì chỉ còn có thể đọc được một phần. Như vậy, muốn tìm kiếm và đọc lại những lời vàng ngọc của Cha Ông được khắc ghi trên tấm Bia Đá ấy, đó là điều hầu như không thể đối với hậu duệ của các Ngài ngày nay. Những lời vàng ngọc mà Cha Ông để lại cho con cháu được khắc ghi trên tấm Bia Đá đã bị cuốn bay bởi sự tối tăm, ngông cuồng và thất đức của một đám hậu duệ.
Nghĩ sao mà xót xa, mà đau đớn, mà đắng lòng, mà bẽ bàng, mà nhục nhã, mà xấu hổ, mà vô phúc, mà tiếc nuối! Kẻ nào khinh thường Lời của Tiền Nhân, kẻ nào tàn phá những kỷ vật, bảo vật của các Ngài, chắc chắn sẽ phải chuốc lấy hậu họa về cho bản thân, cho gia đình cũng như cho con cháu của mình. Những kẻ này sẽ phải trả lẽ trước mặt Liệt Tổ Liệt Tông, và sẽ phải chịu sự nguyền rủa của các thế hệ sau này.


Trước khi kết thúc bài viết, chúng tôi tha thiết đề nghị ông Trùm Trần Tiến Tuyên, ngay sau khi hoàn thành Trung tâm Mục vụ (một Trung Tâm đang được xây dựng hiện nay) và sau khi di dời chỗ ở của Cha xứ Nguyễn Tốt Nghiệp và Thầy xứ Phạm Văn Trọng sang chỗ ở mới, hãy thu thập lại tất cả các phiến đá đã được dùng để xây công trình Cầu Đá trước đây, và dành một gian cuối của Nhà Thờ phía Bắc để trưng bày những phiến đá ấy. Một số phiến trong những phiến đá nói trên hiện đang nằm rải rác ở nhà ông Trần Thế Việt, cụ thể là dưới gốc cây xoài gần cầu ao của nhà ông này; số khác nằm trong sân nhà ông Trần Thế Tính; số khác nữa nằm trên đất nhà ông Trần Tiến Đoán; và số còn lại thì đang nằm rải rác ở những nơi khác. Chúng tôi cũng đề nghị ông nên di dời tấm Bia Đá về gian trưng bày nói trên.

Sau đây là hình ảnh của một số phiến đá đang nằm rải rác nơi nọ nơi kia.
NHỮNG VIÊN ĐÁ NÀY ĐANG NẰM TRÊN ĐẤT NHÀ ÔNG TRẦN THẾ TÍNH

VIÊN ĐÁ NÀY ĐANG NẰM DƯỚI GỐC CÂY XOÀI NHÀ ÔNG TRẦN THẾ VIỆT

NHỮNG VIÊN ĐÁ NÀY ĐANG NẰM TRÊN ĐẤT NHÀ ÔNG TRẦN TIẾN ĐOÁN

NHỮNG VIÊN ĐÁ ĐANG NẰM RẢI RÁC KHẮP NƠI

Giu-se Trần Minh An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét