Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

Thế Bản Và Những Vần Thơ


THẾ BẢN VÀ NHỮNG VẦN THƠ
(Giới Thiệu Thơ Trần Thế Bản)
Nhà thơ Thế Bản, tên đầy đủ là Trần Thế Bản, sinh ngày 16 Tháng  03  năm 1937 tại làng Thôn Thổ, tức Giáo xứ Thánh Mẫu hiện nay.

Người ta biết nhiều đến ông như là một đại thương gia, bởi ông rất nổi tiếng và thành công trong ngành kinh doanh trâu bò. Vào thời mà “con trâu là đầu cơ nghiệp”, ước mơ và tài sản lớn nhất của mỗi gia đình nông dân là có được con trâu thì ông đã được biết đến với tên gọi  đại gia “ba bò - chín trâu”.

Tuy nhiên, người ta không chỉ biết đến ông như một thương gia lớn, mà còn biến đến ông như là một nhà thơ nữa.

Bởi vì. mặc dù khá bận rộn với công việc của một thương gia, nhưng ông cũng dành thời gian khá nhiều để sáng tác văn chương.

Các sáng tác của ông chủ yếu là các bài thơ. Và thơ ca của ông được viết ra với đủ mọi thể loại cũng như đủ mọi chủ đề khác nhau: từ những bài ca ai oán như khóc thương người quá cố, đến những những bài ca dào dạt niềm vui được thể hiện trong những cuộc đại hỷ đón mừng các quan khách; từ những bài ca đậm chất trữ tình ca ngợi thiên nhiên, ca ngợi cuộc sống, ca ngợi con người, ca ngợi tình làng nghĩa xóm…, đến những bài thơ đầy tính cật vấn trước những thực tế cay nghiệt và nhiễu nhương của cuộc sống v.v. Tất cả đều được Thế Bản khắc họa trong những vần thơ của mình.
Vốn là con người có tâm hồn nhạy cảm với cuộc sống, với thiên nhiên, với con người; từng trải, lăn lộn trên thương trường, đa đoan, năng nổ trong công tác hoạt động xã hội, nên thơ ông lúc nào cũng giầu cảm xúc, trữ tình, lúc vội vã, lúc thư thái, lúc sầu đau, ai oán, lúc rộn ràng vui tươi, lúc thăng hoa, lúc trầm mặc, lúc chia ly, lúc hội ngộ v.v. Điểm nổi bật nhất của thơ ông là giầu tính nhân văn. Thơ ông rơi lệ với người đang khóc, hỷ hoan với người đang vui và trầm tư với những ai mang nặng nỗi niềm.

Chúng tôi không có tham vọng để chuyển tải tới quý độc giả mọi vần thơ của Thế Bản, nhưng sẽ cố gắng chuyển tải chúng tới quý vị trong trong mức độ bao nhiêu có thể. Mời quý vị đón đọc.
BBT gxthanhmaubc.

1.Kỳ I: Vô Cùng Thương Tiếc

Đây là bài thơ được Thế Bản sáng tác vào đầu tháng 12 năm 1999.

Khi nghe tin Đức Cha Giu-se Maria Vũ Duy Nhất, Giám mục Giáo phận Bùi Chu qua đời, cũng như bao người con của GP Bùi Chu, nhà thơ  Thế Bản đã vô cùng đau buồn và thương nhớ vị cha chung. Tuy nhiên, thay vì vật vã, gào thét khóc thương, thay vì bồn chồn đứng ngồi không yên, Thế Bản đã dùng cây bút để gửi gắm nỗi đau mất mát, sự nhớ thương vô hạn đối với người Cha chung của mình vào những vần thơ. Bên cạnh sự thương nhớ ấy, tác giả không quên nhắc tới những công ơn trời bể mà vị Cha chung đã dành riêng cho Giáo xứ quê hương của ông. Ông cám người quá cố và đồng thời cầu xin Trời Cao mau gửi đến Đấng Kế Vị.


VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC
ĐỨC CỐ GIÁM MỤC GIU-SE MARIA VŨ DUY NHẤT
Tạ thế ngày 11 tháng 12 năm 1999 
Bức thư mến tiếc nhớ thương
Vẩn vơ mây trắng xót xa ngàn vàng
Ngán thay sống chết đôi đàng
Ân tình cắt rẽ, làm hai đôi đường
Lòng mến thương tiếc Cha ơi
Gian nan từ thủa lên ngôi Giám quyền
Đến nay hai chục năm tròn
Chèo thuyền Giáo phận vững bền trung kiên
Biển khơi sóng gió tư bề
Vững tay chắc lái chẳng hề chuyển lay
Tứ phương Nam Bắc Đông Tây
Ba mươi lăm vạn xum vầy đoàn chiên
Bùi Chu khắp cả mọi miền
Muôn người một ý phục quyền Cha chung
Thay quyền Chúa Cả trên trời
Giữ đoàn chiên mẹ chăn đoàn chiên con
Thương ôi nay đã đến phiên
Giã từ cõi khách mà lên Thiên Đình
Cũng là Thiên Chúa công bằng
Sẽ ban phần thưởng phúc lành cho Cha
Thoạt khi nghe biết tin này
Mọi người chua xót đắng cay lòng sầu
Ruột gan co héo đắng phiền
Ngỡ ngàng tiếng sét giật mình nhớ thương
Cha ơi, cha hỡi có hay
Chuẩn xứ Thánh Mẫu chúng con đây này
Đặt bút ký Cha ban ơn
Tay vàng ấn ngọc chúng con hưởng nhờ
Cũng được ơn rộng Cha ban
Chuẩn xứ Thánh Mẫu có ngày chầu thay
Cha ơi, Cha hỡi có hay
Đây là chiên mẹ, cùng đoàn chiên con
Hợp nhau dâng lễ tạ ơn
Đền ơn đáp nghĩa đức công của Người
Xin cho Giáo phận chúng con
Mau mau có Đấng thay Cha cầm quyền
Để cho cả Chúa và chiên
Cùng nhau sum họp ngợi khen Chúa Trời
Chúng con dâng bấy nhiêu lời
Ước ao mong mỏi thấu nơi cửu trùng.

 Thế Bản tháng 12 năm 1999


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét