Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

Cuộc Họp Tại Giáo Xứ Thánh Mẫu


Cuộc Họp Tại Giáo Xứ Thánh Mẫu Ngày 29/07/2012
Những ý kiến ấy thật đa dạng và cũng thật tế nhị. Nó tế nhị đến nỗi khiến chúng tôi phải suy nghĩ và cân nhắc thật kỹ trước khi cho công bố bản tường trình này.

Và, sau khi đã cân nhắc cẩn thận cũng như thấy rằng, đây là một cuộc họp công khai, nên dù nội dung của cuộc họp có những vấn đề rất tế nhị, chúng tôi vẫn quyết định cho đăng tải để mang thông tin đến cho mọi người, đặc biệt là những người con của Giáo xứ Thánh Mẫu vì những hoàn cảnh khác nhau, như công việc, học tập, hay công tác…, đã không thể tham dự cuộc họp ấy được.


Như tin chúng tôi đã đưa, vào lúc 14g00 ngày 29 tháng 07 năm 2012 vừa qua, Giáo xứ Thánh Mẫu đã tổ chức một phiên họp khoáng đại với mục đích lấy ý kiến biểu quyết cho công tác tổ chức Đại Lễ Đức Mẹ La Vang - Quan Thầy Đệ Nhị của Giáo xứ.

Phiên họp này do chính Cha Xứ Vinh-sơn Nguyễn Tốt Nghiệp chủ tọa. Số người tham dự phiên họp khá đông, nhưng chủ yếu là những cụ lớn tuổi, rất ít các bạn trẻ tham gia.

Theo dự kiến ban đầu, phiên họp chỉ được tổ chức vì ngày Đại Lễ Đức Mẹ La Vang thôi, nhưng thực tế thì lại khác, bởi diễn biến của cuộc họp đã đi rất xa so với những gì đã được hoạch định trước. Có nhiều vấn đề được nêu ra nằm ngoài dự kiến ban đầu của ban điều hành cuộc họp. Những ý kiến được nêu ra có liên quan đến rất nhiều những vấn đề khác nhau.

Những ý kiến ấy thật đa dạng và cũng thật tế nhị. Nó tế nhị đến nỗi khiến chúng tôi phải suy nghĩ và cân nhắc thật kỹ trước khi cho công bố bản tường trình này.

Và, sau khi đã cân nhắc cẩn thận cũng như thấy rằng, đây là một cuộc họp công khai, nên dù nội dung của cuộc họp có những vấn đề rất tế nhị, chúng tôi vẫn quyết định cho đăng tải để mang thông tin đến cho mọi người, đặc biệt là cho những người con của Giáo xứ Thánh Mẫu vì những hoàn cảnh khác nhau, như công việc, học tập, hay công tác…, đã không thể tham dự cuộc họp ấy được.

Sau đây là nội dung và diễn biến của cuộc họp.

Thời gian: 14.00 -18.00, ngày 29/07/2012.
Địa điểm: Hội trường Trung tâm Mục vụ của Giáo xứ.
Thành phần tham dự: Cha Xứ, Thầy xứ và Đại diện các Hộ gia đình.
none
NỘI DUNG CUỘC HỌP:

 I.  Về Lễ Hội Đức Mẹ  La-vang:
 1.     Chương trình:

Ông Chánh Trương Trần Tiến Tuyên thông báo về Lễ Hội Đức Mẹ La-vang đã sắp tới. Ông cho biết: Ban hành giáo đã liên hệ với Đức Cha của Giáo phận, và Ngài hứa sẽ đến chủ sự Thánh lễ Chính Tiệc vào lúc 17 giờ 00 ngày 18 tháng 08 năm 2012 này. Trong Thánh Lễ ấy, Đức Cha Giáo phận cũng sẽ ban Bí Tích Thêm Sức cho hơn ba chục em của Giáo xứ chúng ta.

Theo dự kiến: Lễ Hội Đức Mẹ La-vang sẽ diễn ra từ ngày 17 tháng 08 đến hết ngày 19 tháng 08 năm 2012, mà trọng tâm là Thánh Lễ Chính Tiệc vào lúc 17g00 ngày 18 tháng 08 năm 2012.

2.     Công tác chuẩn bị:

Mỗi Giáo xóm sẽ dựng một Cột Đèn và dọn vệ sinh nơi Giáo xóm của mình. Riêng về công tác dựng Cột Đèn, rút kinh nghiệm từ những năm trước, có Giáo xóm dựng, có Giáo xóm không, nên năm nay tất cả các Giáo xóm sẽ dựng Cột Đèn tại các vị trí đã được ấn định trước đây.

3.     Tiệc liên hoan kết thúc Lễ Hội Đức Mẹ La-vang:

Ông Chánh Tuyên đưa ra ý kiến rằng: sau khi Lễ Hội kết thúc, chúng ta sẽ cùng liên hoan chung với nhau.

Tuy nhiên ông Cố Trần Viết Tiến lại có ý kiến: Tôi nghĩ rằng, chúng ta không nên tổ chức liên hoan làm gì, bởi vì nếu tổ chức ra thì ngoài việc tốn kém đã vậy, chúng ta còn mất rất nhiều thì giờ để chuẩn bị cũng như để tham dự buổi tiệc liên hoan này. Tôi bây giờ già rồi, nên chẳng còn thiết gì chuyện ăn chuyện uống nữa. Tôi đề nghị là, số tiền mà chúng ta định dùng vào bữa tiệc liên hoan, hãy dành vào việc sửa chữa lại bàn ghế trong nhà thờ. Bàn ghế trong nhà thờ chúng ta đã hư hỏng hết cả rồi mà chẳng có ai quan tâm. Nhiều khi tôi thấy rất xấu hổ đối với các Giáo dân ở các xứ ngoài đến tham dự Thánh lễ ở Giáo xứ chúng ta, vì phải để họ ngồi trên những chiếc ghế xộc xệch…

Sau ý kiến của ông Cố Tiến, ông Chánh Tuyên có ý kiến rằng: Mỗi năm chúng ta nên ngồi lại với nhau một lần, và nên ngồi lại với nhau vào dịp thuận tiện nhất. Vậy chỉ có dịp này là thuận tiện nhất trong năm thôi chứ không có dịp nào thuận tiện hơn nữa. Việc chúng ta liên hoan chung với nhau là một chuyện còn việc sửa chữa bàn ghế trong nhà thờ lại là chuyện khác. Vì vậy, chúng ta cứ tổ chức liên hoan sau khi Lễ Hội đã hoàn tất. Và cụ thể chúng ta sẽ liên hoan vào trưa ngày 19 tháng 08 năm 2012 này. Chi phí về đồ ăn thức uống của bữa liên hoan này sẽ do một mình tôi chịu, còn gạo thì đã có gạo của Giáo xứ. Những người được mời để tham dự buổi tiệc liên hoan này là như sau: a.tất cả các Giáo chức tân cựu; b.mỗi gia đình một người đại diện; c.trong trường hợp một gia đình có cả ông lẫn bà đều là Giáo chức thì cả hai ông bà đều đương nhiên được mời, và ông bà này hãy cử một người con làm đại diện cho gia đình để tham dự bữa tiệc (như vậy, gia đình ông bà này có ba người tham dự bữa tiệc).

Mọi người thống nhất với ý kiến trên của ông Chánh Tuyên.
 none
II.    Một số vấn đề khác được nêu trong cuộc họp:

Sau khi mọi người thống nhất về Chương trình cũng như công tác chuẩn bị Lễ Hội Đức Mẹ La-vang, nhiều vấn đề khác không nằm trong nghị trình, đã được các vị đại biểu nêu ra trong cuộc họp. Cụ thể như sau:

1.     Góp thóc nuôi Cha Xứ và Thầy Xứ

Ông Trưởng Trần Viết An nêu ra ý kiến về chuyện góp thóc để nuôi Cha Xứ và Thầy Xứ. Trong ý kiến của mình, ông Trưởng an nhấn mạnh: nếu Tòa Giám Mục ra quy định rằng, Giáo dân phải góp thóc để nuôi Cha, nuôi Thầy, thì chúng tôi sẽ đóng góp không thiếu một hạt. Nhưng nếu chuyện này là do tự nguyện thì xin hãy để chúng tôi tự nguyện theo khả năng của mỗi chúng tôi, đừng nên đỏi hỏi chúng tôi, đừng đưa ra chỗ chung để rêu rao và bêu diếu…

Tiếp theo ý kiến của ông Trưởng An, ông Trưởng Trần Viết Mão có ý kiến rằng: sở dĩ Giáo xóm chúng tôi bức xúc về chuyện góp thóc là vì chuyện góp thóc (không đủ theo chỉ tiêu) của Giáo xóm chúng tôi cứ bị Ban hành Giáo và Thầy Xứ đưa ra chỗ chung để nói. Còn việc chúng tôi góp thóc không đủ là thế này: ông Bột yêu cầu mỗi gia đình chúng tôi đóng góp 10 cân thóc (10kg), nhưng người ta lại hiểu rằng 10 cân có nghĩa là mười bơ, nên người ta đã đóng đúng 10 bơ. Mà 10 bơ thóc thì không đủ 10kg thóc, vì mỗi bơ chỉ được có từ 0,7-0,8kg thôi. Bởi vậy mà số thóc được đóng góp đã không đủ theo quy định. Xin Cha, Thầy xứ và Ban Hành Giáo thông cảm, đừng nhai đi nhai lại chuyện thóc lúa bị đóng thiếu nữa, khổ tâm chúng tôi lắm…!

2.     Ban hành giáo thiếu sót trong việc chu toàn trách nhiệm:

Ông Trương Trần Viết Nguyện có nêu ra rằng: trong thời gian vừa qua, một số việc liên quan đến Giáo xứ nhưng Ban hành giáo đã không quan tâm đầy đủ, chẳng hạn như việc tát hồ của Giáo xứ vào giữa tháng 06 vừa qua. Trong việc tát hồ này, Ban Hành Giáo đã không nom ròm gì, để mặc cho Giáo dân phải tự làm… Ngoài ra, trong đám an táng bà cụ Bao (thuộc Giáo họ Nghiệp Đạt, Giáo xứ Quần Cống), gia đình nhà hiếu đã đưa tiền một cách đàng hoàng cho Ban Hành Giáo để xin phúng viếng và cầu nguyện cho bà Cụ Bao. Nhưng Ban Hành Giáo đã thông tin ra ngoài rằng, nhà hiếu chỉ đưa phong bì mà không đưa tiền, khiến cho câu chuyện trở nên hoang mang, ầm ĩ và dĩ nhiên gây mất mặt cho gia đình nhà hiếu…. Đề nghị Ban hành Giáo nên rút kinh nghiệm.

Sau ý kiến của ông Trương Nguyên, ông Phó Chánh Trương Trần Tiến Hiệp có ý kiến như sau: về đám ma bà cụ Bao: Chiều hôm ấy, khi tôi về nhà thì vợ tôi trao cho tôi một cái phong bì và nói rằng, Chị Thắm – vợ ông Chánh Tuyên – mới mang đến cái phong bì này và nói, đây là số tiền của gia đình nhà hiếu gửi đến Ban Hành Giáo để xin Giáo xứ phúng viếng và cầu nguyện cho bà Cụ Bao. Tôi cầm lấy chiếc phong bì này và mở ra, nhưng không thấy tiền đâu hết, chỉ thấy chiếc phong bì rỗng… Tôi liền gọi điện cho ông Chánh Tuyên để báo cáo tình hình và xin ý kiến chỉ đạo. Tôi nói với ông Chánh Tuyên rằng: nhà hiếu không có tiền thì có đi phúng viếng không? Ông Chánh Tuyên bảo tôi rằng, không có tiền thì vẫn cứ phải đi phúng viếng và cầu nguyện cho bà cụ Bao. Tôi đã làm theo ý kiến của ông Chánh Tuyên. Tuy nhiên sau đó Cháu Quốc có nói với tôi rằng, nó sợ tiền để trong phong bì không được an toàn, nên nó đã rút tiền ra khỏi phong bì… , rồi sau đó gắn phong bì lại, đem phong bì cất vào tủ còn tiền thì nó đem cất chỗ khác….

Sau ý kiến trên, ông Phó Hiệp cũng nhắc ông Trương Nguyện về chuyện ông đã không chu toàn trong công việc của mình, cụ thể đã không có mặt đầy đủ để thi hành nhiệm vụ trong các buổi Lễ. Chẳng hạn như trong Lễ Giỗ ba năm của ông Cố Sử, ông Trương Nguyện đã vắng mặt, dẫn đến việc không có ai xử lý khi xảy ra sự trục trặc về điện…

Ông Trương Nguyện trả lời rằng, tất cả mọi buổi Lễ, tôi đều có mặt. Tôi chưa hề vắng mặt trong một buổi Lễ nào. Nhưng riêng về Lễ Giỗ của ông Cố Sử, sở dĩ tôi vắng mặt là vì, Thánh Lễ này được cử hành ngoại lịch, và hơn nữa, không ai báo cho tôi biết có Thánh Lễ đó.

3.     Vấn đề liên quan đến Dự án đường:

[Trước khi đề cập đến vấn đề liên quan đến Dự án đường, chúng tôi phải mở ngoặc để nói thêm rằng: Kể từ hai năm nay, với quyết tâm phát triển nông thôn, Chính phủ đã, đang và sẽ rót tiền về một số địa phương để nâng cấp và mở mới một số công trình, mà chủ yếu là các công trình thuộc về cầu đường và thủy lợi. Xã Thọ Nghiệp mà trong đó có Giáo xứ Thánh Mẫu, thuộc 15 xã đầu tiên trong toàn quốc được chọn để thử nghiệm dự án phát triển nông thôn này. Theo kế hoạch của dự án, đoạn đường trung tâm của Giáo xứ Thánh Mẫu, với kích thước có sẵn là 5m chiều rộng, sẽ được nâng cấp thành 7m50 (bao gồm cả lề đường). Và để có thể mở được như dự án thì Giáo xứ Thánh Mẫu bắt buộc phải lấp bớt mặt hồ (đúng ra là 1 phần của góc hồ phía Tây Nam) của Giáo xứ. Mọi người đều nhất trí lấp bớt hồ để mở rộng đường, nhưng riêng ông bà trùm Việt thì không đồng ý. Không những thế, ông bà trùm Việt còn đe dọa đổ máu nếu ai đó dám đụng vào bờ hồ hay cây cau nằm sát ngay bên bờ hồ. Việc ra sức ngăn cản của ông bà trùm Việt đã làm cho dự án bị trì trệ suốt hai năm nay.

Không thể kiên nhẫn với thái độ của ông bà trùm Việt được nữa, vào tối ngày 13 tháng 06 năm 2012, toàn thể bà con trong Giáo xứ Thánh Mẫu đã tổ chức một cuộc họp để quyết định lần cuối có hay không chuyện lấp bớt hồ. Và Giáo xứ đã nhanh chóng đi đến quyết định là sẽ lấp bớt hồ để mở rộng đường. Việc tát và lấp hồ được giao cho ông Bạ Trần Thế Bản đứng đầu. Kinh phí của việc tát và lấp hồ này là 16.000.000 VNĐ, do ông Trưởng Trần Thế Thơ tài trợ.].

Về vấn đề liên quan đến Dự án đường, ông Nguyên Chánh Trương Trần Thế Việt có ý kiến như sau: theo Dự án thì đường chỉ rộng có 3.5m, chứ không phải là 5m như mọi người nói. Còn hiện nay là 5m là do các ông tự xin ra. Nếu các ông đừng xin bên Dự án làm đường để họ mở rộng ra thành 5m, mà cứ chỉ làm có 3.5m theo dự kiến ban đầu, thì không phải lấp góc bồ hồ đi.

Sau khi ông Nguyên Chánh Trương Việt phát biểu, có nhiều vị nói xì xào với nhau rằng, theo dự án thì mặt đường rộng 5m chạy dài từ cầu nhà ông Khang đến tận khu vực Lăng Mộ của cụ Điệng, chứ không phải là 3.5m; và mặt đường sẽ bằng bê tông nhựa asphalt chứ không phải là bê tông xi măng như hiện nay.

Ông Phó Trương Tụng liền lên tiếng hỏi rằng, có ông nào biết cụ thể, theo dự án thì đường rộng 3,5m hay 5m không? Ông nào biết chính xác thì xin nói rõ trong cuộc họp….

Tuy nhiên cả ông Nguyên Chánh Trương Việt và mọi người trong cuộc họp đều không thể trả lời dứt khoát câu hỏi do ông Phó Trương Tụng nêu ra.

Không trả lời cầu hỏi của ông Phó Trương Tụng, nhưng ông Nguyên Chánh Trương Việt lại tiếp tục phát biểu rằng: Vì các ông lấp hồ đi để mở rộng đường ra, nên đã gây tốn kém nhiều. Chi phí của việc này mất tới 24 triệu đồng. Chỉ có bà Cố Ngân chịu cho được 5 trăm nghìn đồng, còn lại bao nhiêu thì ông Bạ Bản phải chịu hết. Nhà ông Bạ Bản mới bán mảnh đất được 70 triệu. Số tiền này được ông bà Bạ Bản đem gửi ngân hàng để lấy tiền lời dưỡng già. Bây giờ không có tiền để thanh toán cho người ta, ông Bạ bản phải rút số tiền gửi Ngân hàng ấy để thanh toán. Chuyện này đang làm cho gia đình ông Bạ Bản bị lục đục. Vợ con ông Bạ Bản đang dằn vặt, cấu xé và cắn rứt ông ấy…

Ngay sau ý kiến của ông Nguyên Chánh Việt, ông Nguyên Bạ Trần Thế Bản phát biểu như sau: Việc lấp bờ hồ này chỉ mất có 16 triệu thôi, chứ không phải 24 triệu như ông Việt vừa nói. Và với 16 triệu này thì tôi chẳng mất một đồng nào cả, người ta đã cho tôi hết. Khi làm bất cứ một việc gì, tôi cũng đều hỏi ý kiến vợ con của tôi. Không có chuyện vợ con tôi cắn rứt tôi đâu….

Tiếp theo lời phát biểu của ông Nguyên Bạ Bản, ông Phó Trương Trần Tiến Tụng có ý kiến: xin các ông ăn nói cho đàng hoàng vào. Có thì nói có, không thì nói không. Người ta làm chỉ hết có 16 triệu thôi, thế mà bịa ra 24 triệu. Vợ con người ta đuề huề với nhau thế mà lại bịa ra chuyện họ cắn rứt nhau – thật quá đáng. Các ông già rồi, lại là những người có danh có phận, nên các ông phải ăn nói cho chuẩn, cho đàng hoàng vào. Già như các ông mà vẫn còn ăn nói lung tung thì thiên hạ họ cười vào mặt cho đấy…!

Sau ý kiến của ông Trương Tụng, ông Chánh Tuyên lên tiếng: theo dự án ban đầu, tất cả mọi gia đình ở hai bên đường đều phải dời hàng rào vào trong để lấy đất mở rộng đường. Thế nhưng cho đến nay, khi mà dự án đã gần xong, thì tại sao chỉ có những gia đình nằm bên phía nhà thờ và chính nhà thờ phải dời hàng rào vào để lấy đất làm đường, còn những gia đình nằm phía bên nhà ông trùm Việt thì không những không bị mất đất mà còn được thêm đất?

Ông Trương Tụng nói: nếu việc đất đai này bây giờ chưa rõ thì sau này chúng ta sẽ phải làm rõ….

Ý kiến của ông Cố Trần Văn Tiến: Tôi thấy từ đầu đến giờ chẳng ai dám nói thật cả, toàn nể nái nhau thôi, chẳng ai dám nói thật. Bây giờ thì tôi xin nói thật. Nếu không nói thật ra thì cái ấm ức về con Đường này cứ kéo dài mãi, sẽ đi đến chỗ mất đoàn kết. Ông Trùm Việt ạ, ông thông cảm nhá, tôi chẳng có gì mâu thuẫn với ông hết. Mà nói thật thì khó nghe. Cả giáo xứ này người ta oán hận ông, 90 phần trăm, 95 phần trăm người ta oán hận ông. Cả xứ này người ta sợ hãi ông bà trùm Việt, sợ ông bà ông Việt thù, vì đụng một tí thì ông bà Việt đe đổ máu, đụng một tí thì ông bà ấy sai con đến đánh, đến khủng bố. Khi làm cái bờ hồ này, mọi người bảo nhau phải làm mau cho xong, không có thì bà Việt đi viện về, bà ấy phá, không thể làm nổi. Cả bà Cố Ngân cũng sợ bà Việt, nên vì vậy mà bà Cố Ngân phải bỏ cả công ăn việc làm riêng của mình để ra đây làm với mọi người cho nó mau xong. Đã vậy, bà ấy còn phải bỏ cả tiền ra nữa để miễn sao cho công việc chóng hoàn thành. Nếu không hoàn thành sớm thì sẽ có nguy cơ bị phá bởi bà Việt. Cả xứ này người ta sợ sự khủng bố của ông Đĩnh con ông trùm Việt, nên vì vậy mà không ai dám nói động đến nhà ông trùm Việt. Tôi bây giờ đã 73 tuổi đầu rồi, tôi có chết cũng được. Vì vậy mà tôi phải nói thật để cho tâm hồn tôi nó được thanh thản, rồi có bị giết, bị chết cũng được… Cả xứ này họ oán hận gia đình ông bà trùm Việt. Con đường trước mặt nhà thờ chúng ta đây đang thẳng thắn và rộng rãi, bỗng trở nên chật hẹp, quanh co và méo mó là do đâu? – Là do ông bà trùm Việt hết. Con đường này đáng lý nó phải rộng hơn chứ không chỉ có 5m như bây giờ. Là do đâu? – Là do ông bà trùm Việt cả. Tôi hỏi thật ông trùm Việt, ông hãy trả lời câu hỏi của tôi với tất cả lương tâm của ông đi: có hay không chuyện ông đút 5 triệu đồng cho Dự án để cho Dự án làm theo ý của ông, đế lái đường sang bên đất Nhà thờ, làm thiệt hại đất của Nhà thờ, và lợi cho bên nhà ông? – Tôi nghe rất nhiều người nói rằng, ông đã đút tiền cho Dự án để họ thi công theo ý của ông, khiến cho ông được lợi về đất, còn đất của Giáo xứ thì bị thiệt hại…  Có hay không chuyện đó, ông hãy trả lời thật đi…!!!

Không thấy ông Nguyên Chánh Việt trả lời gì, chỉ thấy ông ấy đến gần, ghé vào tai ông Cố Tiến và nói cái gì đó, những người ngồi bên cạnh không ai nghe thấy gì.

Sau ý kiến của ông Cố Tiến, bà Cố Ngân lên tiếng: trong lúc phát biểu, Bác Tiến có nói rằng tôi sợ bà Việt, nhưng thực ra thì không phải vậy. Ai sợ thì sợ, chứ tôi không có sợ hãi gì bà Việt cả. Bà Việt cũng chỉ là một thành viên của Giáo xứ này, nên không có gì khiến tôi phải sợ bà ta. Sở dĩ tôi đã tham gia trong việc tát và đắp bờ hồ, là vì tôi thấy đó là công việc cần thiết nên tôi đã tham gia, chứ không phải vì tôi sợ bà Việt nên tôi mới tham gia. Việc tôi bỏ tiền ra, đó cũng là do tôi thấy nó cần thiết, chứ không phải vì tôi sợ bà Việt….

Sau khi bà Cố Ngân phát biểu, ông Nguyên Chánh Việt lên tiếng: Cái bà Ngân kia kìa! Hôm nào bà nói chúng tôi ở nhà ông Tuyên rằng, các ông làm thế này, các ông làm thế kia…! Không biết bà nói tôi hay nói ông Tuyên? Bà nói ở nhà ông Tuyên, chứ nói ở cuộc họp là tôi không để yên đâu!

Bà Cố Ngân trả lời: Đúng lá tôi có trách các ông tại nhà ông Chánh Tuyên rằng: Ngàn năm mới có một lần. Dự án người ta đưa đến cho, người ta làm cho hết, chúng ta không phải mất một đồng nào, thế mà tại sao không nắm bắt lấy để làm cho tốt? Các ông không làm cho con đường này nó tốt đẹp, tương lai, con cháu sau này, chúng sẽ nguyền rủa các ông đấy! Các ông được người dân bầu lên, các ông phải theo ý kiến chung của người dân, không được làm theo ý riêng của ai, và cũng không phải sợ ai cả!

Sau ý kiến của bà Cố Ngân, không ai có ý kiến gì về vấn đề Dự án đường nữa. Ông Chánh Tuyên chuyển sang vấn đề thi công bờ bao (tường hoa) phía Nam Nhà thờ và Trung tâm mục vụ.

4.     Trung Tâm Mục Vụ và Tường Bao phía Nam Nhà Thờ:

Ông Chánh Tuyên đưa ra phương án, đồ án và dự toán thi công Trung Tâm Mục Vụ và Tường Bao phía Nam Nhà thờ như sau: Trung Tâm Mục Vụ sẽ nằm ở khu vực phía Nam Nhà thờ, mặt lưng giáp với nhà ông Tịch, mặt tiền nhìn về hướng Tây và sẽ được sử dụng để làm Nhà Xứ, nhà Giáo Lý và các sinh hoạt Mục Vụ khác.

Kinh phí để thi công công trình nói trên, ngoài sự tài trợ của các nhà hảo tâm, số còn lại mỗi hộ gia đình sẽ phải đóng góp. Bên cạnh việc đóng góp để thi công các công trình nêu trên, các hộ gia đình cũng còn phải đóng góp để chi trả cho các gia đình mà họ đã bị mất đất trong việc mở rộng đường như đã được đề cập ở mục II.3 nói trên. Hạn mức đóng góp sẽ được bàn sau.

Sau khi thảo luận và xem xét, mọi người tham dự cuộc họp đều thống nhất với phương án, đồ án và dự toán do ông Chánh Tuyên đưa ra.

Cuộc họp kết thúc lúc 18 giờ 00 cùng ngày.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét