Thứ Tư, 7 tháng 11, 2012

Trận Bão Số 8 Và Những Hậu Quả Của Nó Tại Giáo Xứ Thánh Mẫu


Trận Bão Số 8 Và Những Hậu Quả Của Nó Tại Giáo Xứ Thánh Mẫu
Như chúng ta đã biết, vào ngày 28 tháng 10 năm 2012 vừa qua, trận bão số 8 đã tràn vào một số các tỉnh phía Bắc, trong đó có tỉnh Nam Định.


Là một vùng trũng thuộc tỉnh Nam Định nên Giáo xứ Thánh Mẫu đã phải gánh chịu mọi hậu quả do trận bão này gây ra.  Nhiều người dân Thánh Mẫu cho  rằng, đây là trận bão lớn nhất  mà họ từng chứng kiến trong đời. 

Ông Trần Tiến Truật đã so sánh trận bão này giống với trận bão bão xảy ra vào ngày 05 tháng 09 năm 1986 . Hai trận bão này có chung một điểm là đều diễn ra vào ban đêm. Tuy nhiên, vẫn có điều khác biệt ở đây, bởi trận bão số 8 này đã xảy ra với thời gian dài hơn và cường độ cũng mạnh hơn so với trận bão năm 1986.  Trận bão số 8 này kéo dài suốt gần 10 tiếng đồng hồ: từ 4 giờ chiều đến gần 2 giờ đêm. Gió lớn thổi liên tục kèm theo mưa xối xả đã khiến trận bão này khác xa với trận bão xảy ra vào năm 1986. Bởi trong trận bão 1986,  gió đã thổi không liên tục và mưa cũng không nhiều.

Rút kinh nghiệm từ trận bão năm 1986 nên người dân Thánh Mẫu đã kiên cố hóa nhà cửa của mình cũng như các cơ sở hạ tầng khác. Vì thế mà trận bão số 8 vừa rồi đã không gây thiệt hại về nhà cửa nhiều cho bằng trận bão năm 1986, chỉ có một số nhà lợp ngói, lợp pro xi-măng, hay lợp tôn thì bi thiệt hại thôi, chẳng hạn như nhà ông Quản Trần Tiến Ruyến, ông Quản Trần Viết Mỹ, hay ông Quỹ Trần Tiến Khương v.v. Thiệt hại nhất xét về nhà cửa có lẽ là nhà cụ Trần Thế Minh. Tuy nhiên, xét về hoa màu ruộng đất và các tài sản khác thì trận bão này gây thiệt hại hơn rất nhiều so với trận bão năm xưa, bởi vào thời điểm hiện nay, người dân Thánh Mẫu đang đầu tư khá mạnh vào lãnh vực  chăn nuôi cũng như trồng trọt. Trận bão bất ngờ xảy đến khiến không ai có thể xoay sở kịp.

Nhưng dầu sao thì cũng còn rất may, bởi gần như 100% các hộ gia đình ở Thánh Mẫu đều đã thu hoạch xong vụ Mùa, nên không bị thiệt hại nhiều về lúa, có chăng thì chỉ một ít thóc lúa bị nảy mậm thôi vì bị nước tràn vào kho gây ngập ướt .

Bà trưởng Trần Thị Phụng cho biết:  "trong nhà nước mưa như ngoài trời".

Nhìn vào Giáo xứ Thánh Mẫu hiện nay, người ta không khỏi không thấy ngao ngán. Từ cây to tới cây nhỏ, tất cả đều đã bị bão quật  đổ hết. Trước khi bão xảy ra, nhìn vào Thánh Mẫu, người ta thấy tất cả đều xanh ngắt một màu. Nhưng giờ đây không đâu còn bóng dáng của màu xanh nữa, mà toàn là sự ngổn ngang và trơ trụi.

Những ai đầu tư vào việc canh tác thì bị thiệt hại đã vậy, nhưng những hộ gia đình nuôi cá cũng bị thiệt hại không kém. Tất cả gia đình nào có hồ thì đều bị mất trắng hết, bởi nước ngập cao hơn bờ hồ từ 20 cm đến 60cm. Ông Quản Trần Tiến Truật cho biết, gia đình nhà ông thiệt hại khoảng từ 1 đến 2 tấn cá các loại, trong đó chủ yếu là cá trắm cỏ. 

Bên cạnh sự thiệt hại về mặt kinh tế là, trận bão còn gây ra một sự thiệt hại thật khủng khiếp về môi trường nữa.Môi trường đã bị ô nhiễm một cách nghiêm trọng sau khi trận bão đi qua. Rơm rác bị cuốn ra sông, gây ách tắc dòng chảy, khiến cho cảnh ngập úng cứ kéo dài mãi.  Nước sông vốn đã bị ô nhiễm trầm trọng bởi rác rến, lại càng trở nên trầm trọng hơn do cá chết nổi trắng đầy sông. Vào chiều ngày 04/11/2012, ở đầu Sông Cụt, có người vớt được hàng tạ cá chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ. Cá ở ngoài sông chết là thế, mà ngay cả cá còn sót lại trong các hồ ao cũng chết nổi lên như vậy.

Đúng là khốn khổ chồng chất. Dù cơn bão đã qua đi hơn một tuần rồi, thế mà cho đến hôm nay (07/11/2012), điện lưới cũng vẫn chưa có. Khi đêm đến, cả xứ Thánh Mẫu chìm nghỉm trong bóng tối. Mọi sinh hoạt về đêm của các gia đình đều phụ thuộc vào cây đèn "hoa kỳ" truyền thống hoặc đèn cầy.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật về những thiệt hại do trận bão số 8 gây ra cho Giáo xứ Thánh Mẫu, cũng như những cố gắng của người dân Thánh Mẫu trong việc khắc phục những thiệt hại này.

TCH.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét