Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Đến Với Chúa Giê-su Trong Bí Tích Thánh Thể

Đến Với Chúa Giê-su Trong Bí Tích Thánh Thể 

Trần Thanh Hoài

“Chúa Giê-su không cần người ta đến sùy sụp hay bái lạy trước Thánh Thể. Nhưng Chúa Giê-su chỉ muốn người ta hành động như chính Ngài đã hành động nơi Bí Tích Thánh Thể mà thôi, tức là biến bản thân mình trở nên của ăn cho người khác.”



Chắc hẳn mỗi người trong chúng ta đều cũng đã từng nếm trải qua ít nhất là một lần trong đời về nỗi cô đơn: cô đơn khi thiếu vắng người thân bên cạnh, cô đơn khi phải ở nhà một mình, cô đơn khi bị người yêu bỏ rơi, đặc biệt là cô đơn khi người khác không hiểu mình... thì hẳn mỗi người chúng ta cũng có thể hiểu được phần nào nỗi cô đơn của Chúa Giê-su nơi nhà tạm.


Thực ra, Chúa Giê-su là Thiên Chúa và là một hữu thể tròn đầy, nên Ngài không có bị cô đơn như cách hiểu của chúng ta đâu. Tự Ngài là sự tròn đầy cho chính Ngài rồi, và hơn nữa, luôn có hàng ngàn hàng vạn các Thiên Thần bên cạnh, nên ngài không thể nào bị cô đơn được.

Tuy nhiên, vì yêu thương con người nên Ngài đã chấp nhận để trở thành một con người như chúng ta. Và vì đã chấp nhận trở nên một con người như chúng ta nên Ngài cũng chấp nhận gánh lấy tất cả những gì thuộc về thân phận của con người chúng ta: cũng biết yêu biết ghét (yêu điều thiện và ghét điều dữ), cũng cảm thấy được vỗ về khi có người thân bên cạnh, và cũng cảm thấy cô đơn trống vắng khi bị bỏ rơi, khi bị hiểu lầm….

Tình yêu của Chúa Giê-su đối với con người được diễn tả một cách tròn đầy nơi Bí Tích Thánh Thể. Bởi vì chính nơi Bí Tích này, Chúa Giê-su đã tự hiến để trở thành của ăn cho nhân loại. Cái chết ô nhục của Chúa Giê-su trên Thánh giá có nghĩa là gì nếu không phải là để nói với nhân loại rằng, Ngài đã thực sự trao hiến chính bản thân của Ngài để làm của ăn cho họ.

Xưa nay chúng ta chưa nghe nói tới chuyện có một người nào đó dám tự nguyện biến thân mình làm của ăn cho người khác bao giờ. Chúng ta càng không nghe thấy chuyện có một vị thần nào đấy dám tế hiến chính bản thân mình cho nhân loại. Chúng ta chỉ nghe thấy chuyện những người có chức có quyền bắt người dưới phải cung phụng mình thôi. Cũng thế, chúng ta chỉ nghe thấy chuyện các thần linh bắt con người phải dâng tiến lễ phẩm cho mình…

Ấy thế mà Thiên Chúa của chúng ta thì lại hành động một cách hoàn toàn ngược lại. Ngài không bắt con người phải tế hiến cho Ngài, nhưng Ngài lại tế hiến chính bản thân của Ngài cho con người. Không những thế, Thiên Chúa còn biến chính bản thân mình để làm của ăn hằng ngày cho con người nữa.

Khi biến bản thân mình làm của ăn cho nhân loại, Thiên Chúa đâu có đòi hỏi con người phải làm chuyện gì ghê gớm đâu. Ngài chỉ yêu cầu họ rằng, một khi đã ăn thịt Ngài thì cũng hãy bắt chước Ngài để trở nên của ăn cho người khác mà thôi. Ngài không cần người ta phải làm những chuyện có tính to tát, long trọng hay hoành tráng để nhớ đến Ngài, nhưng Ngài chỉ yêu cầu người ta thực hiện có mỗi một việc duy nhất: Anh em hãy làm điều này – tức điều Thầy vừa làm – để nhớ đến Thầy,  mà thôi.

Như vậy, khi trở thành của ăn cho người khác trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giê-su không muốn người ta cứ đến trước mặt Thánh Thể để sùy sụp, để kính lạy, rồi sau đó không biết phải làm chuyện gì nữa.

Chúa Giê-su không cần người ta đến sùy sụp hay bái lạy trước Thánh Thể. Nhưng Chúa Giê-su chỉ muốn người ta hành động như chính Ngài đã hành động nơi Bí Tích Thánh Thể mà thôi, tức là biến bản thân mình trở nên của ăn cho người khác.

Vì thế, chỉ khi chúng ta đến với Bí Tích Thánh Thể để học lấy từ Thánh Thể cách tế hiến chính bản thân mình, cũng như múc lấy từ nơi Bí Tích Thánh Thể nguồn sức mạnh để rồi lên đường biến mình làm của ăn cho người khác, lúc đó chúng ta mới thực sự làm cho chúa Giê-su vui và lúc đó việc đến với Bí Tích Thánh Thể của chúng ta mới có ý nghĩa. Những cuộc cung nghinh Thánh Thể thật linh đình và hoành tráng, với hàng ngàn người tham dự cùng với cờ xí, trống kèn rợp trời, nhưng chưa hẳn đã làm cho Chúa Giê-su vui. Nó chỉ làm cho chúa Giê-su vui khi những cuộc rước linh đình này thúc đẩy người ta thực hiện hơn nữa lời căn dặn của Chúa: anh em hãy làm việc này để nhớ đến Thầy. Tuy nhiên, những cuộc rước xách linh đình đó sẽ làm cho Chúa Giê-su rất buồn nếu nó trở thành lý do khiến người ta quên bẵng đi mất lời trăn trối trên kia của Chúa.

Tuy nhiên, trong thực tế, ít có ai tham dự các cuộc rước hay đến với Bí Tích Thánh Thể để học và để múc lấy nguồn sức mạnh cho sự hiến tế của chính bản thân mình. Nhiều người tham dự các cuộc rước hay đến với Bí Tích Thánh Thể thường chỉ là vì thói quen, hay cũng có thể là vì những lý do khác.

Vì thế, dù có nhiều người đến sùy sụp trước Thánh Thể cũng như có rất nhiều những cuộc cung nghinh Thánh Thể thật hoành tráng, nhưng chắc hẳn Chúa Giê-su vẫn không cảm thấy vui, mà có khi Ngài còn cảm thấy buồn, thấy cô đơn nữa là khác. Ngài buồn và cô đơn vì Ngài cảm thấy có quá ít những con người dám đi trên con đường mà Ngài đã đi; Ngài buồn và cô đơn vì xem ra chẳng mấy ai lưu tâm đến lời trối trăn của Ngài: anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.

Chính vì quên mất lời trăn trối của Chúa Giê-su, nên người ta đâu có thấy được ý nghĩa đích thực của việc đến với Bí Tích Thánh Thể. Và vì không hiểu được như thế, nên nhiều người cho việc đến với Bí Tích Thánh Thể là một chuyện nhàm chán. Và dĩ nhiên, khi coi việc gì đó là nhàm chán thì người ta sẽ không làm nữa.

Và đó là một thực trạng đang xảy ra nơi các Giáo xứ của chúng ta.

Trong dịp hè vừa qua, Chúa đã cho tôi có được cơ hội để cảm nghiệm một cách sâu sắc về nỗi cô đơn của Chúa Giê-su nơi nhà Tạm. Tôi tập đệm đàn một mình trong một ngôi Thánh Đường khá lớn. Trong suốt gần môt tháng, tôi thấy rằng, từ ngày nọ qua ngày kia, trừ những lúc có Thánh Lễ hay có việc này việc nọ ra,  không hề có lấy một bóng người bước vào nhà thờ.

Vì thế tôi nghĩ rằng, chắc hẳn là Chúa đã cảm thấy rất buồn và cô đơn. Tới giờ có Thánh Lễ, mọi người đến gặp Chúa được khoảng 1 giờ đồng hồ, sau đó vội vã ra về với người thân hay với cái gì đó, để Chúa ơ lại một mình trong sự chờ đợi, mong mỏi và cô đơn.

Lạy Chúa, chúng con xin lỗi Chúa vì chúng con đã quên lời trăn trối của Chúa. Chúng con thưa lời A-men thật to khi chúng con lên đón nhật Mình Thánh Chúa, nhưng rồi ngay sau đó chúng con đã quên béng đi mất lời mình vừa cam kết. Khi chúng con thưa lời A-men trước Thánh Thể, có nghĩa là chúng con cam kết với Chúa rằng, chúng con sẽ thực hiện theo cách mà Chúa vừa thực hiện cho chúng con nơi Bí Tích Thánh Thể, tức là biến thân mình thành của ăn cho người khác, nhưng chúng con lại làm ngược lại. Xin Chúa tha thứ cho chúng con cái tội dám lừa dối Chúa và lừa dối mọi người đó.

Xin Thánh Thần Chúa thúc đẩy chúng con biết không ngừng chạy đến với Bí Tích Thánh Thể, để rồi từ việc gặp gỡ với Chúa Giê-su Thánh Thể, chúng con học được cách thức trao hiến của Chúa, kín múc được nguồn sức mạnh từ Thánh Thể, hầu ra đi thực hiện lời trăn trối của Chúa: anh em hãy làm việc này để nhớ đến Thầy.

Trần Thanh Hoài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét