Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Ngắm nhìn Thiên Chúa từ những phạm trù của chúng ta

Ngắm nhìn Thiên Chúa từ những phạm trù của chúng ta (Bài Giáo Lý thứ 5 của ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI trong Năm Thánh Đức Tin)

(Jos. Trần – CTV của Gx Thánh Mẫu Bc – chuyển ngữ từ nguồn: http://de.radiovaticana.va/index.asp).

Anh chị em thân mến!

Hôm nay, trong bài Giáo Lý về Đức Tin, tôi muốn nói về sự khôn ngoan của Đức Tin vào Thiên Chúa. Thiên Chúa không phải là một cái gì đó phi lý và ngớ ngẩn, tức cái đi ngược lại với lý trí của con người. Ngài là một huyền nhiệm, và việc chiêm ngưỡng huyền nhiệm sâu thẳm này được ví như một hành vi nhìn vào mặt trời mà thoạt đầu người ta chỉ thấy toàn bóng tối. Như vậy, đây là một mầu nhiệm không hề có tính phi lý, nhưng là sự tràn trề về ý nghĩa và chân lý – tức nguồn sáng đích thực.


Trước hết, mầu nhiệm của Thiên Chúa có thể hiện ra nơi chỗ tăm tối của lý trí. Nhưng Đức Tin trao cho chúng ta một thứ có thể được coi như một khả năng để nhận thức, để nhìn thấy và để tiếp nhận được ánh sáng của Thiên Chúa – một thứ ánh sáng đã đột nhập vào trong lịch sử giữa Thiên Chúa và nhân loại chúng ta để rồi giúp chúng ta nhận ra được ánh sáng đích thực.

Chính Thiên Chúa đã trở nên thân thiện và gần gũi với con người, đến nỗi có thể nói được rằng, Ngài đã gian díu với con người; Ngài đã tự hạ mình xuống với những tiêu chuẩn và những cách đánh giá của con người để con người có thể nhìn thấy Ngài từ cách đánh giá của mình.  Thiên Chúa chiếu sáng lý trí con người bằng Ân sủng của Ngài, và Đức Tin mời gọi chúng ta, thúc bách chúng ta lên đường để càng ngày càng nhìn thấy rõ hơn, càng đến gần được với cách đánh giá của Thiên Chúa hơn từ cách đánh giá của chúng ta. „Tin để có thể Hiểu và Hiểu để Tin“ – Thánh Ausgustinô đã nói như thế từ kinh nghiệm nơi đường đời thật khúc khửu của Ngài. Ngài đã chứng thực về Đức Tin rằng: Đức Tin mở cửa cho lý trí chứ không tiêu diệt lý trí.

Lý trí và Đức Tin, cả hai đều là những điều kiện cho sự hiểu biết về Lời Thiên Chúa và cho sự hiểu biết về chính chúng ta. Lý trí nhân loại có thể nhận biết Thiên Chúa nhờ vào việc chiêm ngưỡng các thụ tạo – điều này đã được Công Đồng Vatican I nhắc lại dựa trên bức thư của Thánh Phao-lô Tông Đồ gửi Tín Hữu Rô-ma, và để con người thực sự có thể nhận biết Thiên Chúa trong Chân lý của Ngài, con người cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa, và Thiên Chúa ban sự trợ giúp của Ngài ngang qua Đức Tin (vgl. Die Filius, 2).

Trong bất cứ một trường hợp nào đi nữa, khoa học và Đức Tin cũng không hề có sự mâu thuẫn với nhau, tuy nhiên, cả hai đưa ra lời phê bình và định hướng cho nhau. Khoa học mở rộng lý trí và trợ giúp chúng ta để có thể hiểu biết về thế giới vũ trụ. Nhưng Đức Tin trao cho chúng ta những tiêu chuẩn của nhân tính, của hữu thể nhân loại, và những tiêu chuẩn đó muốn nói lên rằng, cái gì là tốt lành đối với con người, và cái gì là tốt trong chính họ, cũng như thắng vượt những khiếm khuyết của khoa học, để rồi từ phía khoa học có thể vượt qua những khiếm khuyết và giới hạn của tôn giáo. Cả ha đều phụ thuộc vào nhau và được coi như là cùng đi trên một con đường để tìm về với ánh sáng của Thiên Chúa, mà ánh sáng ấy Thiên Chúa đã chiếu giãi vào chúng ta trong sự mạc khải.

(…) Như đã nói, lý trí của chúng ta không mâu thuẫn với niềm tin vào Thiên Chúa, mà trái lại, còn bảo trì niềm tin. Đức Tin giúp chúng ta để có thể nhận ra được ý nghĩa và sự phong phú của hữu thể chúng ta cũng như tính bảo đảm cho sự tự do đích thực của con người  trong Chúa Ky-tô. Đức Tin hiện thực hóa nỗi khát vọng tìm về với nguồn Chân Thiện Mỹ của chúng ta.

Xin Thiên chúa chúc lành cho tất cả anh chị em.

ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI (Công bố ngày 22 tháng 11 năm 2012)


(Jos. Trần – CTV của Gx Thánh Mẫu Bc – chuyển ngữ từ nguồn: http://de.radiovaticana.va/index.asp).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét