Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Lao Động Thuộc Về Thành Phần Trong Kế Hoạch Yêu Thương Của Thiên Chúa

Lao Động Thuộc Về Thành Phần Trong Kế Hoạch Yêu Thương Của Thiên Chúa.
Bài Giáo Lý của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong cuộc tiếp kiến chung ngày 01 tháng 05.

Đam Trần – CTV của Gx Thánh Mẫu Bc – chuyển ngữ từ nguồn: http://www.zenit.org/de/articles/die-arbeit-ist-teil-des-gottlichen-plans-der-liebe
Vatikanstadt, 1. Mai 2013 (ZENIT.org) | 144 klicks

Anh chị em thân mến: tôi xin chào và cầu chúc anh chị em một ngày thật tốt đẹp.

Hôm nay là ngày mồng 01 tháng 05, ngày Lễ Kính Thánh Cả Giu-se Lao Động, cũng là ngày khởi đầu của Tháng Hoa Kính Đức Mẹ. Trong phạm vi của cuộc gặp gỡ này, tôi muốn gửi tới anh chị em hai suy tư vắn gọn như là những hình ảnh cơ bản về đời sống Giáo Hội cũng như đời sống của chúng ta, và cả hai hình ảnh ấy đều liên hệ đến cuộc sống của Chúa Giê-su: sự lao động và việc chiêm ngưỡng Chúa Giê-su.

Đọc Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu chúng ta được biết về cuộc trở lại quê nhà tại Nazareth của Chúa Giê-su. Khi Ngài dậy dỗ trong Hội Đường, dân chúng trong làng tỏ ra rất đỗi ngạc nhiên về sự khôn ngoan của Ngài, và tự đặt ra câu hỏi rằng: „Phải chăng đó không phải là con trai của bác thợ mộc?“ (Mt.13,55).

Chúa Giê-su đã bước vào trong lịch sử và đến giữa chúng ta. Ngài được sinh ra bởi Đức Maria nhờ quyền năng của Thiên Chúa, nhưng trong sự góp mặt của Thánh Giu-se, người cha hợp pháp của Chúa Giê-su, và cũng là người bảo vệ và nuôi dậy Chúa Giê-su. Như vậy, Chúa Giê-su đã được sinh ra trong một gia đình; Ngài sống trong một gia đình – gia đình thánh, và học nghề mộc của mình từ Thánh Giu-se nơi xưởng mộc Nazareth. Ngài chia sẻ cùng Thánh Giu-se sự vất vả , nỗi cơ cực cũng như hài lòng với những khó khăn vất vả mỗi ngày. Và điều này mời gọi chúng ta ý thức về phẩm giá và ý nghĩa của lao động.

Đọc sách Sáng Thế chúng ta thấy, Thiên Chúa đã sáng tạo nên người nam và người nữ, và trao phó cho họ trách nhiệm sinh sản đầy mặt đất cũng như quyền thống trị mặt đất. Tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa là con người được phép bóc lột trái đất, nhưng là để canh tác và bảo vệ cũng như để chăm sóc trái đất thông qua công việc lao động của mỗi người (St.1, 28; 2.15). Như vậy, lao động thuộc về thành phần trong kế hoạch đầy yêu thương của Thiên Chúa; chúng ta được kêu gọi để bảo vệ và chăm sóc tất cả mọi sự thiện hảo của công trình Sáng Tạo.

Với phương cách ấy, chúng ta tham dự vào công trình Sáng Tạo! Lao động chính là một thành tố quan trọng và cơ bản của phẩm giá con người. Xử dụng hình ảnh lao động „Xức Dầu“ chúng ta với nhân phẩm, nó đổ tràn trên chúng ta phẩm giá của mình; nó làm cho chúng ta trở nên giống Thiên Chúa, Đấng đã, đang và sẽ làm việc luôn luôn; Đấng không ngừng hoạt động (Ga.5, 17). Lao động tặng trao cho chúng ta khả năng để nuôi sống chính bản thân chúng ta cũng như nuôi sống gia đình chúng ta; lao động trao cho chúng ta khả năng có thể thực hiện sự cống hiến cho sự phát triển của đất nước chúng ta.

Trong mối liên hệ này, tôi lại nghĩ đến những khó khăn, mà với những khó khăn này, tầng lớp lao động và các tổ chức kinh doanh đã trở nên đối đầu lẫn nhau trong nhiều quốc gia. Tôi ưu tư lo lắng đến tất cả những ai không có công ăn việc làm, mà trong số họ không chỉ là những người trẻ, thường do một quan điểm xã hội thuần kinh tế tìm kiếm những lợi nhuận ích kỷ, bên ngoài lý tưởng vĩ đại về sự công bằng xã hội.

Tôi muốn kêu gọi tất cả mọi người hãy cùng liên đới với nhau. Tôi khích lệ mọi người hãy bắt đầu thực hiện tinh thần trách nhiệm đối với xã hội với tất cả sự nỗ lực hầu tạo ra một sức thúc đẩy mới đối với công ăn việc làm. Điều đó có nghĩa rằng, nó mang đến sự quan tâm đối với phẩm giá của con người. Nhưng trước hết, tôi muốn kêu gọi mọi người đừng bao giờ đánh mất niềm hy vọng. Chính Thánh Giu-se đã từng trải qua những giây phút khó khăn nhất. Tuy nhiên, Thánh Nhân đã có thể vượt qua những giây phút khó khăn ấy trong sự trung kiên của niềm tín thác và niềm tin vững vàng rằng, Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi chúng ta.

Tôi muốn đề nghị các bạn trẻ với một cách thức đặc biệt rằng: Các con hãy tham gia một cách tích cực vào trong các công việc bổn phận hằng ngày của các con, trong sự giáo dục, trong công ăn việc làm , trong tình bằng hữu của các con, cũng như trong việc giúp đỡ người khác: Tương lai của các con tùy thuộc vào điều - như các con đã hiểu – đó là dành thời gian cho năm sống đầy quý giá này. Các con đừng sợ hãi trước những khó khăn và hy sinh; đừng nhìn vào tương lai với sự sợ hãi;  hãy bảo toàn niềm hy vọng vào cuộc sống: Luôn có ánh sáng nơi cuối chân trời.

Một hình thức lao động đã gây cho tôi một mối quan ngại đặc biệt: : đó là công việc mà người ta có thể gọi nó như là „Sự lao động khổ sai“ hay sự lao động nô lệ. Đang có biết bao nhiêu là con người trở thành nạn nhân của hình thức lao động nô lệ này. Với hình thức lao động nô lệ ấy, con người bị trở thành người phục vụ công việc, trong khi công việc đúng ra phải là điều phục vụ con người để giúp con người có được phẩm giá của mình. Tôi tha thiết kêu mời tất cả các anh chị em tín hữu cũng như tất cả những ai thành tâm thiện chí hãy hành động một cách cương quyết để chống lại nạn buôn người. Chính trong khung cảnh của nạn buôn người mà nó dẫn đến việc lao động nô lệ.

Giờ đây tôi muốn chuyển sang suy tư thứ hai của tôi: Trong sự âm thầm của công việc hằng ngày, Thánh Giu-se và Đức Mẹ chỉ có một trung tâm điểm duy nhất đó là Chúa Giê-su. Với bổn phận và sự trìu mến, các Ngài đã đồng hành, bảo vệ và chăm sóc cho sự lớn lên của Con Thiên Chúa Làm Người, cũng như suy đi nghĩ lại về mọi biến cố. Trong Tin Mừng, Thánh Lu-ca đã nhấn mạnh tới hai lần về cách cư xử của Đức Maria cũng như của Thánh Giu-se: „Nhưng Đức Maria đã ghi nhớ tất cả những gì mà Mẹ thấy và suy đi nghĩ lại trong lòng tất cả những điều ấy“ (Lc. 2, 19.51). Lắng nghe Thiên Chúa, đó là điều rất cần thiết để chiêm ngưỡng Ngài cũng như để nhận ra sự hiện diện thường xuyên của Ngài trong cuộc sống chúng ta.

Người ta phải biết tạm ngừng để đi vào trong sự cầu nguyện cũng như đi vào sự đối thoại với Thiên Chúa. Mỗi người trong chúng ta, các nam thanh nữ tú, các bạn trẻ, tức vô vàn những người mà hôm nay đang hiện diện, chúng ta phải tự đặt ra câu hỏi cho mình mỗi ngày rằng: Tôi đã trao cho Chúa không gian nào? Tôi có đi vào trong sự đối thoại thường xuyên với Ngài không? Ngay từ thời niên thiếu của chúng ta, cha mẹ chúng ta đã tạo cho chúng ta một thói quen để bắt đầu cũng như để kết thúc mỗi ngày trong sự cầu nguyện cũng như để vun trồng cho một cảm nhận về tình bằng hữu cũng như tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ đến Thiên Chúa thường xuyên hơn nữa trong suốt ngày sống của chúng ta!

Trong tháng Năm này, tôi muốn nhắc lại ý nghĩa và vẻ diễm lệ của Kinh Mân Côi. Việc đọc Kinh Kính Mừng sẽ dẫn chúng ta đi vào trong sự chiêm ngưỡng các mầu nhiệm của Chúa Giê-su; nó cũng dẫn chúng ta đi vào sự chiêm nghiệm về giây phút trung tâm của cuộc sống Ngài: để Ngài trở thành trung tâm điểm trong sự suy nghĩ, mối bận tâm cũng như hành động của chúng ta, giống như Ngài đã trở thành như vậy đối Đức Maria và Thánh Giu-se. Thật tốt đẹp biết bao khi chúng ta nói chuyện chung với nhau về Kinh Mân Côi, về Chúa Giê-su hay về Đức Trinh Nữ Maria một cách đặc biệt nơi gia đình, nơi bạn bè hay nơi cộng đoàn Giáo xứ trong tháng Năm này! Việc cầu nguyện chung là một giây phút đầy quý giá để làm cho vững chắc hơn hữa cuộc sống gia đình cũng như tình bằng hữu! Chúng ta hãy học để cầu nguyện thường xuyên hơn nữa trong gia đình và như gia đình.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cầu xin với Thánh Giu-se và với Đức Trinh Nữ Maria để các Ngài dậy chúng ta biết trung thành với những bổn phận hằng ngày của chúng ta cũng như để sống Đức Tin trong mọi hành động hằng ngày của chúng ta, hầu có thể trao cho Chúa nhiều không gian hơn nữa trong cuộc sống của chúng ta cũng như dừng lại để chiêm ngưỡng dung nhan Ngài.

Xin cám ơn tất cả anh chị em.

Đam Trần – CTV của Gx Thánh Mẫu Bc – chuyển ngữ từ nguồn:
http://www.zenit.org/de/articles/die-arbeit-ist-teil-des-gottlichen-plans-der-liebe

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét