Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

Giáo Hội Công Giáo căn cứ trên điều gì để mừng Lễ Chúa Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12?

Giáo Hội Công Giáo căn cứ trên điều gì để mừng Lễ Chúa Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12?
Quý vị độc giả thân mến, độc giả D.T.A mới gửi đến cho chúng tôi một thắc mắc với câu hỏi rằng: Giáo Hội Công Giáo căn cứ trên điều gì để mừng Lễ Chúa Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12? Dựa vào những tài liệu có sẵn (cả trên mạng lẫn trong sách vở), chúng tôi xin trả lời cho thắc mắc của bạn D.T.A như sau:

Kinh Thánh đã không cho chúng ta biết rõ về ngày tháng năm sinh của Chúa Giê-su. Thánh Gio-an đã chỉ nói một cách rất tổng quát như sau: „Ngôi Lời đã trở nên người phàm và ở giữa chúng ta“ (Ga.1,14). Thánh Phao-lô thì nói rõ hơn một chút: „Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật… „ (Gal.4,4). Còn Thánh Mát-thêu thì xác nhận thêm rằng, Chúa Giê-su đã ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê thời vua Hê-rô-đê cai trị (Mt.2,1). Có lẽ Thánh Lu-ca mới là người cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin nhất về biến cố Chúa Giê-su được sinh ra. Theo Thánh Nhân, Chúa Giê-su đã được sinh ra vào ban đêm tại Bê-lem, vào đúng dịp mà hoàng đế Au-gus-tô ra chiếu chỉ truyền kiểm tra dân số trong khắp đế quốc (xc. Lc.2, 1-20).

Như vậy, dù Kinh Thánh đã không cung cấp cho chúng ta biết một cách chính xác về thời gian mà Chúa Giê-su đã sinh ra, nhưng như những gì được viết ở trên, chúng ta có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng: Chúa Giê-su thực sự đã được sinh ra, và chắc chắn Ngài phải có ngày sinh nhật.

Ngay từ thời sơ khai của Giáo Hội, các Ky-tô hữu đã xác tín như thế và họ đã tổ chức mừng ngày Sinh Nhật của Chúa Giê-su. Khoảng từ 2 đến 3 thế kỷ đầu công nguyên, Lễ Sinh Nhật của Chúa Giê-su  đã được các Giáo Hội tại Đông Phương mừng chung với Lễ Hiển Linh. Khoảng năm 200, thánh Cle-men-tê thành A-le-xand-ri-a (150-215) đã đề cập đến cuộc mừng lễ hết sức đặc biệt này, và theo Ngài, Lễ Sinh Nhật đã được các Giáo Hội Đông Phương cử hành vào ngày 20 tháng 5. Tuy nhiên, bên Giáo hội La-tinh thì lại mừng lễ này vào ngày 25 tháng 12.

Có nguồn tin cho rằng, các Ki-tô hữu sơ khai đã không ăn mừng Lễ Sinh nhật, vì họ cho rằng, ăn mừng sinh nhật là làm theo thói quen thờ thần tượng của dân ngoại. Bởi vậy, họ không ăn mừng Lễ Giáng Sinh của Chúa Giê-su trong suốt ba thế kỷ đầu. Đến đầu thế kỷ thứ 4 trở đi, người Ki-tô hữu mới bắt đầu muốn ăn mừng Lễ Giáng Sinh của Chúa Giê-su, và mừng mỗi năm một lần, nhưng họ lại sợ bị chính quyền La Mã phát hiện và bắt bớ, bởi vì ở thời điểm đó, Ki-tô Giáo vẫn chưa được công nhận là một tôn giáo hợp pháp.

Vào ngày 25 tháng 12 hàng năm, người La-mã cổ vẫn ăn mừng ngày "Thần Mặt trời" (Feast of The SolInvictus) đem ánh sáng đến cho trần gian. Các Ki-tô hữu đã nhân cơ hội này để tổ chức ăn mừng ngày Chúa Giê-su Giáng Sinh, đem ánh sáng và sự sống đến cho nhân loại (Gioan. 8,12) trùng một ngày với ngày lễ "Thần Mặt trời" của người La-mã. Vì vậy, chính quyền La-mã đã không phát hiện ra được việc các Ki-tô hữu tổ chức ăn mừng Lễ Giáng Sinh của Chúa Giêsu.

Đến năm 312, Hoàng đế Con-stan-ti-nô đã trở lại Ki-tô giáo. Ông đã hủy bỏ ngày lễ ăn mừng "Thần Mặt trời" và thay vào đó là ngày ăn mừng Sinh Nhật của Chúa Giê-su. Đến năm 354, Đức Giáo Hoàng Li-bê-rô đã công bố ngày 25 tháng 12 là ngày chính thức để cử hành Lễ Giáng Sinh của Chúa Giê-su.

Trong nhiều thế kỷ, đa số các sử gia Ki-tô giáo đều chấp nhận ngày Lễ Giáng Sinh là ngày Chúa Giê-su được sinh ra. Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ 18, một số học giả đã bắt đầu đề xuất một cách giải thích khác. I-sa-ac New-tơn cho rằng, ngày Giáng Sinh đã được lựa chọn để tương ứng với ngày Đông Chí  Bắc bán cầu, từng được đánh dấu là ngày 25 tháng 12. Năm 1743, Paul Ernst Jablonski người Đức lại lập luận rằng, ngày Giáng Sinh được xác định là ngày 25 tháng 12 để khớp với ngày Sol Invictus trong tôn giáo La-mã cổ. Ngoài ra, trước khi Ki-tô giáo xuất hiện, nhiều nền văn hóa và tôn giáo khác cũng ăn mừng ngày lễ của họ vào cuối tháng 12.

Tóm lại, như những gì vừa nêu, việc Giáo Hội Công Giáo mừng Sinh Nhật của Chúa Giê-su vào ngày 25 tháng 12 hàng năm có thể do nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, vì không một tài liệu nào đã cung cấp cho biết về ngày tháng năm sinh của Chúa Giê-su, nên việc mừng Sinh Nhật của Chúa Giê-su vào ngày 25 tháng 12 hàng năm hay vào một ngày nào khác thì cũng chỉ hoàn toàn mang tính biểu tượng. Người Ky-tô hữu tuyên xưng một cách xác tín rằng: chắc chắn Chúa Giê-su đã được sinh ra và Ngài đã được sinh ra trong một không gian và một thời gian xác định. Vì vậy, nếu không mừng Sinh Nhật của Chúa Giê-su vào ngày 25 tháng 12 thì tất nhiên người Ky-tô hữu cũng sẽ chọn một ngày khác để mừng. Việc mừng kính ngày Sinh Nhật của Chúa Giê-su hoàn toàn phù hợp với sứ điệp của Tin Mừng: „Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa“ (Mt.2,10-11).

BBT.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét