Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi (trả lời thắc mắc của độc giả 01)

Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi

(Trả lời thắc mắc của độc giả)

Quý vị độc giả thân mến: độc giả Đỗ Tài Anh đã gửi đến cho chúng tôi một đề nghị sau: „Tôi biết rằng Hội Thánh Công Giáo đã tôn thờ Ba Ngôi Thiên Chúa cùng uy quyền và bản thể như nhau. Nhưng có một số người lại cho rằng Đức Giê-su không phải là Thiên Chúa, Ngài chỉ là một thụ tạo được ưu ái hơn ông A-đam; Đức Giê-su không phải là Thiên Chúa nhập thể, mà chỉ là một con người được hiến thánh khi Ngài nhận lãnh phép rửa bởi Gio-an. Và người ta cũng cho rằng, Chúa Thánh Thần chỉ là sức mạnh của Thiên Chúa… Vậy tôi muốn BBT trang Gx Thánh Mẫu Bc  hãy giải thích thật kỹ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Cám ơn BBT“.


Kính thưa bạn Đỗ Tài Anh và tất cả quý độc giả, hẳn quý vị đều biết, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một trong ba mầu nhiệm chính yếu của Đạo Công Giáo và cũng là  một đề tài vô cùng lớn của Thần Học Ky-tô Giáo. Người ta phải đầu tư thật nhiều thời gian để học hỏi và nghiên cứu hầu mới có thể nắm bắt được một phần nào đó về những vấn đề liên quan đến đề tài này, chứ không phải chỉ đọc qua một vài bài viết mà có thể nắm bắt một cách tường tận. Hơn nữa, cũng phải thừa nhận rằng, dù ngôn ngữ của con người đã phát triển rất cao nhưng vẫn còn rất hạn chế để diễn tả một cách thỏa đáng, đầy đủ và chính xác về những vấn đề liên quan tới Thiên Chúa, đặc biệt là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi – một mầu nhiệm vô cùng cao siêu mà con người khôn dò thấu. Vì vậy, trong phạm vi hạn hẹp của một bài viết, chúng tôi không hề có tham vọng „giải thích thật kỹ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba ngôi“ như bạn Đỗ Tài Anh đề nghị. Dẫu vậy, chúng tôi cũng sẽ cố gắng trình bày vấn đề theo một cách thế ngắn gọn nhưng đầy đủ và chính xác nhất về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong bài viết này, sau khi đã cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần trợ giúp, và căn cứ vào các tài liệu hiện có, đặc biệt dựa trên cách trình bày của Cha Stefano Gobbi – một Thần Học Gia và cũng là một nhà Thần Bí rất nổi tiếng người Ý– chúng tôi xin trình bày lại cho độc giả Đỗ Tài Anh cũng như tất cả quý vị như sau:

Giáo Hội Công Giáo tuyên xưng rằng: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Giê-su cũng đã mạc khải cho chúng ta biết: Thiên Chúa có Ba Ngôi, đó là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nhưng cả Ba Ngôi chỉ là một Thiên Chúa duy nhất.

Đối với con người chúng ta, Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi hay còn được gọi là Thiên Chúa Tam Vị Nhất Thể, quả thực là rất khó để có thể nhận thức một cách thấu đáo, vì thân xác có thể trông thấy được của chúng ta được cấu tạo bởi vật chất, và thế giới tinh thần thì mênh mông và đóng kín đối với chúng ta. Chỉ có một Thiên Chúa. „Đức Tin Ky-tô giáo khẳng định và tuyên xưng rằng, Thiên Chúa là Một theo Bản Tính, Chất Thể và Đặc Tính.“ Người Ky-tô hữu được lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (Mt.28,19). Trước khi lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy, thụ nhân phải tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi bằng câu trả lời „Tôi Tin“ trước câu hỏi của thừa tác viên: liệu họ có tin Chúa Cha, tin Chúa Con và tin Chúa Thánh Thần không?

Thiên Chúa Ba Ngôi là một Mầu Nhiệm thuộc Đức Tin, là một „trong những bí mật sâu thẳm nhất của Thiên Chúa…, mà bí mật này nếu không được mạc khải từ chính Thiên Chúa thì người ta sẽ không thể nào nhận thức được“.

Người Con độc nhất vô nhị không phải đã được sáng tạo ra, nhưng đã được sinh ra bởi Thiên Chúa ngay từ thuở đời đời. Đây là một sự khẳng định về sự đồng bản thể với Thiên Chúa Cha (homo-ousios). Chúa Thánh Thần nhiệm xuất từ Chúa Cha và Chúa Con – procedenti ab utroque (như Thánh Thi Tantum ergo đã gọi). Công Đồng chung đầu tiên đã quan tâm nhiều đến nỗ lực của Thần Học trong việc tìm ra thuật ngữ „Thiên Chúa Ba Ngôi“ là Công Đồng Ni-cê-a I.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ lần lượt bàn đến mười điểm sau:
*Tín Điều về Thiên Chúa Ba Ngôi
*Sự mạc khải của Thiên Chúa là Thiên Chúa Ba Ngôi
*Chúa Cha và Chúa Con được mạc khải thông qua Chúa Thánh Thần.
*Chúa Cha
*Chúa Con trở thành người như thế nào?
*Tôi tin Đức Chúa Thánh Thần
*Sự đồng sai phái Chúa Con và Chúa Thánh Thần
*Công trình của Thiên Chúa và sứ mạng thuộc về Ba Ngôi Thiên Chúa
*Sự sáng tạo – công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi
*Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba ngôi
*Nguồn Kinh Thánh về Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha và Chúa Con

1.Tín Điều về Thiên Chúa Ba Ngôi

Thiên Chúa Ba Ngôi là Một. Chúng ta không tuyên xưng rằng có ba Thiên Chúa, nhưng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi Vị: Ba Ngôi nhưng „đồng bản thể với nhau“ (2. K. v. Konstantinopel 553: DS 421). Ba Ngôi Thiên Chúa không chia sẻ Thiên Tính duy nhất với nhau, nhưng mỗi Ngôi Vị đều là Thiên Chúa hoàn toàn và tròn đầy: „Chúa Cha là chính cái mà Chúa Con là, Chúa Con là chính cái mà Chúa Cha là, Chúa Cha và Chúa Con là chính cái mà Chúa Thánh Thần là, nói cho đúng hơn, Ba Ngôi Vị đều là Thiên Chúa trong cùng một bản thể“ (11. Syn. v. Toledo 675: DS 530). „Mỗi một Ngôi Vị trong Ba Ngôi đều là thực hữu, hay nói cách khác là bản chất, hữu thể hay đặc tính của Thiên Chúa“ (4. K. im Lateran 1215: DS 804).

Nhưng Ba Ngôi Thiên Chúa thì lại thực sự khác nhau. Thiên Chúa duy nhất không phải „có thể được coi như là sự đơn độc một mình“ (Fides Damasi: DS 71). „Chúa Cha“, „Chúa Con“ và „Chúa Thánh Thần“ không đơn giản chỉ là danh xưng, mà từng hữu thể nơi Ba Ngôi vị thuộc bản thể Thiên Chúa ấy cho thấy, vì Ba Ngôi vị ấy thực sự khác nhau: „Chúa Cha không phải là chính Chúa Con, Chúa Con không phải là chính Chúa Cha, Chúa Thánh Thần cũng không phải là chính Chúa Cha hay Chúa Con“ (11. Syn. v. Toledo 675: DS 530). Ba Ngôi vị khác nhau thông qua mối tương quan thuộc về căn nguyên của các Ngài: Thiên Chúa là „Cha, Đấng sinh ra, là Chúa Con, Đấng được sinh ra, và là Chúa Thánh Thần, Đấng nhiệm xuất (từ Chúa Cha và Chúa Con)“ (4. K. im Lateran 1215:DS 804). Sự hiệp thông trong Thiên Chúa chính là ba ngôi vị.

Ba Ngôi Thiên Chúa bao trùm lên nhau. Vì sự khác biệt thực sự của Ba Ngôi không chia cắt sự hiệp thông trong Thiên Chúa, mà sự khác biết ấy nằm duy nhất trong những mối quan hệ hỗ tương: „Với danh xưng của các Ngôi Vị, tức những danh xưng được phản ánh qua mối tương quan, Chúa Cha được bao phủ bởi Chúa Con, Chúa Con được bao phủ bởi Chúa Cha và Chúa Thánh Thần được bao phủ bởi Chúa Cha và Chúa Con: mặc dù các Ngài được gọi tên thể theo mối tương quan Ba Ngôi của các Ngài, nhưng Đức Tin của chúng ta vẫn tuyên xưng rằng, các Ngài cùng là một hữu thể hay bản tính“ (11. Syn. v. Toledo 675: DS 528). Trong các Ngài, „tất cả là một, nơi không có sự đối kháng trong mối tương quan gây cản trở“ (K. v. Florenz 1442: DS 1330). „Chính vì sự hiệp nhất này mà Chúa Cha hoàn toàn ở trong Chúa Con, hoàn toàn ở trong Chúa Thánh Thần; Chúa Con hoàn toàn ở trong Chúa Cha, hoàn toàn ở trong Chúa Thánh Thần; Chúa Thánh Thần hoàn toàn ở trong Chúa Cha và hoàn toàn ở trong Chúa Con“ (ebd.: DS 1331).

Trong cuốn Giáo Lý dành cho người dự tòng của Giáo phận Konstantinopel, Thánh Grê-gô-ri-ô thành Na-zi-an – người cũng được gọi với danh xưng là „Thần Học Gia“ đã công bố bản tóm tắt sau đây về tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi:

„ Trước hết, xin hãy bảo tồn cho con nguyện vọng tốt lành cuối cùng này, mà với nó con sống và chiến đấu, cũng như với nó mà con muốn chết, và nó làm cho con chịu đựng được tất cả những nỗi khổ đau cũng như làm cho con coi thường tất cả những khoái lạc: Nói chính xác hơn đó là sự tuyên xưng đức Tin vào Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ngày hôm nay tôi xin trao hiến các bạn cho Chúa. Trong Ngài và trong giờ phút này tôi sẽ dìm các bạn vào trong nước và sẽ đưa các bạn ra khỏi nước. Tôi xin trao phó các bạn trong tay Chúa để Ngài trở nên người đồng hành và bảo vệ toàn bộ cuộc sống của các bạn. Tôi xin trao các bạn cho một Thiên Tính và một Quyền Năng duy nhất, Đấng hiện hữu như là Một trong Ba và bao hàm cả Ba trong mỗi cách thế khác nhau. Một Thiên Tính không có sự bất bình đẳng nơi bản chất và hữu thể, không có địa vị bậc trên hay cao hơn, cũng không có địa vị thấp hơn hay bên dưới…  Đó là sự đồng bản thể không giới hạn của ba điều vô biên. Thiên Chúa như là một toàn thể mà mỗi Ngôi Vị trong Ngài tự chiêm ngưỡng… Thiên Chúa là Ba Ngôi Vị, cùng chiêm ngưỡng…  Ngay lập tức tôi đã bắt đầu suy tư về Thiên Tính, và Ba Ngôi Thiên Chúa dìm tôi vào trong ánh huy hoàng của Ngài. Ngay lúc ấy tôi lại bắt đầu suy tư về Thiên Chúa Ba Ngôi, và Thiên Tính lại xâm chiếm toàn bộ con người tôi“ (or. 40,41).

(Còn tiếp)

Mời quý vị đón đọc: 2.Sự mạc khải của Thiên Chúa là Thiên Chúa Ba Ngôi.

BBT.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét