Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Đức Thánh Cha: Tất cả chúng ta được mời gọi trở thành thành viên của Dân Chúa

Đức Thánh Cha: Tất cả chúng ta được mời gọi trở thành thành viên của Dân Chúa.

An-tôn Trần – CTV của Gx Thánh Mẫu Bc – chuyển ngữ từ nguồn:
2013-06-12 Vatican Radio
Anh chị em thân mến: Cha xin chào tất cả anh chị em.
Hôm nay Cha muốn nói một cách tóm tắt đến một trong những thuật ngữ mà Công Đồng Va-ti-can-nô II đã định nghĩa về Giáo Hội, đó là “Dân Chúa” (xem Hiến chế Tín lý về Giáo Hội, 9; Giáo lý Hội thánh Công giáo, 782). Cha sẽ nêu ra một số câu hỏi để tất cả chúng ta cùng suy tư.

1.“Dân Chúa” nghĩa là gì? Trước hết, nó có nghĩa là Thiên Chúa không thực sự thuộc về bất cứ một dân tộc nào; bởi vì đó là Ngài – Đấng kêu gọi chúng ta, quy tụ chúng ta, mời gọi chúng ta trở thành dân của Ngài, và lời mời gọi này được mở ra cho hết thảy mọi người, không có sự phân biệt, bởi vì lòng thương xót của Thiên Chúa ‘mong muốn tất cả mọi người được cứu độ’ (1 Tim 2 :4). Đức Giê-su đã không bảo các Tông đô và chúng ta  phải thành lập một nhóm riêng, một nhóm gồm những thành phần ưu tú. Đức Giê-su nói : « Anh em hãy đi và làm cho mọi dân nước trở thành môn đệ của Thầy (x. Mt. 28 :19). Thánh Phao-lô cũng nói rằng, trong Dân Chúa, trong giáo Hội, « không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp,… nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Giê-su Ki-tô (Gal 3 :28). Cha muốn nói với những anh chị em – những người mà cảm thấy xa Thiên Chúa và Giáo Hội, với những anh chị em đang sợ hãi hay thờ ơ, với những anh chị em đang nghĩ rằng mình không còn có thể thay đổi được nữa, rằng : Thiên Chúa đang kêu mời anh chị em trở thành một phần của Dân Ngài và Ngài mời gọi với sự hết sức tôn trọng và yêu thương ! Ngài mời gọi chúng ta trở thành một phần của Dân Ngài, Dân Chúa. 

2.Làm sao anh chị em có thể trở thành một thành viên của Dân này được? Điều này không phải bằng sự sinh ra mang tính xác thịt nhưng bằng một sự tái sinh. Trong Tin Mừng, Đức Giê-su đã nói với Ni-cô-đê-mô rằng, ai muốn vào Nước Trời thì phải sinh ra từ ơn trên, bởi nước và bởi Thần Khí (x. Ga 3-5). Đó là thông qua bí tích Thánh Tẩy mà chúng ta được đưa vào Dân này, thông qua niềm tin vào Đức Ky-tô, quà tặng của Thiên Chúa, mà chúng ta phải nuôi dưỡng và bồi đắp trong suốt đời sống của chúng ta. Chúng ta hãy tự vấn mình xem: Tôi có thể lớn lên trong Đức tin như thế nào – Đức tin mà tôi đã nhận được trong Bí tích Thánh Tẩy? Tôi đã nuôi dưỡng và chăm lo cho Đức tin mà tôi đã nhận được cũng như Đức tin của Dân Chúa như thế nào? Tôi đã làm Đức tin này được lớn lên chưa? Và một câu hỏi khác.

3.Luật của Dân Chúa là gì? Đó là luật yêu thương, yêu mến Thiên Chúa, yêu mến tha nhân theo giới răn mới mà Thiên Chúa đã để lại cho chúng ta (x. Ga. 13 :34). Đó là đức ái, tuy nhiên, đó không phải là thứ tình cảm khô khan hoặc cái gì đó mơ hồ, nhưng đó là sự nhận biết Thiên Chúa là Thiên Chúa duy nhất của đời mình và đồng thời chấp nhận tha nhân như là anh chị em đích thực của mình, thắng vượt những chia rẽ, kình địch, hiểu lầm, ích kỷ; hai điều này đi cùng nhau. Đến nay chúng ta vẫn còn phải đi để có thể sống theo giới răn mới này một cách cụ thể, luật của Chúa Thánh Thần đang làm việc trong chúng ta, giới luật của đức ái ! Khi chúng ta nhìn vào rất nhiều các cuộc chiến tranh giữa những người Ky-tô giáo được đăng tải ở trên báo chí hoặc trên truyền hình, làm sao Dân Chúa có thể hiểu được điều này? Trong lòng Dân Chúa có quá nhiều cuộc chiến! Và trong khu vực hàng xóm, trong nơi làm việc, có quá nhiều chiến tranh do ghen tương, đố kỵ. Thậm chí ngay ở trong cùng một gia đình cũng có quá nhiều cuộc nội chiến. Chúng ta phải cầu xin Chúa giúp chúng ta hiểu được luật bác ái yêu thương này. Đẹp làm sao, tốt lành làm sao khi chúng ta yêu thương nhau như anh em ruột thịt của mình. Điều đó thật tuyệt! Chúng ta hãy làm một cái gì đó ngày hôm nay : có lẽ tất cả chúng ta đều có cái thích và cái không thích; có lẽ nhiều người chúng ta vẫn còn oán giận nhau. Nhưng ít ra chúng ta hãy nói với Chúa: « Lạy Chúa, con đang tức giận người anh của con, người chị của con. Con cầu nguyện cho anh ấy, cho chị ấy. Con cầu xin Chúa”. Cầu nguyện cho những người mà anh chị em đang oán giận, đó là một bước lớn trong luật yêu thương này. Chúng ta hãy thực hiện điều này trong ngày hôm nay!

4.Đâu là sứ vụ của Dân này? Sứ vụ của dân chính là việc mang đến cho thế giới niềm hy vọng và ơn cứu độ của Thiên Chúa: trở thành một dấu chỉ của Thiên Chúa, Đấng đã kêu gọi hết thảy mọi người trở thành bạn hữu của Ngài; trở thành men để làm dậy men cho bột, làm muối cho đi hương vị và để ướp khỏi bị hư, là ánh sáng để chiếu tỏa...Và như Cha đã nói, chỉ cần mở một tờ báo và chúng ta đã có thể nhìn thấy rằng, xung quanh chúng ta có sự hiện diện của ma quỷ; ma quỉ ở ngay trong mỗi công việc. Nhưng Cha muốn lớn tiếng nói rằng: Quyền năng của Thiên Chúa thì mạnh hơn! Anh chị em có tin điều này không? Đó là Thiên Chúa mạnh mẽ hơn? Chúng ta hãy nói to: Thiên Chúa mạnh mẽ hơn! Nào tất cả chúng ta cùng nói. Thiên Chúa mạnh hơn! Tất cả chúng ta! Và anh chị em biết tại sao Ngài lại mạnh mẽ hơn không? Bởi vì Ngài là Thiên Chúa, Thiên Chúa độc nhất. Thiên Chúa mạnh hơn! Tốt!

Và Cha muốn thêm vào rằng, thực tại - đôi khi có bóng tối, có dấu vết của ma quỷ - có thể thay đổi được, nếu chúng ta là người đầu tiên mang ánh sáng Tin Mừng đặc biệt với đời sống của chúng ta. Nếu ở trong một sân vận động, chẳng hạn như sân vận động Ô-lim-píc ở Rô-ma hay sân vận động ở San Lô-ren-zô ở Buenos, nếu trong một đêm tối trời mà có một người thắp một ngọn đèn thì anh chị em khó có thể nhìn thấy nó, tuy nhiên, nếu mỗi người trong số bảy mươi ngàn khán giả đều thắp sáng ngọn đèn của mình, thì toàn bộ sân vận động sẽ được thắp sáng. Chúng ta hãy biến cuộc đời của chúng ta thành ngọn đèn của Đức Ky-tô; và chúng ta cùng nhau mang ánh sáng Tin Mừng cho toàn thế giới.

5.Mục đích của Dân này là gì? Điểm cuối cùng của Dân này là Nước Trời, nước đã được bắt đầu bằng chính Thiên Chúa trên trái đất này, và tiếp tục được kéo dài cho tới khi nó trở nên toàn hảo trong Thiên Chúa vào lúc  thời gian viên mãn, khi mà Đức Ky-tô, sự sống của chúng ta, sẽ xuất hiện (xem Hiến chế Tín lý về giáo Hội 9). Mục đích là sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa: đó là đi vào đời sống thánh thiêng của Ngài, ở đó chúng ta sẽ sống hoan lạc trong tình yêu không cùng tận của Ngài. Đó là niềm hoan lạc tròn đầy.

Thưa anh chị em, là Giáo Hội, là Dân Chúa, theo kế hoạch yêu thương vĩ đại của Thiên Chúa Cha, có nghĩa là men của Thiên Chúa trong bản tính con người của chúng ta, nghĩa là loan báo và mang hồng ân cứu độ của Thiên Chúa đi vào lòng thế gian - nơi thường bị hư đi - trong sự cần thiết các câu trả lời có tính khích lệ, những câu trả lời mà đem lại hy vọng, đem lại sinh lực trong cuộc hành trình.

Nguyện xin Giáo Hội là một nơi của sự thương xót và hy vọng trong Chúa, nơi mọi người có thể cảm thấy mình được đón chào, được yêu thương, được tha thứ và được khích lệ để sống cuộc sống Tin Mừng thánh thiện. Và để cảm thấy được đón chào, được yêu thương, được tha thứ, được khích lệ, thì các cánh cửa của Giáo Hội phải rộng mở sao cho tất cả mọi người có thể đến và chúng ta có thể ra đi từ những cánh cửa rộng mở này và loan báo Tin Mừng. Cám ơn anh chị em rất nhiều.

An-tôn Trần – CTV của Gx Thánh Mẫu Bc – chuyển ngữ từ nguồn:
http://www.news.va/en/news/pope-we-are-all-invited-to-be-members-of-the-peopl

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét