Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

Bài giảng của Đức Cha Giu-se Hoàng Văn Tiệm trong Thánh Lễ An Táng Cha Cố Vinh Sơn Nguyễn Tốt Nghiệp

Bài giảng của Đức Cha Giu-se Hoàng Văn Tiệm trong Thánh Lễ An Táng Cha Cố Vinh Sơn Nguyễn Tốt Nghiệp
Sách Giảng Viên đoạn thứ 7 có nói cái câu này hay lắm: Tiếng thơm thì tốt hơn dầu thơm. Tiếng thơm là tiếng tốt. Xây dựng được một người có tiếng tốt, có tiếng thơm thì hiển nhiên phải có một quá trình, phải có một cuộc sống và phải thực hành để rồi có tiếng tốt, tiếng thơm thì hơn là dầu thơm. Dầu thơm thì có một vài triệu bạc mua lúc nào cũng có luôn. Mà tiếng thơm không thể mua một cách dễ dàng như vậy được. Như vậy, tiếng thơm tốt hơn dầu thơm.

Ngày chết hơn ngày sinh. Nghĩa là sao? Ngày chết vượt trên ngày sinh như thế nào? Ví dụ, ngày ra đi của Cha Cố Vinh Sơn của chúng ta đây được đánh giá cao hơn ngày sinh. Bởi vì sự ra đi của ngài hôm nay chính là ngày sinh nhật của cuộc sống đời đời. Biết bao nhiêu công trạng, biết bao nhiêu việc làm đã làm trong cuộc đời của mình, thì chắc chắn là hơn những người đã sinh ra, vì thế ngày chết hơn ngày sinh, đi đám tang hơn đi dự tiệc – tiệc ăn uống. Cái gì mà hơn dự tiệc được? Bữa tiệc ăn rồi qua đi. Hay là có một chút cảm tình nào đó đối với những người chia sẻ miếng ăn với chúng ta. Còn đối với đám tang, chia sẻ tất cả những gì quý nhất người sống với người chết, chào vĩnh biệt người ra đi vào cuộc sống đời đời. Vì thế mà sách Giảng Viên đoạn thứ 7 đã nói: Đám tang hơn đám tiệc. Ngày chết hơn ngày sinh và tiếng thơm hơn dầu thơm là thế.

Hôm nay chúng ta đông đủ có mặt nơi đây muốn chia sẻ tâm tình yêu thương của chúng ta với người ra đi và mỗi người chúng ta muốn nói một câu, một lời vĩnh biệt với Cha Cố Vinh sơn. Chúng ta từ giã nhau để đi xa, ví dụ như đi Mỹ thì vẫn còn hy vọng vẫn còn có thể gặp lại hay là qua thư từ, điện thoại, điện tín hoặc có thể gặp nhau cách này cách khác. Nhưng sự ra đi của Cha Cố Vinh Sơn của chúng ta đây không còn hy vọng gặp lại trên trần gian này nữa đâu hay là liên hệ bằng thư từ, bằng điện tín nữa mà chỉ còn hẹn gặp nhau trên Thiên đàng một ngày nào đó. Vậy chúng ta xin gửi lại Cha Cố Vinh Sơn lời chào vĩnh biệt và hy vọng gặp lại Cha trên Thiên đàng. Cha Cố ra đi mang theo bệnh tật, mang theo những đớn đau, giày vò thân xác của mình. Một khi bác sĩ đã bó tay rồi và dành cho sự định đoạt quan phòng yêu thương vô biên của Thiên Chúa. Đớn đau, nhưng không hề kêu ca phàn nàn. Đớn đau, nhưng không hề thất vọng.

Đối với chúng ta, người tin vào Đức Giê Su Ky Tô thì chết không phải là hết đâu, nhưng là một cuộc ra đi, một cuộc thay đổi thật là tuyệt vời, một cuộc sống mới bắt đầu, một cuộc biến đổi trạng thái con người trần thế yếu hèn sang trạng thái của con người khải huyền, con người thiên thai, con người của cõi phúc, con người của Thiên đàng. Thì đây chính là những trường hợp áp dụng cho Cha Cố Vinh Sơn của chúng ta. Mà theo như lời sách Khải Huyền đoạn 14: „Và tôi nghe thấy tiếng phán từ trời: Ngươi hãy viết ngay từ bây giờ những người đã chết trong Chúa. Thần Khí phán, phải họ sẽ được nghỉ ngơi, không còn vất vả nhọc nhằn nữa và những việc họ làm vẫn theo họ“. Cha Cố không còn làm được gì nữa trên trần gian này, không cử hành Thánh Lễ được nữa, không giải tội, không làm được các phép bí tích nữa và công nghiệp của ngài theo chân ngài đến ngày ngài qua đi. Những việc làm phúc đức, những hy sinh, những lời cầu nguyện kết thành triều thiên vinh hiển cho Cha Cố trên Thiên Đàng. Nơi đó không còn bệnh tật, bác sĩ và thuốc men không cần đối với Cha Cố nữa. Cuộc đời của 74 tuổi đời của Cha Cố hôm nay được xé đến trang cuối cùng. Xương thịt của Cha Cố được chôn vùi trong lòng đất ngay đây. Mồ mả của Cha Cố vẫn còn ở đây, nhưng linh hồn Cha Cố được phiêu diêu nơi cực lạc giữa hàng Thần Thánh trên trời. Cha đã được gần Thiên Chúa, gần Đức Mẹ Maria mà Cha muôn vàn kính yêu và quan thầy Vinh Sơn của Cha. Như vậy, sự buồn rầu khóc thương của người ra đi trở thành niềm vui và hy vọng cho chúng con là những người còn ở lại chờ chuyến máy bay tới sẽ đi. Hạt lúa mì gieo xuống đất phải chết đi rồi mới sinh hoa quả. Những lao nhọc vất vả, những mồ hôi nước mắt, những bệnh tật giày vò, những sự lo lắng cho đoàn chiên của Chúa được trao phó cho Cha Cố đã làm cho Cha Cố hao mòn suốt cuộc dời Linh Mục. Những hy sinh đau khổ này ắt sẽ nở hoa và sinh hoa trái cho cộng đoàn Dân Chúa. Bắt đầu từ hôm nay, cái chết của Cha Cố Vinh Sơn trở thành của lễ trọn đờn dâng lên Thiên Chúa, gieo trong bụi đất, sống lại bất tử, gieo trong hèn mạt, sống lại oai hùng, gieo trong xác phàm, sống lại xác thiêng.

Đức Ky Tô sống lại từ cõi chết chính là xác thiêng vậy. Điều thiêng liêng và điều phàm tục khác nhau. Cái cũ và cái mới khác nhau. Sự chết và sự phục sinh cũng khác nhau.

Thánh Phao Lô trong thư gửi tín hữu Thét-sa-lô-ni-ca quả quyết: „Nếu chúng ta tin vào Đức Ky Tô đã chết và sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng người an nghỉ trong Đức Giê su cũng được Thiên Chúa đưa về cùng với Đức Giê su“. Hay trong bức thư gửi tín hữu Cô-rin-tô, Thánh nhân nói tiếp: „Đức Ky-tô đã trỗi dậy từ cõi chết và mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu“. Điều này minh chứng rằng bóng đêm của mồ mả đã bị đánh tan bởi ánh sáng phục sinh. Người chết được sống lại trong cuộc sống mới và mãi mãi không còn phải chết nữa. Lời vĩnh biệt của sách Khải Huyền: „Bấy giờ tôi thấy Trời Mới Đất Mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. Và tôi thấy thành thánh là Giê-ru-sa-lem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang. Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to: ´Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên Chúa của họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng không còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất”(Kh.21.1-4).

Hôm nay Cha Cố Vinh Sơn của chúng đa đi về quê trời, nơi tràn ngập ánh sáng và hạnh phúc, người được ví như tân nương đi gặp Tân Lang là Đức Giê-su Ky-tô. Người sẽ lau chùi nước mắc đau thương và ban niềm vui bất tận. Và Cha Cố Vinh Sơn sẽ ở lại trong Nhà Chúa chờ đợi ngày Chúa cho phục sinh.

Giám mục Giu-se Hoàng Văn Tiệm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét