Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Bài giảng của Đức Thánh Cha: Hãy can đảm cho dù chúng ta yếu đuối

Bài giảng của Đức Thánh Cha: Hãy can đảm cho dù chúng ta yếu đuối.

Minh Anh – CTV của Gx Thánh Mẫu Bc – chuyển ngữ từ nguồn:

2013-07-02 Vatican Radio: Người Ky-tô hữu được kêu mời trở nên can đảm trong sự yếu đuối của mình. Chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta là những con người yếu đuối và rằng, ở mọi thời điểm, chúng ta phải chạy thoát khỏi tội lỗi, không có sự nuối tiếc quá khứ, không ngoảnh mặt nhìn lại đàng sau. Chúng ta không được phép để cho các cám dỗ hoặc sự sợ hãi làm chúng ta xa rời Thiên Chúa. Thay vào đó, chúng ta phải học biết rằng, ‘những ai chiến đấu và chạy trốn nhằm tiếp tục sống để chiến đấu vào một ngày khác!’ Đó là trọng tâm bài giảng của ĐTC trong Thánh Lễ sáng thứ Ba.

Hành động lưỡng lự, không dứt khoát, luôn nhìn về phía sau, sợ hướng về Thiên Chúa, và ân sủng của Chúa Thánh Thần là bốn thái độ có thể diễn ra trong hoàn cảnh xung đột, khó khăn mà ĐTC rút ra từ trong các bài đọc hôm nay. Thái độ thứ nhất là thái độ “chậm chạp” của ông Lot. Ông quyết định rời bỏ thành trước khi nó bị phá hủy nhưng ông đã thực hiện rất chậm chạp. Thiên Thần bảo ông chạy đi, nhưng ông mang trong mình sự “bất lực trong việc tách mình ra khỏi ma quỷ và tội lỗi”. ĐTC nhận thấy rằng, chúng ta muốn đi ra, chúng ta quyết tâm, “nhưng có cái gì đó kéo chúng ta lại” và ông Lót bắt đầu thương lượng thậm chí với Thiên Thần.

Rất khó để có thể cắt bỏ những trói buộc bởi một tình huống tội lỗi. Rất khó! Thậm chí trong một cơn cám dỗ, rất khó! Nhưng tiếng của Thiên Chúa nói cho chúng ta lời này: ‘Hãy chạy trốn!’ Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su đã dậy cho chúng ta rằng đôi khi, trong những cơn cám dỗ, giải pháp duy nhất là trốn thoát và không phải xấu hổ khi trốn thoát; và là thừa nhận rằng mình yếu đuối và phải trốn thoát. Và câu châm ngôn được nhiều người biết tới, rất đơn giản, nhưng thể hiện nhiều ý nghĩa, nhưng hơi mỉa mai: ‘những ai chiến đấu và chạy trốn nhằm tiếp tục sống để chiến đấu vào một ngày khác!’. Trốn thoát để tiến bước theo con đường của Chúa Giê-su”.

ĐTC tiếp tục rằng, sau đó Thiên Thần nói (với ông Lót): “đừng nhìn lại phía sau” để chạy trốn và giữ đôi mắt hướng về phía trước. Ở đây – ĐTC nói – là một lời khuyên về cách vượt qua những nuối tiếc tội lỗi của chúng ta như thế nào. Hãy nghĩ về Dân Chúa trong sa mạc - ĐTC nhấn mạnh: “Họ có mọi thứ, có các lời hứa, có mọi thứ”. Nhưng “họ lại nuối tiếc các củ hành củ tỏi ở Ai-cập”, và sự “thèm muốn này làm cho họ quên đi rằng họ đã ăn những củ hành củ tỏi đó trên chiếc bàn nô lệ”. Có sự “thèm muốn quay trở lại, đi trở lại”. Và lời khuyên của Thiên Thần - ĐTC nói - “là khôn ngoan: Đừng nhìn lại phía sau! Hãy tiến về phía trước!” Chúng ta không được phép làm như vợ của ông Lot, chúng ta phải “để lại đàng sau tất cả những lưu luyến, tiếc nuối, bởi vì đó cũng là sự cám dỗ của sự tò mò.”

Khi đối mặt với tội lỗi, chúng ta phải chạy trốn mà không có bất cứ nuối tiếc gì. Sự tò mò không giúp chúng ta điều gì, nó làm tổn thương! ‘Nhưng, trong thế gian tội lỗn này, chúng ta có thể làm gì? Tội lỗi này nó hình thù như thế nào? Tôi muốn biết…’ Không, đừng! Sự tò mò này sẽ làm tổn thương anh chị em! Hãy chạy thoát và đừng nhìn lại đàng sau! Chúng ta yếu đuối, tất cả chúng ta, và chúng ta phải bảo vệ chính chúng ta. Tình huống thứ ba đó là ở trên thuyền: đó là nỗi sợ hãi. Khi có biến động lớn ở biển, thuyền bị phủ bởi những con sóng. ‘Cứu chúng con với, Lạy Chúa, chúng con chết mất!’ - các Tông đồ nói. Sợ hãi! Thậm chí đó là một sự cám dỗ của ma quỷ: sợ hãi tiến về phía trước trên con đường của Thiên Chúa”.

Có một sự cám dỗ nói rằng: “tốt hơn là hãy ở lại đây”, nơi mà tôi được an toàn. “Nhưng điều này – ĐTC cảnh báo – là sự nô lệ của Ai-câp”. “Tôi sợ đi về phía trước – ĐTC nói – Tôi sợ nơi mà Thiên Chúa sẽ mang tôi tới.” Sợ hãi, tuy nhiên, “không phải là một nhà cố vấn tốt lành”. Chúa Giê-su - ĐTC thêm vào - “rất nhiều lần, đã nói: ‘Đừng sợ’. Sợ hãi không giúp ích gì cho chúng ta”. Thái độ thứ tư “là ân sủng của Chúa Thánh Thần”. Khi Chúa Giê-su làm cho biển động trở lại phẳng lặng, các Tông đồ trên thuyền cảm thấy kính sợ. “Khi phải đối mặt với tội lỗi, nuối tiếc quá khứ, sợ hãi” - ĐTC nói - chúng ta luôn luôn phải hướng về Thiên Chúa.

Nhìn lên Thiên Chúa, suy nghĩ đến Thiên Chúa. Điều này đem lại cho chúng ta một sự kỳ diệu tuyệt đẹp về một cuộc gặp gỡ mới với Thiên Chúa. ‘Lạy Chúa, con đang bị cám dỗ: Con muốn ở lại trong tình trạng tội lỗi này, lạy Chúa, con tò mò muốn biết về những thứ này, lạy Chúa, con sợ.’ Và các Tông đồ nhìn vào Thiên Chúa; ‘cứu chúng con, lạy Chúa, chúng con chết mất!’ Và điều kỳ diệu ở một cuộc gặp gỡ mới với Chúa Giê-su đã diễn ra sau đó. Chúng ta không được phép là những Ky-tô hữu ngây thơ, ngờ nghệch cũng không được phép là những Ky-tô hữu thờ ơ, hững hờ, nhưng là những Ky-tô hữu dũng cảm, can đảm. Chúng ta yếu đuối, nhưng chúng ta phải can đảm trong sự yếu đuối của chúng ta. Và thông thường sự can đảm của chúng ta phải được thể hiện bằng việc chạy trốn mà không ngoảnh đầu lại đàng sau, để không bị rơi vào bẫy của sự nuối tiếc nguy hiểm. Đừng sợ hãi và luôn nhìn lên Thiên Chúa!”.

Minh Anh – CTV của Gx Thánh Mẫu Bc – chuyển ngữ từ nguồn:
http://www.news.va/en/news/pope-at-mass-courage-in-spite-of-our-weaknesses

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét