Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

THÔNG ĐIỆP - LUMEN FIDEI - ÁNH SÁNG ĐỨC TIN (Lời Mở)

THÔNG ĐIỆP - LUMEN FIDEI - ÁNH SÁNG ĐỨC TIN (Lời Mở)
LTS: Quý Vị độc giả thân mến:

Thông Điệp Ánh Sáng Đức Tin đã được Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI khởi viết để đánh dấu Năm Thánh Đức Tin trên khắp Giáo Hội Toàn Cầu. Tuy nhiên, khi rời ngai tòa Thánh Phê-rô, Đức Bê-nê-đíc-tô đã chưa kịp hoàn tất Thông Điệp này. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, khi được bầu lên kế vị Đức Bê-nê-đíc-tô XVI, đã tiếp tục công trình mà Đức Bê-nê-đíc-tô đã khởi sự. Và đây được coi là Thông Điệp đầu tay của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô.


Như vậy, Thông Điệp Ánh Sáng Đức Tin là một trong những Thông Điệp hiếm hoi được soạn thảo bởi hai triều đại Giáo Hoàng. Và Thông Điệp này là một trường hợp độc nhất từ trước đến nay bởi nó được công bố trong lúc cả hai vị Giáo Hoàng – tức hai vị đã soạn thảo ra bức Thông Điệp – vẫn còn đang sống.

Bức Thông Điệp này được Đức Thánh Cha Phan-xi-cô ký ban hành và được công bố vào ngày 05 tháng 07 năm 2013. Thông Điệp được chia thành bốn chương, cộng thêm phần nhập đề và phần kết luận. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô giải thích rằng, Thông Điệp này bổ túc các thông điệp về Đức Ái và Đức Cậy của Đức Bê-nê-đíc-tô XVI, và tiếp nối “công trình tốt đẹp” của Đức Giáo Hoàng Hưu Trí - người đã “gần như hoàn tất” Thông Điệp về Đức Tin này. Và Đức Thánh Cha Phan-xi-cô tự nhận mình như là người chỉ góp “thêm phần đóng góp” của ngài vào “dự thảo đầu tiên” này mà thôi (Thông Điệp Ánh Sáng Đức Tin số 7).

Khi chuyển ngữ bức Thông Điệp này sang tiếng Việt, Ban Biên Tập chúng tôi đã tham chiếu khá nhiều các bản văn bằng các thứ tiếng khác nhau, như tiếng Anh, Tiếng Đức và tiếng La-tinh v.v. Đối với các bản văn Kinh Thánh được sử dụng trong Thông Điệp này, khi chuyển ngữ sang tiếng Việt, chúng tôi đã tham chiếu bản Kinh Thánh tiếng Việt của Nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh.

Chúng tôi sẽ lần lượt cho đăng tải toàn văn bản dịch bức Thông Điệp này. Mời quý vị đón đọc.

THÔNG ĐIỆP
LUMEN FIDEI

ÁNH SÁNG ĐỨC TIN 
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ

GỬI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC VÀ PHÓ TẾ
CÁC TU SĨ
VÀ CÁC TÍN HỮU

1.Ánh sáng Đức tin: đây là cách thức mà truyền thống của Giáo Hội nói về quà tặng vĩ đại mà Chúa Giê-su mang đến. Trong Tin Mừng của Thánh Gio-an, Chúa Ky-tô đã tự nói về mình rằng: “Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối” (Ga.12,46). Thánh Phao-lô cũng sử dụng một hình ảnh tương tự:  “Quả thật, xưa Thiên Chúa đã phán : Ánh sáng hãy bừng lên từ nơi tối tăm! Người cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi” (2 Cr.4,6). Trong thế giới ngoại giáo, đói khát ánh sáng, sự tôn thờ thần mặt trời đã phát triển- Sol Invictus – vị thần được cầu khẩn vào lúc bình minh. Ngay cả khi mặt trời được tái sinh vào mỗi buổi sáng thì người ta vẫn có thể hiểu một cách rất rõ ràng rằng, mặt trời không có khả năng để chiếu rọi ánh sáng của nó trên tất cả sự hiện hữu của con người. Mặt trời không chiếu sáng tất cả thực tại; tia sáng của nó không thể thâm nhập vào bóng tối của sự chết, nơi mà con mắt nhân loại bị khép lại trước ánh sáng của nó. “Không ai – Thánh Giút-ti-nô Tử đạo viết – đã từng sẵn sàng chết vì niềm tin của mình vào mặt trời” [1]. Nhận thức được chân trời bao la mà đức tin mở tra trước mắt mình, các Ky-tô hữu đã cầu khẩn Chúa Giê-su như là mặt trời đích thực, “ánh sáng của Người ban tặng sự sống [2]. Trước sự khóc thương của Már-ta đối với cái chết của người em là La-za-rô, Chúa Giê-su đã nói: "Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao ?" (Ga.11,40). Ai tin thì sẽ thấy, người ấy thấy được ánh sáng chiếu tỏa trên toàn bộ cuộc hành trình của họ, bởi vì ánh sáng ấy đến từ Chúa Ky-tô phục sịnh, sao Mai không bao giờ lặn.

Phải chăng đó là một thứ ánh sáng hão huyền?

2.Nhưng khi nói về ánh sáng đức tin, chúng ta có thể nghe thấy hầu hết sự phản đối của nhiều người trong thời đại chúng ta. Trong xã hội hiện đại, ánh sáng đó có thể được coi là đủ cho những xã hội xưa kia, nhưng bị cảm thấy không còn sử dụng được nữa đối với xã hội tân thời, đối với một nhân loại đã trưởng thành, tự hào về sự hợp lý của mình và nóng lòng khám phá tương lai theo những cách thức mới lạ. Trong ý nghĩa này, đức tin xuất hiện như là một thứ ánh sáng huyền ảo, cản bước con người trong việc dũng cảm để đi đến với những cấp độ của  sự hiểu biết. Lúc còn trẻ, Nietzsche đã khuyến khích chị gái của mình là bà Elisabeth rằng, phải dám mạo hiểm để tiến bước “trên những con đường mới” “trong sự bấp bênh của sự bước đi một cách độc lập”. Và ông thêm vào:  “Đây là nơi mà những con đường của nhân loại bị chia rẽ: nếu bạn muốn cố đạt được sự bình an của tâm hồm và hạnh phúc thì bạn hãy tin, nhưng nếu bạn muốn trở thành môn đệ của chân lý, thì bạn hãy kiếm tìm” [3]. Đức tin sẽ không thể xung khắc với sự kiếm tìm. Kể từ thời điểm đó, Nietzsche đã phát triển sự phê phán của ông đối với Ky-tô giáo, điều làm giảm thiểu ý nghĩa đầy đủ về sự tồn tại của con người, và tước đi sự mới lạ và phiêu lưu khỏi cuộc đời. Do vậy, đức tin sẽ trở nên đồng nghĩa với một thứ ánh sáng huyễn hoặc, điều gây cản trở cho con đường của chúng ta như là  những con người tự do của tương lai.

3.Trong tiến trình đó, đức tin được mang đến trong sự liên kết với bóng tối ở điểm cuối. Có những người người cố gắng cứu lấy đức tin bằng cách tạo ra một không gian cho nó với ánh sáng của lý trí. Không gian đó sẽ mở ra bất kể ở nơi nào mà ánh sáng của lý trí không thể chiếu rọi được, bất cứ nơi nào mà sự chắc chắn không còn có thể tồn tại được nữa. Vì thế, đức tin được hiểu hoặc như là một hành động liều lĩnh mạo hiểm được thực hiện trong sự vắng bóng của ánh sáng, được điều khiển bởi thứ tình cảm mù quáng, hoặc là một thứ ánh sáng chủ quan, mà có lẽ nó có khả năng làm ấm lòng và đem lại sự an ủi mang tính cá nhân, nhưng không phải là thứ có thể được giới thiệu, được đưa ra cho người khác như là một thứ ánh sáng khách quan cũng như được chia sẻ - tức thứ ánh sáng mà nó có thể chiếu rọi trên những nẻo đường để bước đi. Tuy nhiên, chậm nhưng mà lại chắc, nó sẽ trở nên hiển nhiên rằng, ánh sáng của lý trí không đủ để chiếu rọi tương lai; cuối cùng thì tương lai vẫn còn là bóng tối và chứa đầy sợ hãi bởi những điều chưa biết. Kết quả là, con người đã từ bỏ để không còn tìm kiếm một thứ ánh sáng vĩ đại, Chân lý của chính nó, nhưng lại bằng lòng với những thứ ánh sáng thấp kém hơn, thứ ánh sáng chỉ chiếu rọi được trong một khoảnh khắc tạm thời, nhưng không thể chiếu rọi được đường đi. Lẽ dĩ nhiên, thiếu ánh sang, mọi thứ đều trở nên mù mờ; không thể nói về điều tốt lành từ những sự xấu xa, hoặc từ những con đường dẫn chúng ta đến với những đích điểm khác, tức những con đường dẫn chúng ta đi vào trong những vòng tròn vô định, luẩn quẩn, chẳng đến được nơi đâu.

Một thứ ánh sáng sẽ được khám phá

4.Vì thế, có một sự cần thiết cấp bách để nhìn lại một lần nữa rằng, đức tin là một thứ ánh sáng, bởi vì một khi ngọn lửa đức tin đã tắt, thì tất cả những thứ ánh sáng khác cũng đều bắt đầu trở nên mờ đi. Ánh sáng của đức tin là độc nhất, bởi chỉ nó có khả năng chiếu rọi vào mọi khía cạnh của hữu thể con người. Một thứ ánh sáng mà sức mạnh của nó không thể đến từ bản thân chúng ta nhưng từ một nguồn cội uyên nguyên: nó đến từ Thiên Chúa. Đức tin được sinh ra nhờ sự gặp gỡ với Thiên Chúa Hằng Sống – Đấng đã kêu gọi chúng ta và tiết lộ tình yêu của Ngài, một tình yêu đi trước chúng ta và nhờ đó chúng ta có thể an tâm và xây dựng cuộc đời của chúng ta. Được biến đổi với tình yêu này, chúng ta có được cái nhìn tươi mới, có được đôi mắt mới để nhìn; chúng ta nhận ra rằng nó chứa đựng một lời hứa vĩ đại về sự viên mãn và một cái nhìn về tương lai rộng mở trước mắt chúng ta.

Đức tin – tức điều mà chúng ta nhận được từ Thiên Chúa như một ân ban siêu nhiên – trở thành một thứ ánh sáng cho con đường của chúng ta, và hướng dẫn chúng ta trong suốtcuộc hành trình. Một mặt, nó là thứ ánh sáng đến từ quá khứ, tức ánh sáng của sự tưởng niệm có tính nền tảng nơi cuộc đời của Chúa Giê-su – Đấng đã tiết lộ tình yêu trọn hảo và đáng tin cậy, một tình yêu có thể chiến thắng cả tử thần. Nhưng từ khi Chúa Ky-tô phục sinh và lôi kéo chúng ta vượt qua sự chết, thì đức tin cũng là một thứ ánh sáng đến từ tương lai và mở ra trước mắt chúng ta những chân trời rộng mở, dẫn chúng ta vượt lên trên sự ích kỷ của mình để hướng về khoảng không rộng mở của sự hiệp thông.  Chúng ta đến để nhìn thấy rằng đức tin không cư ngụ ở trong bóng tối và u ám; nó là một thứ ánh sáng cho sự tăm tối của chúng ta. Nhà thơ Dante, trong tác phẩm Hài Kịch của các Thần Thánh, sau khi đã tuyên xưng đức tin của mình trước Thánh Phê-rô, đã miêu tả rằng, ánh sáng như là một “tia lửa, rồi trở lên một ngọn lửa bừng cháy và giống như một ngôi sao, và từ chính ngôi sao này mà tôi được chiếu sáng” [4]. Nó là thứ ánh sáng của đức tin mà tôi bây giờ muốn xem xét, để nó có thể lớn lên và thắp sáng hiện tại, trở nên một vì sao để chiếu sáng chân trời nơi chuyến hành trình của chúng ta tại một thời điểm khi mà con người đặc biệt cần đến ánh sáng.

5.Chúa Ky-tô, trước đêm vượt qua của Ngài, đã đảm bảo với Thánh Phê-rô rằng: “Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin” (Lc.22,32). Sau đó Ngài nói với Thánh nhân rằng, hãy làm cho cho anh chị em của anh nên vững mạnh trong cùng một đức tin. Ý thức được nhiệm vụ đã được trao phó cho Người kế vị Thánh Phê-rô, Đức Bê-nê-đic-tô XVI đã công bố Năm Đức Tin hiện nay, là thời gian của hồng ân giúp chúng ta hiểu được niềm vui to lớn của đức tin và làm mới sự ngạc nhiên của chúng ta nơi những chân trời rộng lớn mà đức tin đã mở ra, để rồi tuyên xưng đức tin ấy trong sự hiệp nhất và toàn vẹn, trung tín với ký ức của Thiên Chúa và được duy trì, nâng đỡ bằng sự hiện diện của Ngài và bằng hành động của Chúa Thánh Thần. Sự xác tín được nảy sinh từ một niềm tin mà nó mang lại sự vĩ đại và viên mãn cho cuộc đời, một miền tin được đặt trọng tâm vào Chúa Ky-tô và vào sức mạnh của ân sủng Ngài, một niềm tin đã thôi thúc các Ky-tô hữu đầu tiên thực hiện sứ vụ của mình. Trong sách Công vụ Tử đạo, chúng ta đọc được đoạn đối thoại sau đây giữa Tổng trưởng Rô-ma Rusticus và một người Ky-tô hữu tên là Hierax: “Bố mẹ của ông ở đâu”,  quan tòa hỏi thánh nhân. Ngài trả lời: “người Cha đích thực của chúng tôi là Chúa Ky-tô, và người mẹ đích thực của chúng tôi là tin vào Ngài” [5]. Đối với các Ky-tô hữu sơ khai, đức tin - như là một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa Hằng Sống được biểu lộ trong Chúa Ky-tô – quả thực là một “người mẹ”, bởi nó mang lại ánh sáng cho họ và trong ánh sáng ấy họ được sinh ra trong cuộc sống thiêng liêng, một kinh nghiệm mới và một cái nhìn rõ ràng về sự hiện hữu mà họ đã chuẩn bị để làm chứng cho công chúng cho đến tận cùng.

6.Năm Đức Tin được khai mạc vào dịp kỷ niệm lần thứ 50 ngày khai mạc Công Đồng Va-ti-ca-nô II.  Điều này tự nó là một sự biểu thị rõ ràng rằng, Va-ti-ca-nô II là một Công Đồng về đức tin, [6] bởi vì nó yêu cầu chúng ta phải hoàn trả lại địa vị đứng đầu của Thiên Chúa trong Đức Ky-tô đối với trung tâm đời sống của chúng ta, cả hai như là một Giáo Hội và như những cá nhân. Giáo Hội không bao giờ giả định đức tin như là một cái gì đó không cần giải thích, nhưng nhận thức rằng, quà tặng này của Thiên Chúa cần được nuôi dưỡng và được tăng trưởng để nó có thể tiếp tục hướng dẫn cuộc hành trình của mình. Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã làm cho ánh sáng đức tin có thể chiếu rọi vào sự hiện hữu của con người từ bên trong, đồng hành với các người nam và người nữ trong thời đại của chúng ta trong cuộc hành trình của họ. Điều đó đã chỉ rõ cho thấy đức tin đang làm phong phú đời sống như thế nào trong mọi chiều kích của nó.

7.Những xem xét về đức tin – trong sự liên tục với tất cả những điều mà quyền giáo huấn của Giáo Hội đã tuyên bố về nhân đức thần học này [7] – nó có nghĩa là để bổ sung cho điều mà Đức Bê-nê-đíc-tô XVI đã viết trong các bức thông điệp của ngài về Bác Ái và Hy Vọng.  Chính ngài đã gần như hoàn thành bản thảo đầu tiên của Thông Điệp về đức tin. Vì điều này,  với sự biết ơn ngài một cách sâu sắc, và như là một người em của ngài trong Chúa Ky-tô, tôi đã nhận lấy công trình tốt lành của ngài và bổ sung một số đóng góp của chính tôi. Đấng Kế vị của Thánh Phê-rô, ngày hôm qua, hôm nay và ngày mai, vẫn luôn luôn được kêu gọi để làm cho các anh chị em của mình thêm vững mạnh trong kho tàng vô giá của đức tin mà Thiên Chúa đã tặng ban như là một ánh sáng cho con đường của nhân loại.

Trong đức tin – tức quà tặng của Thiên Chúa, một nhân đức siêu nhiên, mà Thiên Chúa đã đổ xuống trên chúng ta - chúng ta nhận ra rằng, một tình yêu vĩ đại đã được tặng ban cho chúng ta, một lời tốt lành đã được nói cho chúng ta, và rằng khi chúng ta đón nhận lời ấy, tức Chúa Giê-su Ky-tô, Ngôi Lời đã trở nên xác phàm, chúng ta được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần; Ngài thắp sáng con đường tiến về tương lai của chúng ta và làm cho chúng ta vui mừng tiến theo con đường hy vọng. Vì thế, sự hòa trộn kỳ diệu giữa đức tin, hy vọng và đức ái sẽ là động lực trong đời sống của người Ky-tô hữu, bởi nó thúc đẩy và làm tiến mau đến sự hiệp thông một cách trọn vẹn với Thiên Chúa. Nhưng con đường này sẽ như thế nào đây khi mà đức tin mở nó ra trước mắt chúng ta? Đâu là nguồn gốc của ánh sáng đầy sức mạnh này, mà với sức mạnh ấy nó có thể thắp sáng cuộc hành trình của một đời sống sinh hoa kết trái và thành công?

(còn tiếp)

BBT (Bản dịch được tham chiếu khá nhiều các bản văn bằng các thứ tiếng khác nhau, như tiếng Anh, Tiếng Đức và tiếng La-tinh v.v.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét