Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

THÔNG ĐIỆP - LUMEN FIDEI - ÁNH SÁNG ĐỨC TIN Chương III (tiếp theo 1)

THÔNG ĐIỆP - LUMEN FIDEI - ÁNH SÁNG ĐỨC TIN
CHƯƠNG III
TÔI TRUYỀN LẠI CHO ANH EM
ĐIỀU MÀ CHÍNH TÔI ĐÃ LÃNH NHẬN

(x. 1 Cr 15:3) 


Bí tích và sự loan truyền đức tin (tiếp theo)

41. Sự thông truyền đức tin diễn ra đầu tiên và trước hết qua bí tích rửa tội. Một số người có thể nghĩ rằng, bí tích rửa tội chỉ là một cách thức biểu tượng hóa sự tuyên xưng đức tin, một công cụ có tính sư phạm đối với những ai đòi hỏi hình ảnh và dấu chỉ, trong khi trong tự bản thân nó rốt cục không cần thiết. Một lời nhận xét của Thánh Phao-lô về bí tích rửa tội đã nhắc cho chúng ta hiểu về điều này rằng, không phải như thế. Thánh Phao-lô đã tuyên bố: “Vì được dìm vào trong cái chết của Đức Ky-tô, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm.6,4). Trong bí tích rửa tội chúng ta trở nên một tạo vật mới và tái sinh làm con cái của Thiên Chúa. Thánh Tông Đồ tiếp tục nói rằng, người Ky-tô hữu được giao cho một „một Giáo lý chuẩn xác“ (týpos didachés), mà bây giờ họ hết lòng vâng theo ((x. Rm.6,17).Trong bí tích rửa tội, chúng ta nhận được cả hai lời dậy để được tuyên xưng, và một cách đặc biệt của cuộc sống – tức một cuộc sống đòi hỏi sự tham dự toàn bộ con người và đặt chúng ta trên con đường tiến tới sự thiện hảo. Những ai được chịu bí tích rửa tội có nghĩa là được đặt vào trong một thực thể mới, được trao phó cho một môi trường mới, một con đường mới và được chia sẻ các hoạt động trong Giáo Hội. Sau đó, bí tích rửa tội làm chúng ta có thể thấy được rằng, đức tin không phải là sự đạt được của những cá nhân riêng lẻ; nó không phải là một hành động mà một ai đó có thể thực hiện một mình, nhưng đúng hơn là một thứ gì đó phải được nhận lấy bằng cách đi vào sự hiệp thông của Giáo Hội, tức sự hiệp thông truyền giao ân sủng của Thiên Chúa. Không ai tự rửa tội cho mình, bởi vì chẳng có ai tự mình đi vào thế giới này. Bí tích rửa tội là cái gì đó mà chúng ta nhận lãnh.

42. Nhưng yếu tố nào của bí tích rửa tội dẫn chúng ta đi vào “một Giáo Lý chuẩn xác” mới này? Thứ nhất, danh của Thiên Chúa Ba Ngôi – Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần – được cầu khẩn trên người  dự tòng. Do vậy, từ sự bắt đầu, một tổ hợp của chuyến hành trình đức tin đã được cung cấp. Thiên Chúa, Đấng đã gọi Abraham; Thiên Chúa, Đấng tiết lộ tên của Ngài cho Mô-sê; Thiên Chúa, Đấng đã thể hiện trong việc tặng ban cho chúng ta Người Con của Ngài, đã mặc khải trọn vẹn màu nhiệm Danh của Ngài, bây giờ ban cho người chịu phép rửa một căn tính mới của việc làm con. Điều này được thấy một cách rõ ràng trong hành động của chính bí tích rửa tội: nhấn chìm trong nước. Nước ngay lập tức là một biểu tượng của sự chết, mời gọi chúng ta vượt qua sự tự chuyển hoán tới một căn tính mới và lớn lao hơn, và một biểu tượng sủa sự sống, của dạ mẹ mà ở đó chúng ta được tái sinh nhờ đi theo Đức Ky-tô trong đời sống mới của Ngài. Bằng cách này, sự nhấn chìm trong nước, bí tích rửa tội nói với chúng ta về một cấu trúc có tính tân hiện sinh của đức tin. Công trình của Đức Ky-tô thẩm thấu xuyên qua chiều sâu nơi sự hiện hữu của chúng ta và biến đổi tận căn chúng ta, làm cho chúng ta trở nên con cái của Thiên Chúa cũng như được chia sẻ thần tính của Ngài. Do vậy, nó làm thay đổi tất cả các mối tương quan của chúng ta, vị trí của chúng ta trong thế giới này và trong vũ trụ, và mở chúng ta ra để đi tới với cuộc sống hiệp thông của chính Thiên Chúa. Sự thay đổi này, một sự thay đổi xảy ra trong bí tích rửa tội, giúp chúng ta hiểu rõ giá trị về tầm quan trọng riêng của giai đoạn dự tòng  – nhờ đó làm tăng thêm con số các Ky-tô hữu trưởng thành, thậm chí ngay trong cội nguồi xã hội của các Ky-tô hữu sơ khai, giờ đây tiếp cận gần hơn với Bí Tích Rửa Tội – cho việc tân tin mừng hóa. Nó là con đường chuẩn bị cho bí tích rửa tội, cho sự biến đổi toàn bộ đời sống của chúng ta trong Đức Ky-tô.

Để hiểu đúng giá trị của sự liên kết này giữa bí tích rửa tội và đức tin, chúng ta cần nhớ lại đoạn văn của Tiên trị I-sa-i-a, được lien hệ tới Bí Tích Rửa tội trong nền văn chương Ky-tô Giáo sơ khai: “có đồn trên núi đá làm nơi trú ẩn ... nước uống chẳng lo thiếu bao giờ.” Người nhận bí tích rửa tội, đã được cứu khỏi nước của sự chết, bây giờ được đặt ở “nơi trú ẩn bằng đá” bởi vì họ đã tìm thấy một nền tảng vững chắc và đáng tin cậy. Nước của sự chết như vậy đã được biến đổi thành nước của sự sống. Bản văn Hy-lạp, khi nói về nước, tức nước mà “chẳng thiếu bao giờ”, đã sử dụng từ pistós, "tín trung". Nước của bí tích rửa tội quả thực là tín trung và đáng tin cậy bởi vì nước ấy chảy bằng sức mạnh nơi tình yêu của Đức Ky-tô, nguồn mạch của sự đảm bảo của chúng ta trong cuộc hành trình của đời sống.

43.Cấu trúc của phép rửa, mà hình thức của nó như là một sự tái sinh và ở đó chúng ta nhận được một danh xưng và một cuộc đời mới, giúp chúng ta hiểu đúng hơn ý nghĩa và tầm quan trọng của việc rửa tội cho các em nhỏ. Các em không có khả năng đón nhận đức tin bằng một hành động tự do, cũng không có khả năng tự mình tuyên xưng đức tin ấy; vì thế đức tin của các em được tuyên xưng bởi bố mẹ của các em và bởi những người đỡ của các em. Bởi đức tin là một thực tại được sống trong cộng đoàn Giáo Hội, một phần của một cái chung “Chúng ta”, nên các em có thể được hỗ trợ, được giúp đỡ bởi những người khác, cha mẹ và người đỡ đầu của các em, và được đón nhận vào trong đức tin họ, đó là đức tin của Hội Thánh; điều này được biểu trưng hóa bởi ngọn nến sang mà cha mẹ của đứa trẻ thắp sáng từ ngọn nến Phục Sinh. Vio2 thế, cấu trúc của bí tích rửa tội thể hiện sự quan trọng thiết yếu của sự phối hợp giữa Hội Thánh và gia đình trong sự thông truyền đức tin. Cha mẹ được kêu gọi, như Thánh Au-gus-ti-nô đã từng nói, không chỉ mang các em đến với thế giới nhưng còn mang chúng đến với Chúa, ngõ hầu thông qua bí tích rửa tội, các em có thể được tái sinh làm con cái của Thiên Chúa và lãnh nhận ân ban đức tin. [38]. Vì thế, trong  suốt cuộc đời, các em được trao cho một định hướng căn bản và được đảm bảo một tương lai tốt lành; sự định hướng này sẽ được tăng cường hơn nữa trong bí tích Thêm Sức với sự đóng ấn của Chúa Thánh Thần.

44. Đặc tính bí tích của đức tin được thể hiện cao nhất nơi bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể là của ăn nuôi dưỡng quý giá của đức tin: một sự gặp gỡ với Đức Ky-tô đích thực đang hiện diện nơi hành động tột cùng của tình yêu Ngài, quà tặng-trao ban-sự sống của chính Ngài. Trong bí tích Thánh Thể, chúng ta tìm thấy sự giao hội của  hai chiều kích đức tin. Một mặt, có chiều kích của lịch sử: Thánh Thể là một hành động của sự tưởng nhớ, một tặng phẩm của màu nhiệm tình yêu mà trong đó quá khứ, biến cố chết và phục sinh, chứng tỏ khả năng của nó mở ra một tương lai, báo hiệu sự viên mãn cuối cùng. Phụng vụ nhắc nhớ cho chúng ta về điều này bằng cách nhắc lại lời hodie  „hôm nay“ của các màu nhiệm cứu độ. Mặt khác, chúng ta cũng tìm thấy chiều kích dẫn đưa từ thế giới hữu hình sang thế giới vô hình. Trong bí tích Thánh Thể, chúng ta học biết được các chiều cao và chiều sâu của thực tại. Bánh miến và rượu được biến thành mình và máu Đức Ky-tô – Đấng đã trở thành hy tế dâng lên Thiên Chúa Cha trong lễ vượt qua Ngài: sự vận động này thu hút chúng ta, thể xác và linh hồn, đi vào sự vận động của tất cả sự tạo dựng tiến tới sự viên mãn của nó trong Thiên Chúa.

45. Trong việc cử hành các bí tích, Giáo Hội truyền giao sự tưởng tưởng niệm của mình, đặc biệt thông qua việc tuyên xưng đức tin. Kinh tin kính không chỉ liên quan đến việc đưa ra sự tán thành của một người với một mớ các chân lý  trừu tượng, mà còn là - khi nó được đọc- toàn thể đời sống được lôi kéo để đi vào một cuộc hành trình hướng về sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa Hằng Sống. Chúng ta có thể nói rằng, trong kinh Tin Kính, các tín hữu được mời gọi đi vào màu nhiệm mà họ tuyên xưng và được nó biến đổi. Để hiểu điều này có ý nghĩa gì, trước hết chúng ta hãy nhìn vào nội dung của kinh Tin Kính. Nó có một cấu trúc mang tính tam vị: Thiên Chúa Cha và Chúa Con thông hiệp trong Thần Khí tình yêu. Vì thế người tín hữu tuyên xưng rằng: đây là cốt lõi của tất cả sự hiện hữu, huyền nhiệm sâu thẳm nhất của mọi thực tại, một sự hiệp thong thần linh. Kinh Tin Kính cũng chứa đựng một tuyên xưng Ky-tô học: nó đưa chúng ta xuyên qua tất cả các màu nhiệm nơi cuộc đời của Đức Ky-tô cho đến cái chết, sự phục sinh và về trời của Ngài trước khi Ngài trở lại trong vinh quang. Nó nói cho chúng ta rằng, Thiên Chúa của sự hiệp thông, của tình yêu qua lại giữa Thiên Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần, có khả năng ôm lấy lịch sử nhân loại và thu hút nó đi vào sự hiệp thông sống động của Thiên Chúa,  mà sự hiệp thông ấy bắt nguồn và viên mãn trong chính Thiên Chúa Cha. Người tín hữu tuyên xưng đức tin của mình, được tiếp nhận - có thể nói như vậy - vào chân lý được tuyên xưng. Người tín hữu không thể đọc một cách chân thật lời của Kinh Tin Kính mà không bị thay đổi, không trở nên một phần của lịch sử yêu thương mà nó ôm ấp chúng ta và trải rộng sự hiện hữu của chúng ta, làm nó trở thành một phần của sự thông hiệp vĩ đại, chủ thể cuối cùng của việc đọc Kinh Tin Kính, cụ thể là Giáo Hội. Tất cả các chân lý mà chúng ta tin vào đều hướng tới màu nhiệm đời sống mới của đức tin như là một cuộc hành trình thông hiệp với Thiên Chúa Hằng Sống.

(còn tiếp)
BBT.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét