Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

Đức Thánh Cha: Chúng ta gặp được Thiên Chúa Hằng Sống thông qua các thương tích của Người.

Đức Thánh Cha: Chúng ta gặp được Thiên Chúa Hằng Sống thông qua các thương tích của Người.

An-tôn Trần – CTV của Gx Thánh Mẫu Bc – chuyển ngữ từ nguồn:
(Vatican Radio) Để gặp được Thiên Chúa Hằng Sống, chúng ta phải nhẹ nhàng hôn lên những thương tích của Chúa Giê-su đang có trong những người anh chị em của chúng ta, tức những người đang bị cầm tù, ốm đau và nghèo đói. Chỉ nghiên cứu, suy tư và khổ hạnh không thôi thì chưa đủ để làm cho chúng ta có thể gặp gỡ được Thiên Chúa Hằng Sống đâu. Như Thánh Tô-ma, cuộc sống của chúng ta chỉ có thể thay đổi khi chúng ta chạm vào các vết thương của Chúa Ky-tô nơi những người nghèo khổ, ốm đau và những người đang cần sự giúp đỡ. Đây là bài học được rút ra từ bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Lễ kính Thánh Tô-ma Tông Đồng vào sáng thứ Tư tại nhà khách Thánh Mát-ta.

Chúa Giê-su sau khi Phục sinh đã hiện ra với các Tông Đồ, nhưng Thánh Tô-ma đã không có mặt trong cuộc hiện ra này: “Ngài muốn Thánh nhân đợi một tuần nữa – ĐTC nói – Thiên Chúa biết tại sao Ngài lại làm những điều như thế. Và Ngài cho thời gian mà Ngài nghĩ rằng đó là tốt nhất cho mỗi người chúng ta. Ngài đã cho Thánh Tô-ma một tuần”. Chúa Giê su đã biểu lộ chính mình bằng các vết thương của Ngài: “Toàn thân Ngài sạch sẽ, tươi đẹp và đầy ánh sáng – ĐTC nói – nhưng vết thương đã và đang còn ở trên thân thể”. Và khi Thiên Chúa đến ở tận cùng thế giới, “chúng ta sẽ nhìn thấy những vết thương của Ngài”. Để có thể tin, Thánh Tô-ma đòi phải đút ngón tay của mình vào chỗ vết thương.

“Thánh nhân cứng lòng. Nhưng Thiên Chúa muốn điều này, một người cứng lòng để giúp chúng ta hiểu ra những điều lớn lao hơn. Thánh Tô-ma đã nhìn thấy Thiên Chúa, và được mời để đưa ngón tay của mình vào lỗ đinh ở tay chân; đưa bàn tay vào cạnh sườn của Ngài, và Thánh nhân đã không nói, ‘Đúng rồi: Chúa đã sống lại!’. Không! Thánh Tô-ma đã đi xa hơn. Ngài nói: ‘Lạy Chúa’. Ngài là người đầu tiên trong số các Tông đồ đã tuyên xưng Thần tính của Chúa Ky-tô sau khi Ngài Phục sinh. Và Thánh nhân đã tôn thờ Ngài”.

“Vậy nên – ĐTC tiếp tục – chúng ta hiểu được đâu là ý định của Thiên Chúa khi Ngài bắt Thánh nhân phải chờ đợi: Ngài muốn hướng dẫn kẻ đang hoài nghi vào Ngài, không phải để xác nhận sự Phục Sinh của Ngài nhưng để khẳng định Thần tính của Ngài”. “Con đường để chúng ta gặp được Chúa Giê su – Thiên Chúa, - ĐTC nói - là những vết thương tích của Ngài. Ngoài ra không còn con đường nào khác”.

“Trong lịch sử Giáo Hội, có một số sai lầm trên con đường tiến về Thiên Chúa. Nhiều người tin rằng, Thiên Chúa Hằng Sống, Thiên Chúa của người Ky-tô hữu có thể tìm thấy bằng con đường suy tư; và quả thực, chúng có thể nắm được những điều cao hơn thông qua sự suy tư. Đó là điều nguy hiểm! Đã có rất nhiều người bị trượt ngã trên con đường đó, và không bao giờ trở lại. Vâng, có lẽ họ có được kiến thức về Thượng Đế, nhưng không có được kiến thức của Chúa Giê-su Ky-tô, Con Thiên Chúa, Ngôi Hai của Thần Tính. Họ không đạt được điều đó. Đó là con đường Ngộ đạo, đúng không? Họ tốt, họ làm việc, nhưng đó không phải là con đường thật. Nó rất phức tạp và không dẫn đến một bờ bến an toàn.”

“Người khác – ĐTC nói – nghĩ rằng để đạt được Thiên Chúa, chúng ta phải tự hành hạ bản thân mình, chúng ta phải khổ hạnh, và họ đã chọn con đường hành xác: chỉ hành xác và ăn chay. Thực ra mà nói, những thứ ấy không giúp đến gần được với Thiên Chúa Hằng Sống, Chúa Giê-su Ky-tô. Họ là những người thuộc hệ tôn giáo Pelagian – tức những người tin rằng họ có thể đạt được Thiên Chúa bằng nỗ lực của chính họ”. Nhưng Chúa Giê su nói cho chúng ta rằng, con đường để gặp được Ngài là tìm đến với các thương tích của Ngài:

“Chúng ta tìm thấy các thương tích của Chúa Giê-su trong việc thực hiện các công việc nhân ái, cho đi thân thể của chúng ta – thân thể – và cả linh hồn nữa, nhưng – Cha nhấn mạnh – thân thể bị thương tích của người anh em của các anh chị em, bởi vì họ đói, bởi vị họ khát, bởi vì họ trần truồng, bởi vì họ bị làm nhục, bởi vì họ là nô lệ, bởi vì họ bị tù đày và bởi vì họ phải ở trong bệnh viện. Đó là những vết thương của Chúa Giê-su trong thời đại hôm nay. Và Chúa Giê-su bảo chúng ta hãy lấy hành động của Đức tin để hướng về Ngài, nhưng bằng những vết thương này của Ngài. ‘Ồ, tuyệt! Nào chúng ta hãy thành lập một tổ chức giúp đỡ mọi người và làm rất nhiều điều tốt để giúp đỡ họ’. Điều đó là quan trọng, nhưng nếu chúng ta chỉ duy trì ở mức này, chúng ta sẽ chỉ là thương người. Chúng ta cần động chạm đến những vết thương của Chúa Giê-su, chúng ta phải chăm sóc vết thương của Chúa Giê-su, chúng ta cần băng bó các vết thương của Chúa Giê-su. Hãy nghĩ về điều gì đã xảy ra với Thánh Phan-xi-cô, khi ngài ôm lấy những người phong cùi? Điều tương tự đã xảy ra với Thánh Tô-ma: cuộc đời ngài đã thay đổi.”

ĐTC kết luận rằng, chúng ta không cần tham gia “một lớp bồi dưỡng” để chạm vào Thiên Chúa Hằng Sống, nhưng cần đi vào các vết thương của Chúa Giê-su, và vì điều này: “điều mà tất cả chúng ta phải làm là phải ra đi, là phải lên đường. Chúng ta hãy xin Thánh Tô-ma hồng ân để có sự can đảm hầu đi vào các vết thương của Chúa Giê-su với sự nhẹ nhàng. Và vì thế, chúng ta sẽ chắc chắn có được hồng ân của sự tôn thờ Thiên Chúa Hằng Sống.”

An-tôn Trần – CTV của Gx Thánh Mẫu Bc – chuyển ngữ từ nguồn:
http://www.news.va/en/news/pope-at-mass-we-encounter-the-living-god-through-h

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét