Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

Bài giảng của Đức Cha Tô-ma Vũ Đình Hiệu trong Thánh Lễ Chính Tiệc Mừng Kính Đức Mẹ La-vang Quan Thầy Đệ Nhị của Giáo xứ Thánh Mẫu

Bài giảng của Đức Cha Tô-ma Vũ Đình Hiệu trong Thánh Lễ Chính Tiệc Mừng Kính Đức Mẹ La-vang Quan Thầy Đệ Nhị của Giáo xứ Thánh Mẫu
Kính thưa Cộng đồng phụng vụ rất thân mến!

Khi còn bé chúng ta được lãnh nhận bí tích rửa tội. Lúc đó chúng ta đã được đón nhận ơn Chúa Thánh Thần rồi. Tuy nhiên, phải đợi chúng ta lớn khôn và trưởng thành thiêng liêng để đủ điều kiện lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức như một số con em trong Giáo xứ chúng ta hôm nay. Và khi đó chúng ta mới thực sự lãnh nhận một cách tràn đầy Bảy ơn ban của Chúa Thánh Thần. Bởi vì như chúng ta đã được học biết trong Giáo Lý: Bí Tích Thêm Sức củng cố và hoàn tất những hiệu quả của Bí Tích Rửa Tội mà chúng ta đã lãnh nhận. Ngày hôm nay khi chúng ta tham dự nghi thức ban Bí Tích Thêm Sức cho các con em của chúng ta là một dịp để chúng ta ý thức hơn về vai trò của chúng ta đã vậy và nhất là chúng ta ý thức và xác tín hơn về sự rất cần thiết của Chúa Thánh Thần. Ngài đóng một vai trò rất quan trọng không những chỉ riêng Chúa Giê-su và Giáo hội sơ khai, nhưng còn đóng một vai trò rất quan trọng đối với từng người tín hữu chúng ta.
Trước hết là vai trò của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời hoạt động tại thế của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su đã nhập thể và làm người là bởi phép Chúa Thánh Thần như chúng ta vẫn thường đọc và tuyên xưng trong Kinh Tin Kính vậy: bởi phép Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Ma-ri-a và đã làm người. Trong ba năm rao giảng Tin Mừng công khai, Chúa Thánh Thần đã đóng một vai trò quan trọng trong tất cả các hoạt động của Chúa Giê-su, đến nỗi chúng ta có thể nói được rằng cả cuộc đời của Chúa Giê-su là luôn được ban phủ bởi Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần ngự trên Chúa Giê-su trong ngày Người được chịu phép rửa tại sông Gio-đan và mặc khải cho loài người chúng ta biết rằng Đức Giê-su chính là Con Một yêu dấu của Đức Chúa Cha, là Đấng Cứu độ trần gian được Chúa Cha sai đến để thực hiện cứu độ nhân loại tội lỗi chúng ta. Cũng chính trong biến cố này, Chúa Giê-su đã nhận được sức mạnh từ Chúa Cha để Người có thể chu toàn một cách tốt đẹp sứ vụ công khai mà Người sắp bắt đầu. Và Chúa Thánh Thần không chỉ được ban cho Người trong lúc đó mà thôi nhưng Chúa Thánh Thần luôn ở lại và hoạt động trong Chúa Giê-su trong suốt cả sứ vụ công khai. Nói cách khác là trong ba năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su luôn được hưỡng dẫn, luôn được thôi thúc, luôn được nâng đỡ bởi Chúa Thánh Thần. Và qua đoạn Tin Mừng của Thánh Lu-ca mà chúng ta vừa nghe, chúng ta cũng thấy rằng sứ vụ công khai của Chúa Giê-su được đánh dấu qua việc ứng nghiệm lời Tiên tri I-sa-i-a đã loan báo về Người: „Thần Khí Chúa ngự trên tôi vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi sai tôi đi loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, phóng thích cho những tù nhân và công bố năm hồng ân của Thiên Chúa“. Để rồi từ đó trong suốt cả sứ vụ công khai, Chúa Giê-su luôn đầy tràn Thánh Thần và sức mạnh của Thánh Thần đã được biểu lộ trong tất cả các lời rao giảng cũng như việc Người chữa lành các bệnh tật và tất cả những hành động, lời nói từ lòng thương xót của Chúa dành cho dân riêng của Ngài. Đặc biệt nhất, quan trọng nhất chính là trong biến cố phục sinh, chính Chúa Thánh Thần đã làm cho Chúa Giê-su trỗi dậy từ cõi chết và chính Chúa Thánh Thần cũng là người đã soi lòng, mở trí các Môn đệ, để cho họ hiểu được ý nghĩa cái chết đau thương nhưng mang một ý nghĩa cứu chuộc của Chúa Giê-su, vì Chúa Giê-su lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha trong vinh quang là tuân đổ Thánh Thần trên những kẻ tiếp nối sứ vụ của Ngài. Và Thánh Thần đã được ban xuông trên các Tông đồ, trên những cá nhân mỗi người, cũng như trên cộng đoàn Giáo Hội sơ khai lúc đó. Và khi chúng ta có dịp đọc lại trong sách Tông đồ công vụ, chúng ta đã thấy được sức mạnh và sự hoạt động của Chúa Thánh Thần trong thời gian ban đầu đã tỏ hiện một cách rõ ràng như thế nào. Các Tông đồ trước đây là những người chậm hiểu, ít hiểu biết, không hiểu gì về cuộc thương khó của Chúa Giê-su. Nhưng sau khi Chúa Thánh Thần ngự xuống, các ông đã là những người đầy hiểu biết và xác tín về cái chết đau thương của Chúa Giê-su mang một ý nghĩa cứu chuộc tràn đầy và nhất là các ông trước đây nhút nhát, sợ hãi trước những người Do thái, mỗi lần hội họp là phải đóng cửa lại vì sợ những người Do thái đến bắt bớ, tấn công. Nhưng khi Chúa Thánh Thần ngự xuống, các ngài đã được biến đổi hoàn toàn, từ những người nhút nhát sợ sệt đã trở nên những người mạnh mẽ, can đảm để sẵn sàng ra đi rao giảng Tin Mừng Chúa Ky-tô Phục sinh cũng như can đảm mạnh mẽ vui lòng chấp nhận những đòn vọt, cũng như sẵn sàng chịu chết để làm chứng điều mình rao giảng. Đó là chúng ta thấy được phần nào vai trò rất quan trọng của Chúa Thánh Thần không chỉ riêng đối với Chúa Giê-su nhưng trên các Tông đồ và Giáo Hội thời sơ khai. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy Chúa Thánh Thần luôn đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của mỗi người tín hữu chúng ta.

Chúng ta có thể nói được rằng: không thể sống đời sống Ky-tô hữu, không thể chu toàn ơn gọi của người Tín hữu của mình để làm con Chúa, nếu không có sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Và như chúng ta đã nói, Chúa Thánh Thần đã được ban xuống trên mỗi người chúng ta khi chúng ta lãnh nhận bí tích rửa tội và một cách tràn đầy đặc biệt trong ngày lãnh nhận bí tích Thêm sức. Chúa Thánh Thần không chỉ được ban xuống trong chốc lát, nhưng Người luôn đồng hành với chúng ta trong suốt cuộc hành trình Đức tin bước theo Chúa Giê-su để làm môn đệ của Chúa Giê-su. Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta sức mạnh để dự phần vào công việc của Chúa Giê-su cũng như cộng tác vào công trình cứu chuộc của Người. Chúa Thánh Thần chính là sức mạnh của chúng ta, đặc biệt trong những lúc chúng ta yếu hèn, hướng dẫn, soi sáng chúng ta khi chúng ta gặp nguy nan thử thách nhất là trong Đức tin và an ủi chúng ta trong những lúc buồn phiền, sầu khổ. Người chính là Đấng biện hộ và bênh vực cho chúng ta trước mặt Thiên Chúa. Và vì thế chúng ta càng xác tín để nói lên rằng: không có Chúa Thánh Thần thì chúng ta không thể tiến bước trong đời sống thiêng liêng, trong việc chu toàn ơn gọi làm con Chúa.

Các ơn sủng của Chúa Thánh Thần đó là bảy ơn được ban xuống trên những người lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức. Và Cha nghĩ rằng, chúng con lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức hôm nay, các con đã được nghe cắt nghĩa đầy đủ về Bảy ơn Chúa Thánh Thần cũng như chúng con đã thuộc lòng Bảy ơn này đó là các ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn thông minh, ơn lo liệu, ơn sức mạnh, ơn đạo đức và cuối cùng đó là ơn kính sợ Thiên Chúa. Các ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn phán đoán hướng dẫn, soi sáng tâm trí chúng ta và giúp đỡ lương tâm chúng ta trong việc hiểu đúng Lời Chúa, tránh khỏi sai lầm tai hại, cũng như nhờ đó để chúng ta biết làm gì và làm như thế nào để xứng đáng là người con của Chúa, xứng đáng là người chứng nhân Tin Mừng của Chúa. Ơn đạo đức, ơn sức mạnh cho chúng ta có khả năng để làm những điều đúng ngay cả khi đó là những điều khó hoặc đi ngược lại với những khuynh hướng ích kỷ thấp hèn nơi mỗi người chúng ta. Ngoài các ơn ban mà Tiên Tri I-sa-i-a đã nói cho chúng ta, thì riêng Thánh Phao-lô ngài còn nói cho chúng ta những hoa quả của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần mang đến cho chúng ta những tâm tình bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền lành và tự chủ. Đây là những điều làm cho cuộc sống của những người Ky-tô hữu chúng ta luôn vui tươi hạnh phúc và chúng ta luôn xứng đáng đẹp lòng Chúa.

Để có thể sống theo sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần, thì Thánh Phao-lô cũng khuyến cáo, nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy cố gắng chống lại những đam mê lạc thú là những điều đi ngược lại với Chúa Thánh Thần. Những đam mê lạc thúc đó là những sự hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ghen tị, say sưa. Đó là những điều làm cho cuộc sống của người Ky-tô hữu chúng ta khốn khổ, bất hạnh, mất ơn nghĩa với Chúa và có thể xa lìa Thiên Chúa. Và chắc chắn trong cuộc sống Đức tin của mỗi người chúng ta, trong cuộc sống của mỗi người chúng ta cố gắng để sống một cuộc sống đạo hạnh, xứng đáng là người con ngoan của Chúa. Chắc chắn chúng ta nhiều lúc chúng ta cảm thấy yếu đuối trước những cám dỗ,trước những tấn công của ma quỷ. Vậy, chúng ta có thể kín múc sức mạnh từ nơi đâu nếu không phải từ Chúa Thánh Thần? Vì Chúa Thánh Thần là Đấng luôn hướng dẫn soi sáng và ban sức mạnh cho chúng ta để chúng ta có thể vượt thắng tất cả những cám dỗ, những cạm bẫy, những nghi nan, những thử thách để chúng ta có thể chu toàn tốt đẹp đời sống làm người con ngoan của Chúa.

Kính thưa cộng đồng phụng vụ rất thân mến!

Ngày hôm nay, khi chúng ta ý thức và xác tín hơn về vai trò rất quan trọng của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của mỗi người tín hữu của chúng ta, thì đầu tiên chắc chắn mỗi người chúng ta cảm thấy rằng chúng ta rất cần ơn Chúa Thánh Thần. Và vì cần ơn Chúa Thánh Thần, cho nên điều đầu tiên và điều quan trọng hơn cả chúng ta biết phải luôn ghi nhớ, luôn phải làm, đó là chúng ta hãy siêng năng cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong dịp lễ Hiện xuống vừa qua đã nhắc nhở giáo dân trên toàn thế giới: hãy siêng năng cầu xin ơn Đức Chúa Thánh Thần, cầu xin với Chúa Thánh Thần hằng ngày, cầu xin với Chúa Thánh Thần trước các giờ kinh, cầu xin Chúa Thánh Thần trước các quyết định quan trọng của mỗi người chúng ta. Và khi chúng ta biết cầu xin với Chúa Thánh Thần cũng như biết mở lòng đóng nhận những ơn của Chúa Thánh Thần, chắc chắn Chúa Thánh Thần sẽ định hướng, soi sáng và ban sức mạnh cho chúng ta. Điều cần thiết là chúng ta vừa biết cầu xin, cũng như chúng ta biết luôn mở rộng tâm hồn để Chúa Thánh Thần luôn được tự do hoạt động trong tâm hồn chúng ta. Và điều căn bản nữa chúng ta hãy biết lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần đặc biệt qua tiếng nói lương tâm để rồi qua đó chúng ta luôn sống đẹp lòng Chúa, luôn sống trọn vẹn thực thi thánh ý Chúa.

Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy ngự đến với tất cả Giáo xứ Thánh Mẫu chúng con trong ngày hôm nay, đặc biệt trên các con em sắp lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức và xin giúp cho chúng con kể từ ngày hôm nay chúng con ý thức hơn về vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần đã vậy mà chúng con cũng biết siêng năng cầu xin với Chúa Thánh Thần như Đức Thánh Cha đã hướng dẫn, nhắc nhở mỗi người chúng con, và rồi với sự tác động của Chúa Thánh Thần, xin cho chúng con cũng biết mở rộng tâm hồn mình ra để đón nhận chính Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Tình Yêu, để rồi qua đó chúng con vừa sống xứng đáng là những người con ngoan của Chúa vừa chu toàn sứ vụ tốt đẹp là làm chứng nhân, là người chiến sĩ bảo vệ Đức tin; chúng con sẽ sống đạo, chúng con sẽ loan truyền Chúa không phải những lời rao giảng hay ho gì khác nhưng bằng chính cuộc sống bác ái, yêu thương, phục vụ của mỗi người chúng con. Khi chúng con biết mở rộng tâm hồn theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để biết quan tâm, chăm sóc đến những người nghèo túng, leo đơn, già yếu, bệnh tật, tù đày, cũng như từ sự quan tâm đó chúng con cũng dang rộng đôi bàn tay bé nhỏ của mình rồi để biết phục vụ, giúp đỡ những người khác như chính mẫu gương của Chúa Giê-su đã cúi xuống rửa chân cho các Môn đệ, khi đó chúng con xác tín rằng chúng con đã sống đạo một cách tốt đẹp, cũng như chúng con đã chu toàn một cách cụ thể vai trò làm chứng nhân, làm chiến sĩ bảo vệ Đức tin của Chúa và của Hội Thánh.

Lạy Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Tình Yêu xin hãy ngự đến với chúng con và biến đổi tất cả chúng con trở nên những khí cụ tình yêu của Chúa, nhờ lời bầu cử rất đắc lực của Mẹ La-vang mà Giáo xứ Thánh Mẫu chúng con mừng kính trong ngày hôm nay. Amen.

26/08/2013

Tô-ma Vũ Đình Hiệu Giám Mục Bùi Chu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét