Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

Điện văn của ĐTC Phan-xi-cô gửi anh chị em Hồi Giáo nhân dịp kết thúc tháng Ramadan

Điện văn của ĐTC Phan-xi-cô gửi anh chị em Hồi Giáo nhân dịp kết thúc tháng Ramadan

An-tôn Trần  – CTV của Gx Thánh Mẫu Bc – chuyển ngữ từ nguồn:
Kính gửi anh chị em Hồi Giáo trên toàn thế giới.

Tôi vui mừng gửi lời chào anh chị em khi anh chị em đang cử hành lễ Id al-Fitr, để kết thúc tháng Ramadan, chủ yếu dành để ăn chay, cầu nguyện và bố thí.

Theo truyền thống từ trước đến nay, vào dịp này, Hội đồng Giáo hoàng Đối thoại Liên tôn vẫn gửi tới anh chị em một bức điện văn gồm những lời cầu chúc tốt lành, cùng với một chủ đề được đề xuất để cùng suy tư. Năm nay, năm đầu tiên trong triều đại Giáo hoàng của tôi, tôi đã quyết định tự ký bức thư truyền thống này và gửi tới anh chị em, những người bạn thân yêu, như là một thể hiện sự kính mến và tình bằng hữu đối với tất cả anh chị em Hồi Giáo, cách riêng với các vị lãnh đạo Hồi Giáo.

Như anh chị em đều biết, khi các Hồng Y bầu tôi làm Giám mục Rô-ma và Mục tử của Giáo hội Công giáo Hoàn vũ, tôi đã chọn tên là “Phan-xi-cô”, một vị thánh rất nổi tiếng – ngài yêu mến Thiên Chúa và mọi người vô cùng, đến nỗi ngài được gọi là “người anh toàn cầu”. Ngài yêu thương, giúp đỡ và phục vụ những người cần sự giúp đỡ, những người ốm đau và những người nghèo. Ngài cũng rất quan tâm đến sự sáng tạo.

Tôi nhận thức được rằng, những chiều kích xã hội và gia đình luôn có được một sự cao cả đối với anh chị em Hồi Giáo trong tháng này, và đáng chú ý rằng, có những điểm song song nhất định trong từng lĩnh vực này với đức tin và sự thực hành của người Công Giáo.

Năm nay, chủ để mà tôi muốn suy tư cùng với anh chị em và với tất cả những ai đọc bức điện văn này, là một chủ đề liên quan đến cả anh chị em Hồi Giáo lẫn Công Giáo: Thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau thông qua Giáo dục.

Chủ đề năm nay nhằm nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giáo dục theo cách mà chúng ta hiểu biết lẫn nhau, được xây dựng trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau. “Tôn trọng” nghĩa là một thái độ tử tế hướng về những người mà chúng ta quan tâm và kính trọng. “Lẫn nhau” nghĩa là đó không phải là một quá trình một chiều, nhưng là cái gì đó được chia sẻ từ cả hai phía.

Điều chúng ta được kêu mời để tôn trọng trong mỗi người, trước hết đó là sự sống của người đó, sự toàn vẹn của thân thể người đó, nhân phẩm của người đó và quyền từ nhân phẩm đó, sự tôn trọng của người đó, tài sản của người đó, đặc tính văn hóa và đạo đức của người đó, ý tưởng của người đó và sự lựa chọn chính trị của người đó. Vì thế chúng ta được kêu gọi để nghĩ, để nói và viết một cách tôn trọng về người khác, không chỉ khi người ta có mặt, mà luôn luôn và ở mọi nơi, tránh những bình phẩm thiếu công bằng hoặc nói xấu. Gia đình, trường học, dạy giáo lý và tất cả các dạng thức của truyền thông phải đóng một vai trò làm sao cho đạt được mục đích này.

Hướng về sự tôn trọng lẫn nhau trong các mối quan hệ liên tôn, đặc biệt giữa những người Công Giáo và Hồi Giáo, chúng ta được kêu mời tôn trọng tôn giáo của người khác, giáo lý, biểu tượng và các giá trị của tôn giáo khác. Đặc biệt cần tôn trọng các vị lãnh đạo tôn giáo và những nơi thờ phượng. Những cuộc tấn công ở nơi này hay nơi khác thuộc những nơi trên thật đau thương làm sao!

Rõ ràng rằng, khi chúng ta thể hiện sự tôn trọng tôn giáo của những người hàng xóm chúng ta hoặc khi chúng ta dành cho họ những lời cầu chúc tốt lành vào những dịp lễ, đơn giản là chúng ta tìm kiếm chia sẻ niềm vui của họ, mà không đề cập đến nội dung tín ngưỡng của họ.

Về giáo dục các thanh thiếu niên Hồi Giáo và Công Giáo, chúng ta phải giáo dục những người trẻ biết suy nghĩ và nói về các tôn giáo khác và các tín đồ của các tôn giáo ấy một cách tôn trọng và tránh nhạo báng hoặc phỉ báng niềm tin và việc thực hành tôn giáo của họ.

Tất cả chúng ta đều biết rằng, tôn trọng lẫn nhau là nền tảng trong bất kỳ mối quan hệ nào của con người, đặc biệt những người tuyên xưng đức tin của mình. Theo cách này, tình bằng hữu bền lâu và chân thật mới có thể lớn lên.

Khi tiếp Phái đoàn ngoại giao được cử tới Tòa Thánh hôm 22/03/2013, tôi đã nói: “không thể thiết lập một sự nối kết với Thiên Chúa, khi làm ngơ những người khác. Vì thế, điều quan trọng là phải tăng cường đối thoại giữa các tôn giáo khác nhau, và tôi đang đặc biệt nghĩ về đối thoại với anh chị em Hồi Giáo. Tại Thánh Lễ khởi đầu sứ vụ của tôi, tôi đã đánh giá cao sự có mặt của rất nhiều vị lãnh đạo tôn giáo và công dân đến từ thế giới Hồi Giáo”. Với những lời này, tôi đã muốn nhấn mạnh một lần nữa tầm quan trọng của việc đối thoại và hợp tác giữa các tín hữu, đặc biệt giữa những người Công Giáo và Hồi Giáo, và nhu cầu đối với vấn đề này cần được tăng cường.

Với những tình cảm này, tôi xin nhắc lại sự hy vọng của tôi rằng, tất cả những anh chị em Công Giáo và Hồi Giáo có thể trở thành những người xúc tiến đích thực sự tôn trọng lẫn nhau và tình bằng hữu, cách riêng thông qua giáo dục.

Cuối cùng, tôi xin gửi tới anh chị em những lời chúc tốt lành và thánh thiện, ước mong rằng, cuộc đời của anh chị em có thể làm tôn vinh Thượng Đế và đem lại niềm vui cho những người chung quanh của anh chị em. Xin chúc mừng Lễ tất cả anh chị em!!!

Từ Vaticam 10/07/2013.

An-tôn Trần  – CTV của Gx Thánh Mẫu Bc – chuyển ngữ từ nguồn:
http://www.news.va/en/news/pope-to-muslims-for-end-of-ramadan-promoting-mutua

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét