Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi (Trả lời thắc mắc của độc giả - mục 6)

Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi (Trả lời thắc mắc của độc giả - mục 6)
6.Tôi tin Đức Chúa Thánh Thần

Không ai có thể nói: ´Chúa Giê-su là Chúa!`, nếu người đó không ở trong Thánh Thần“ (1 Cor. 12,3). „Thiên Chúa  đã sai Thánh Thần của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: ´Áp-ba, Cha ơi!`“ (Gal 4,6). Sự tuyên xưng này chỉ có thể được thực hiện trong Chúa Thánh Thần. Để có thể kết hợp với Chúa Ky-tô, trước hết, người ta phải được tiếp cận thông qua Chúa Thánh Thần. Ngài tiến về phía chúng ta và khêu gợi Đức Tin trong chúng ta. Thông qua Bí Tích đầu tiên của Đức Tin, tức Bí Tích Thanh tẩy, sự sống có khởi nguồn từ chính Thiên Chúa Cha, và được ban tặng cho chúng ta thông qua Chúa Con, sẽ lại được tiếp tục tặng ban cho chúng ta trong Giáo Hội, nhờ Chúa Thánh Thần bằng một cách thế mang tính cá nhân và hoàn toàn thẳm sâu.


 „Bí Tích Thánh Tẩy mang lại cho chúng ta Ân Sủng, để được tái sinh trong Chúa Cha, nhờ Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần. Thực ra, những ai có Thánh Thần của Thiên Chúa ngự trong lòng, sẽ được đưa đến với Ngôi Lời, tức Chúa Con; Đấng sẽ giới thiệu Chúa Cha cho họ, và Chúa Cha ban cho họ sự sống đời đời. Như vậy, nếu không có Chúa Thánh thần thì sẽ không thể nhìn thấy Con Thiên Chúa, và không có Chúa Con thì không ai có thể tự đến gần Chúa Cha, vì khả năng nhận thức của Chúa Cha chính là Chúa Con, và khả năng nhận thức của chúa Con lại được thực hiện trong Chúa Thánh Thần“ (Ireneus, dem. 7).

Thông qua Ân Sủng của Ngài, Chúa Thánh Thần của Đấng Đầu Tiên đánh thức đức tin của chúng ta cũng như đi vào trong sự sống mới. Sự sống này chứa đựng bên trong để „nhận biết Chúa Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến là Chúa Giê-su ky-tô“ (Joh 17,3). Tuy nhiên, trong sự mạc khải về các Ngôi Vị của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, Chúa Thánh Thần lại là Đấng được mạc khải sau cùng. Thánh Grê-gô-ri-ô Nazianz – người được mệnh danh là „Thần Học Gia“, đã cắt nghĩa trình tự này thông qua khoa sư phạm đầy tình yêu của Thiên Chúa:

Cựu Ước công bố Thiên Chúa Cha một cách công khai, nhưng công bố về Chúa Con một cách mờ nhạt hơn. Tân Ước mạc khải Chúa Con và làm cho nhận biết về thần tính của Chúa Thánh Thần. Giờ đây, Thánh Thần sống trong chúng ta và ban cho chúng ta một tầm nhìn thật rõ ràng từ chính Ngài. Khi người ta chưa nhận biết Thần tính của Chúa Cha thì sẽ không hề khôn ngoan chút nào để công bố rõ ràng về Chúa Con, và khi thần tính của Chúa Con chưa được chấp nhận, thì việc mạc khải Chúa Thánh Thần được coi như là một gánh nặng tiếp theo, vì cần phải có một cái gì đó cho một sự diễn đạt ít mạo hiểm…Thông qua sự tiến bộ và sự tiến triển, từ vẻ huy hoàng tráng lệ tới vẻ lộng lẫy cao sang, ánh sáng của Thiên Chúa Ba Ngôi sẽ còn làm cho những điều đã được thắp sáng lại càng bừng sáng hơn“ (or. theol. 5,26).

Như vậy, tin vào Chúa Thánh Thần có nghĩa là nhận biết rằng Chúa Thánh Thần là một Ngôi Vị của Ba Ngôi Chí Thánh, cùng bản thể với Chúa Cha và Chúa Con, và rằng, „Ngài được phụng thờ và tôn vinh cùng với  Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con“ (Tín điều của Công Đồng Nizea–Konstantinopel). Từ lý do này mà Chúa Thánh Thần từ mầu nhiệm của Thiên Chúa đã ở trong Thiên Chúa Ba Ngôi là một phát biểu thuộc „Theologie“. Trái lại, vai trò của Chúa Thánh Thần trong nhiệm cục Cứu độ diễn ra ở đây như là „Oikonomie“.

Cùng với Chúa Cha và Chúa Con, Chúa Thánh Thần thực hiện từ lúc khởi sự cho tới khi hoàn tất Thánh Ý của Thiên Chúa đối với ơn cứu độ của chúng ta. Tuy nhiên, trước hết trong lúc này và trong những thời gian sau cùng, tức thời gian bắt đầu với việc Con Thiên Chúa làm người để cứu độ nhân loại, Chúa Thánh Thần được mạc khải và nhận biết như một Ngôi Vị, được ban tặng và được đón nhận. Giờ đây, Thánh Ý nhiệm mầu của Thiên Chúa đã hoàn tất sự kiện Chúa Ky-tô như là „Đấng được sinh ra đầu tiên“ và là đầu của thụ tạo mới, có thể trở nên hiện thực dựa trên việc tuôn đổ Thánh Thần vào trong nhân loại với tư cách là Giáo Hội – tức cộng đoàn được cứu độ, được thứ tha tội lỗi, được phục sinh trong thân xác và có sự sống đời đời.

Không ai có thể nhận biết Thiên Chúa trừ Thánh Thần của Thiên Chúa“ (1 Cor 2,11). Chúa Thánh Thần, Đấng mạc khải Thiên Chúa, làm cho chúng ta nhận biết Chúa Ky-tô, Ngôi Lời sống động của Thiên Chúa; Ngài nói, nhưng không nói từ chính mình. Chúa Thánh Thần – „Đấng đã nói qua các vị Ngôn Sứ“ – làm cho chúng ta nghe được Lời của Chúa Cha.  Nhưng chúng ta không nghe thấy chính Ngài. Chúng ta chỉ nhận biết Ngài thông qua một điều rằng, Chúa Thánh Thần mạc khải cho chúng ta Lời và làm cho chúng ta trở nên sẵn sàng để đón nhận Lời trong Đức Tin. Thánh Thần Chân Lý – Đấng tiết lộ cho chúng ta Chúa Ky-tô, „sẽ không tự mình nói điều gì“ (Joh 16,13).  Sự khiêm tốn thực sự này của Thiên Chúa giải thích cho biết tại sao „Thế gian không đón nhận Ngài, vì thế gian không thấy mà cũng chẳng biết Ngài“, trong khi đó những người tin vào Chúa Ky-tô thì nhận biết Ngài, vì Ngài ở luôn giữa họ và ở trong họ (Ga. 14,17).

Với tư cách là cộng đoàn của những người tin một cách sống động – tức những người được chuyển giao Đức Tin từ các Tông Đồ, thì Giáo Hội chính là một nơi chốn để chúng ta có được sự nhận thức về Chúa Thánh Thần:

–Trong các tác phẩm được linh hứng từ Ngài;

–Trong Truyền Thống mà các chứng nhân vẫn còn luôn mang tính thời sự là các Giáo Phụ;

–Trong quyền Giáo Huấn của Hội Thánh, tức quyền mà Chúa Thánh Thần luôn bảo hộ chở che;

–Trong Phụng Vụ các Bí Tích: thông qua những lời và những hình ảnh đầy ý nghĩa của nó, trong đó, Chúa Thánh Thần nối kết chúng ta với Chúa Ky-tô;

–Trong sự cầu nguyện, với nó, Chúa Thánh Thần bước vào trong cuộc đời chúng ta;

–Trong các đặc sủng và các sứ vụ mà nhờ chúng Giáo Hội được dựng xây;

–Trong đời sống tông đồ và loan báo Tin Mừng;

–Trong lời chứng của các Thánh, nơi đó Chúa Thánh Thần giãi bày sự thánh thiện của Ngài cũng như tiếp tục công trình cứu chuộc.

(Còn tiếp: mời quý vị theo dõi mục: 7. Sự đồng sai phái Chúa Con và Chúa Thánh Thần)

BBT.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét