Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

Bài Giảng Của Cha Giáo Đa-Minh Trần Ngọc Đăng Trong Thánh Lễ Khai Mạc Đại Lễ Đức Mẹ La Vang Tại Giáo Xứ Thánh Mẫu

Bài Giảng Của Cha Giáo Đa-Minh Trần Ngọc Đăng Trong Thánh Lễ Khai Mạc Đại Lễ Đức Mẹ La Vang Tại Giáo Xứ Thánh Mẫu
Trọng kính Cha Quản hạt, Qúy Cha, Thầy Phó tế, Qúy Tu sĩ, Qúy Chức và Qúy Ông Bà Anh Chị Em.

Chúng ta đang sống trong năm Đức Tin và một trong những điều mà chúng ta được mời gọi để thực hiện trong năm Đức Tin là chúng ta học hỏi các văn kiện của Công Đồng. Thế thì có rất nhiều các văn kiện của Công Đồng, trong đó có bốn hiến chế Tín lý về Giáo Hội, hiến chế Mặc khải, rồi hiến chế về Mục vụ và hiến chế về Phụng vụ.

Thế thì hiến chế Tín lý về Giáo hội số 16 có nói đến những điều liên quan đến bài Tin Mừng hôm nay mà các nhà thần học đã dùng hai từ ngữ chuyên môn, có thể nói như thế, để nói ra cái ý nghĩa của hiến chế GH số 16.

Hôm nay, đầu tiên tôi xin được chia sẻ cùng với quý ông bà và anh chị em về cái điều đó. Cái cụm từ thứ nhất là Ky-tô hữu vô thần. Các anh chị em thường nghe nói Ky-tô hữu thì đối lập với vô thần. Vô thần có nghĩa là không tin vào một thần thánh nào, không tin Thượng Đế. Còn Ky-tô hữu là những người có đức tin vào Thượng Đế, vào Thiên Chúa. Thế mà bây giờ lại có một cụm từ Ky-tô hữu vô thần là như thế nào? Thưa là bởi vì có những người mang danh Ky-tô hữu, có tên thánh, có tên trong sổ rửa tội nhưng lại sống như thể là người vô thần. Ky-tô hữu vô thần là như thế.

Tôi xin kể câu truyện để ông bà và anh chị em hiểu cái từ Ky-tô hữu vô thần. Thế có một cộng đoàn Giáo xứ kia đi hành hương Đức Mẹ rất là sốt sắng, đi mấy ngày trời liền, rồi đến và rồi khấn Đức Mẹ, rồi Thánh lễ, rồi giải tội, rồi làm các việc đạo đức rất là sốt sáng. Thế rồi trên đường về giữa chừng thì xe bị hỏng, thế là bắt đầu kêu ca, phàn nàn, trách móc, những cái lời lẽ không hay, không đẹp bắt đầu thốt ra. Thế rồi anh chủ xe cũng kêu được một cái xe khác đến để chở về. Nhưng mà rất tiếc cái xe này bé hơn cái xe kia một tý, cho nên đặt ra vấn đề là có một ít người về trước và một ít người về sau. Thế là bắt đầu tất cả tranh nhau lên xe và trong khi tranh nhau như vậy là bắt đầu cãi nhau, chửi nhau. Thế nhưng rất không may là anh chủ xe là người không có đạo nói rằng: đấy xem người ta có đạo đấy, có đức tin đấy, đi hành hương cầu nguyện với nhau mấy ngày liền đấy, thế mà bây giờ choảng nhau như thế đấy. Ky-tô hữu vô thần! Có đức tin, có tên trong sổ rửa tội, có tên thánh, mang danh Ky-tô hữu, nhưng trong cuộc sống không thể hiện được cái đức tin đó. Ky-tô hữu vô thần!

Và đấy là cái tình trạng mà Chúa Giê-su nói trong Tin Mừng, những người Do thái kênh kiệu tự cho mình là có đạo, tự cho mình là đạo đức, đạo dòng, đạo giống, đạo truyền thống, tự cho mình là giữ luận của Chúa, là dân riêng của Chúa, coi thường những người dân ngoại, nhưng mà trong cuộc sống thì lại không thực thi những điều răn bác ái, yêu thương. Thì Chúa bảo khi những người đó đến gõ cửa thì Ta không biết các ngươi ở đâu mà đến, cút đi cho khỏi mắt ta.

Cái cụm từ thứ hai là Ky-tô hữu vô danh. Ky-tô hữu vô danh là gì. Là những người không có tên thánh, không có tên trong sổ rửa tội, không mang danh Ky-tô hữu, là Ky-tô hữu vô danh. Nhưng trong cuộc sống thực sự họ lại sống Tin Mừng. Mà đó là cái điều mà trong hiến chế GH số 16 nói rằng : Nếu những anh chị em không nhận biết Tin Mừng của Chúa Giê-su Ky-tô, không do lỗi của họ, nhưng mà họ cứ theo lương tâm mà cố gắng ăn ngay ở lành thì họ vẫn có thể được cứu độ. Ky-tô hữu vô danh!

Xin kể một câu truyện minh họa để quý ông bà và anh chị em biết. Trong một phiên chợ tết, thì một nhà báo kia đi quan sát cái cảnh dân chúng đi mua hàng về ăn tết. Thì trong đó, người ta quan sát có một ni cô đi mua cà. Thì cái đặc cái cô ni-cô này chỉ chọn những quà dập để mua. Thường thường chúng ta đi mua cà thì chúng ta chọn những quả cà thơm là lành lạnh, mà cô này chỉ mua những quả cà dập. Thế thì nhà báo tò mò đến hỏi : Dạ thưa ni-cô, sao lại toàn mua những cả quà dập vậy. Thì cô ni cô trả lời như thế này, cô ấy bảo : Nhà chùa thì ăn như thế nào cũng được, nhưng mà tội nghiệp người bán cà, nếu ai cũng chọn những quả cà ngon, cà tươi, cà đẹp mà mua thì những quả cà dập người ta biết bán cho ai?

Không là Ky-tô hữu nhưng đã sống cái đức tin của một người Ky-tô hữu đích thực, tư cách của một người Ky-tô hữu bác ái, thương người. Đấy là những người mà Tin Mừng hôm nay nói rằng từ đông sang tây đến dự tiệc nước trời, còn những người ở trong nhà sẽ bị đuổi ra ngoài.

Thế thì thưa kính quý ông bà và anh chị em, chúng ta thuộc thành phần nào đây? Chắc chắn, tôi cũng như tất cả quý ông bà và anh chị em ở đây tất cả chúng ta đều tự hào mình là có đức tin, mình là những Ky-tô hữu, mình là những người đã được theo Chúa, đã được biết Chúa từ thủa còn tấm bé. Nhưng khi chúng ta khiêm tốn nhìn lại bản thân mình, chúng ta có phải là Ky-tô hữu đích thực không ? Hay chỉ là những người mang danh Ky-tô hữu? Những người tự hào mình là người có đạo nhưng thực sự chúng ta chưa sống đạo, chưa sống đức tin ở trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Cho nên hôm nay có một người đến hỏi Chúa Giê-su: Thưa Thầy con phải làm gì để được sống đời đời? Rồi anh hỏi Chúa Giê-su: có phải ít người được cứu rỗi không? có phải ít người được cứu độ không? Câu hỏi này sai từ bản chất. Không thể hỏi rằng có phải ít người được cứu độ không bởi vì trái tim của Thiên Chúa luôn có chỗ cho tất cả mọi người. Thiên Chúa luôn muốn cứu độ mọi người. Nếu hỏi chính xác, thì phải hỏi rằng: Lạy Thầy có phải ít người chiến đấu để được ơn cứu độ không? Cho nên Chúa Giê-su trả lời, Chúa không bảo ít hay nhiều, mà Chúa nói rằng hãy chiến đấu qua cửa hẹp mà vào. Chúa luôn có Chúa cho mọi người nhưng ơn cứu độ không phải giống như một thứ quà tặng giống kiểu là há miệng chờ sung. Chúa dựng lên chúng ta không cần có chúng ta. Thiên Chúa cứu chuộc chúng ta, cần phải có sự cộng tác của chúng ta. Thánh Au-gus-ti-nô đã nói như thế. Mỗi người chúng ta phải cộng tác mà Chúa Giê-su dùng cái từ cộng tác ở trong Tin Mừng bằng cái hình ảnh hãy chiến đấu. Chúa không bảo là chỉ cố gắng bình thường, mà Chúa bảo hãy chiến đấu, nó là một sự cố gắng lớn, một sự cố gắng liên lỉ để chúng ta có thể đạt đến hạnh phúc đời đời. Thế thì sự cố gắng đó trước tiên là cái điều gì. Trước tiên sự chiến đấu này là chiến đấu chống lại tội lỗi, xa tránh dịp tội. Chúng ta ngày hôm nay đang sống trong một cái bối cảnh không có sự bách hại như thời Đức Mẹ hiện ra ở La Vang, không có cấm đạo, không có gươm giáo, không có nhà tù để mà bách hại những người có đạo. Nhưng mà chúng ta thấy rằng, ngày hôm nay có những cuộc bách hại rất tinh vi và khủng khiếp hơn nhiều, nó kinh hãi, nhưng nó dẫn chúng ta đến cái chết lúc nào chúng ta không biết. Đó là những cơn đại dịch tội lỗi đang hoành hành trong cuộc sống của chúng ta. Để sống đức tin và để có thể đạt được sự sống đời đời chắc chắn mỗi người phải chiến đấu để chống lại những cơn đại dịch đó.

Tội lớn nhất mà bây giờ chúng ta có đó là cái tội bất công, sự bóc lột công sức của người lao động, sự chà đạp đến nhân phẩm của chúng ta. Tội thứ hai là tội xúc phạm đến sự sống con người, buôn bán ma túy, hay là trích hút xì ke ma túy, phá thai hay là sự ủng hộ phá thai, những lối sống buông thả để dẫn đến sự hủy diệt sự sống ngay từ trong cung lòng của người mẹ, đang là những cơn đại dịch hoành hành trong cuộc sống của chúng ta mà nếu không có sự chiến đấu, sự cố gắng thì chúng ta không thể nào vượt thắng được.

Nhưng mà Chúa Giê-su khi nói rằng hãy phấn đấu qua cửa hẹp mà vào, Chúa Giê-su không chỉ nói ở khía cạnh tiêu cực là chúng ta hãy tránh tội lỗi, mà trong cái từ phấn đấu này, chiến đấu này, Chúa Giê-su còn muốn nói đến một khía cạnh tích cực đó là chúng ta hãy cố gắng làm việc thiện, hãy thể hiện đức tin của mình nhất là qua đời sống bác ái và qua đời sống chứng nhân.

Hôm nay cộng đoàn Giáo xứ chúng ta có một cái lý do để tạ ơn Chúa vì chúng ta đã hoàn thành cái ngôi nhà Trung Tâm Mục Vụ Giáo Lý của Giáo xứ. Tôi nghĩ rằng ngôi nhà này có thể được như hôm nay, có thể là có nhiều người đã phải qua cửa hẹp lắm rồi. Nhiều người phải hy sinh công của để có ngôi nhà giáo lý, ngôi nhà mục vụ hôm nay, mà các Cha nói đùa rằng cái ngôi nhà này rất là thiêng bởi vì Cha Cố Vinh-sơn chuẩn bị khánh thành thì ngài đã ra đi, Đức Cha Giu-se đang chuẩn bị làm phép cắt băng khánh thành, thì cũng ra đi. Chúng ta cầu nguyện để Đức Cha Tô-ma sống đến sáng mai nhé.

Thế thì chúng ta thấy rằng đây là một cái hình ảnh của sự nỗ lực của cộng đoàn để có được một cái ngôi nhà chung của Giáo xứ. Thế mà thiết tưởng rằng cái ngôi nhà mục vụ, cái ngôi nhà Giáo lý sẽ không có giá trị nếu ở nơi ngôi nhà đó không diễn ra các hoạt động mục vụ, Giáo lý, ngôi nhà sẽ trở thành một cái xác không hồn nếu trong ngôi nhà đó không có những hoạt động mục vụ và Giáo lý. Cho nên tôi nghĩ rằng vấn đề khánh thành ngôi nhà mục vụ giáo lý nó mới là cái bước khởi đầu. Cộng đoàn chúng ta chắc chắn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để xây dựng cái đời sống mục vụ, đời sống bác ái, đời sống hiệp thông rồi những công việc giảng dậy giáo lý, cũng như công việc truyền giáo ở trong cái Giáo xứ của mình. Một Giáo xứ có đức tin vững mạnh phải là một Giáo xứ không chỉ có cử hành phụng vụ linh động, không phải chỉ là một Giáo xứ có tổ chức quy củ, không chỉ là một Giáo cứ có cơ ngơi khang trang. Một Giáo xứ lớn mạnh phải là một Giáo xứ có đời sống bác ái, hiệp thông ; và không phải chỉ trong cộng đoàn  mà phải là một Giáo xứ có khả năng giới thiệu Chúa, loan báo Chúa cho những người chưa nhận biết ngài.

Chúng ta đang đứng dưới chân, dưới cái nhiều yêu thương của Đức Mẹ La-vang. Ngày xưa Đức Mẹ đã cứu chữa các tín hữu khỏi những cơn bách hại khốc liệt, Đức Mẹ đã gìn giữ ban ơn bình an cho các tín hữu, thì ngày hôm nay xin Mẹ cũng hãy tiếp tục dõi nhìn con cái của Mẹ là chúng ta đây, xin Mẹ giúp chúng ta cũng có đủ sức mạnh để chúng ta chiến thắng được những cơn bách hại của ngày hôm nay, những cơn đại dịch của tội lỗi và giúp chúng ta có sức mạnh sống được những điều mà Cha Chủ tế đã nói đầu lễ, đó là chúng ta sống theo gương của Chúa Giê-su, theo lời dậy của Chúa Giê-su và làm chứng cho Ngài.

25/08/2013

Đa-minh Trần Ngọc Đăng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét