Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Cuộc Sống Của Người Thánh Mẫu Tại Angola

Cuộc Sống Của Người Thánh Mẫu Tại Angola
Thánh Mẫu là một vùng đất đặc trưng của nông thôn miền Bắc Việt Nam: đất chật người đông. Để tìm kế sinh nhai, người dân Thánh Mẫu phải đi tới hầu hết mọi tỉnh thành trong cả nước, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, từ những quốc gia láng giếng như Lào, Campochia hay Indonechia ở Đông Nam Á, đến các quốc gia xa hơn một chút như Nam Hàn, Đài Loan, Trung Quốc tại Đông Bắc Á, và rất xa xôi như tại châu Âu, châu Úc, hoặc các quốc gia thuộc vùng Nam Mỹ hay Tây Phi.

Tại Tây Phi, Angola có lẽ là một trong những quốc gia có khá nhiều người Việt Nam nói chung cũng như người dân Thánh Mẫu nói riêng đã đến để sinh sống và làm việc. Chúng tôi biết được rằng, có ít nhất ba người dân Thánh Mẫu đang làm việc tại Angola, đó là các anh Đa-minh Trần Viết Đoạn, Giu-se Trần Viết Thực và Giu-se Vũ Đình Quang.

Những người này đã đến Angola từ cách đây hơn một năm theo diện xuất khẩu lao động. Công việc chính hiện tại của các anh là làm trong ngành xây dựng. Tuy nhiên, các anh không làm việc trong một công ty nào mà chỉ làm theo nhóm.

Anh Giu-se Trần Viết Thực cho biết, cuộc sống hiện tại của các anh khá thoải mái; công việc luôn có đều nhưng không nặng nhọc và vất vả. Anh cũng cho biết thêm, ngoài những chi tiêu hằng ngày, mỗi tháng, mỗi người trong các anh vẫn có thể để dành ra được khoảng 1000usd.

Cùng làm việc chung tại Angola với ba người thuộc Giáo xứ Thánh Mẫu, còn có sáu người khác thuộc Giáo xứ Quần Cống. Tuy nhiên, hai người trong số họ lại mới tách ra để về các tỉnh miền quê của Angola và làm việc tại đó. Bảy người kia thì vẫn ở lại để làm việc tại thủ đô Luanda nhưng chia ra làm hai nhóm.

Hai nhóm này có thể sẽ lại sáp nhập với nhau trong một ngày gần đây để cùng thực hiện một công trình. Các anh khoe rằng, mới trúng thầu một công trình khá lớn. Cứ sự thường thì công trình này sẽ được khởi công vào ngày thứ Hai tới đây. Các anh cũng hy vọng công trình này sẽ tạo công ăn việc làm ổn định cho các anh trong suốt cả năm tới.

Gần nơi làm việc của các anh cũng có một ngôi Thánh Đường Công Giáo. Nhưng các anh cho biết, các anh không thể đến với nhà thờ thường xuyên được vì tình hình an ninh rất phức tạp, sự cướp bóc diễn ra hàng ngày. Vì thế các anh chủ trương „đạo tại tâm, linh hồn ai người ấy giữ“.

Ngôn ngữ chính tại Angola là tiếng Bồ-đào-nha nên mọi người phải học tiếng Bồ để giao tiếp với người địa phương. Anh Giu-se Trần Viết Thực cho biết, trong số những anh em thuộc xã Thọ Nghiệp đang cùng làm việc chung với nhau tại Angola thì chỉ có anh Quang, anh Thực và anh Liêm nói được tiếng Bồ thôi. Tuy nhiên, các anh cũng khiêm tốn nhận rằng, kiến thức về tiếng Bồ của các anh còn rất hạn chế. Anh Giuse Vũ Đình Quang là người đại diện cho nhóm anh em Thọ Nghiệp để liên hệ và làm viêc với người Angola. Khi nào anh Quang bận thì anh Thực sẽ là người thay thế.

Các anh chia sẻ rằng, lao động tự do tại Angola có thu nhập rất cao. Tuy nhiên các anh cũng cho biết, lao động tự do tại quốc gia này lại gặp rất nhiều rủi ro vì không được nhà nước và pháp luật bảo hộ. Dù thu nhập của lao động tự do gấp nhiều lần thu nhập của những người làm việc trong những ngành nghề nhất định, nhưng các anh vẫn không chọn nó vì có quá nhiều rủi ro.

Sự chênh lệch giầu nghèo trong nước Angola là khá lớn: có một số người rất giầu nhưng cũng có rất nhiều người nghèo đến mức không thể hình dung.

Giá cả sinh hoạt tại Luanda – thủ đô của Angola - thì rất đắt đỏ. Các anh cho biết, một mét khối nước sinh hoạt ở đây có giá tới 20usd.

Chi phí trong vấn đề y tế và sức khỏe cũng rất cao. Vì vậy, khi một ai đó có ốm đau bệnh tật gì thì các anh thường đưa anh em đó tới các bệnh viện lớn do nhà nước quản lý, cũng như thăm dò giá cả trước. Nếu không may đưa vào phải một bệnh viện do tư nhân quản lý thì chi phí cho việc điều trị có thể lên đến 2000usd một ngày dù không thuộc loại bệnh nan y.

Các anh cũng tâm sự rằng, cuộc sống và văn hóa của người Angola khác hẳn với người Việt Nam. Vì thế, khi mới đến Angola, các anh cũng gặp khá nhiều khó khăn và bỡ ngỡ. Thời gian đầu sống tại đây, các anh rất nhớ nhà, nhớ cha mẹ, ông bà và đặc biệt nhớ người yêu. Tuy nhiên, từ khi các anh khám phá ra sự hiện hữu của trang Web Gx Thánh Mẫu Bc thì các anh rất mừng. Những tin tức về Giáo xứ quê nhà đã làm cho các anh vơi đi rất nhiều nỗi nhớ quê hương. Anh Giu-se Trần Viết Thực cho biết, anh thường xuyên ghé vào trang Gx Thánh Mẫu Bc để theo dõi tin tức về quê hương. Được đọc những thông tin và nhìn thấy những hình ảnh từ quê nhà làm cho các anh rất phấn chấn. Các anh mong muốn được đọc nhiều thông tin cũng như được nhìn thấy nhiều hình ảnh về quê nhà hơn nữa trên trang Gx Thánh Mẫu Bc.

Các anh bày tỏ hy vọng rằng, trang Gx Thánh Mẫu Bc sẽ luôn là cầu nối giữa những người đang sống tại quê nhà Thánh Mẫu với những người đang phải xa quê vì những nhu cầu khác nhau của cuộc sống.

Chúng tôi đã hứa với các anh rằng, sẽ cố gắng hơn nữa để làm cho trang Gx Thánh Mẫu Bc luôn là cầu nối đích thực giữa những người đang sống tại quê nhà với những người xa quê giống như niềm mong muốn mà các anh vừa bày tỏ. Kính chúc mọi người con xa quê của Giáo xứ Thánh Mẫu, cách riêng những anh em đang sống và làm việc tại Angola luôn được đầy tràn sức khỏe, niềm vui và sự bình an, cũng như luôn gặp được nhiều điều may lành trong cuộc sống.


BBT.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét