Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi (Trả lời thắc mắc của độc giả)

Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi (Trả lời thắc mắc của độc giả)
Quý vị độc giả thân mến: độc giả Đỗ Tài Anh đã gửi đến cho chúng tôi một đề nghị sau: "Tôi biết rằng Hội Thánh Công Giáo đã tôn thờ Ba Ngôi Thiên Chúa cùng uy quyền và bản thể như nhau. Nhưng có một số người lại cho rằng Đức Giê-su không phải là Thiên Chúa, Ngài chỉ là một thụ tạo được ưu ái hơn ông A-đam; Đức Giê-su không phải là Thiên Chúa nhập thể, mà chỉ là một con người được hiến thánh khi Ngài nhận lãnh phép rửa bởi Gio-an. Và người ta cũng cho rằng, Chúa Thánh Thần chỉ là sức mạnh của Thiên Chúa… Vậy tôi muốn BBT trang Gx Thánh Mẫu Bc hãy giải thích thật kỹ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Cám ơn BBT"
Kính thưa bạn Đỗ Tài Anh và tất cả quý độc giả, hẳn quý vị đều biết, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một trong những mầu nhiệm chính yếu của Đạo Công Giáo và cũng là  một đề tài vô cùng lớn của Thần Học Ky-tô Giáo. Người ta phải đầu tư thật nhiều thời gian để học hỏi và nghiên cứu hầu mới có thể nắm bắt được phần nào đó về những vấn đề liên quan đến đề tài này, chứ không phải chỉ đọc qua một vài bài viết mà có thể nắm bắt một cách tường tận. Hơn nữa, cũng phải thừa nhận rằng, dù ngôn ngữ của con người đã phát triển rất cao nhưng vẫn còn rất hạn chế để diễn tả một cách thỏa đáng, đầy đủ và chính xác về những vấn đề liên quan tới Thiên Chúa, đặc biệt là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi – một mầu nhiệm vô cùng cao siêu mà con người khôn dò thấu. Vì vậy, trong phạm vi hạn hẹp của một bài viết, chúng tôi không hề có tham vọng „giải thích thật kỹ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba ngôi“ như bạn Đỗ Tài Anh đề nghị. Dẫu vậy, chúng tôi cũng sẽ cố gắng trình bày vấn đề theo một cách thế ngắn gọn nhưng đầy đủ và chính xác nhất về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong bài viết này, sau khi đã cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần trợ giúp, và căn cứ vào các tài liệu hiện có, đặc biệt dựa trên cách trình bày của Cha Stefano Gobbi – một Thần Học Gia và cũng là một nhà Thần Bí rất nổi tiếng người Ý– chúng tôi xin trình bày lại cho độc giả Đỗ Tài Anh cũng như tất cả quý vị như sau:


Giáo Hội Công Giáo tuyên xưng rằng: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Giê-su cũng đã mạc khải cho chúng ta biết: Thiên Chúa có Ba Ngôi, đó là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nhưng cả Ba Ngôi chỉ là một Thiên Chúa duy nhất.

Đối với con người chúng ta, Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi hay còn được gọi là Thiên Chúa Tam Vị Nhất Thể, quả thực là rất khó để có thể nhận thức một cách thấu đáo, vì thân xác có thể trông thấy được của chúng ta được cấu tạo bởi vật chất, và thế giới tinh thần thì mênh mông và đóng kín đối với chúng ta. Chỉ có một Thiên Chúa. „Đức Tin Ky-tô giáo khẳng định và tuyên xưng rằng, Thiên Chúa là Một theo Bản Tính, Chất Thể và Đặc Tính“. Người Ky-tô hữu được lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (Mt.28,19). Trước khi lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy, thụ nhân phải tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi bằng câu trả lời „Tôi Tin“ trước câu hỏi của thừa tác viên: liệu họ có tin Chúa Cha, tin Chúa Con và tin Chúa Thánh Thần không?

Thiên Chúa Ba Ngôi là một Mầu Nhiệm thuộc Đức Tin, là một „trong những bí mật sâu thẳm nhất của Thiên Chúa…, mà bí mật này nếu không được mạc khải từ chính Thiên Chúa thì người ta sẽ không thể nào nhận thức được“.

Người Con độc nhất vô nhị không phải đã được sáng tạo ra, nhưng đã được sinh ra bởi Thiên Chúa ngay từ thuở đời đời. Đây là một sự khẳng định về sự đồng bản thể với Thiên Chúa Cha (homo-ousios). Chúa Thánh Thần nhiệm xuất từ Chúa Cha và Chúa Con – procedenti ab utroque (như Thánh Thi Tantum ergo đã gọi). Công Đồng chung đầu tiên đã quan tâm nhiều đến nỗ lực của Thần Học trong việc tìm ra thuật ngữ „Thiên Chúa Ba Ngôi“ là Công Đồng Ni-cê-a I.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ lần lượt bàn đến 11 điểm sau:

1.Tín Điều về Thiên Chúa Ba Ngôi
2.Sự mạc khải của Thiên Chúa là Thiên Chúa Ba Ngôi
3.Chúa Cha và Chúa Con được mạc khải thông qua Chúa Thánh Thần.
4.Thiên Chúa Cha
5.Chúa Con trở thành người như thế nào?
6.Tôi tin Đức Chúa Thánh Thần
7.Sự đồng sai phái Chúa Con và Chúa Thánh Thần
8.Công trình của Thiên Chúa và sứ mạng thuộc về Ba Ngôi Thiên Chúa
9.Sự sáng tạo – công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi
10.Thiên Chúa Ba Ngôi Là Một Mầu Nhiệm
11.Nguồn Kinh Thánh về Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

1.Tín Điều về Thiên Chúa Ba Ngôi

Thiên Chúa Ba Ngôi là Một. Chúng ta không tuyên xưng rằng có ba Thiên Chúa, nhưng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi Vị: Ba Ngôi nhưng „đồng bản thể với nhau“ (2. K. v. Konstantinopel 553: DS 421). Ba Ngôi Thiên Chúa không chia sẻ Thiên Tính duy nhất với nhau, nhưng mỗi Ngôi Vị đều là Thiên Chúa hoàn toàn và tròn đầy: „Chúa Cha là chính cái mà Chúa Con là, Chúa Con là chính cái mà Chúa Cha là, Chúa Cha và Chúa Con là chính cái mà Chúa Thánh Thần là, nói cho đúng hơn, Ba Ngôi Vị đều là Thiên Chúa trong cùng một bản thể“ (11. Syn. v. Toledo 675: DS 530). „Mỗi một Ngôi Vị trong Ba Ngôi đều là thực hữu, hay nói khác đi là bản chất, hữu thể hay đặc tính của Thiên Chúa“ (4. K. im Lateran 1215: DS 804).

Nhưng Ba Ngôi Thiên Chúa thì lại thực sự khác nhau. Thiên Chúa duy nhất không phải „có thể được coi như là sự đơn độc một mình“ (Fides Damasi: DS 71). „Chúa Cha“, „Chúa Con“ và „Chúa Thánh Thần“ không đơn giản chỉ là danh xưng, mà từng hữu thể nơi Ba Ngôi vị thuộc bản thể Thiên Chúa ấy cho thấy, vì Ba Ngôi vị ấy thực sự khác nhau: „Chúa Cha không phải là chính Chúa Con, Chúa Con không phải là chính Chúa Cha, Chúa Thánh Thần cũng không phải là chính Chúa Cha hay Chúa Con“ (11. Syn. v. Toledo 675: DS 530). Ba Ngôi vị khác nhau thông qua mối tương quan thuộc về căn nguyên của các Ngài: Thiên Chúa là „Cha, Đấng sinh ra, là Chúa Con, Đấng được sinh ra, và là Chúa Thánh Thần, Đấng nhiệm xuất (từ Chúa Cha và Chúa Con)“ (4. K. im Lateran 1215:DS 804). Sự hiệp thông trong Thiên Chúa chính là ba ngôi vị.

Ba Ngôi Thiên Chúa bao trùm lên nhau. Vì sự khác biệt thực sự của Ba Ngôi không chia cắt sự hiệp thông trong Thiên Chúa, mà sự khác biệt ấy nằm duy nhất trong những mối quan hệ hỗ tương: „Với danh xưng của các Ngôi Vị, tức những danh xưng được phản ánh qua mối tương quan, Chúa Cha được bao phủ bởi Chúa Con, Chúa Con được bao phủ bởi Chúa Cha và Chúa Thánh Thần được bao phủ bởi Chúa Cha và Chúa Con: mặc dù các Ngài được gọi tên thể theo mối tương quan Ba Ngôi của các Ngài, nhưng Đức Tin của chúng ta vẫn tuyên xưng rằng, các Ngài cùng là một hữu thể hay bản tính“ (11. Syn. v. Toledo 675: DS 528). Trong các Ngài, „tất cả là một, nơi không có sự đối kháng trong mối tương quan gây cản trở“ (K. v. Florenz 1442: DS 1330). „Chính vì sự hiệp nhất này mà Chúa Cha hoàn toàn ở trong Chúa Con, hoàn toàn ở trong Chúa Thánh Thần; Chúa Con hoàn toàn ở trong Chúa Cha, hoàn toàn ở trong Chúa Thánh Thần; Chúa Thánh Thần hoàn toàn ở trong Chúa Cha và hoàn toàn ở trong Chúa Con“ (ebd.: DS 1331).

Trong cuốn Giáo Lý dành cho người dự tòng của Giáo phận Konstantinopel, Thánh Grê-gô-ri-ô thành Na-zi-an – người cũng được gọi với danh xưng là „Thần Học Gia“ - đã công bố bản tóm tắt sau đây về tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi:

Trước hết, xin hãy bảo tồn cho con nguyện vọng tốt lành cuối cùng này, mà với nó con sống và chiến đấu, cũng như với nó mà con muốn chết, và nó làm cho con chịu đựng được tất cả những nỗi khổ đau cũng như làm cho con coi thường tất cả những khoái lạc: Nói chính xác hơn đó là sự tuyên xưng Đức Tin vào Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ngày hôm nay tôi xin trao hiến các bạn cho Chúa. Trong Ngài và trong giờ phút này tôi sẽ dìm các bạn vào trong nước và sẽ đưa các bạn ra khỏi nước. Tôi xin trao phó các bạn trong tay Chúa để Ngài trở nên người đồng hành và bảo vệ toàn bộ cuộc sống của các bạn. Tôi xin trao các bạn cho một Thiên Tính và một Quyền Năng duy nhất, Đấng hiện hữu như là Một trong Ba và bao hàm cả Ba trong mỗi cách thế khác nhau. Một Thiên Tính không có sự bất bình đẳng nơi bản chất và hữu thể, không có địa vị bậc trên hay cao hơn, cũng không có địa vị thấp hơn hay bên dưới…  Đó là sự đồng bản thể không giới hạn của ba điều vô biên. Thiên Chúa như là một toàn thể mà mỗi Ngôi Vị trong Ngài tự chiêm ngưỡng… Thiên Chúa là Ba Ngôi Vị, cùng chiêm ngưỡng…  Ngay lập tức tôi đã bắt đầu suy tư về Thiên Tính, và Ba Ngôi Thiên Chúa dìm tôi vào trong ánh huy hoàng của Ngài. Ngay lúc ấy tôi lại bắt đầu suy tư về Thiên Chúa Ba Ngôi, và Thiên Tính lại xâm chiếm toàn bộ con người tôi“ (or. 40,41).

2.Thiên Chúa Tự Mạc Khải Mình Là Thiên Chúa Ba Ngôi

Thiên Chúa Cha được mạc khải thông qua Chúa Con.

Trong nhiều tôn giáo, Thượng Đế được gọi như là „Cha“. Và Thượng Đế thường được coi như là „cha của các thần thánh và con người“. Đối với dân Israel, Thiên Chúa cũng được gọi là „Cha“, như là Đấng sáng tạo nên thế giới (Vgl. Dtn 32,6; Mal 2,10). Thiên Chúa trước tiên hoàn toàn là Cha chiếu theo Giao Ước và việc trao ban lề luật cho Israel – „đứa con đầu lòng“ của Ngài (Ex 4,22). Ngài cũng được gọi là Cha của vua Israel (Vgl. 2 Sam 7,14). Một cách hoàn toàn đặc biệt, Thiên Chúa là „Cha của những người nghèo“, của những kẻ mồ côi và người góa bụa (Vgl. Ps 68,6), tức những người đứng trong sự yêu thương bao bọc chở che của Thiên Chúa.

Khi ngôn ngữ của Đức Tin gọi Thiên Chúa là „Cha“, trước hết nó gợi ý tới hai phương diện: Thiên Chúa là căn nguyên của tất cả cũng như là Đấng có uy quyền trổi vượt, và đồng thời Ngài cũng là Đấng Tốt Lành và là Đấng Yêu Thương săn sóc tất cả mọi con cái của Người. Sự tốt lành mang tính chất như người Cha người Mẹ của Thiên Chúa được bày tỏ thông qua hình ảnh của tình mẫu tử (Vgl. Jes 66,13; Ps 131,2), nó thể hiện hơn nữa tính nội tại của Thiên Chúa, sự gần gũi thân mật giữa Thiên Chúa và thụ tạo của Ngài. Ngôn ngữ của Đức Tin tiếp thu kinh nghiệm của con người về cha mẹ mình, mà cha mẹ có thể được gọi như là những người đại diện đầu tiên của Thiên Chúa đối với con người. Nhưng kinh nghiệm lại cho thấy, cha mẹ nhân loại có thể mắc phải những lỗi lầm, và như thế họ làm biến dạng hình ảnh của tình phụ tử cũng như tình mẫu tử. Vì thế nó nhắc nhớ rằng, Thiên Chúa vượt lên trên sự khác biệt của phái tính con người. Ngài không phải là một người đàn ông cũng không phải là một người đàn bà; Ngài là Thiên Chúa. Ngài vượt lên trên tình phụ tử cũng như tình mẫu tử nhân loại (Vgl. Ps 27,10), mặc dầu Ngài là căn nguyên và là mực thước (Vgl. Eph 3,14; Jes 49,15): nhưng không ai có thể là cha giống như Thiên Chúa.

Chúa Giê-su đã mạc khải cho chúng ta biết rằng, Thiên Chúa là „Cha“ trong một ý nghĩa vô tiền khoáng hậu: không phải chỉ như một Đấng Sáng Tạo, nhưng là Cha từ đời đời của Con Độc Nhất, Đấng là Con từ đời đời chỉ trong mối tương quan với Cha của Ngài: „Không ai biết Chúa Con ngoại trừ Chúa Cha, và cũng không ai biết Chúa Cha ngoại trừ Chúa Con và Đấng mà Chúa Con muốn mạc khải“ (Mt 11,27).

Vì thế, các môn đệ đã tuyên xưng Chúa Giê-su là Ngôi Lời, Đấng vốn là Thiên Chúa và ở trong cung lòng Thiên Chúa (Vgl. Ga.1,1), là „hình ảnh của Thiên Chúa vô hình“ (Col 1,15), là „phản ánh vẻ huy hoàng và hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa“(Dt.1,3).

Sự tuyên tín của Giáo Hội được bảo tồn từ truyền thống các Tông Đồ, trong sự tiếp nối truyền thống đó, vào năm 325 nơi Công Đồng Chung đầu tiên tại Ni-ze-a, Giáo Hội đã công bố rằng, Chúa Con „đồng bản thể (homoúsios, consubstantialis) với Chúa Cha“, điều này có nghĩa rằng, Chúa Con với Chúa Cha là một Thiên Chúa duy nhất. Vào năm 381 tại Konstantinopel, Công Đồng chung thứ hai đã duy trì cách diễn đạt này trong sự trình bày về kinh Tin Kính của Công Đồng Ni-ze-a, và công bố rằng: „Con Một Thiên Chúa được sinh ra từ Chúa Cha trước mọi thời: Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa Thật bởi Thiên Chúa Thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản tính với Đức Chúa Cha“ (DS 150).

3.Chúa Cha và Chúa Con được mạc khải thông qua Chúa Thánh Thần

Trước cuộc vượt qua của mình, Chúa Giê-su đã báo trước về việc Ngài sẽ cử „Chúa Thánh Thần“ (Đấng Bảo Trợ) đến. Đấng Được Sai Đến này đã hoạt động ngay từ buổi tạo dựng (Vgl. Kn. 1,2) và đã „nói thông qua các vị Ngôn Sứ“ (Sự tuyên tín của công đồng Nizea – Konstantinopel). Từ nay trở đi, Chúa Thánh Thần sẽ ở với các môn đệ cũng như ở trong các Ngài (Vgl. Ga.14,17), sẽ dậy dỗ các Ngài (Vgl. Ga.14,26) cũng như sẽ dẫn đưa các Ngài „tới Chân lý vẹn toàn“ (Ga. 16,13). Như vậy, Chúa Thánh Thần đã được tiếp tục mạc khải như là một Ngôi vị Thiên Chúa với Chúa Giê-su và Chúa Cha.

Căn nguyên đời đời của Chúa Thánh Thần biểu tỏ một cách rõ ràng trong sứ mạng theo thời gian của Ngài. Chúa Thánh Thần được gửi đến với các môn đệ cũng như đến với Giáo Hội từ Chúa Cha, nhân danh Chúa Con cũng như từ chính Chúa Con, sau khi  Chúa Con đã trở về cùng Chúa Cha (Vgl. Ga. 14,26; 15,26; 16,14). Sự sai phái Ngôi Thánh Thần sau việc đạt tới vinh quang của  Chúa Giê-su mạc khải cho thấy mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi trong sự tròn đầy và viên mãn của chính Ngài.

Đức Tin vào Chúa Thánh Thần thuộc về Tông Truyền đã được công bố vào năm 381 bởi Công Đồng Chung Konstantinopel: „Chúng tôi tin… Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống, Đấng nhiệm xuất từ Chúa Cha“ (DS 150) (Trong Kinh Tin Kính chúng ta vẫn đọc rằng: Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra). Qua đó, Giáo Hội ngợi khen Chúa Cha là „Nguồn Mạch và Căn Nguyên của toàn Thiên Tính“ (6. Syn. v. Toledo 638: DS 490). Nhưng căn nguyên đời đời của Chúa Thánh Thần thì không phải là không có mối liên hệ với căn nguyên đời đời của Chúa Con: „Chúa Thánh Thần, Đấng là Ngôi thứ ba trong Thiên Chúa Ba Ngôi, là một và là chính Thiên Chúa cùng với Chúa Cha và với Chúa Con… cùng một hữu thể cũng như một bản tính… Tuy nhiên, Ngài không chỉ được gọi là Thánh Thần của Chúa Cha, cũng không chỉ được gọi là Thánh Thần của Chúa Con, nhưng đồng lúc Ngài vừa là Thánh Thần của Chúa Cha cũng vừa là Thánh Thần của Chúa Con” (11. Syn. v. Toledo 675: DS 527). Kinh Tin Kính của Giáo Hội tuyên xưng rằng: „Ngài được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và với Đức Chúa Con“ (DS 150).

Kinh Tin Kính thuộc truyền thống La-tinh cũng tuyên xưng rằng, „Chúa Thánh Thần nhiệm xuất từ Chúa Cha và Chúa Con (filioque)“. Công Đồng Florenz được triệu tập vào năm 1438 đã cắt nghĩa như sau: „Chúa Thánh Thần có cùng bản thể và sự tự hữu trong sự bất biến của Ngài như Chúa Cha và Chúa Con, và nhiệm xuất từ Chúa Cha và Chúa Con từ thuở đời đời như từ một uyên nguyên và nhờ vào một sự hà hơi duy nhất… Và vì Chúa Cha chính là tất cả những gì mà Chúa Cha là, Ngài đã sinh ra Con Một duy nhất của mình, bên ngoài sự hiện hữu của Chúa Cha, ngay chính lúc đó Chúa Con tự mình có, Chúa Thánh thần nhiệm xuất từ Chúa Con, từ đời đời nơi Chúa Cha, tức từ Đấng mà Ngài đã được sinh ra từ đời đời“ (DS 1300–1301).

Cụm từ „filioque“ (và Chúa Con) không xuất hiện trong bản tuyên tín của Công Đồng Konstantinopel (381). Nhưng căn cứ vào một truyền thống lâu đời của La-tinh và vùng Alexandria, Thánh Lê-ô Cả Giáo Hoàng đã công bố tín điều này từ năm 447 rồi (Vgl. DS 284), ngay cả trước khi Rô-ma biết tới công thức tuyên tín từ năm 381 và năm 451 được công bố bởi Công Đồng Can-xê-đô-ni-a. Sự áp dụng công thức này trong Kinh Tin Kính được áp dụng dần dần trong Phụng Vụ La-tinh khoảng từ giữa thế kỷ thứ 8 và 11. Nhưng sự nồng ghép cụm từ „filioque“ của Phụng Vụ La-tinh vào trong Kinh Tin Kính của hai Công Đồng Ni-zê-a và Konstantinopel vẫn còn là điểm tranh cãi đối với Giáo hội Chính Thống cho tới ngày nay.

Truyền thống Đông Phương trước tiên đưa ra một phát biểu rằng, Chúa Cha là uyên nguyên của Chúa Thánh Thần, trong khi tuyên xưng Chúa Thánh Thần như là „Đấng  nhiệm xuất từ Chúa Cha“ (Ga. 15,26). Họ nói rằng, Chúa Thánh Thần nhiệm xuất từ Chúa Cha thông qua Chúa Con (Vgl. AG 2). Trong khi đó, Truyền thống Tây Phương thì lại đưa ra lời phát biểu về sự đồng bản thể giữa Chúa Cha và Chúa Con trong khi nói rằng, Chúa Thánh Thần nhiệm xuất từ Chúa Cha và Chúa Con (filioque). Truyền thống ấy nói đến điều „một cách hợp pháp và khôn ngoan“ (K. v. Florenz 1439: DS 1302), vì chiếu theo trật tự của các Ngôi Vị Thiên Chúa trong sự đồng bản thể của mình thì Chúa Cha là uyên nguyên trước tiên của Chúa Thánh Thần và được ví như là „Căn Nguyên mà không cần đến nguồn cội“ (DS 1331), nhưng cũng với tư cách là Chúa Cha của Con Một duy nhất,  cùng với Ngài là „Căn Nguyên“ mà từ đó Chúa Thánh Thần nhiệm xuất (2. K. v. Lyon 1274: DS 850).

IV. Thiên Chúa Cha:

Các Ky-tô Hữu được lãnh nhận Phép Rửa „Nhân danh Chúa Cha và Chúa con và Chúa Thánh Thần“ (Mt 28,19). Trước đó, họ phải trả lời ba lần cho câu hỏi rằng, liệu họ có tin Chúa Cha, tin Chúa Con và tin Chúa Thánh Thần không, với câu: „Tôi tin“. „Bản chất của Đức Tin thuộc tất cả các Ky-tô hữu đó là Thiên Chúa Ba Ngôi“ (Cæsarius v. Arles, symb.).

Các Ky-tô hữu được lãnh nhận Phép Rửa „nhân danh“ (số ít) và không „trên danh nghĩa“ (số nhiều) của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (Vgl. Sự định tín của Đức Giáo Hoàng Vigilius vào năm 552: DS 415), vì chỉ có một Thiên Chúa duy nhất là Chúa Cha đầy quyền năng, và Con độc nhất của Ngài và Chúa Thánh Thần: Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh là mầu nhiệm trung tâm của Đức Tin và đời sống của người Ky-tô hữu. Nó là mầu nhiệm thuộc về đời sống nội tại của Thiên Chúa, thuộc về căn nguyên của tất cả các mầu nhiệm cũng như nguồn sáng khác của Đức Tin – tức ánh sáng giải thích chính những mầu nhiệm ấy. Nó là cơ sở có tính chất nền tảng và trọng yếu nhất  bên trong „trật tự của chân lý Đức Tin“ (DCG 43). „Toàn bộ Thánh sử hoàn toàn không phải là cái gì khác với lịch sử của những con đường và những cách thế, mà qua chúng, Thiên Chúa Chân Thật và Duy Nhất là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đã tự mạc khải chính mình với con người – tức những người ngoảnh mặt đi khỏi tội lỗi, giao hòa và liên kết với họ“ (DCG 47).

Trong bản văn được trình bày ngắn gọn vừa nêu đã chỉ ra cho thấy, mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh được mạc khải như thế nào (II), Giáo Hội đã trình bày tín điều về mầu này như thế nào (III) và Thiên Chúa Cha thông qua sự sai phái Chúa Con và Chúa Thánh Thần „Thánh Ý Nhân Hậu“ của Ngài trong sự sáng tạo, cứu độ và thánh hóa được thực hiện như thế nào (IV).

Các Giáo Phụ đã phân biệt giữa „Theologia“ và „Oikonomia“. Với thuật ngữ thứ nhất, các Ngài mô tả về mầu nhiệm nơi sự sống nội tại của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, với thuật ngữ thứ hai, các Ngài mô tả về tất cả mọi công trình của Thiên Chúa, mà thông qua chúng, Thiên Chúa tự mạc khải chính mình và giãi bày sự sống của Ngài.  Thông qua „Oikonomia“, „Theologia“ được tiết lộ cho chúng ta; nhưng ngược lại, „Theologia“ chiếu sáng toàn bộ „Oikonomia“. Mọi công trình của Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta biết về bản thể nội tại của Ngài, và ngược lại, mầu nhiệm về bản thể nội tại của Thiên Chúa làm cho chúng ta hiểu sâu hơn tất cả các công trình của Ngài. Tương tự như sự liên hệ trong mối tương quan giữa các ngôi vị nhân loại: Ngôi vị được biểu lộ trong hành động của mình, và nếu chúng ta càng hiểu tốt về một Ngôi vị thì chúng ta càng hiểu tốt hơn nữa về những hành động của Ngôi vị ấy.

Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm thuộc đức tin theo nghĩa hẹp, là một trong „những mầu nhiệm tiềm tàng trong Thiên Chúa…, mà những mầu nhiệm ấy nếu không được mạc khải ra từ chính Thiên Chúa, thì chúng sẽ không thể được nhận biết“ (Công Đồng Vaticano I.: DS 3015). Thực ra, Thiên Chúa đã để lại trong công trình sáng tạo của Ngài và nơi sự mạc khải của Ngài trong suốt quá trình của Giao Ước Cũ những chứng tích về Bản Thể Ba Ngôi của Ngài. Nhưng Bản Thể của Thiên Chúa như là Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh thể hiện một mầu nhiệm, mà mầu nhiệm ấy lý trí không thể tiếp cận và không đạt tới được trước việc trở thành xác phàm của Con Thiên Chúa và sự sai gửi Chúa Thánh Thần cũng như Đức tin của Israel.

5.Chúa Con trở thành người như thế nào?

Vì trong mầu nhiệm về việc trở nên xác phàm, một sự kết hợp đầy nhiệm mầu, „bản tính nhân loại được tiếp nhận mà không bị tiêu tan“ (GS 22,2), đã được Giáo Hội trân trọng trong những thế kỷ vừa qua, để nhận biết sự thật tròn đầy nơi tinh thần cũng như sự sống nhân loại của Chúa Ky-tô với lý trí và những hành vi của ý chí. Nhưng đồng thời hiện nay Giáo Hội đã phải nhắc nhớ rằng, bản tính nhân loại của Chúa Ky-tô thuộc về Ngôi Vị Thiên Chúa của Con Thiên Chúa, và chính từ Ngôi Vị Thiên Chúa mà bản tính nhân loại đã được đón nhận. Tất cả những gì mà Chúa Ky-tô là cũng như thực hiện trong Ngôi vị của Ngài, thì đó chính là cái cũng như là hành vi „của một Ngôi vị trong Thiên Chúa Ba Ngôi“. Như vậy, Con Thiên Chúa chia sẻ với bản tính nhân loại của Ngài phương cách hiện hữu cá nhân và riêng biệt của Ngài trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Bởi vậy, Chúa Ky-tô mang trong linh hồn cũng như trong thân xác của Ngài đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh để bày tỏ cho con người (Vgl. Ga.14, 9–10).

6.Tôi tin Đức Chúa Thánh Thần

Không ai có thể nói: ´Chúa Giê-su là Chúa!`, nếu người đó không ở trong Thánh Thần“ (1 Cor. 12,3). „Thiên Chúa  đã sai Thánh Thần của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: ´Áp-ba, Cha ơi!`“ (Gal 4,6). Sự tuyên xưng này chỉ có thể được thực hiện trong Chúa Thánh Thần. Để có thể kết hợp với Chúa Ky-tô, trước hết, người ta phải được tiếp cận thông qua Chúa Thánh Thần. Ngài tiến về phía chúng ta và khêu gợi Đức Tin trong chúng ta. Thông qua Bí Tích đầu tiên của Đức Tin, tức Bí Tích Thanh tẩy, sự sống có khởi nguồn từ chính Thiên Chúa Cha, và được ban tặng cho chúng ta thông qua Chúa Con, sẽ lại được tiếp tục tặng ban cho chúng ta trong Giáo Hội, nhờ Chúa Thánh Thần bằng một cách thế mang tính cá nhân và hoàn toàn thẳm sâu.

 „Bí Tích Thánh Tẩy mang lại cho chúng ta Ân Sủng, để được tái sinh trong Chúa Cha, nhờ Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần. Thực ra, những ai có Thánh Thần của Thiên Chúa ngự trong lòng, sẽ được đưa đến với Ngôi Lời, tức Chúa Con; Đấng sẽ giới thiệu Chúa Cha cho họ, và Chúa Cha ban cho họ sự sống đời đời. Như vậy, nếu không có Chúa Thánh thần thì sẽ không thể nhìn thấy Con Thiên Chúa, và không có Chúa Con thì không ai có thể tự đến gần Chúa Cha, vì khả năng nhận thức của Chúa Cha chính là Chúa Con, và khả năng nhận thức của chúa Con lại được thực hiện trong Chúa Thánh Thần“ (Ireneus, dem. 7).

Thông qua Ân Sủng của Ngài, Chúa Thánh Thần của Đấng Đầu Tiên đánh thức đức tin của chúng ta cũng như đi vào trong sự sống mới. Sự sống này chứa đựng bên trong để „nhận biết Chúa Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến là Chúa Giê-su Ky-tô“ (Joh 17,3). Tuy nhiên, trong sự mạc khải về các Ngôi Vị của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, Chúa Thánh Thần lại là Đấng được mạc khải sau cùng. Thánh Grê-gô-ri-ô Nazianz – người được mệnh danh là „Thần Học Gia“, đã cắt nghĩa trình tự này thông qua khoa sư phạm đầy tình yêu của Thiên Chúa:

Cựu Ước công bố Thiên Chúa Cha một cách công khai, nhưng công bố về Chúa Con một cách mờ nhạt hơn. Tân Ước mạc khải Chúa Con và làm cho nhận biết về thần tính của Chúa Thánh Thần. Giờ đây, Thánh Thần sống trong chúng ta và ban cho chúng ta một tầm nhìn thật rõ ràng từ chính Ngài. Khi người ta chưa nhận biết Thần tính của Chúa Cha thì sẽ không hề khôn ngoan chút nào để công bố rõ ràng về Chúa Con, và khi thần tính của Chúa Con chưa được chấp nhận, thì việc mạc khải Chúa Thánh Thần được coi như là một gánh nặng tiếp theo, vì cần phải có một cái gì đó cho một sự diễn đạt ít mạo hiểm…Thông qua sự tiến bộ và sự tiến triển, từ vẻ huy hoàng tráng lệ tới vẻ lộng lẫy cao sang, ánh sáng của Thiên Chúa Ba Ngôi sẽ còn làm cho những điều đã được thắp sáng lại càng bừng sáng hơn“ (or. theol. 5,26).

Như vậy, tin vào Chúa Thánh Thần có nghĩa là nhận biết rằng Chúa Thánh Thần là một Ngôi Vị của Ba Ngôi Chí Thánh, cùng bản thể với Chúa Cha và Chúa Con, và rằng, „Ngài được phụng thờ và tôn vinh cùng với  Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con“ (Tín điều của Công Đồng Nizea–Konstantinopel). Từ lý do này mà Chúa Thánh Thần từ mầu nhiệm của Thiên Chúa đã ở trong Thiên Chúa Ba Ngôi là một phát biểu thuộc „Theologie“. Trái lại, vai trò của Chúa Thánh Thần trong nhiệm cục Cứu độ diễn ra ở đây như là „Oikonomie“.

Cùng với Chúa Cha và Chúa Con, Chúa Thánh Thần thực hiện từ lúc khởi sự cho tới khi hoàn tất Thánh Ý của Thiên Chúa đối với ơn cứu độ của chúng ta. Tuy nhiên, trước hết trong lúc này và trong những thời gian sau cùng, tức thời gian bắt đầu với việc Con Thiên Chúa làm người để cứu độ nhân loại, Chúa Thánh Thần được mạc khải và nhận biết như một Ngôi Vị, được ban tặng và được đón nhận. Giờ đây, Thánh Ý nhiệm mầu của Thiên Chúa đã hoàn tất sự kiện Chúa Ky-tô như là „Đấng được sinh ra đầu tiên“ và là đầu của thụ tạo mới, có thể trở nên hiện thực dựa trên việc tuôn đổ Thánh Thần vào trong nhân loại với tư cách là Giáo Hội – tức cộng đoàn được cứu độ, được thứ tha tội lỗi, được phục sinh trong thân xác và có sự sống đời đời.

Không ai có thể nhận biết Thiên Chúa trừ Thánh Thần của Thiên Chúa“ (1 Cor 2,11). Chúa Thánh Thần, Đấng mạc khải Thiên Chúa, làm cho chúng ta nhận biết Chúa Ky-tô, Ngôi Lời sống động của Thiên Chúa; Ngài nói, nhưng không nói từ chính mình. Chúa Thánh Thần – „Đấng đã nói qua các vị Ngôn Sứ“ – làm cho chúng ta nghe được Lời của Chúa Cha.  Nhưng chúng ta không nghe thấy chính Ngài. Chúng ta chỉ nhận biết Ngài thông qua một điều rằng, Chúa Thánh Thần mạc khải cho chúng ta Lời và làm cho chúng ta trở nên sẵn sàng để đón nhận Lời trong Đức Tin. Thánh Thần Chân Lý – Đấng tiết lộ cho chúng ta Chúa Ky-tô, „sẽ không tự mình nói điều gì“ (Ga. 16,13).  Sự khiêm tốn thực sự này của Thiên Chúa giải thích cho biết tại sao „Thế gian không đón nhận Ngài, vì thế gian không thấy mà cũng chẳng biết Ngài“, trong khi đó những người tin vào Chúa Ky-tô thì nhận biết Ngài, vì Ngài ở luôn giữa họ và ở trong họ (Ga. 14,17).

Với tư cách là cộng đoàn của những người tin một cách sống động – tức những người được chuyển giao Đức Tin từ các Tông Đồ, thì Giáo Hội chính là một nơi chốn để chúng ta có được sự nhận thức về Chúa Thánh Thần:

–Trong các tác phẩm được linh hứng từ Ngài;

–Trong Truyền Thống mà các chứng nhân vẫn còn luôn mang tính thời sự là các Giáo Phụ;

–Trong quyền Giáo Huấn của Hội Thánh, tức quyền mà Chúa Thánh Thần luôn bảo hộ chở che;

–Trong Phụng Vụ các Bí Tích: thông qua những lời và những hình ảnh đầy ý nghĩa của nó, trong đó, Chúa Thánh Thần nối kết chúng ta với Chúa Ky-tô;

–Trong sự cầu nguyện, với nó, Chúa Thánh Thần bước vào trong cuộc đời chúng ta;

–Trong các đặc sủng và các sứ vụ mà nhờ chúng Giáo Hội được dựng xây;

–Trong đời sống tông đồ và loan báo Tin Mừng;

–Trong lời chứng của các Thánh, nơi đó Chúa Thánh Thần giãi bày sự thánh thiện của Ngài cũng như tiếp tục công trình cứu chuộc.

7.Sự đồng sai phái Chúa Con và Chúa Thánh Thần

Thần Khí của Chúa Con (Vgl. Gal 4,6), Đấng mà Chúa Cha đã sai xuống lòng chúng ta, chính là Thiên Chúa thật. Cùng bản thể với Chúa Cha và Chúa Con, Chúa Thánh Thần đã không để bị chia ly từ bên trong đời sống nội tâm của Ba Ngôi Thiên Chúa, cũng không phải như một ân huệ của tình yêu dành cho thế giới từ chính Ba Ngôi. Giáo Hội tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh đang hoạt động một cách sống động, đồng bản thể và không thể tách rời. Tuy nhiên, Đức Tin của Giáo Hội cũng tuyên xưng rằng, Ba Ngôi Vị thì khác biệt nhau. Khi Chúa Cha sai Lời của Ngài thì liền sau đó bao giờ Ngài cũng gửi Thần Khí của Ngài đến – đây là một sự đồng sai phái; trong sự sai phái ấy, Chúa Con và Chúa Thánh Thần khác biệt nhau, nhưng không tách lìa nhau. Chúa Ky-tô xuất hiện như hình ảnh có thể nhìn thấy được của Thiên Chúa không thể nhìn thấy, còn Chúa Thánh Thần là Đấng mạc khải Thiên Chúa Cha.

Chúa Giê-su là Đức Ky-tô, Đấng „ Được Xức Dầu“, vì Thần Khí là sự xức dầu của Ngài và là tất cả những gì được diễn ra từ biến cố trở thành xác phàm và được phun trào ra từ sự phong phú này (Vgl. Ga.3,34). Và khi Chúa Ky-tô được ca tụng tán dương vào thời thế mạt (Vgl. Ga.7,39),  Ngài có thể sai phái những kẻ tin vào Ngài từ Chúa Cha đến với Chúa Thánh Thần: Chúa Con chia sẻ vinh quang của Ngài cho họ (Vgl. Ga.17,22), điều ấy có nghĩa là Chúa Thánh Thần sẽ tôn vinh Ngài (Vgl. Ga.16,14). Sự đồng sai phái sẽ rộng mở từ Ngài đến những kẻ mà Chúa Cha đã đón nhận như là những người con của Ngài trong nhiệm thể của Con Ngài. Thánh Thần của những kẻ với tư cách là con sẽ có sự sai gửi để liên kết họ với Chúa Ky-tô và làm cho họ sống trong Ngài.

Khái niệm ´xức dầu` làm lưu tâm đến điều rằng…, giữa Chúa Con và Chúa Thánh Thần không có khoảng cách. Thực đúng như không phải lý trí cũng không phải những giác quan mà một người nào đấy nhận ra một sự vật trung gian giữa vẻ bên ngoài của cơ thể và dầu được xức lên, sự liên kết giữa Chúa Con với Chúa Thánh Thần cũng là sự liên kết trực tiếp, không qua trung gian rằng, ai muốn đi vào trong sự kết hợp với Chúa Con thông qua Đức Tin, trước tiên, người ấy bước đi trong sự liên kết với Dầu. Thực ra, không có sự tham gia của điều không được che phủ bởi Chúa Thánh Thần. Vì thế, sự tuyên xưng thần tính của Chúa Con diễn ra trong Chúa Thánh Thần, vì Thánh Thần của những ai đến gần trong Đức Tin, sẽ đến từ khắp mọi nơi“ (Gregor v. Nyssa, Spir. 16).

Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh và Bí Tích Thêm Sức:

Bí Tích Thêm Sức là một Bí Tích vĩ đại và đầy ý nghĩa, Bí Tích này hợp nhất các Ky-tô lại trong Chúa Ky-tô, để bảo vệ họ và làm cho họ được lớn lên trong Thánh Thần về phẩm giá cũng như về sức mạnh, khiến họ trở nên những chiến sĩ đích thật.

Người nhận lãnh Bí Tích Thêm Sức phải biết rằng, mỗi một Ngôi Vị trong Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh đều tác động trên các Ky-tô hữu: Chúa Cha thông qua công trình sáng tạo, Chúa Con thông qua công trình cứu chuộc và Chúa Thánh Thần thông qua sự thánh hóa nơi nguồn gốc của Ngài trong Thần Khí của những ai được lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức!  Một chiến binh bảo vệ ở ngay bên tả của mỗi người được lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức.

8.Công trình của Thiên Chúa và sứ mạng thuộc về Ba Ngôi Thiên Chúa

Ôi ánh sáng thần linh, Thiên Chúa Ba Ngôi và là nguồn cội của sự thông hiệp!„ (LH, Thánh Thi „O lux beata, Trinitas“). Thiên Chúa ở trong niềm hạnh phúc vĩnh cửu, sự sống bất diệt, ánh sáng không bao giờ tàn lụi. Thiên Chúa là Tình Yêu: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Từ nơi ý chí tự do, Thiên Chúa muốn chia sẻ vinh quang và sự sống hạnh phúc của Ngài. Trong đó hàm chứa „Thánh ý đầy nhân hậu“ (Vgl. Eph 1,9), mà với Thánh Ý này, Thiên Chúa đã đặt sẵn trong Con Một Yêu Dấu của Ngài  ngay từ trước khi tạo dựng thế giới. Ngài đã „tiền định cho chúng ta được là nghĩa tử nhờ Đức Giê-su Ky-tô“ (Eph 1,5), điều này có nghĩa là „đồng hình đồng dạng với Con của Người“ (Rom 8,29) „nhờ Thần Khí làm cho nên nghĩa tử“ (Rom 8,15). Kế hoạch này là một „Ân Sủng mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta từ trước muôn thuở trong Đức Ky-tô Giê-su“ (2 Tim 1,9) và phát sinh trực tiếp từ Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa tự biểu lộ trong công trình sáng tạo, trong toàn bộ thánh sử kể từ sau sự sa ngã của con người, trong sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, tức những sứ mạng sẽ được tiếp tục trong sứ mạng của Giáo Hội  (Vgl. AG 2–9).

Toàn bộ công trình sáng tạo của Thiên Chúa là công trình chung của Ba Ngôi Thiên Chúa. Nếu như Thiên Chúa Ba Ngôi có một và cùng bản thể, thì công trình sáng tạo của Thiên Chúa cũng chỉ có một và cùng hành động (Vgl. 2. K. v. Konstantinopel 553: DS 421). „Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần không phải là ba nguồn cội của công trình sáng tạo nhưng chỉ là một nguồn cội“ (K. v. Florenz 1442: DS 1331). Nhưng mỗi Ngôi Vị Thiên Chúa thì thực hiện công trình chung chiếu theo tính chất đặc biệt của ngôi vị các Ngài. Tiếp ngay sau Tân Ước (Vgl. 1 Cor. 8,6) Giáo Hội tuyên xưng rằng: „Là một Thiên Chúa và là Cha, từ Người mà có tất cả, một Chúa Giê-su Ky-tô, thông qua Người mà tất cả hiện hữu, và một Chúa Thánh Thần, trong Người mà tất cả tồn tại“ (2. K. v. Konstantinopel 553: DS 421). Tiên vàn, sứ mạng của Con Thiên Chúa Làm Người và sự ban tặng Chúa Thánh Thần làm hiện rõ những đặc tính của mỗi Ngôi Vị Thiên Chúa.

Đồng thời, với tính cách là công trình vừa chung, vừa riêng biệt, công trình sáng tạo của Thiên Chúa làm cho nhận thức rõ hơn về đặc tính riêng của mỗi Ngôi Vị Thiên Chúa cũng như bản tính độc nhất của các Ngôi Vị. Vì thế, đời sống của tất cả các Ky-tô hữu đứng trong sự hiệp thông với từng Ngôi Vị của Ba Ngôi Thiên Chúa, không thể tách rời các Ngôi Vị đó bằng bất cứ cách nào.  Ai tán dương Thiên Chúa Cha, người ấy thực hiện điều đó nhờ Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần; ai đi theo Chúa Ky-tô, người đó thực hiện việc đi theo đó vì Chúa Cha lôi kéo họ (Vgl. Ga. 6,44) và vì Chúa Thánh Thần thôi thúc họ (Vgl. Rom 8,14).

Mục đích cuối cùng của toàn bộ công trình sáng tạo của Thiên Chúa là sự tiếp nhận các thụ tạo trong sự hiệp thông tròn đầy với Ba Ngôi diễm phúc (Vgl. Ga.17, 21–23). Nhưng giờ đây chúng ta đã được kêu gọi để trở thành nơi cư ngụ của Ba Ngôi Chí Thánh. Chúa Giê-su đã từng nói: „Nếu ai yêu mến Thầy thì hãy giữ Lời Thầy; Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở trong người ấy“ (Ga.14,23).

Ôi lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, con thờ lạy Chúa, xin hãy cứu giúp con, xin đừng quên con bao giờ, để con được xuất phát từ Ngài, để con không bị lay chuyển và được thanh thản, cho tới khi linh hồn con được cư ngụ trong cõi vĩnh hằng. Không gì có thế quấy phá sự bình an của con,  để gọi con ra từ Ngài, ôi Thiên Chúa bất biến của con; Ngay lập tức xin hãy đưa con vào sâu trong mầu nhiệm căn nguyên của Ngài! Xin hãy nuôi dưỡng linh hồn con, xin hãy tạo nên thiên đàng từ sự cư ngụ đáng yêu của Ngài cũng như từ nơi an bình của Ngài. Không bao giờ con muốn để Ngài ở đó một mình, nhưng hoàn toàn trong sự hiện diện, hoàn toàn tỉnh thức trong Đức Tin, hoàn toàn phụng thờ, hoàn hoàn trung thành với hành vi sáng tạo của Ngài…“ (Lời kinh của Thánh Elisabeth Chúa Ba Ngôi).

9.Sự sáng tạo – công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi

Từ nguyên thủy, Thiên Chúa đã sáng tạo nên trời và đất“ (Kn. 1,1). Có ba điều được thể hiện trong lời đầu tiên của Thiên Chúa: Thiên Chúa đã kêu gọi tất cả những gì hiện hữu bên ngoài Ngài để chúng được hiện hữu; duy mình Ngài là Đấng Sáng Tạo; tất cả những gì hiện hữu – như „Trời Đất“ – đều tùy thuộc vào Thiên Chúa, Đấng trao ban sự hiện hữu.  

Từ nguyên thủy, Ngôi Lời đã là Thiên Chúa và ở trong Thiên Chúa… Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành“   (Ga. 1,1–3). Tân Ước mạc khải rằng, Thiên Chúa đã tạo thành mọi sự nhờ Ngôi Lời hằng hữu, tức Con Một yêu dấu của Ngài. „Vì trong Người, muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng, nhờ Người và cho Người. Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người“ (Col 1,16–17). Đức Tin của Giáo Hội cũng xác nhận công trình sáng tạo của Chúa Thánh Thần: Ngài là Đấng làm cho sống (Kinh Tin Kính của Công Đồng Nizea–Konstantinopel), Thánh Thần Sáng Tạo („Veni, Creator Spiritus“: LH, Hymnus), Nguồn mạch của mọi sự thiện hảo (Phụng Vụ Byzantin, Thánh Thi Kinh Chiều Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống).

Sự hiệp nhất không ngơi trong việc sáng tạo của Chúa Con và Chúa Thánh Thần với Thiên Chúa Cha được phác thảo trong Cựu Ước  (Vgl. Tv. 33,6; 104,30; Kn. 1,2–3), được mạc khải trong Tân Ước, và sau cùng được minh định một cách rõ ràng trong quy luật Đức Tin của Giáo Hội: „Chỉ một mình Ngài là Thiên Chúa và là Đấng Sáng Tạo… Ngài là Chúa Cha, là Thiên Chúa, là Đấng Sáng tạo muôn loài, là Đấng Khởi Nguyên, là Nhà Điêu Khắc, Đấng đã dựng nên tất cả nhờ vào chính mình, tức là nhờ vào Ngôi Lời và sự khôn ngoan của Ngài“ (Ireneus, hær. 2,30,9), „nhờ Chúa Con và Chúa Thánh Thần“ – có thể được gọi như là „những cánh tay nối dài của Ngài“ (ebd., 4,20,1). Công trình sáng tạo là công trình chung của Ba Ngôi Thiên Chúa Chí Thánh.

10. Thiên Chúa Ba Ngôi Là Một Mầu Nhiệm

Người ta kể rằng, vào một ngày kia, Thánh Augustino đã đi bách bộ trên một bãi biển, vừa đi Ngài vừa suy tư về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Bỗng nhiên Ngài phát hiện ra một em bé đang dùng một cái gáo nhỏ để múc nước biển đổ vào trong một cái lỗ vừa cạn vừa nhỏ. Ngài liền hỏi: „Cháu làm cái gì vậy?“ Em bé trả lời: „Cháu muốn tát hết nước biển vào trong cái ao này của cháu!“ Thánh nhân cười và nói: „Cháu không thể nào làm được chuyện đó đâu!“ Em bé thản nhiên trả lời Thánh Nhân rằng: „Cháu có làm gì khác Ngài đâu: Không phải Ngài đang muốn nắm bắt hết mọi chuyện về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi với cái trí óc nhỏ bé cỏn con của Ngài hay sao!“

Trong những hoạt động truyền giáo của mình tại Ai-len Thánh Patrick đã nhận ra rằng, những độc giả của Ngài thường có những khó khăn lớn trong việc hiểu và nhận thức về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì thế, theo một truyền thuyết thì Thánh Nhân đã bứt một ngọn cỏ tam điệp từ mặt đất và cắt nghĩa rằng, đây chỉ là một cái lá nhưng có ba nhánh; trong sự đa dạng, một sự hiệp nhất được hình thành giống như nơi Thiên Chúa Ba Ngôi.  Người ta đã ngay lập tức hiểu ra cách trình bày của Thánh Nhân về Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, và từ đó, ngọn cỏ tam điệp mà người Ai-len gọi là Shamrock trở thành biểu tượng của quốc gia Ai-len. Và kể từ đó tới nay, người Ai-len vẫn thường cầm theo cành Shamrock trong ngày Lễ kính Thánh Patrick cũng như trong ngày quốc khách của quốc gia này vào ngày 17 tháng 3; cành Shamrock cũng được gắn trên ve áo hoặc trên mũ của họ.  

Thánh Thần của Cha chúng ta cũng như của chính chúng ta được ví như mặt trời chiếu sáng và sưởi ấm trái đất cũng như làm phì nhiêu nó, giống như Ngài đã từng làm cho Đức Trinh Nữ - Mẹ của chúng ta trở nên phong nhiêu cũng như làm cho Mẹ trở nên cao trọng và đáng giá, hầu đem chúng ta đến với ánh sáng, sự sống và thế giới. Như thế, với các tâm hồn: thông qua công việc liên tục của Ngài, Chúa Thánh Thần làm cho họ trở nên phong nhiêu, và làm cho họ có khả năng đón nhận sự sống của Thiên Chúa, đó là sự sống của Tình Yêu và Ân Sủng, và sự sống đó phải lớn lên trong các Ky-tô hữu, để trở nên một trong chính Chúa Ky-tô. Tin vào Chúa Thánh Thần có nghĩa là muốn tin vào Tình Yêu, tức Tình Yêu thánh hóa và làm cho Giáo Hội, các tâm hồn cũng như thế giới được phong nhiêu; và rằng tất cả các Ky-tô hữu tin vào Ngài cũng như tin vào công trình hiện tại của Ngài! Họ thật khác biệt biết bao cũng như sự thánh hóa dành cho họ được lan tỏa biết bao! Bạn cũng muốn được thánh hóa chứ? Chúa Thánh Thần và Chúa Ky-tô sẽ thánh hóa bạn. Ngài sẽ chỉ cho bạn cách thế và sẽ trao cho bạn phương tiện, cũng như sẽ chỉ cho bạn con đường và làm tăng thêm sức mạnh cho bạn, để bạn có thể đạt tới đỉnh điểm của tinh thần anh hùng và sự hoàn thiện trong một cách thế hầu như vô thức khi bạn thích ứng với trực quan và sự giúp đỡ của Ngài. Và như thế có nghĩa là Đức Tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Hãy hành động để Thiên Chúa Ba Ngôi sống trong lòng bạn như trên thiên cung của Ngài, và cuộc sống của bạn sẽ biến đổi và trở nên ngọn hải đăng chiếu sáng cho mọi người (theo Carmela Carabelli – từ Mệnh Lệnh Của Chúa Giê-Su Đầy Lòng Thương Xót).

Mối tương quan của linh hồn đối với Thiên Chúa Ba Ngôi được biểu lộ trước tiên trong sự cầu nguyện! Nó là bản chất của sự việc được dẫn tới theo sau sự quay hướng tới thế giới bên kia, và như vậy đến được với thế giới siêu nhiên, thế giới của thần thánh. Vì thế, nó bén rễ trong mầu nhiệm Đức Tin, mà đặc biệt trong đó con người chọn lựa để thực hiện tính mầu nhiệm của cuộc sống.  Điều này tạo nên hạt nhân của sự cầu nguyện, nó có thể là riêng tư hoặc công khai, ẩn kín trong lòng hoặc tuyên xưng ra ngoài miệng. Không có một trung gian, nó chỉ tồn tại hoặc nhiều hoặc ít như một tiếng động, một dáng vẻ hay một hình thức vô hồn. Sự sốt sắng trong sự cầu nguyện của chúng ta phụ thuộc vào đời sống nội tâm của chúng ta, cũng như phụ thuộc vào mức độ mà chúng ta tham dự vào sự sống của Thiên Chúa. Đời sống này chính là Chúa Thánh Thần, Đấng được trao ban cho chúng ta. Từ Ngài có nghĩa là „Ngài cầu thay nguyện giúp cho chúng ta bằng những tiếng rên siết khôn tả“ (Rom 8,26). Sự phụ thuộc của thần trí chúng ta vào Thiên Chúa đó là việc Thần Khí sống trong lòng chúng ta!

11.Nguồn Kinh Thánh nói về Thiên Chúa Ba Ngôi:

-Mt 28,19: „Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ; hãy làm phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.“  

-Mt 11,27: „Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho“.

-Ga. 5,18 : „Bởi vậy, người Do-thái lại càng tìm cách giết Đức Giê-su, vì không những Người phá luật Sa-bát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.“

-Ga. 10,30: „Tôi và Chúa Cha là một."

-Ga. 14,11: „Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không, thì hãy tin chính các việc kia vậy!“

-Ga. 14, 6: „“Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy“.

Ga. 14,26: „Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dậy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em“.

-2 Cor 13,13: „Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần.“  

Thiên Chúa Cha:

-“Nhưng đối với chúng ta, chỉ có một Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành vạn vật và là cùng đích của chúng ta“ (1 Cor 8,6).

-„Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ky-tô, Chúa chúng ta“ (Eph. 1,3).

-„Không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho“ (Mt 2,27).

-„Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha“ (Ga. 6,46).

-„Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha“ (Ga. 14,8).

-„Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy“ (Ga 5,26).

-„Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy“ (Ga. 6,57).

-„Chúa Cha yêu thương Chúa Con và đã giao phó mọi sự trong tay Người“ (Ga. 3,35).

-„Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng cứu độ thế gian“ (1 Ga. 4,14).

-„Chẳng ai đến được với tôi nếu Chúa Cha, là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy!“ (Ga. 6,44).

-„Nhưng khi thời gian tời hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới…“ (Mt.14,36; vgl. Gal 4,4-7; Rom 8,14-19).

-„Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?“ (Lc 2,49).

-„Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha“  (Lc. 23,46).

Thiên Chúa Con:

-„Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con“ (Tv. 2,7; Apg 13,33; Hebr 1,5).

-„Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy…“  (Ga. 5,26).

-„Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ; nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết“ (Ga. 1,18.).

-„Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy (Jo 16,15.).

-„Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó“ (Jo 14,10,2).

-„Còn Đức Ky-tô thì trung thành với tư cách là người Con đứng đầu nhà Thiên Chúa“  (Dt. 3,6).

-„Thật, tôi bảo thật các ông: người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy. Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa… Chúa Cha làm cho kẻ chết chỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tùy ý. Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử, để ai nấy đều tôn kính người Con như tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai người Con…“  (Ga. 5,19-23).

-„Ai ghét Thầy, thì cũng ghét Cha của Thầy“ (Ga.15,23).

-„Ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến…“ (Ga.14,21).

-„Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.“ (Ga. 14,23).

-„Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành.“ (Ga.17,24).

-„Ngày đó anh em sẽ biết rằng, Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em“ (Ga. 14,20).

Ngôi Lời Của Thiên Chúa:

-„Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa“ (ga. 1,1f.).

-“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật…“ (Ga. 1,14).

Chúa Thánh Thần:

-„Còn chúng ta, chúng ta đã được Thiên Chúa mạc khải cho, nhờ Thần Khí. Thật vậy, Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa…“ (1 Cor 2,10f.).

-„ Một lời CHÚA phán làm ra chín tầng trời,
một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú.“ (Tv. 32,6).

-„Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới,
là chúng được dựng nên,
và Ngài đổi mới mặt đất này.“ (Tv.103,30).

-„Thần khí của Ðức Chúa ngập tràn cõi đất,
bảo toàn mối hiệp nhất giữa muôn vật muôn loài,
thấu hiểu hết mọi lời mọi tiếng….“ (Kn 1,7).

-„Quả vậy, lời ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa…“ (2 Pher. 1,21).

-„Các ngôn sứ đã nghiên cứu tìm hiểu ơn cứu độ này, và đã tuyên sấm về ân sủng dành cho anh em. Thần Khí Đức Ky-tô ở nơi các ngài, đã báo trước những đau khổ dành cho Đức Ky-tô, và vinh quang đến sau những đau khổ đó, nên các ngài đã tìm hiểu xem Thần Khí muốn cho thấy việc đó xảy ra vào thời nào, trong hoàn cảnh nào…“ (1 Petr 1,10-2).

-„Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa…“ (Lc.1,35).

-„Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì kìa các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người…“ ( Mt 3,16).

-„Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến…“ (Ga. 16,13f.).

-“Còn nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông…“ (Mt 12,28).

-„Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em. Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử…“ (Ga. 16,7-8).

-„Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: ´Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần…“ (Ga. 20,22 f.).

-„Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt. ..“ (Ez 36,26).

-„Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày…“ (1 Cor 12,8f.).

-„Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho…“ (Cv. 2,4).

-„Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an…“ (Rom 8,6f.).

-„Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em…“ (Mt 10,19f.).

-„“Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ky-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần“ (2 Cor 13,13).

BBT.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét