Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Thánh Augustino: Trước hết bạn hãy yêu thương rồi sau đó bạn hãy làm những gì bạn muốn! (Phần I)

Thánh Augustino: Trước hết bạn hãy yêu thương rồi sau đó bạn hãy làm những gì bạn muốn! (Phần I)

Dịch giả Cát Nguyên
LTS: Quý vị độc giả thân mến, chúng tôi mới nhận được toàn văn bản dịch tác phẩm „Thánh Ausgutino: Trước hết bạn hãy yêu thương rồi sau đó bạn hãy làm những gì bạn muốn“ do dịch giả Cát Nguyên thực hiện. Tác phẩm này được dịch giả Cát Nguyên chuyển ngữ từ nguyên bản „Augustinus: Liebe und tut was du willst – Textauswahl von Marianne Ligendza“ do nhà xuất bản Verlag Butzon & Berker Kevelaer phát hành vào năm 1986 nhân dịp kỷ niệm đúng 1600 năm ngày Thánh Ausgutino trở lại. Đây là một tuyển tập - do Mrianne Ligendza thực hiện  - những lời phát biểu mà Thánh Ausgutino đã viết trong hầu hết các tác phẩm rất nổi tiếng của Ngài. Chúng tôi sẽ lần lượt cho đăng toàn bộ bản dịch của tác phẩm này. Mời quý vị đón đọc.

Thánh Ausgutino: Trước hết bạn hãy yêu thương rồi sau đó bạn hãy làm những gì bạn muốn!

(Những Câu nói nổi tiếng của Thánh Ausgutino do Marianne Ligendza tuyển tập)

Lời nói đầu:

Cách nay khoảng 1600 năm, tức vào năm 386, sự hoán cải của Aurelius Augustino đã diễn ra. Đây là một sự kiện tâm linh mà nó vẫn còn chiếu sáng và ảnh hưởng tới thời đại hôm nay. 

Cuộc sống của người đàn ông này (354-430) thì rất hấp dẫn nơi nhiều khía cạnh của nó, và là nét điển hình trong sự mãnh liệt và tính chân thực của việc tìm kiếm:  một cuộc sống đầy căng thẳng trong một thời điểm bị thay đổi tận căn nơi tất cả các lãnh vực, tương tự như trong nhiều khía cạnh của thời đại chúng ta.

Đây là thời gian di tản của những đám đông: dân chúng với tâm trạng hết sức khác biệt đã chia sẻ một môi trường sống giống nhau; sự mời chào thiên hình vạn trạng của những giáo phái và các cộng đồng tôn giáo khác nhau, cũng như của thế giới dân ngoại, và mô hình suy tư triết học thì hầu như có thể gọi là đa nguyên. Sự tan rã dần dần của đế quốc Rô-ma đã đạt đến cực điểm trong sự xâm lăng và tàn phá thành phố Rô-ma của người Goth (410). Như vậy Ausgutino đã nếm trải sự điêu tàn của một nền văn hóa; nhưng một nền văn hóa mới lại đã hửng sáng. Tính mềm dẻo đối với các quan điểm văn hóa phương Tây của Ky-tô giáo thời Trung Cổ được đưa ra: dưới thời hoàng đế Konstantin, thế giới Ky-tô Giáo có được sự tự do trong Đức Tin (313), và dưới thời hoàng đế Theodosius thì Ky-tô giáo trở thành quốc giáo (391); tất cả nền phụng tự ngoại giáo đều bị cấm. Ausgutino – người có thiên tài về tri thức, được trang bị với một trí khôn sắc bén, nhưng cũng là một con người đầy sinh lực và mạnh mẽ, một người  ý thức về sự mâu thuẫn nội tại nơi bản tính của mình, và cũng là người đang kiếm tìm. Ông sinh tại Tagaste của Numidien thuộc Bắc Phi (Tức Algeria ngày nay); là Giáo sư của môn hùng biện và tu từ học, trước tiên tại Karthago và sau đó là Rô-ma và Milan.

Một mặt thì ông không hề có thành kiến với những cám dỗ của cuộc sống này: ông yêu thích sự sa hoa và những thú vui, và thường thích đi vào những hý viện và rạp xiếc. Nhưng mặt khác ông lại là người đang tìm kiếm Thượng Đế ở bước khởi đầu. Trước đây ông đã từng nghiên cứu triết học. Trong nhiều năm trời, ông là thành viên của một giáo phái rất nổi tiếng, đó là giáo phái Manike, một giáo phái khá phổ biến ở giai đoạn cuối của thời cổ đại Ky-tô giáo mà sự tiếp tục phát tán của nó đã được nhìn thấy.

Một nỗi khát khao cũng như một sự rối loạn lớn trong tâm hồn đã làm ông phải lo âu, nó khiến ông phải kiếm tìm chân lý mà chỉ với nói ông mới có thể có được một điểm dựa vững chắc cuối cùng. Ông cảm thấy bị giằng xé trong lòng và đau đớn giữa việc kiếm tìm sự thành đạt, bước đường công danh, tiền bạc và sự tận hưởng vô hạn đối với sự cảm thụ của ông nơi cuộc sống trần tục, và sự kiếm tìm một „cuộc sống hoàn thiện“ thể hiện qua sự từ bỏ và tiết chế. Vào năm 32 tuổi ông đạt tới điểm sâu nhất trong cuộc đời của mình, ngay lúc ông cảm nhận được sự biến đổi nội tâm mà nó như là một kinh nghiệm hoán cải được trình bày trong cuốn „Tự Thú“ của ông, đây là một cuốn sách tự truyện đầu tiên của văn học thế giới, nó miêu tả sự phát triển nội tâm của một con người một cách tinh tế và nhiều sắc màu một cách trực tiếp dựa trên phương pháp phân tâm học.

Sự chỉ đường cho ông ở đây đó là cuộc gặp gỡ với Thánh Ambrosio Giám mục thành Milan, một con người hăng hái và đầy nỗ lực, thậm chí Ngài còn khiển trách cả hoàng đế, nhưng cũng là một người tốt lành nhân hậu và có một đôi tai luôn rộng mở để sẵn sàng lắng nghe mọi người. Nhưng cũng không được quên mối liên hệ của mẹ ông – Thánh Nữ Monica – một nữ tín hữu đầy nhiệt thành, bà đã không hề tiếc thời gian với con trai của mình, để cầu nguyện, lo lắng và  tác động trên ông.

Vào đêm Phục Sinh của năm 387, Ausgutino được lãnh nhận Bí Tích Thanh tẩy bởi Thánh Ambrosio. Một năm sau đó, ông trở lại Bắc Phi và cùng với một số người thân tín, dẫn dắt đời sống tu trì trong việc nghiên cứu tri thức và thực hành khổ chế. Năm 391 ông được thụ phong linh mục, và năm 395 ông được tấn phong để trở thành Giám mục của Giáo Phận Hippo Regius – một điều vô cùng trái ngược với mong muốn của ông, vì ông ưa thích hoạt động tri thức và cuộc sống thanh vắng hơn. Tuy nhiên, ông đã rời bỏ „tháp ngà“ của mình và nhận lấy sự vất vả của chức vụ Giám mục để giảng dậy, và để nói về công lý, điều mà mọi người lắng nghe trong những mối quan tâm khác nhau của họ; để tham dự những cuộc hội thảo hay hội nghị của các Giám mục. Ngài đã thực hiện điều đó với một sự hy sinh lớn lao; nhưng Ngài cũng được các tín hữu kính yêu.

Thánh Augutino đã để lại rất nhiều các tác phẩm; mà tác phẩm „Tự Thuật“ và „Thành Đô Thiên Chúa“  có lẽ là những tác phẩm có ảnh hưởng một cách sâu rộng nhất. Thánh nhân quan tâm đến những luồng thần học khác nhau trong thời đại của mình, và là người sống đồng thời với những Giáo Phụ vĩ đại nhất. Thánh Nhân qua đời vào năm 430 khi những kẻ phá hoại tấn công thành phố Hippo Regius.

Sự từng trải lớn lao về cuộc sống chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ cuộc sống cũng như toàn bộ các tác phẩm của Ngài: Tình Yêu Thiên Chúa.  Ngài đã nhận ra được một sức mạnh dồn dập trong con người của Ngài, nó thôi thúc Ngài tìm đến Thiên Chúa. „Trước hết bạn hãy yêu thương rồi sau đó bạn hãy làm những gì bạn muốn!“ – chính lời phát ngôn nổi tiếng này đã trở thành một châm ngôn có cánh. Chứa đựng trong đó là một sứ điệp được cô đọng mà với nó cuộc sống của Thánh Ausgutino vẫn còn có giá trị đối với chúng ta ngày nay.

Thánh Ausgutino là một con người mang tính thời đại và thật ấn tượng. Trong cuộc sống của Ngài, chúng ta tái khám phá ra một cách tròn đầy trong những vấn đề khác nhau.

******
I.Tâm hồn chúng con sẽ luôn khắc khoải cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa

Bạn sẽ chạy thế nào nếu như trên con đường của bạn tràn đầy những cực khổ và gian khó? Sự bình yên thư thái không nằm ở nơi mà các bạn kiếm tìm nó. Bạn tìm kiếm đời sống thánh thiện trong địa sở của sự chết thì không thể thấy được vì đời sống thánh thiện không có ở đó! 

Lạy Chúa, chúng con phải tìm kiếm Ngài như thế nào đây? Vì lạy Thiên Chúa của con, khi chúng con kiếm tìm Ngài thì chúng con tìm thấy đời sống thánh thiện. Vâng, con muốn kiếm tìm Ngài để linh hồn con được sống.

Bởi vì con người, chừng nào vẫn còn lưu lại nơi thân thể phải chết này, đi xa khỏi Thiên Chúa, họ vẫn phải bước đi trong Đức Tin chứ không phải trong sự ngắm nhìn. Và vì thế họ hướng tới chính sự bình an – điều nối kết những con người phải chết với Thiên Chúa bất tử.

Không có một người nào mà lại không mong muốn có được niềm vui, cũng vậy, chẳng có ai mà lại không mong muốn chiếm được sự bình an. Vì thế, mỗi người kiếm tìm sự bình an thông qua cuộc chiến, nhưng không có ai tìm kiếm sự chiến tranh thông qua sự bình an.

Chúng ta chưa được vào ở trong nước của sự sống, nhưng vẫn còn ở trong miền đất của sự chết chóc. Trong đất nước của sự chết chóc, Chúa chính là niềm hy vọng của con, con có phần trong miền đất của sự sống.

Tâm hồn chúng con sẽ luôn khắc khoải cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa; vì Chúa đã tạo dựng chúng con cho Chúa.

Ai sẽ cho con thấy được sự nghỉ yên trong Chúa? Ai sẽ cho con thấy được rằng Chúa đã đến trong lòng con để con quên hết những sự xấu xa trong tâm hồn con, và lạy Chúa, Đấng là sự thiện duy nhất của con, đã ôm con vào lòng?

Khi Thiên Chúa hạ sinh từ lòng Đức Trinh Nữ Maria, tiếng các Thiên Thần đã vang lên: „Vinh Danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dười thế cho người Chúa thương.“ Vì thế, bình an sẽ đi tới đâu trên trái đấy này nếu không nhờ Chúa Ky-tô, Đấng đã được sinh ra? „Vì Ngài chính là sự bình an của chúng con.“

Sự bình an đích thực của những cá nhân thì chỉ có ở nơi Thiên Chúa, với Đức Tin trong thế giới này và bằng sự chiêm ngưỡng nơi thế giới bên kia, trong sự đời đời.

Có một sự thiện hảo, nhưng sự thiện hảo ấy thì độc nhất và vì thế không bao giờ đổi thay, và đó là Thiên Chúa.

Đừng ngu ngốc mãi nữa hỡi tâm hồn tôi! Đừng để cho tâm hồn bạn bị choáng váng bởi những tiếng ồn nơi thói gàn dở của bạn.

Hãy lắng nghe Lời đang gọi bạn: Hãy quay về! Và ở đó là vùng đất của của sự bình yên tinh tuyền; ở đó, Tình Yêu không bao giờ có thể bị đánh mất khi nó không tự đánh mất chính mình.

Thật tốt cho tôi biết bao khi tôi lệ thuộc vào Thiên Chúa, vì khi tôi không kiên định trong Ngài, tôi cũng có thể không ở trong chính tôi. Nhưng Thiên Chúa thì ở lại trong chính Ngài và làm cho tất cả nên mới.

Tính uể oải lôi chúng ta ra khỏi sự bình an. Nhưng lạy Chúa, ở đâu có sự bình an mà không có Ngài? Sự tốt tươi muốn mang danh nghĩa là sự phì nhiêu; nhưng Chúa là sự tràn trề vô tận.

Chúa đã gọi, đã kêu gào và xé nát sự câm điếc của con; Chúa đã bừng lên,  đã chiếu sáng và xua đi sự mù lòa của con; con đã nếm thử và giờ đây con đói khát; Chúa đã đụng chạm tới con, và con đã bừng cháy sự bình an của Ngài.

Đó là niềm vui trong Ngài, Lạy Chúa, Đấng là Chân Lý: là sự sáng soi, niềm hạnh phúc của tâm hồn con, lạy Thiên Chúa của con! Sự sống thánh thiện ấy hẳn nhiên là tất cả của cuộc sống này, chỉ mình Ngài là Đấng Thánh; Niềm vui trong chân lý hẳn nhiên là tất cả.

Tôi đã hỏi tất cả mọi người rằng, liệu các bạn muốn có niềm vui trong chân lý hơn hay trong sự lừa dối? Không cần phải suy nghĩ, họ trả lời rằng, họ yêu thích chân lý hơn, và khi họ nói mà không cần phải suy nghĩ như thế, có nghĩa là họ muốn được nên thánh. Vì niềm vui trong chân lý chính là cuộc sống thánh thiện.

Điều này chính là cuộc sống thánh thiện: vui mừng trong Chúa, cũng như chỉ vui vì Chúa. Đó chính là cuộc sống thánh thiện chứ không phải cái gì khác. Nhưng nếu niềm vui giữ lại một cái gì khác cho mình, đòi hỏi một niềm vui khác, thì đó không phải là niềm vui đích thực.

Tất cả đều đồng lòng với nhau trong niềm mong muốn một cuộc sống thánh thiện, hoàn toàn giống như việc họ đồng lòng với nhau khi trả lời cho câu hỏi, liệu họ có mong muốn niềm vui hay không; vâng, tất cả muốn điều đó, và như vậy người ta gọi niềm vui là cuộc sống thánh thiện. Người thì muốn kiếm tìm niềm vui ở đây, nhưng người khác lại muốn tìm kiếm nó ở chỗ đó, nhưng niềm vui chỉ có một, tất cả niềm mong muốn đều đi đến một điều rằng: để có niềm vui.

Tôi đã nghe thấy lời yêu cầu hãy hát cho Chúa một bài ca mới. Con người mới thì hiểu biết bài ca mới. Bài ca mới là một sự biểu lộ của niềm vui. Và khi chúng ta chú ý đến nó một cách đúng mực thì nó là một sự biểu cảm của Tình Yêu. Như vậy, ai biết yêu cuộc sống mới, người ấy cũng sẽ biết hát bài ca mới.

Một lúc nào đấy chính chúng ta sẽ được ở trong Ngày Thứ Bảy khi chúng ta đã hoàn tất và được tái tạo nhờ Ân Sủng và ơn Thánh Hóa của Thiên Chúa. Lúc ấy chúng ta sẽ tung hô và nhận biết rằng, chỉ có mình Ngài là Chúa. Nhờ vào sự tái tạo và thông qua sự vĩ đại của Ân Sủng, chúng ta sẽ tung hô và chiêm ngưỡng đến muôn đời rằng, Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự.

Rồi đây niềm vui sẽ lớn lao và tròn đầy, cũng như niềm hạnh phúc sẽ trở nên thành toàn khi niềm hy vọng không còn nuôi dưỡng chúng ta bằng sữa nữa nhưng là sự hiện thực với món ăn rắn đặc. Nhưng lúc này đây, chính sự hiện thực cũng đã đến với chúng ta trước rồi, nó còn đến trước cả khi chúng ta đến với sự hiện thực nữa, chúng ta muốn nhảy mừng lên trong Chúa.

(còn tiếp)

Mời các bạn theo dõi mục II: Niềm khát khao của bạn cũng chính là Lời cầu Nguyện của bạn.

Cát Nguyên – CTV của Gx Thánh Mẫu Bc - chuyển ngữ từ nguyên bản Augustinus: Liebe und tut was du willst – Textauswahl von Marianne Ligendza -  nhà xuất bản  Butzon & Berker Kevelaer 1986.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét