Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Thiên Đàng, Hỏa Ngục và Lửa Luyện Tội – trả lời thắc mắc bạn đọc

Thiên Đàng, Hỏa Ngục và Lửa Luyện Tội – trả lời thắc mắc bạn đọc


Bạn Do Tai Anh và Quý độc giả thân mến!

Chúng tôi nhận được đề nghị của bạn Do Tai Anh rằng: "xin giải thích về Thiên Đàng, Hỏa Ngục và Lửa Luyện Tội…“

Lời đề nghị trên đây của bạn Do Tai Anh đã là cơ hội để chúng tôi tra cứu lại Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo liên quan đến vấn đề Thiên Đàng, Hỏa Ngục và Lửa Luyện Tội thêm một lần nữa.

Và lần tra cứu này lại củng cố thêm cho việc mà xưa nay chúng tôi vẫn xác định rằng: Thiên Đàng, Hỏa Ngục và Lửa Luyện Tội là một để tài lớn khiến nhiều người quan tâm. Những người quan tâm đến đề tài này không nguyên chỉ là các Ky-tô hữu, nhưng còn cả những người thuộc các tôn giáo khác nữa. Tuy nhiên, xem ra các Ky-tô hữu vẫn là những người quan tâm đến đề tài này nhiều hơn cả.

Đã có rất nhiều các nhà Thần Học và Tu Đức viết về đề tài này. Và những công trình nghiên cứu của họ về đề tài này rất đồ sộ, chi tiết và đầy tính chuyên môn. Lẽ dĩ nhiên, để tiếp cận được các tác phẩm ấy, người ta cần phải có được sự chuẩn bị ở mức độ khả dĩ.

Để trả lời thắc mắc của bạn, chúng tôi sẽ dựa trên ba bài giáo lý ngắn của Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II liên quan đến đề tài này. Sở dĩ như vậy là vì sau khi nghiên cứu các trình bày của các Nhà Thần Học và Tu Đức cũng như các giáo huấn khác của Giáo Hội, đặc biệt là sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo và bộ Giáo Luật, chúng tôi nhận thấy rằng, cả ba bài giảng huấn này đều được Đức Gio-an Phao-lô II trình bày một cách hết sức vắn gọn nhưng cũng đầy xúc tích và dễ hiểu, đặc biệt là nó phù hợp với quảng đại quần chúng, và dĩ nhiên nó cũng được coi như là Giáo Lý tinh tuyền của Giáo Hội Công Giáo về vấn đề Thiên Đàng, Hỏa Ngục và Lửa Luyện Tội, bởi nó được phát biểu từ một vị Giáo Hoàng đứng trong hàng ngũ những vị Giáo Hoàng vĩ đại vào bậc nhất.

Mời bạn Do Tài Anh và Quý vị cùng theo dõi.


I.Thiên Đàng:

Vào ngày 21 tháng 07 năm 1999, trong buổi tiếp kiến chung hằng tuần, trước nhiều ngàn tín hữu hành hương đứng chật ních tại Quảng Trường Thánh Phê-rô, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã bắt đầu loạt bài Giáo Lý của Ngài về Thiên Đàng, Hỏa Ngục và Lửa Luyện Tội. Bài đầu tiên trong loạt bài này là bài Giáo Lý về Thiên Đàng. Ngài bắt đầu như sau:

Anh Chị Em thân mến!

Hôm nay, Cha muốn nói với anh chị em về thuật ngữ „Thiên Đàng“ được nói tới trong Kinh Thánh. Trước hết, nó được quan niệm là một thành phần của vũ trụ. Nhưng trong ý nghĩa được chuyển dịch, thuật ngữ này trình bày về ngôi nhà của Thiên Chúa. Và vì thế nó trở thành biểu tượng phong phú để nói về cuộc sống của nhân loại trong Thiên Chúa.“

Sau khi giới thiệu cho biết, thuật ngữ „Thiên Đàng“ là một từ ngữ được tìm thấy trong Kính Thánh Cựu Ước, nhằm miêu tả về nơi mà Thiên Chúa ngự cũng như miêu tả về chốn hạnh phúc mà nhân loại được hưởng nhờ sự hiệp thông với Thiên Chúa, Đức Gio-an Phao-lô II tiếp tục cho biết, thuật ngữ này được đào sâu một cách đặc biệt trong Tân Ước. Ngài nói:

Trong Tân Ước, thuật ngữ này tiếp tục được đào sâu, và được loan báo trong mối liên hệ với việc trở thành xác phàm cũng như việc được sai đến của Chúa Giê-su Ky-tô. Nhân loại cảm nếm được tình phụ tử của Thiên Chúa thông qua Tình Yêu của Con Một Ngài, Đấng đã bị đóng đinh vào Thập Giá và đã lên trời trong vinh quang. Giờ đây, Người Con Một ấy đang ngự bên hữu Thiên Chúa nơi Thiên Đàng.“

Như vậy, Thiên Đàng được công bố một cách cụ thể trong mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa được sai xuống trần để trở thành một con người như bao người. Nhờ vậy mà nhân loại có thể nếm trải cũng như có thể nhìn thấy được Tình Yêu của Thiên Chúa Cha nơi Ngôi Hai mặc xác phàm. Và tình yêu này được biểu lộ một cách mạnh mẽ nhất và đạt tới cao độ của nó khi Ngôi Hai Thiên Chúa – tức Người Con Một Yêu dấu của Chúa Cha tự hiến trên Thập Giá.

Tuy nhiên, việc mặc lấy xác phàm và tự hiến trên thập giá của Chúa Con sẽ là một kết cục bi thương nếu Ngài không được Phục sinh và trở về lại với Ngôi Nhà của Thiên Chúa – tức Thiên Đàng – và ngồi bên hữu Chúa Cha.

Qua sự tự hiến cho đến chết trên thập giá và được Phục Sinh của mình, Chúa Con đã mở ra một con đường thông thoáng để nhân loại có thể đi tới được với Tình Yêu Thiên Chúa một cách dễ dàng. Về điểm này, Đức Gio-an Phao-lô II nói như sau:

Nhờ sự liên kết với mầu nhiệm Phục Sinh mà nhân loại chúng ta, sau sự hiện hữu trên trái đất này của mình, cũng đạt đến được sự tham dự tròn đầy với Tình Yêu của Thiên Chúa Cha“.

Đạt đến được sự tham dự tròn đầy với Tình Yêu Thiên Chúa có nghĩa là gì nếu không phải là tới được hạnh phúc Thiên Đàng! Vậy Thiên Đàng là gì? – nó có phải là một nơi chốn cụ thể nào đó nơi vũ trụ này không? – Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã giải thích cho những thắc mắc đó như sau:

Như vậy, ´Thiên Đàng` được hiểu như là một mối liên hệ mật thiết, cá nhân và sống động với Thiên Chúa Ba Ngôi. Thuật ngữ này mô tả về cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa Cha, nhưng cuộc gặp gỡ ấy diễn ra trong sự Phục Sinh của Chúa Ky-tô, nhờ sự hiệp thông của các Thánh (Các Thánh Cùng Thông Công). Và đó chính là đích điểm của tất cả mọi người trong chúng ta.“


II.Hỏa Ngục

Vào ngày 28 tháng 07 năm 1999, trong buổi triều yết chung, trước hàng trăm ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng Trường Thánh Phê-rô, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II lại tiếp tục loạt bài Giáo Lý của Ngài về Thiên Đàng, Hỏa Ngục và Lửa Luyện Tội. Hôm nay, Ngài nói về Hỏa Ngục:

Anh chị em thân mến!

Thiên Chúa là một Người Cha tốt lành và khoan hậu khôn cùng. Nhưng con người, trong sự tự do của mình, có thể khước từ một cách dứt khoát Tình Yêu và sự Tha Thứ của Thiên Chúa, và do đó có thể tự cắt đứt mối dây thông hiệp với Thiên Chúa một cách vĩnh viễn. Tình trạng bi đát này được các Giáo Phụ cũng như những vị Thầy của Giáo Hội gọi là „bị án trầm luân đời đời“ hay là „Hỏa Ngục“.


Như vậy, hỏa ngục không phải là một nơi chốn nào đó mà con người bị đẩy vào một cách miễn cưỡng, nhưng đó là một tình trạng mà con người tự do lựa chọn. Con người chọn hỏa ngục khi họ dứt khoát khước từ Tình Yêu và ơn Tha Thứ của Thiên Chúa. Vậy hỏa ngục ở đâu? – Nó có phải là một kho lửa dùng để thiêu đốt con người như một vài hình ảnh được mô tả trong Kinh Thánh có vẻ như thế không? – Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II giải thích cho những thắc mắc đó như sau:

Những hình ảnh mà Kinh Thánh mô tả về hỏa ngục cần phải được giải thích một cách chính xác. Những hình ảnh ấy mô tả về sự trống rỗng của một cuộc sống không có Thiên Chúa. Hỏa ngục không được hiểu như là một nơi chốn xác định, mà trái lại, là tình trạng của việc tự đi ra xa khỏi Thiên Chúa một cách tự do và dứt khoát.“


Qua cách giải thích này, Đức Gio-an Phao-lô cho biết rằng, những hình ảnh về hỏa ngục được mô tả trong Kinh Thánh hoàn toàn chỉ có tính biểu tượng. Những hình ảnh ấy chỉ muốn đưa ra một thông điệp rằng: Hỏa ngục là một tình trạng bất hạnh của con người, bởi họ phải sống trong sự trống rỗng và thiếu vắng Thiên Chúa. Hỏa ngục cũng không phải là một nơi chốn nhất định nào đó, chẳng hạn như ở chỗ này hay chỗ kia, mà là một tình trạng của việc tự đi ra xa khỏi Thiên Chúa một cách tự do và dứt khoát.

Có thể đã có những sự lệch lạc trong việc giải thích về hỏa ngục. Vì thế, Đức Gio-an Phao-lô II đã cảnh báo như sau:

Sự suy tư về Hỏa Ngục không nên dẫn chúng ta vào trong sự hãi sợ, vì chúng ta được mời gọi để đi vào đường đời của mình một cách tràn trề hy vọng cùng với Chúa Giê-su Ky-tô, Đấng đã chiến thắng Satan và tử thần một cách vĩnh viễn. Đức Tin vào một Niềm Hy Vọng tràn đầy này chính là cốt lõi của việc công bố Ky-tô giáo“.

Với lời cảnh báo trên, Đức Gio-an Phao-lô II đã dứt khoát loại trừ phương cách giải thích về hỏa ngục nhằm gây sự sợ hãi. Đối với Ngài, tất cả chúng ta được mời gọi để đi vào cuộc sống của mình cùng với Chúa Giê-su Ky-tô, Đấng đã chiến thắng sự dữ và thần chết, Đấng mở ra con đường dẫn tới vinh quang Nước Trời. Cốt lõi của Đức Tin Ky-tô giáo không phải là sự công bố hỏa ngục để dọa nạt, nhưng là công bố Niềm Hy vọng tràn trể vào Tình Yêu và ơn Tha Thứ của Thiên Chúa.

III.Lửa Luyện Tội

Ngày 04 tháng 08 năm 1999, trong buổi tiếp kiến chung hằng tuần, trước nhiều ngàn tín hữu đứng chật ních quảng trường Thánh Phê-rô, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã kết thúc loạt bài Giáo Lý của Ngài về Thiên Đàng, Hỏa Ngục và Lửa Luyện Tội. Ngài nói như sau:

Anh chị em thân mến!

Trong cả hai bài Giáo Lý trên kia, chúng ta đã tìm hiểu về hai khả năng mà con người được đặt trước sự lựa chọn: hoặc là chọn sống với Thiên Chúa trong sự sống đời đời, hoặc chọn ở lại nơi xa cách sự hiện diện của Thiên Chúa. Nói khác đi: Con người có sự chọn lựa giữa Thiên Đàng và Hỏa Ngục. Mặc dù, nhiều người tã tự mở ra với Thiên Chúa, nhưng cuộc sống với Thiên Chúa của họ vẫn còn nhiều thiếu sót.“

Với câu mở đầu này, Đức Gio-an Phao-lô đã cho biết rằng, con người được đặt trước hai vấn đề cần phải lựa chọn: một là chọn để đi về với Thiên Chúa; hai là chọn lựa để xa rời Thiên Chúa. Tuy nhiên, dù chọn lựa để đi về phía Thiên Chúa nhưng con người không hẳn đã có thể sống được một cách trọn vẹn những gì Thiên Chúa mời gọi họ. Vậy trong trường hợp người ta không thể sống trọn vẹn được như những gì Thiên Chúa mời gọi thì sao – người ta có được đi thẳng vào trong vinh quang của Thiên Chúa sau khi kết thúc cuộc đời trần thế không, hay còn phải đi đâu? – Đức Gio-an Phao-lô II đã giải thích điều này như sau:


Để đạt được ơn cứu độ một cách trọn vẹn, con người cần đến một cách thế ´thanh tẩy` mà Đức Tin của Giáo Hội Công Giáo trình bày với thuật ngữ ´Lửa Luyện Tội`. Cách đặt tên ´Lửa Luyện Tội` ở đây không được hiểu như một nơi chốn nào đó, nhưng là một tình trạng. Tất cả những ai, sau khi qua đời trong cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, dù vẫn còn phải được thanh lọc, nhưng thực ra họ đã ở trong Tình Yêu của Chúa Ky-tô rồi. Ở đây, Lửa Luyện Tội không có nghĩa là sự kéo dài cuộc sống trần thế. Con người giờ đây không còn có thể tự quyết định thêm một lần nữa. Họ không có thể thực hiện lại nơi Lửa Luyện Tội điều mà họ trước đây đã không thực hiện hoặc đã làm sai nơi trái đất.“

Qua cách giải thích này, Đức Gio-an Phao-lô II cho biết, Lửa Luyện Tội chính là một chặng trung gian để thanh tẩy con người hầu có thể giúp họ đạt tới được ơn cứu độ một cách trọn vẹn. Cũng như Thiên Đàng và Hỏa Ngục, Lửa Luyện Tội không phải là một nơi chốn nào cụ thể, mà là một tình trạng. Ở đây, Đức Gio-an Phao-lô II cũng cho biết rằng, dù đang trong tình trạng còn phải được thanh tẩy nơi Lửa Luyện Ngục, nhưng thực ra thì con người đã ở trong Tình Yêu của Chúa Ky-tô rồi. Họ chỉ chưa được hưởng ơn cứu độ một cách trọn vẹn thôi, chứ không bao giờ bị rơi vào án trầm luân đời đời nữa, bởi họ không thể tự quyết định thêm dù chỉ một lần.

Nhưng dù vậy thì những người vẫn còn đang sống trên trần gian vẫn có thể giúp đỡ những người đang còn được thanh tẩy nơi Lửa Luyện Tội. Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã giải thích về điều này như sau:

Trong khi đó, sự hiệp thông của Giáo Hội sẽ không ngừng ở lại trên họ. Giáo Hội lữ hành hỗ trợ họ thông qua sự cầu nguyện cũng như các công việc Bác Ái. Như vậy, sự thanh tẩy sẽ được sở hữu vì một sự liên đới, nó được cấu thành từ giữa những người đang sống trên trần gian này với những người đang được nếm hưởng ơn cứu đội đời đời.“

Tóm lại, qua những bài Giáo Lý của Đức Cha Gio-an Phao-lô II và qua những gì đã được trình bày, chúng ta có thể quả quyết rằng: Thiên Đàng, Hỏa Ngục và Lửa Luyện Tội đều được công bố ngay từ trong Thánh Kinh. Giáo Hội Công Giáo tiếp nhận sự công bố này và tiếp tục công bố lại cho các tín hữu. Tuy nhiên, sứ điệp cốt lõi của Đức Tin Ky-tô Giáo vẫn là Niềm Hy Vọng tràn trề vào Tình Yêu và ơn tha thứ của Thiên Chúa. Nhấn mạnh một cách quá đáng đến Hỏa Ngục hay Lửa Luyện Tội có nghĩa là đã không còn công bố điều cốt lõi của Đức Tin Ky-tô giáo nữa. Cần dứt khoát loại trừ cách giải thích về Thiên Đàng, Hỏa Ngục và Lửa Luyện tội theo lối quá cảm tính, ủy mị và đầy tính dị đoan. Không nên thêm nếm vào trong cách giải thích này những hình ảnh cùng những cách miêu tả không phù hợp với Kinh Thánh và Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo.

BBT.

(Quý vị có thể tham khảo ba bài Giáo Lý về Thiên Đàng, Hỏa Ngục và Lửa Luyện Tội của Đức Gio-an Phao-lô II tại đường link này:  http://stjosef.at/dokumente/papst_ueber_leben_nach_dem_tod.htm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét