Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

Thư Của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô Gửi Ngài Vladimir Putin, Tổng Thống Liên Bang Nga Nhân Dịp Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 Tại St. Petersburg

Thư Của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô Gửi Ngài Vladimir Putin, Tổng Thống Liên Bang Nga Nhân Dịp Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 Tại St. Petersburg 

Kính gửi ngài Vladimir Putin -Tổng Thống Liên Bang Nga:

Năm nay, ngài có vinh dự và trách nhiệm làm chủ tịch của nhóm hai mươi quốc gia có nền kinh tế lớn nhất trên thế giới. Tôi biết được rằng, Liên Bang Nga đã tham dự vào nhóm này ngay từ lúc khởi đầu, và luôn đóng một vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự quản lý tốt đối với các nền tài chính của thế giới, tức những nền tài chính mà nó đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi cuộc khủng hoảng năm 2008.

Trong bối cảnh tương thuộc lẫn nhau một cách khắng khít của ngày hôm nay, cần phải có một cơ cấu tài chính toàn cầu với các quy tắc rõ ràng và công bằng của chính cơ cấu đó, nhằm đạt đến được một thế giới công bằng và huynh đệ, trong đó có thể vượt qua đói nghèo, và đảm bảo việc làm phù hợp cũng như nhà ở cho tất cả mọi người, và sự chăm sóc y tế thiết yếu. Nhiệm kỳ chủ tịch nhóm G20 của ngài năm nay đã tự cam kết để củng cố, tăng cường sự cải cách của các tổ chức tài chính quốc tế và đạt được sự đồng thuận về các tiêu chuẩn tài chính phù hợp với bối cảnh, điều kiện của ngày hôm nay. Tuy nhiên, nền kinh tế thế giới sẽ chỉ phát triển nếu nó chấp nhận một phương cách đem lại phẩm giá cho sự sống con người, từ người già nhất cho đến các thai nhi, không chỉ đối với công dân của các quốc gia thành viên G20 mà còn cho tất cả mọi người cư ngụ trên trái đất này, thậm chí cả với những người đang ở trong những hoàn cảnh xã hội cùng cực hoặc đang ở những nơi xa xôi nhất.

Từ điểm này, rõ ràng rằng, đối với các dân tộc trên thế giới, các cuộc xung đột có võ trang luôn là một sự phủ nhận có chủ đích đối với sự hòa hợp quốc tế, và gây chia rẽ sâu sắc cũng như tạo ra những vết thương sâu nặng mà nó cần phải mất nhiều năm để hàn gắn. Chiến tranh là một sự khước từ cụ thể việc theo đuổi các mục tiêu lớn về kinh tế xã hội mà chính cộng đồng quốc tế đã đặt ra, như đã thấy, ví dụ, các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Đáng tiếc, nhiều cuộc xung đột có vũ trang tiếp tục gieo rắc đau thương cho thế giới ngày hôm nay, gửi cho chúng ta hằng ngày những hình ảnh bi kịch về đau khổ, đói nghèo, bệnh tật và chết chóc. Không có hòa bình, sẽ không thể có hình thức phát triển kinh tế nào. Bạo lực không bao giờ sản sinh ra hòa bình - điều kiện cần thiết cho sự phát triển.

Hội nghị của các Nguyên thủ Quốc gia của hai mươi nền kinh tế mạnh nhất thế giới, chiếm 2/3 dân số thế giới và 90% GDP toàn cầu, không đề cập đến an ninh quốc tế như là mục đính chính yếu của nó. Tuy nhiên, hội nghị chắc chắn sẽ không quên tình hình ở Trung Đông và đặc biệt ở Syria. Đáng tiếc rằng, ngay từ bắt đầu cuộc khủng hoảng ở Syria, những lợi ích một phía đã thắng thế và quả thực đã làm cản trở việc tìm kiếm một giải pháp mà hẳn sẽ tránh cho cuộc thảm sát vô nghĩa hiện nay. Các vị Lãnh đạo của nhóm G20 không thể tiếp tục bàng quan trước tình tình bi kịch của nhân dân Syria thân yêu mà nó đã kéo dài quá lâu, và thậm chí những rủi ro mang lại nhiều đau khổ hơn cho một khu vực đã bị chịu thử thách đắng cay bởi sự xung đột và sự cần thiết của hòa bình. Trước các vị lãnh đạo có mặt, trước mỗi người và mọi người, tôi thành tâm kêu gọi quý vị hãy giúp tìm ra các con đường để vượt qua các tình hình xung đột và gác sang một bên việc theo đuổi vô ích một giải pháp quân sự. Thay vào đó, hãy tiếp tục cam kết đi tìm – với sự can đảm và xác quyết – một giải pháp hòa bình thông qua đối thoại và đàm phán giữa các bên, được sự hỗ trợ đồng lòng của cộng đồng quốc tế. Hơn nữa, tất cả các chính phủ có nghĩa vụ đạo đức để làm mọi thứ có thể hầu đảm bảo trợ giúp nhân đạo cho những người chịu đau thương vì cuộc xung đột này, cả bên trong và bên ngoài biên giới của quốc gia này.

Thưa ngài Tổng Thống, hy vọng rằng những suy nghĩ này có thể là một sự đóng góp tinh thần có giá trị cho Hội nghị của ngài, tôi đã cầu nguyện để công việc của nhóm G20 trong dịp này đạt được kết quả thành công. Tôi nguyện xin phúc lành sẽ được ban dồi dào xuống trên Hội nghị thượng đỉnh ở Saint Petersburg, cho những tham dự viên và cho công dân của các nước thành viên và trên công việc và những nỗ lực của của Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2013 do Nga làm chủ tịch.

Trong khi thỉnh cầu lời cầu nguyện của ngài, nhân dịp này, cho phép tôi gửi tới ngài lời chào trân trọng nhất.

Vatican ngày  04/09/2013. 
Phan-xi-cô
An-tôn Trần – CTV của Gx Thánh Mẫu Bc – chuyển ngữ từ nguồn:
http://www.vatican.va/holy_father/francesco/letters/2013/documents/papa-francesco_20130904_putin-g20_en.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét