Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô: „Chúng ta gồm đủ mọi thành phần trong một gia đình duy nhất của Thiên Chúa.“

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô: „Chúng ta gồm đủ mọi thành phần trong một gia đình duy nhất của Thiên Chúa.“

Joseph Trần – CTV của Gx Thánh Mẫu Bc – chuyển ngữ từ nguồn:
Trong cuộc tiếp kiến chung hằng tuần vào thứ Tư hôm nay, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã kêu gọi về việc phải có sự hiệp nhất và liên đới với nhau hơn nữa trong toàn Ky-tô giáo. Ngay trong thời đại hôm nay, các ky-tô hữu trên khắp thế giới phải là mẫu mực của một cộng đoàn phổ quát – Đức Thánh Cha nói thế. Trong số vô vàn các tín hữu tập trung tại quảng trường Thánh Phê-rô hôm nay, cũng có rất nhiều các Giám Muc đến từ Mỹ Châu La-tinh, Sri Lanka, Nam Phi và Ấn Độ. Đức Thánh Cha nói với những người hiện diện như sau:


Người ta phải tìm kiếm và xây dựng sự hiệp nhất, người ta phải tự giáo dục về sự hiệp nhất cũng như phải vượt qua sự vô cảm và những chia rẽ, hãy bắt đầu ngay từ mỗi gia đình, trong thực tế của Giáo Hội cũng như trong đối thoại đại kết. Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà trong đó tất cả chúng ta đều cần sự hiệp nhất, cần sự tha thứ và cần sự hiệp thông. Và Giáo Hội chính là căn nhà của sự hiệp thông.

Sự hiệp nhất rõ ràng của Ky-tô giáo vẫn chưa đạt được – Đức Thánh Cha đã hướng cái nhìn về phía những bất đồng trong việc đối thoại đại kết giữa Công Giáo, Chính Thống Giáo và Tinh Lành và nói như thế. „Chúng ta chính là những người tạo nên những vết thương này“ – Đức Thánh Cha nhắc nhở. Những lời vu khống cũng như những chuyện ba hoa đã gây ra điều không tốt cho Giáo Hội – Đức Thánh Cha nói tiếp và gợi nhớ tới sự liên đới mạnh mẽ mà nó nối kết tất cả các Ky-tô hữu lại với nhau: Sự hiệp nhất trong Đức Tin, trong sự phục vụ những người lân cận, và các Bí Tích chính là những cột trụ chống đỡ „ngôi nhà lớn của Giáo Hội“, và nói theo cách khác, đó là chống đỡ toàn thể thế giới. 

Giáo Hội là một đối với tất cả. Không có một Giáo Hội riêng cho châu Âu, cho châu Phi, cho châu Mỹ, cho châu Á, hay cho châu Đại Dương! – Không! Giáo Hội hiện diện khắp nơi như nhau. Giáo Hội được ví như ở trong một gia đình: người ta có thể hiện diện với nhau từ xa, hiện diện một cách rải rác trên khắp toàn thế giới, nhưng sự kết nối liên kết tất cả các thành viên của gia đình, dù khoảng cách có lớn đến đâu thì cũng vẫn luôn vững bền.“ 


Như một ví dụ tích cực của „Sự hiệp nhất trong đa dạng“, Đức Thánh Cha đã nêu ra ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Rio de Janeiro, nơi mà các bạn trẻ thuộc đủ mọi nền văn hóa khác nhau đã cùng nhau cử hành Đức Tin của mình. Đức Thánh Cha cảnh báo trước một „sự tư hữu hóa“ Giáo Hội bởi một nhóm đơn lẻ hay bởi một quốc gia – đó là điều „đáng buồn“, khi Giáo Hội đang bị thử thách bởi sự ích kỷ cũng như bởi sự thiếu vắng niềm tin để chỉ phục vụ cho những mối bận tâm cá nhân. Tiếp theo, Đức Thánh Cha kêu gọi hãy cầu nguyện cho các Ky-tô hữu đang bị bách hại trên toàn thế giới. Ở đây, Đức Thánh Cha đã thuyết phục các Tín Hữu hãy thay đổi một cách thực sự:

Khi tôi nghĩ đến hoặc nghe thấy rằng, nhiều Ky-tô hữu đang bị bách hại, cũng như cuộc sống của họ được trao hiến cho Niềm Tin của họ, thì nó sẽ làm cho tôi mủi lòng hay lại đóng băng lòng tôi? Tôi có mở tấm lòng mình ra với mỗi người anh chị em trong gia đình tôi, tức những người đã trao hiến cuộc sống của họ cho Chúa Giê-su không? (…) Điều quan trọng là phải nhìn xa hơn cái mũi của mình, để cảm thấy Giáo Hội như là một gia đình duy nhất của Thiên Chúa!“ 

Sự khiêm nhường, hiền lành, lòng khoan dung và tình bác ái chính là „những con đường đích thực của Giáo Hội“ – Đức Thánh Cha tiếp tục nhắc nhở. „Sự giầu có đích thực“ phát sinh từ những điều có thể nối kết chúng ta lại với nhau chứ không phải từ những điều làm chúng ta chia rẽ - Đức Thánh Cha bổ sung. Động lực đưa đến sự hiệp nhất trong Giáo Hội chính là Chúa Thánh Thần – Đức Thánh Cha nói:

„Chúa Thánh Thần chính là sự hòa điệu, và Ngài luôn luôn thúc đẩy sự đồng tâm nhất trí trong Giáo Hội: Ngài chính là một sự hiệp nhất hài hòa trong một sự đa dạng lớn đối với các nền văn hóa, ngôn ngữ và triết học. Vì thế, sự cầu nguyện là rất quan trọng, nó chính là linh hồn cho những nỗ lực của chúng ta trong việc xây dựng mối dây liên đới và sự hợp nhất. Hãy cầu xin Chúa Thánh Thần để Ngài đến và tác tạo sự hiệp nhất trong Giáo Hội.“ 

(rv 25.09.2013 pr)

Joseph Trần – CTV của Gx Thánh Mẫu Bc – chuyển ngữ từ nguồn:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét