Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Bài Giảng Của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

Bài Giảng Của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

Quảng trường Thánh Phê-rô, Chủ nhật, 27/10/2013

Các bài đọc Chúa Nhật hôm nay mời gọi chúng ta suy tư về một số đặc tính cơ bản của gia đình Ky-tô hữu.

1.Thứ nhất: Gia đình cầu nguyện. Tin mừng nói về hai cách cầu nguyện, một là giả dối: cách cầu nguyện của người Pha-ri-siêu; và hai là đích thực: cách cầu nguyện của người thu thuế. Người Pha-ri-siêu tiêu biểu cho thái độ không biết ơn Thiên Chúa vì những phúc lành và lòng thương xót của Ngài, nhưng lại tự mãn. Người Pha-ri-siêu cảm thấy chính mình là công chính, thấy cuộc sống của mình là ngay lành, khoe khoang về điều này, và ông ta phán xét người khác từ cái nền của mình. Trái lại, người thu thuế không có nhiều lời. Lời cầu nguyện của người thu thuế khiêm tốn, điềm tĩnh, ý thức rõ về sự bất xứng của mình, và nhu cầu của chính mình. Đây là người đã nhận thức một cách đích thực rằng mình cần sự tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Dưới ánh sáng của Lời Chúa, Cha muốn hỏi anh chị em, các gia đình thân mến: trong gia đình, anh chị em có thường xuyên cầu nguyện cùng nhau không? Một số gia đinh có, cha biết. Nhưng nhiều người nói với cha: Nhưng làm thế nào chúng con có thể? Như người thu thuế đã làm, nó rõ ràng: khiêm tốn trước Thiên Chúa. Mỗi người, với sự khiêm tốn, hãy để chính mình được Thiên Chúa ghé mắt nhìn và khẩn xin sự thánh thiện của Ngài, xin Ngài viếng thăm chúng ta. Nhưng trong gia đình thì làm như thế nào? Sau hết, cầu nguyện dường như là thứ gì đó riêng tư, và bên cạnh đó không có thời gian thuận tiện, không có giây phút bình an… Vâng, tất cả điều đó quả thực đúng, nhưng nó cũng là một vấn đề về sự khiêm tốn, nhận ra rằng chúng ta cần Thiên Chúa, giống như người thu thuế! Và tất cả các gia đình, chúng ta cần Thiên Chúa: tất cả chúng ta! Chúng ta cần sự trợ giúp, sức mạnh, phúc lành, lòng thương xót và sự tha thứ của Ngài. Và chúng ta cần đơn giản khi cầu nguyện chung trong một gia đình: đơn giản là cần thiết! Đọc kinh Lạy Cha cùng nhau, chung quanh bàn ăn, không phải là cái gì khác thường: nó dễ dàng. Và lần chuỗi Mân côi cùng nhau trong gia đình là rất đẹp và là nguồn sức mạnh vĩ đại! Và cầu nguyện cho nhau nữa! Chồng vì vợ, vợ vì chồng, cả hai vì con cái của mình, con cái vì ông bà của mình… cầu nguyện cho nhau. Đó có nghĩa là cầu nguyện trong gia đình và là điều làm cho gia đình trở nên mạnh mẽ: cầu nguyện.

2. Bài đọc thứ hai đưa ra một suy tư khác: gia đình giữ đức tin. Thánh Phao-lô Tông đồ, vào lúc cuối đời của ngài, đã đưa ra một sự kiểm điểm cuối cùng và nói: “Cha đã giữ đức tin” (2 Tm 4:7). Nhưng Thánh Tông đồ đã giữ đức tin như thế nào? Không phải ở trong một cái thùng kiên cố! Ngài cũng không chôn giấu nó dưới đất giống như người đầy tớ lười nhác. Thánh Phao-lô đã sánh ví cuộc đời của ngài với một cuộc chiến và một cuộc đua. Ngài giữ đức tin bởi vì ngài không chỉ bảo vệ nó, mà còn loan truyền nó, trải rộng nó, mang nó đến những miền đất xa xôi. Ngài đã đứng lên trước tất cả những người muốn bảo tồn, “ướp” sứ điệp của Chúa Ky-tô ở trong phạm vi của Palestine. Đó là tại sao ngài đã đưa ra các quyết định can đảm, ngài đã đi tới các vùng đất thù địch, ngài đã tự để bản thân mình bị thánh thức bởi những dân tộc xa xôi và những nền văn hóa khác, ngài đã nói thẳng thắn và không sợ hãi. Thánh Phao-lô giữ đức tin bởi vì, theo cùng một cách mà ngài đã đón nhận nó, Ngài cho đức tin đi, ngài đi ra khỏi các vùng biên, và đã không tự chôn mình vào các vị trí phòng thủ.

Ở đây cũng vậy, chúng ta có thể hỏi: Chúng ta giữ đức tin của chúng ta với tư cách là một gia đình như thế nào? Chúng ta có giữ nó cho chính chúng ta, trong gia đình của chúng ta, như là một kho tàng của cá nhân giống như một tài khoản ngân hàng, hay chúng ta có thể chia sẻ nó bằng chứng tá của chúng ta, bằng sự chấp nhận người khác của chúng ta, bằng sự cởi mở của chúng ta? Tất cả chúng ta đều biết rằng các gia đình, đặc biệt là các gia đình trẻ, thường xuyên “chạy đua” từ nơi này đến nơi khác, với nhiều thứ để làm. Nhưng đã bao giờ anh chị em nghĩ rằng “cuộc chạy đua” này cũng có thể là cuộc chạy đua của đức tin? Gia đình Ky-tô hữu là những gia đình truyền giáo. Ngày hôm qua nơi quảng trường này chúng ta đã nghe thấy các chứng tá của các gia đình truyền giáo. Họ cũng là các nhà truyền giáo trong đời sống hằng ngày, trong việc làm hằng ngày của họ, khi họ mang muối và men đức tin cho mọi thứ! Giữ đức tin trong gia đình và mang muối và men đức tin cho mọi thứ trong cuộc sống hằng ngày.

3. Và một suy tư nữa chúng ta có thể rút ra từ Lời Chúa: gia đình trải nghiệm niềm vui. Trong bài đáp ca của Thánh Vịnh chúng ta tìm thấy những từ này: “xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên” (33/34:2). Toàn bộ Thánh Vịnh là một bài hát ca tụng Thiên Chúa – Đấng là nguồn mạch hoan lạc và bình an. Đâu là lý do cho niềm vui này? Đó là vì Thiên Chúa ở gần, Ngài nghe tiếng khóc của những người hèn mọn và Ngài giải phóng họ khỏi điều xấu. Nhưng Thánh Phao-lô đã tự viết: “Hãy mừng vui luôn…Thiên Chúa đang ở gần bên” (Phil 4:4-5). Cha muốn hỏi tất cả anh chị em một câu hỏi ngày hôm nay. Nhưng mỗi người trong anh chị em hãy giữ nó trong lòng và mang nó về nhà. Anh chị em có thể coi nó như là một loại “bài tập ở nhà”. Chỉ mình anh chị em phải trả lời. Cách thứ như thế nào khi nó đến nhà để đem niềm vui ? Có niềm vui trong gia đình anh chị em không? Anh chị em có thể trả lời câu hỏi này.

Các gia đình thân mến, anh chị em biết rất rõ rằng niềm vui đích thực mà chúng ta trải nghiệm trong gia đình không phải là hời hợt, nông cạn; nó không đến từ các vật thể vật chất, từ thực tế rằng mọi thứ dường như đang diễn ra rất tốt…Niềm vui đích thực đến từ một sự hài hòa sâu sắc giữa những ngôi vị, cái gì đó mà chúng ta tất cả cảm thấy được ở trong lòng và làm cho chúng ta nếm trải vẻ đẹp của sự cùng nhau, của sự tương hỗ lẫn trong trong cuộc hành trình của cuộc sống. Nhưng nền tảng của sự cảm nghiệm niềm vui sâu xa này là sự hiện diện của Thiên Chúa, sự hiện diện của Thiên Chúa trong gia đình và tình yêu của Ngài đầy rộng mở, thương xót và tôn trọng tất cả. Và trên tất cả, tình yêu và kiên nhẫn: kiên nhẫn là một đức hạnh của Thiên Chúa và Ngài dậy chúng ta vun tưới nó như thế nào trong đời sống gia đình, kiên nhẫn như thế nào, và cũng đằm thắm như thế nào, với nhau. Hãy kiên nhẫn với nhau. Một tình yêu kiên nhẫn. Chính Thiên Chúa biết làm thế nào để tạo ra sự hài hòa giữa các khác biệt. Nhưng nếu tình yêu của Thiên Chúa thiếu vắng, thì gia đình mất đi sự hài hòa của nó, sự tự cho mình làm trung tâm ngự trị và niềm vui bị phai nhạt. Nhưng nếu gia đình trải nghiệm được niềm vui của đức tin thì nó thông truyền niềm vui, đức tin một cách tự nhiên. Gia đình đó là muối đất là ánh sáng cho trần gian, là men của xã hội.

Các gia đình thân mến, hãy sống trong đức tin và đơn giản, giống như gia đình Thánh gia Nazareth! Nguyện xin niềm vui và sự bình an của Thiên Chúa luôn ở cùng với anh chị em!

Minh An  – CTV của Gx Thánh Mẫu Bc – chuyển ngữ từ nguồn:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét