Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Kinh nghiệm sống của một người dân Thánh Mẫu trên đất Đài Loan

Kinh nghiệm sống của một người dân Thánh Mẫu trên đất Đài Loan
Đài Loan là một "quốc gia" thịnh vượng, nằm cách Việt Nam không xa và có một nhu cầu rất lớn về nhân công. Chính vì thế, nhiều người Việt Nam đã chọn quốc gia này như một sự ưu tiên trong việc đi xuất khẩu lao động. Con số người Việt hiện đang làm việc tại Đài Loan có thể lên tới nhiều ngàn. Chỉ riêng tại Đài Bắc thôi, tức thủ đô của Đài Loan, người ta cũng có thể thống kê được vài ngàn lao động Việt. Trong số rất nhiều người lao động đến từ Việt Nam ấy, có một người thuộc gốc Giáo xứ Thánh Mẫu mà chúng tôi rất quen biết, đó là chị Maria Trần Thị Thu.

Chị Thu sinh năm 1970 tại Giáo xứ Thánh Mẫu và đã lập gia đình với một người thuộc Giáo xứ Đại Đồng vào năm 1988.

Khi con cái của chị đã đủ lớn và có thể tự lo cho mình, chị Thu đã nghĩ đến chuyện đi xuất khẩu lao động để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Và vào năm 2004, chị đã đến Đài Bắc – thủ đô của Đài Loan – để làm việc theo diện xuất khẩu lao động.

Chị may mắn được nhận để vào giúp việc cho một gia đình của một đôi vợ chồng trẻ người Đài, theo đạo Tin Lành, khá giầu có nhưng cũng đầy tốt bụng. Chị cho biết, đôi vợ chồng này kém chị 7 tuổi, nên họ coi chị như một người chị lớn trong nhà và rất kính trọng chị. Hiện tại, đôi vợ chồng này có hai đứa con trai: một mới học lớp 4, và một mới học tới lớp 2.

Chị Thu cho biết, mặc dù rất được tôn trọng trong gia đình của người chủ, nhưng khi mới đến làm việc cho gia đình này, chị cũng gặp rất nhiều khó khăn, bởi mọi sự hầu như rất khác biệt so với Việt Nam: khác biệt về văn hóa, về cách sống, và đặc biệt về ngôn ngữ. Chị tâm sự rằng, trong năm đầu tiên, chị đã dành ra rất nhiều thời gian cũng như đã nỗ lực rất nhiều cho việc học tiếng Trung, vì tiếng Trung là ngôn ngữ của người bản địa. Và nhờ nỗ lực không ngừng như thế nên chỉ sau hơn một năm là chị đã có thể giao tiếp một cách bình thường với người địa phương. Chị khoe rằng, giờ đây, sau gần 9 năm sống tại Đài Loan, chị đã có thể "cãi nhau" tốt với người bản địa, không còn sợ bị bắt nạt hay bị nói xấu ngay trước mặt mình nữa.

Khi được hỏi đến chuyện công việc và thu nhập thì chị cho biết, chị làm theo hợp đồng, tám tiếng đồng hồ mỗi ngày. Nếu làm tăng giờ thì chủ nhà sẽ trả thêm. Công việc thì không đến nỗi vất vả lắm, chủ yếu là chăm sóc hai đứa nhỏ mà hiện giờ thì chúng cũng đã khá khôn rồi. Nói chung, nhà chủ trả lương cho chị khá cao. Tuy nhiên, một phần vì phải đóng bảo hiểm, và phần còn lại là vì những tổ chức môi giới của cả Việt Nam lẫn Đài Loan đều đã ăn chận của Chị khá nhiều, nên vì thế, lương của Chị chỉ vào mức khá so với thu nhập ở Việt Nam thôi!

Chị cho biết, những người chủ Đài Loan rất tốt bụng. Họ rất thương lao động Việt Nam. Đã nhiều lần họ phản ảnh với Bộ Lao Động về việc những nhóm môi giới ăn chận tiền của công nhân, nhưng dù vậy thì tình hình cũng vẫn chưa được cải thiện.

Tuy nhiên chị cũng không quên nói rằng, không phải người chủ Đài Loan nào cũng tốt bụng cả. Nhiều người trong họ rất coi thường công nhân Việt Nam và họ cũng chèn ép công nhân một cách khá "dữ dằn". Nhưng dù sao đi nữa thì luật pháp của Đài Loan rất nghiêm ngặt nên vì thế không có chuyện gì quá đáng xảy ra. Và chị thêm rằng, sở dĩ người chủ Đài Loan coi thường công nhân Việt thì âu cũng có phần lỗi từ người Việt mình mà ra. Đa số anh chị em sang đó đều rất tốt và rất chăm chỉ trong công việc, nhưng cũng có một số người không những lười nhác, lại còn tỏ ra coi thường luật lệ của nước bản xứ, nên vì thế mà bị người ta coi thường. Lẽ dĩ nhiên, khi có một người nào đó sống không ra gì thì cũng ảnh hưởng ít nhiều tới cộng đồng. Chị Thu đã giải thích cho trường hợp đó thế này: "Con sâu làm rầu nồi canh". Dựa vào kinh nghiệm bản thân, chị cho biết: nếu biết cách sống, biết hòa mình vào với cuộc sống xã hội, thì cũng không có gì là căng thẳng và khó khăn lắm! Đặc biệt, nếu người ta biết tôn trọng luật pháp của nước sở tại thì người ta cũng được dân chúng địa phương tôn trọng lại, bằng không thì người ta rất coi thường! Chị còn quả quyết rằng, đối với chị, Đài - Việt là một gia đình.

Chúng tôi đã hỏi thăm chị, liệu có người Thánh Mẫu nào khác cùng làm với chị hay làm việc gần chỗ chị không thì chị cho biết, không có người Thánh Mẫu nào khác ngoài chị. Cũng không có người Quần Cống hay người Thánh Thể nào làm việc ở đó hết. Nhưng những người thuộc Giáo xứ Phú Nhai và Giáo xứ Đại Đồng thì rất nhiều. Và chị cho biết thêm rằng, những người Việt Nam khác đang làm việc ở Đài Bắc thì rất đông. Theo chị, con số ấy có thể là trên 3000 người, đa số đến từ miền Trung và các tỉnh phía Nam. Trước đây, đa số trong họ đều đi giúp việc cho các gia đình giống như chị. Nhưng giờ đây, hầu hết những người ấy đều đã chuyển sang làm việc cho các công ty. Những người còn lại thì làm việc trong các xưởng sản xuất nhỏ mang tính gia đình, hay phục vụ trong các cô nhi viện hoặc viện dưỡng lão.

Chúng tôi hỏi thăm đến chuyện ốm đau bệnh tật – nếu có, thì được chị cho biết, chị đã đóng bảo hiểm y tế hàng tháng nên nếu xảy ra chuyện chị bị ốm đau thì đã có nhà nước Đài Loan người ta chăm lo cho, cũng như chính gia đình chủ họ sẽ chăm sóc.

Về chỗ ngủ nghỉ và việc ăn uống hằng ngày thì chị cho biết, chị ăn uống chung với gia đình chủ, cũng như ngủ nghỉ ngay tại gia đình chủ và không phải trả chi phí cho việc ăn uống và chỗ ngủ nghỉ.

Chúng tôi cũng hỏi thăm chị về tình hình sống đạo của người Đài Loan thì được chị cho biết, đa số dân địa phương đều theo Phật Giáo, số còn lại thì theo Tin Lành, và số người Công Giáo địa phương thì rất ít. Tuy vậy, lại có rất nhiều người Công Giáo Việt Nam đến lao động tại Đài Bắc. Chị Thu cho biết, gần nơi chỗ chị ở, có hẳn hai ngôi Thánh Đường dành cho người Công Giáo Việt Nam luôn. Đó là những Thánh Đường thuộc Giáo xứ Ban Kiều và Đào Viên. Cả hai Giáo xứ này đều do các Linh Mục Việt Nam quản nhiệm. Cha Giu-se Điệp phụ trách Giáo xứ Ban Kiều, còn Cha Martino Hùng thì phụ trách Giáo xứ Đào viên. Cũng có khá nhiều các Linh Mục Việt Nam khác đang phụ giúp cho hai cha ấy.

Chị Thu cho biết, nơi chị ở là khu vực nằm giữa hai nhà thờ. Gia đình chủ vẫn tạo điều kiện để chị đến nhà thờ dự Lễ vào mỗi tối Chúa Nhật. Khoảng cách từ nơi chị ở tới nhà thờ mất khoảng 30 phút nếu đi xe đạp, và mất khoảng 15 phút nếu đi xe Bus.

Chị Thu cũng cho biết, sinh hoạt tôn giáo của người Công Giáo Việt Nam bên Đài Loan khá sầm uất. Hằng tuần, vào ngày Chúa Nhật, hai nhà thờ nói trên đều có Thánh Lễ dành riêng cho người Việt từ lúc 19g00 tới 20g30. Số người Việt tham dự Thánh Lễ này vào khoảng từ 4 tới 5 trăm.

Mặc dù đã đến Đài Loan khá lâu rồi cũng như mỗi năm đều về thăm quê một lần, nhưng chị Thu cho biết, chị vẫn cảm thấy nhớ nhà, nhớ quê hương một cách da diết. Tuy nhiên, kể từ khi khám phá ra trang Gx Thánh Mẫu Bc thì chị đã bớt nhớ nhà đi rất nhiều. Những tin tức và những hình ảnh của quê hương được đăng trên trang mạng này đã làm cho chị rất vui. Hơn nữa, những bài suy niệm hay những bài giảng của Đức Thánh Cha nơi Trang này đã trở nên như một của ăn tình thần hằng ngày đối với chị. Và đây là nguyên văn lời chị nói:

"Trước hết, tôi xin cảm ơn Ban Biên Tập của trang Gx Thánh Mẫu Bc rất nhiều, bởi đã cung cấp cho tôi thật nhiều những hình ảnh và những tin tức về Giáo xứ Thánh Mẫu thân yêu, cũng như những tin tức và hình ảnh liên quan đến người thân trong gia đình của tôi. Ngoài ra, trang Gx Thánh Mẫu Bc còn cung cấp của ăn tinh thần cho tôi hằng ngày nữa, đó là những bài giảng của Đức Thánh Cha, những bài suy niệm của các Linh Mục, những văn kiện của Tòa Thánh…Nhờ vậy mà tôi được học hỏi cũng như được mở rộng tầm nhìn thêm rất nhiều. Trước đây, khi chưa biết tới Trang này thì tôi rất nhớ nhà. Nhưng giờ đây, khi tôi biết được Trang này rồi thì sự nhớ nhà ấy đã bớt đi rất nhiều đối với tôi. Trong những lúc xa quê thế này mà đọc được những tin tức về nhà quê hay nhìn được những hình ảnh về người thân của mình thì thật ấm lòng và an tâm. Qua đây, xin cho tôi được gửi lời mến thăm đến tất cả mọi người thuộc Giáo xứ Thánh Mẫu, bao gồm những người đang sống ngay trên mảnh đất Thánh Mẫu thân yêu, cũng như những người đang phải sống xa quê như tôi. Xin Chúa chúc lành cách đặc biệt cho Ban Biên Tập, và xin người cũng chúc lành cho mọi người con của Giáo xứ Thánh Mẫu nữa, và xin chúc lành cách riêng trong Năm Đức Tin này.“

Trước khi tạm biệt chị Thu, chúng tôi đã không quên cám ơn chị về cuộc nói chuyện rất cởi mở này. Chúng tôi cầu chúc chị luôn bình an, mạnh khỏe và được tràn đầy mọi ơn lành của Chúa. Chúng tôi cũng đã hứa với chị rằng, sẽ luôn cố gắng hơn nữa trong việc làm cầu nối giữa những người đang sống tại quê hương Thánh Mẫu và những người đang sống xa quê.

BBT.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét