Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Bế mạc Năm Thánh Đức Tin: „Chúa Giê-su chính là trung tâm điểm của lịch sử.“

Bế mạc Năm Thánh Đức Tin: „Chúa Giê-su chính là trung tâm điểm của lịch sử.“

Joseph Trần – CTV của Gx Thánh Mẫu Bc – chuyển ngữ từ nguồn: radiovaticana.va
Không phải một học thuyết  trừu tượng đứng nơi trung tâm điểm của Đức Tin Ky-tô giáo, nhưng là ngôi vị của Chúa Giê-su Ky-tô. Ngài chính là trung tâm điểm của công trình sáng tạo cũng như “của lịch sử nhân loại và lịch sử của mỗi con người” – Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nói như thế trong Thánh Lễ bế mạc Năm Thánh Đức Tin vào ngày Chúa Nhật hôm qua.

Trên sáu chục ngàn người đã cuồn cuộn đổ về quảng trường Thánh Phê-rô để tham dự Thánh Lễ Chúa Ky-tô Vua và cùng nhau cử hành Lễ Bế Mạc Năm Thánh Đức Tin mà nó đã được khởi xướng dưới thời Đức Bê-nê-đic-tô XVI. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã cám ơn vị Tiền Nhiệm của mình vì sự khởi xướng ấy, và mọi người đã vỗ tay tán thành.
„Chúa Ky-tô chính là trung tâm điểm của lịch sử nhân loại, và Ngài cũng là trung tâm điểm của lịch sử mỗi con người. Chúng ta có thể trao phó cho Ngài toàn bộ những nỗi vui mừng cũng như những niềm Hy Vọng, kể cả những nỗi buồn rầu cũng như những nỗi sợ hãi của chúng ta nữa, mà những nỗi sợ hãi ấy được đan dệt vào cuộc sống chúng ta. Khi Chúa Giê-su đứng nơi trung tâm điểm thì những khoảnh khắc đen tối nhất trong cuộc đời của chúng ta cũng sẽ trở nên sáng tươi, và Ngài trao cho chúng ta Niềm Hy Vọng cũng như nó đã xảy ra với kẻ trộm tốt lành trong bài Tin Mừng hôm nay.“
Tuy nhiên, ngay sau khi Chúa Giê-su bị gạt sang bên lề và được thay thế bằng một cái gì đó khác, thì chính cái đó sẽ hủy hoại nhân loại và môi trường sống của họ - Đức Thánh Cha nói. Đưa ra một cái nhìn chung về hai người trộm lành và người trộm xấu được kể lại trong bài Tin Mừng, Đức Thánh Cha nói: 

„Sẽ tốt cho chúng ta  khi suy nghĩ về tiểu sử riêng của mỗi chúng ta hôm nay và mã mãi, nhưng hãy kêu lên với con tim: Xin hãy nhớ tới con khi Ngài ở trong vương quốc của Ngài! Lạy Chúa Giê-su xin hãy nhớ tới con vì con muốn trở nên tốt lành, nhưng con đã không có sức để làm chuyện đó, con không thể làm điều đó, con là kẻ có tội! Nhưng Ngài có thể nhớ tới con, vì ngài là trung tâm trong vương quốc của Ngài! Thật là tốt đẹp biết chừng nào khi mà hôm nay tất cả chúng ta cùng kêu lên: Lạy Chúa xin nhớ đến con, Chúa đứng nơi trung tâm khi Chúa đi đến trong nước của Chúa.“

Chúa Giê-su không kết án ai. Ngài công bố „Lời tha thứ chứ không phài lời kết án“. Nếu con người tập hợp đủ mọi can đảm để đón nhận ơn tha thứ thì Thiên Chúa sẽ không bao giờ để cho họ bị vấp ngã nữa.

„Càng ngày Thiên Chúa càng ban ơn cho chúng ta, Ngài là Đấng đầy tốt lành, càng ngày Ngài càng ban ơn cho chúng ta khi chúng ta kêu xin. Bạn hãy kêu xin Ngài nhớ tới bạn, và Ngài sẽ dẫn bạn đi vào trong vương quốc của Ngài! Chúa Giê-su quả thực là trung gian về nỗi khát khao niềm vui và sự thánh thiện. Chúng ta hãy cùng nhau đi trên con đường này.“

Trước Thánh Lễ, lần đầu tiên tại Vatican, những thánh cốt được bảo tồn của Thánh Phê-rô Tông Đồng được đưa ra trưng bày công khai. Sau bài giảng, Đức Thánh Cha đã cầm chiếc tráp màu đồng nâu với những mẩu xương còn lại được phỏng đoán là của vị Thánh Tông Đồ và giơ lên một lúc. Ngoài ra, tại quảng trường Thánh Phê-rô, trước khi Thánh Lễ diễn ra, người ta đã tổ chức quyên tiền để giúp đỡ các nạn nhân của cơn bão Haiyan tại Philippine.

Kết thúc Thánh Lễ, Đức Thánh Cha đã trao cho 36 vị nguyên thủ của 18 quốc gia cũng như những người được được tuyển chọn khác mà họ là đại diện cho một nhóm hay một vùng của Giáo Hội, mỗi người một cuốn Tông Huấn về „Năm Đức Tin“ của Ngài. Nội dung của văn kiện với tựa đề „Evangelii gaudium“ (Niềm Vui của Tin Mừng) mà cho tới mãi hôm nay vẫn chưa được công bố. Tông Huấn được gọi một cách trịnh trọng là „Huấn Dụ Thuộc Tông Tòa“, cứ sự thường sẽ được giới thiệu vào thứ Ba – ngày mai – tại Vatican.  

Vào ngày 11 tháng 10 năm 2012, „Năm Đức Thánh Đức Tin“ đã được công bố có mục đích thúc đẩy sự hồi sinh của Đức Tin Ky-tô giáo và chống lại sự tục hóa đang đà phát triển. Đồng thời, với sự khởi xướng này, Đức Bê-nê-đíc-tô XVI, cũng muốn kỷ niệm Công Đồng Vatican II (1962-65) được khai mạc vào ngày 11 tháng 10 năm 1962. Hội nghị này của các Đức Giám Mục có giá trị như một biến cố quan trọng nhất trong lịch sử Giáo Hội của thế kỷ 20.

(rv/kna 24.11.2013 mc)
Joseph Trần – CTV của Gx Thánh Mẫu Bc – chuyển ngữ từ nguồn: radiovaticana.va

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét