Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Đức Thánh Cha: „Tại sao trẻ em cũng chết?“

Đức Thánh Cha: „Tại sao trẻ em cũng chết?“

Đam Trần – CTV của Gx Thánh Mẫu Bc – chuyển ngữ từ nguồn: radiovaticana.va
Một vấn nạn đã luôn gây cho Đức Thánh Cha phải suy nghĩ nhiều: Tại sao các em bé cũng phải chết? – Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã cho biết như thế trong buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ Tư hôm nay tại quảng trường Thánh Phê-rô. Vì thế, Ngài cũng muốn nói về sự chết trong bài Giáo Lý của Ngài về Kinh Tin Kính.

Ngay trước khi cuộc hội kiến diễn ra, Đức Thánh Cha đã tiếp đón một nhóm lớn các em bé bị tàn tật, tức những em bị mắc một loại bệnh được gọi là Hội Chứng Rett (chứng rối loạn thần kinh não bộ) dễ dẫn đến việc sớm tử vong.

Mặc một chiếc áo Măng-tô rộng và màu trắng, Đức Thánh Cha đã ra chào hàng ngàn khách hành hương cũng như khách tham quan, và Ngài „cám ơn“ tất cả vì đã nhẫn nại một cách „rất anh dũng“ trước cái giá lạnh vì sự xuống thấp của nhiệt độ cuối Thu tại Rô-ma. Ngài thông báo rằng, Ngài muốn kết thúc loạt bài Giáo Lý của Ngài về Kinh Tin Kính, vì „Năm thánh Đức Tin“ đã kết thúc vào Chúa Nhật vừa rồi. Tuần này, Ngài muốn trình bày về sự chết trong Chúa Ky-tô, và tuần sau loạt bài sẽ được khép lại với việc suy tư về sự phục sinh trong Chúa Ky-tô.
„Nếu chúng ta cho rằng cuộc sống nơi thế trần như là điểm cuối cùng của tất cả mọi sự thì sự chết sẽ gây cho chúng ta sự sợ hãi và nỗi kinh hoàng. Lúc ấy, sự chết sẽ trở thành một hiểm họa phá vỡ mọi mối tương quan nhân loại và chấm dứt mọi khả năng có thể. Điều đó sẽ xảy ra khi người ta cho rằng cuộc sống của nhân loại như là một cái gì đó ở giữa hai điểm của một tọa độ - tức giữa việc sinh ra và sự chết -, và vì vậy, nếu chúng ta sống như thế thì liệu Thiên Chúa có hiện hữu không.“

Sự nhận thức về sự chết ấy chính là cái nhìn đặc trưng của triết lý vô thần, nó hiểu về sự hiện hữu nhân loại như là một sự hiện hữu một cách ngẫu nhiên trong thế giới.

„Nhưng cũng có một chủ nghĩa vô thần thực tiễn, nó bao gồm trong đó việc hướng cuộc sống đến những mối bận tâm riêng, và như thế đẩy đưa cuộc sống tới những điều thuộc thế trần. Nếu chúng ta để cho mình bị xâm chiếm bởi quan niệm sai lạc ấy về sự sống, chúng ta sẽ không có được một sự chọn lựa nào khác để che giấu cái chết, để phủ nhận hay tầm thường hóa nó, hầu mong nó không gây sợ hãi cho chúng ta.“

Người ta đã sống như thế nào thì người ta cũng sẽ nghiêng về điều đó để chết – Đức Thánh Cha nói.

„Nếu cuộc sống của chúng ta đã ở trên một con đường với Thiên Chúa, và chúng ta đã luôn tín thác vào lòng khoan hậu của Thiên Chúa thì điều đó có nghĩa là chúng ta đã được chuẩn bị cho cái chết thuộc về thế trần. Vì chúng ta tin tưởng rằng, một đôi tay sẽ đón nhận chúng ta và đôi tay ấy sẽ dẫn đưa chúng ta đến trước tôn nhan Thiên Chúa.“

Đức Thánh Cha đã mời gọi những người hiện diện cùng lập lại với Ngài hai lần câu: Ai có lòng nhân hậu, người ấy không hề sợ hãi trước cái chết.

„Vì ai có lòng khoan hậu thì người ấy sẽ thấy được diện mạo của sự chết, và có thể băng qua nó nhờ Tình Yêu Chúa Giê-su. Như vậy, nếu chúng ta cố gắng để xoa dịu những nỗi khổ đau về thể xác cũng như tinh thần của anh chị em chúng ta, thì chúng ta sẽ tiến được tới gần vương quốc của Thiên Chúa. Cũng vậy, nếu chúng ta rộng mở tấm lòng của chúng ta ra đối với những người nhỏ bé nhất trong chúng ta, thì rồi cánh cổng của Nước Trời cũng sẽ rộng mở đối với chúng ta, và chúng ta sẽ được ở lại đó luôn mãi với Cha chúng ta, với Chúa Giê-su và với Mẹ Thiên Chúa cũng như với tất cả các vị Thánh.“

(rv 27.11.2013 mg)
Đam Trần – CTV của Gx Thánh Mẫu Bc – chuyển ngữ từ nguồn: radiovaticana.va

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét