Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

Chuyến công du Đất thánh của Đức thánh Cha với những điều đặc biệt

Chuyến viếng thăm của Đức thánh Cha tới Đất Thánh chỉ kéo dài trong ba ngày – và nói một cách chính xác hơn, chỉ có hai ngày và 14 tiếng đồng hồ theo sự tính toán chính thức của Tòa Thánh. Dù vậy mặc lòng, Đức Thánh Cha vẫn dùng thời gian ngắn ngủi này cho bốn cuộc gặp gỡ với Đức Thượng phụ Bartholomaios của Giáo hội Chính Thống. Nói chung, chương trình của chuyến công du, tức bản chương trình dành cho 4 điểm được viết bởi chính tay Đức Thánh Cha, chỉ ra cho thấy một số điều đặc biệt.

Điển hình là buổi khai mạc tại Amman vào thứ Bảy: Ở đây, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đi theo những mô hình của ba vị Giáo Hoàng khác cũng đã đến thăm Jordanie. Chẳng hạn như Đức Bê-nê-đíc-tô XVI đã cử hành một Thánh Lễ tại vận động trường Al-Hussein. Giống như trong cuộc viếng thăm của Đức Bê-nê-đíc-tô XVI, cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô cũng sẽ không có những cuộc gặp gỡ đặc biệt tại các trại tị nạn của Jordanie; tuy nhiên, sẽ có một cuộc viếng thăm tới một trại tị nạn nằm trong sa mạc Jordanie – đó là một trại tị nạn tồi tệ nhất trong số những trại tị nạn của người dân Syria vì cuộc chiến tranh. Đức Thánh Cha vẫn muốn gặp gỡ mấy trăm người tị nạn gần nơi Chúa Giê-su chịu Phép Thanh Tẩy bên bờ sông Jordan. Cũng rất đáng chú ý rằng, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô sẽ không đến thăm bất cứ nhà thờ Hồi giáo nào ở Amman: trong khi Đức Gio-an Phao-lô II đã thăm đền thờ Hồi Giáo Ommayaden ở Damascus thuộc Syria, và Đức Bê-nê-đíc-tô XVI đã đọc một bài diễn văn mang tính nền tảng tại đền thờ Hồi giáo Al-Hussein-Bin-Talal ở Amman.

Đặc biệt gây chú ý trong chương chình của Đức Thánh Cha là Ngài sẽ đến vùng Palestina với một điểm cụ thể là Bethlehem rồi sau đó mới đến Israel. Ngoài ra, Palestine lại còn được làm tăng giá trị qua việc nhấn mạnh đến một nhà nước trong bản văn của chương trình, đây là một điều mới lạ đối với các chuyến viếng thăm của các Đức Thánh Cha từ trước cho tới nay. Sự ưu thế của Bethlehem dẫn tới điều rằng, Đức Thánh Cha sẽ chỉ bay một lần tới Tel Aviv cốt để nhập cảnh vào Israel mà thôi, và vì thế Ngài sẽ phải mất thì giờ với việc phải đi đường vòng với máy bay trực thăng, đoạn đường này dài cả thảy là 125 km. Đơn giản hơn nếu Đức Thánh Cha đi từ Bethlehem xuyên qua bức tường ngăn giữa Giê-ru-sa-lem với hàng xóm – và điều này sẽ tạo ra tiếng vang xét về mặt ngoại giao.

„Tình hình tại Israel làm cho chuyến công du của Đức Thánh Cha tới Nazareth trở nên không thể.“

Khác với những chuyến công du của các Đức Thánh Cha từ trước tới nay, chuyến công du của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô có hai điều mới mẻ tại Giê-ru-sa-lem: Một buổi Phụng Vụ đại kết trong nhà thờ Hầm Mộ và một chuyến viếng thăm tới phần mộ của Theodor Herzl – một nghĩa cử đối với những nạn nhân của chính sách bài Do-thái. Ở đây có nhiều điều gây chú ý, mà tiên vàn là việc không có Thánh Lễ cộng đồng tại Giê-ru-sa-lem. Vào năm 2009, rất nhiều Ky-tô hữu đã không thể đến tham dự Thánh Lễ của Đức Bê-nê-đíc-tô như đã được dự kiến tại địa điểm giữa núi Cây Dầu và núi Đá vì những biện pháp an ninh nghiêm ngặt kéo dài từ lâu, và vì thế dường như Tòa Thánh Vatican đã rút ra được kinh nghiệm. Trong cả hai lần trước, một đại diện của Hồi giáo đã cố phá vỡ cuộc gặp gỡ với những lời đả kích chống lại Israel, và ở lần thứ ba này, Tòa Thánh muốn tránh cho mình khỏi chuyện đó.

Nhiều Ky-tô lữu lấy làm đau khổ về việc Đức Thánh Cha Phan-xi-cô không đi tới Galilea. Thậm chí một phát ngôn viên của Tòa Thượng Phủ Giáo Chủ thuộc nghi lễ La-tinh trước đây còn nói rằng: „Như thế thì có nghĩa là chỉ có ´Chúa Giê-su Nazareth`mà không có ´Chúa Giê-su Giê-ru-sa-lem`“. Vị phó Thượng Phụ Giáo chủ theo nghi lễ La-tinh của Nazareth – Giacinto-Boulos Marcuzzo – đã quy trách nhiệm cho nhà chức trách Israel về chuyện đó: „Nhà nước Israel đã đặt ra nhiều rào cản trong lần này và đã áp dụng những quan điểm ngoại giao mới, trong đó có chuyến thăm tới mộ phần của Herzl“ – Phó Thượng phụ Marcuzzo nói như thế trong một cuộc đối thoại dành cho thông tấn Oasis. „Những rào cản này đã làm mất nhiều thời gian cho chương trình của Đức Thánh Cha, nó làm cho Đức Thánh Cha không thể đến thăm Nazareth, và nó cũng thu hẹp khía cạnh mục vụ của chuyến công du vào trong bình diện ngoại giao.“

(rv 23.05.2014 sk)


J. Ngọc Hà – CTV của Gx Thánh Mẫu Bc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét