Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

Đức Hồng y Koch: Bênh vực hơn nữa cho các Ky-tô hữu bị bách hại

Đức Hồng y Koch: Bênh vực hơn nữa cho các Ky-tô hữu bị bách hại
Đức Hồng y Koch – người đang làm việc trong Giáo Triều – đã yêu cầu một sự bênh vực đầy can đảm của toàn Giáo hội cho các Ky-tô hữu đang bị bách hại trên thế giới. „Tôi tin là chúng ta đang im lặng quá nhiều“ – Đức Hồng y Koch, người có trách nhiệm về Đại Kết của Tòa Thánh, đã nói như thế trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo Vatican L´Osservatore Romano vào Chúa Nhật vừa qua.

„Tính đại kết của những nỗi đau“ mà Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói về, đó là „nền móng vừa có tính vững chãi, vừa mang chiều kích tinh thần“ đối với việc bảo vệ chung của Giáo hội trong việc chống lại sự bách hại các Ky-tô hữu. Điều này có giá trị trực tiếp đối với các quốc gia cội nguồn Ky-tô giáo tại Trung Đông, „nơi các Ky-tô hữu đang bị cưỡng ép phải chạy trốn, phải ra đi, vì nếu họ ở lại, họ sẽ bị sát hại“. Đó là „nỗi buồn có thể nhìn thấy được khi mà chỉ những cơ sở trống không còn lưu lại, trong khi không còn ai ở lại đó nữa“. Chẳng hạn như tại Syria cũng có thể quan sát thấy việc bách hại đang nhắm vào các Ky-tô hữu như thế nào.

Đức Hồng y Koch đã gọi tình trạng tại Ucraina như là thách đố khó khăn nhất hiện nay trong việc đối thoại đại kết với Giáo hội Chính Thống. Vị Thượng Phụ giáo chủ của Giáo hội Chính Tống tại Mát-cơ-va đã cáo buộc Giáo hội Công Giáo là đã không có sự phân biệt rõ ràng giữa Đức Tin và chính trị - Đức Hồng Koch nói. Theo quan điểm của Ngài, một sự thống nhất về địa vị ưu việt của Đức Giáo Hoàng trên các Giám Mục còn lại, hiện tại đang là nhiệm vụ quan trọng nhất trong cuộc đối thoại giữa Công Giáo và Chính Thống giáo.

„Chúng ta phải tái nhìn thấy việc thi hành quyền tối thượng mà quyền ấy có thể cũng có giá trị đối với các Giáo hội khác“ – vị lãnh đạo của Ủy Ban Giáo Hoàng về Đại Kết nói. Trước cũng như sau, quyền tối thượng của vị Giám Mục thành Rô-ma luôn là rào cản lớn nhất đối với công cuộc Đại Kết.

Đức Hồng y Koch đã đánh giá văn kiện đúc kết cuộc hội nghị của Ủy Ban Quốc Tế giữa Công Giáo và Chính Thống tại Revenna, Ý, vào năm 2007, như là „bước tiến lớn để đi tới phía trước“ trong vấn nạn này. Trong văn kiện ấy, vấn đề cũng đã được khẳng định bởi phía Giáo hội Chính Thống rằng, Giáo hội phải là một „điều trước tiên“ cả trên bình diện địa phương, lẫn trên bình diện cấp vùng và quốc tế.

Theo quan điểm của Đức Hồng y Koch, Giáo hội Công Giáo phải tăng cường tìm kiếm sự đối thoại với các Giáo Hội Hiện Xuống và các nhóm Tinh Lành. Trong khi với tính cách là cộng đồng Ky-tô giáo lớn thứ hai chỉ sau Giáo hội Công giáo, các Giáo hội ấy đang là „thách đố quan trọng đối với tương lai“. Ngày nay, bên cạnh các Giáo hội như Công Giáo, Chính Thống giáo và Thệ Phản, các Giáo hội Hiện Xuống đã hình thành nên một „mô hình thứ tư“ trong nội hạt Ky-tô giáo. Đức Hồng y Koch đã bảy tỏ về niềm tin vững chắc rằng, trong mối tương quan với các Giáo hội Hiện Xuống và Tin Lành, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô „sẽ có thể mở ra được chính chiếc cửa mà nó đang bị khóa chặt.“

(rv/kna 20.07.2014 gs)

Minh Tâm - CTV của trang tin Gx Thánh Mẫu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét