Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

Thư của Đức Thánh Cha gửi cho Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon về tình hình tại miền Bắc Irak

Thư của Đức Thánh Cha gửi cho Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon về tình hình tại miền Bắc Irak
Papst Franziskus (l). schüttelt die Hand von UN-Generalsekretär Ban Ki-moon.
Kính gửi ngài Ban Ki-Moon, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc:

Tôi đã theo dõi với con tim trĩu nặng và đớn đau về những biến cố đầy bi ai trong những ngày qua tại miền Bắc Irak, nơi các Kitô hữu và những nhóm tôn giáo thiểu số khác đã và đang bị cưỡng ép phải bỏ chạy khỏi nhà cửa của họ, và đã phải chứng kiến cảnh hủy hoại các nơi thờ tự cũng như các di sản tôn giáo của mình. Động lòng trước tình cảnh khốn cùng của họ, tôi đã đề nghị Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Muôn Dân, người đã phục vụ con người tại Irak với tư cách là đại sứ cho các vị tiền nhiệm của tôi là Đức Gio-an Phao-lô II và Đức Bê-nê-đíc-tô XVI, hãy biểu lộ sự gần gũi về tinh thần và sự quan tâm của tôi cũng như của toàn thể Giáo hội Công Giáo – khi tận mắt chứng kiến nỗi khổ đau vô cùng của những người mà họ chỉ muốn sống trong hòa bình, trong sự hài hòa và tự do trong đất nước của cha ông họ.

Trong tinh thần ấy, tôi viết bức thư này để gửi tới ngài – kính thưa ngài Tổng Thư Ký, và muốn phơi bày ra trước mặt ngài những giọt nước mắt, những nỗi khốn cùng và những tiếng kêu tuyệt vọng từ tận đáy con tim của những Kitô hữu cũng như của các tín đồ thuộc các tôn giáo thiểu số khác tại đất nước Irak thân yêu. Tôi nhắc lại lời kêu gọi khẩn thiết của tôi nhằm có được sự hành động của cộng đồng quốc tế trong việc chấm dứt những thảm họa nhân đạo đang diễn ra trong hiện tại. Tôi khuyến khích tất cả các tổ chức có trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là những tổ chức có trách nhiệm về sự an toàn, về hòa bình, về quyền nhân đạo và về việc cứu trợ những người tị nạn, hãy tiếp tục những nỗ lực của mình trong sự xứng hợp với lời mở đầu và những chương mục tương ứng với hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Làn sóng tấn công tàn bạo tại miền Bắc Irak phải đánh thức lương tâm của tất cả những người nam và người nữ thiện chí, và thôi thúc họ phải có những hành động cụ thể của tình liên đới: Những người đang bị thất kinh hay đang bị đe dọa bởi bạo lực, đang cần phải được bảo vệ; sự trợ giúp cấp thời và khẩn thiết cần phải được đem đến cho những người bị trục xuất. Một sự quay trở về với những thành phố cũng như với những ngôi nhà của họ cũng cần phải được bảo đảm. Những kinh nghiệm bi thương của thế kỷ 20 và sự hiểu biết nền tảng về phẩm giá con người đang thúc bách cộng đồng quốc tế, đặc biệt là thông qua các tiêu chuẩn và các cơ chế thuộc luật pháp quốc tế, phải làm tất cả những gì có thể đối với họ, hầu chấm dứt và ngăn chặn những hành vi bạo lực mang tính hệ thống tiếp theo mà chúng chống lại các cộng đồng tôn giáo và các bộ lạc thiểu số.

Trong niềm tin tưởng rằng, lời kêu gọi mà tôi đã liên kết với các Đức Thượng Phụ thuộc Giáo Hội Đông phương cũng như với các nhà lãnh đạo của các tôn giáo khác, sẽ có được câu trả lời tích cực, tôi dùng cơ hội này để nói lên sự kính trọng đặc biệt của tôi đối với Ngài.

Từ Vatican ngày 09 tháng 08 năm 2014 

Giáo Hoàng Phanxicô 

Minh TrầnCTV của trang thông tin Gx Thánh Mẫu Bc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét