Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

Bài giảng của ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI trong Thánh Lễ Dâng Chúa Vào Đền Thờ ngày 02.02.2013

Bài giảng của ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI trong Thánh Lễ Dâng Chúa Vào Đền Thờ ngày 02.02.2013
Anh chị em thân mến!

Trong trình thuật về thời niên thiếu của Chúa Giê-su, Thánh Lu-ca đã nhấn mạnh rằng, Đức Maria và Thánh Giu-se luôn trung thành với giới luật của Thiên Chúa. Với lòng đạo đức to lớn, các Ngài đã thi hành hết tất cả những gì được quy định về người con trai đầu lòng sau khi được sinh ra. Có hai quy định rất cổ kính: một quy định liên quan đến người mẹ, và một quy định liên quan tới người con mới sinh. Với người phụ nữ, luật lệ quy định rằng, bà phải kiêng kị một số những thực hành theo nghi lễ trong suốt 40 ngày, và sau đó bà phải dâng hai lễ phẩm: một con chiên để làm của lễ toàn thiêu, và một đôi bồ câu non hay một đôi chim gáy để làm hy lễ xá tội; nhưng nếu người phụ nữ đó nghèo túng, thì bà chỉ cần phải dâng hai con chim gáy hoặc một cặp bồ câu non cũng được, để làm của lễ (xc. Lv 12,1-8).

Thánh Lu-ca giải thích rằng, Đức Maria và Thánh Giu-se đã dâng lễ vật của người nghèo (xc. Lc 2,24), để nhấn mạnh rằng, Chúa Giê-su đã được sinh ra trong một gia đình của những con người giản dị, nghèo hèn, nhưng tràn đầy Đức Tin: một gia đình được kể vào trong số những người nghèo của Israel, mà những con người ấy hình thành nên Dân đích thực của Thiên Chúa. Trong khi đó, đối với đứa con trai đầu lòng, mà theo luật của Mô-sê, nó là tài sản của Thiên Chúa, nên được quy định là phải chuộc lại, mà giá cả dành cho việc chuộc lại này được ấn định là 5 Sê-ken, và 5 Sê-ken này có thể được thanh toán cho một vị tư tế ở bất cứ nơi đâu. Điều này diễn ra nhằm tưởng nhớ mãi mãi tới biến cố Thiên Chúa đã không sát hại những đứa con đầu lòng của người Do-thái trong thời gian Xuất Hành (xc. Xh 13,11-16).

Thật quan trọng trong việc nhận ra rằng, không cần thiết phải đi tới tận đền thờ để thực hiện hai hành động này: thanh tẩy người mẹ và chuộc lại người con. Tuy nhiên, cả Đức Mẹ và Thánh Giu-se đều muốn thực hiện tất cả tại Giê-ru-sa-lem, và Thánh Lu-ca đã mô tả cho thấy toàn bộ cảnh tượng đều dẫn về đến thờ, và nhờ thế, đều hướng về Chúa Giê-su, Đấng tiến vào đền thờ. Và do đó, trực tiếp thông qua những quy định của lề luật, biến cố chính đã trở thành một sự kiện khác, và cụ thể là việc „Tiến Dâng“ Chúa Giê-su vào đền thờ của Thiên Chúa, có nghĩa là, người Con của Đấng Tối Cao, được giao lại cho Thiên Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài đến (xc. Lc 1,32.35).

Trình thuật Tin Mừng này đã tìm thấy một sự tương ứng trong những lời của Ngôn Sứ Ma-la-chi-a, mà những lời ấy chúng ta đã nghe ngay ở phần đầu của Bài Đọc I: „Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta. Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến, - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán… Người sẽ ngồi để luyện kim tẩy bạc; Người sẽ thanh tẩy con cái Lê-vi và tinh luyện chúng như vàng, như bạc. Bấy giờ, đối với ĐỨC CHÚA, chúng sẽ là những kẻ đến dâng lễ vật, theo lẽ công chính“ (3,1.3). Ở đây có vẻ như không phải là một diễn từ nói về một em nhỏ, tuy nhiên những lời này tìm thấy sự ứng nghiệm của nó trong Chúa Giê-su, vì nhờ vào Đức Tin của Cha Mẹ Ngài, Ngài đã được mang vào trong đền thờ „một cách bỗng nhiên và ngay tức thì“; và trong hành động „dâng hiến“ của Ngài, hay hành động „hiến tế“ bản thân Ngài cho Thiên Chúa Cha, đề tài về sự dâng hiến và chức Tư Tế vang lên một cách rõ ràng như trong đoạn văn được trích từ vị Ngôn Sứ trên kia. Hài Nhi Giê-su được mang ngay lập tức vào trong đền thờ, sẽ là Đấng thanh tẩy đền thờ khi Người trưởng thành (xc. Ga. 2,13-22; Mc 11, 15.19tt), và trước hết, sẽ trở nên chính của lễ và Thượng Tế của Giao Ước Mới.

Đó cũng là viễn tượng của lá thư gửi Tín Hữu Do-thái mà một đoạn của lá thư này đã được công bố trong Bài Đọc II, với nó, đề tài về vị Tân Tư Tế đã được nhấn mạnh: một chức Tư Tế - chức Tư tế được thiết lập bởi Chúa Giê-su -, đó là điều mang tính căn bản: „Vì bản thân Ngài đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Ngài có thể cứu giúp những ai bị thử thách“ (Dt 2,18). Và như thế chúng ta cũng chạm trán với đề tài đau khổ mà nó đã xuất hiện rất mạnh trong bản văn Tin Mừng, tức đoạn mà ông Simeon đã bày tỏ với những lời có tính ngôn sứ của ông về Hài Nhi và Thân Mẫu của Ngài: „Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà“ (Lc 2,34-35). „Ơn Cứu Độ“ mà Chúa Giê-su mang đến cho dân Ngài, và chính bản thân Ngài là hiện thân của ơn cứu độ ấy, sẽ xuất hiện trên Thập Giá, trên cái chết hung bạo mà chính Ngài sẽ chiến thắng và biến đổi nó nhờ vào việc hiến tế sự sống bởi Tình Yêu. Sự hiến tế này đã được công bố trong cử chỉ dâng mình vào đền thờ rồi, đó là một cử chỉ, mà tất nhiên đã được tạo ra bởi truyền thống Cựu Ước, nhưng được mang lại sinh khí nội tại bởi sự tròn đầy của Đức Tin và của Đức Ái, nó tương hợp với sự viên mãn của thời gian, bởi sự hiện diện của Thiên Chúa cũng như của Chúa Thánh Thần trong Chúa Giê-su. Trong thực tế, Chúa Thánh Thần đã bay lượn trên toàn bộ cảnh tiến dâng vào Đề Thờ, đặc biệt là trên nhân vật Si-mê-on, nhưng cũng trên cả nhân vật An-na nữa. Ngài chính là „Thần Khí Thánh“, Đấng mang đến „niềm an ủi cho dân Israel“, và thúc đẩy những bước đi cũng như thúc đẩy con tim của những ai mong chờ Ngài. Ngài là Thần Khí, Đấng gợi lên những lời Ngôn Sứ của ông Si-mê-on và của bà An-na, những lời chúc lành, những lời ca ngợi Thiên Chúa, những lời tuyên xưng niềm tin vào Đấng Được Xức Dầu của Ngài, những lời tạ ơn, vì cuối cùng cặp mắt của chúng ta cũng đã có thể nhìn thấy „ơn cứu độ của Ngài“, và có thể cầm nắm trong đôi tay (xc. Lc 2,30).

Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel Dân Ngài“ (Lc 2,32): Ông Si-mê-on đã mô tả về Đấng Mes-si-a của Thiên Chúa như thế nơi cuối bài thánh ca ngợi khen của ông. Đề tài ánh sáng mà nó vang lên trong bài ca thứ nhất và thứ hai về người tôi trung của Chúa trong cuốn thứ hai sách Isaia (Is 42,6; 49,6), hiện diện một cách mạnh mẽ trong buổi cử hành Phụng Vụ hôm nay. Phụng Vụ đã khai mạc với một cuộc rước thật ấn tượng mà những vị Bề Trên Tổng Quyền Nam cũng như Tổng Quyền Nữ thuộc các Hội Dòng Đời Sống Thánh Hiến có trụ sở tại đây đã tham dự với những ngọn nến cháy sáng trên tay. Dấu chỉ đặc trưng đối với truyền thống Phụng Vụ của ngày đại Lễ này được thể hiện rất rõ ràng. Nó làm sáng tỏ vẻ đẹp và giá trị của Đời Sống Thánh Hiến như là sự phản chiếu của ánh sáng Chúa Ki-tô; một chỉ dấu nhắc nhớ tới cuộc tiến vào đền thờ của Đức Maria: Đức Trinh Nữ Maria, người được Thánh Hiến cho Thiên Chúa một cách tuyệt hảo, đã mang chính ánh sáng trên đôi tay, tức Ngôi Lời trở thành xác phàm, Đấng đã đến để xua tan bóng tối ra khỏi thế giới, với Tình Yêu Thiên Chúa.

Anh chị em sống Đời Thánh Hiến thân mến, tất cả các con đều góp mặt trong cuộc hành hương đầy tính biểu tượng ấy, mà trong Năm Đức Tin này, nó còn là sự biểu lộ hơn nữa đối với sự hội ngộ của các con trong Giáo hội để được củng cố trong Đức Tin và làm mới lại sự tận hiến của các con cho Thiên Chúa. Với tất cả mối thiện cảm, Cha xin gửi đến từng người một trong các con cũng như tới các Hội Dòng của các con lời chào mừng hoàn toàn nồng nhiệt của Cha, và Cha xin cám ơn các con vì đã hiện diện. Trong ánh sáng của Chúa Ki-tô, các con đã tham gia vào trong cuộc sống với vô vàn những đặc sủng của đời sống chiêm niệm cũng như đời sống hoạt động tông đồ, và tham dự vào với sứ mạng của Giáo hội trên khắp thế giới. Trong tinh thần của niềm biết ơn và hiệp thông này, Cha muốn gửi đến các con ba lời gọi mời, để các con hoàn toàn có thể bước qua bất cứ „cánh cửa Đức Tin“ nào mà chúng luôn luôn để mở đối với chúng ta (xc. Thông Điệp Porta fidei, 1).

Trước hết Cha mời gọi các con hãy nuôi dưỡng một Đức Tin mà nó đang trong tình trạng làm sáng tỏ ơn gọi của các con. Vì thế, Cha mời gọi các con, hãy hồi tưởng lại mối tình đầu giống như trong một cuộc hành trình nội tậm, mà với mối tình đầu ấy, Chúa Giê-su Ki-tô đã sưởi ấm con tim của các con, không phải xuất phát từ chuyện luyến tiếc về quá khứ, nhưng để nuôi dưỡng ngọn lửa ấy. Và để thực hiện được như thế, điều cần thiết ở đây là phải ở bên Ngài trong sự thinh lặng của niềm thờ kính cũng như tái đánh thức ý muốn và niềm vui, chia sẻ cuộc sống của Ngài, những quyết định của Ngài, sự vâng phục Đức Tin, mối phúc khó nghèo, tính cấp thời của Đức Ái. Luôn luôn tái lên đường từ cuộc gặp gỡ Tình Yêu ấy, các con sẽ từ bỏ tất cả để ở bên Ngài, và giống như Ngài, đặt mình vào trong sự phục vụ Thiên Chúa và trong sự phục vụ những người anh chị em (xc. Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Vita consecrata, 1).

Thứ hai, Cha mời gọi các con hãy thủ đắc một Đức Tin biết nhận ra sự khôn ngoan của những điều yếu đuối. Hãy hoài nghi trong những niềm vui và trong những nỗi sầu muộn của thời đại chúng ta, khi tính nghiêm khắc và trọng lực của Thập Giá không trở nên rõ ràng rằng, sự tự hủy của Chúa Ki-tô đã là cuộc chiến thắng của sự phục sinh rồi. Ngay cả với những giới hạn và những yếu đuối của con người, chúng ta cũng được kêu gọi sống đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô, trong một sự căng thẳng bao trùm tất cả mà nó tiên đoán về sự thành toàn cánh chung theo tiêu chuẩn có thể có trong thời đại (Vita consecrata, 16). Trong một xã hội đề cao tính hiệu quả và sự thành công, cuộc sống của các con được đóng ấn bởi những điều „bé nhỏ“ và bởi sự kém cỏi của những cái giản dị, từ sự đồng cảm với những người không có tiếng nói, và trở thành một dấu chỉ của sự chống đối chiếu theo Tin Mừng.

Sau cùng, Cha mời gọi các con hãy làm mới lại Đức Tin mà Đức Tin ấy làm cho các con trở thành những người lữ hành trên con đường tiến về tương lai. Tự bản chất, Đời Sống Tận Hiến là một cuộc hành trình thiêng liêng nhằm tìm kiếm một dung nhan, mà dung nhan ấy đôi khi xuất hiện và đôi khi tự che giấu: „Tôn nhan Ngài, lạy Chúa, con đang kiếm tìm“ (Tv 27,8). Điều này nên trở thành nỗi khát khao thường xuyên của con tim các con, trở thành tiêu chuẩn nền tảng dẫn dắt con đường của các con, cả trong những bước đi nho nhỏ hằng ngày lẫn trong những quyết định quan trọng. Đừng nghe theo những ngôn sứ bất hạnh – những kẻ quả quyết về sự cùng tận hay sự thiếu quan trọng của Đời Sống Thánh Hiến trong Giáo Hội của chúng ta ngày nay; hơn nữa, các con hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô và hãy mang lấy vũ khí của ánh sáng, như Thánh Phao-lô đã nhắc nhớ (xc. Rom 13,11-14), bằng cách là các con hãy luôn tỉnh thức và sẵn sàng. Thánh Cromazio Aquileia viết rằng: „Thiên Chúa có thể đề phòng cho chúng ta khỏi mối nguy hiểm này, để chúng ta không bao giờ để mình bị than phiền bởi cơn say ngủ của sự bất trung; nhưng Ngài đem đến cho chúng ta ân sủng và lòng khoan hậu của Ngài, để chúng ta luôn luôn có thể thức tỉnh trong sự tín trung với Ngài. Vì sự tín trung của chúng ta có thể thức tỉnh trong Chúa Ki-tô“ (Sermone 32,4).

Anh chị em thân mến, niềm vui của Đời Sống Thánh Hiến, do sự cần thiết, dẫn đưa ngang qua sự tham dự vào con đường Thập Giá của Chúa Ky-tô. Nó cũng là như thế đối với Đức Trinh Nữ Maria. Sự đau khổ của Mẹ là sự đau khổ của con tim mà nó hoàn toàn trở nên một với con tim bị đâm thủng vì Tình Yêu của Con Thiên Chúa. Từ vết thương đó, ánh sáng của Thiên Chúa đã trào tuôn, và ánh sáng như thế cũng trào tuôn từ những đau khổ, từ những hy sinh, và từ sự trao hiến bản thân mà những Người Được Thánh Hiến sống bởi Tình Yêu đối với Thiên Chúa và đối với những người khác, ánh sáng ấy sẽ công bố Tin Mừng cho muôn dân. Nhân dịp Đại Lễ này, Cha xin đặc biệt kính chúc các con – những người Được Thánh Hiến cho Thiên Chúa – ước chi đời sống của các con luôn luôn có được hương vị của sự tự do chiếu theo Tin Mừng, để nhờ đó Tin Mừng sẽ được sống, được làm chứng và được công bố thông qua đời sống của các con, và rực sáng lên với tư cách là Lời Chân Lý (xc. Thông Điệp Porta fidei, 6). Amen.

ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI

Minh Trần – CTV trang thông tin Giáo xứ Thánh Mẫu – chuyển ngữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét