Thứ Ba, 6 tháng 1, 2015

Diễn tiến cuộc Bầu Cử chức Thư Ký Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Thánh Mẫu

Diễn tiến cuộc Bầu Cử chức Thư Ký Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Thánh Mẫu
Theo truyền thống từ xa xưa, các chức vụ trong Ban Hành Giáo (hay cũng còn được gọi là Hội Đồng Mục Vụ) của Giáo họ, nay là Giáo xứ, thường được bầu vào dịp đầu năm Dương lịch, ngay sau Đại Lễ Quan Thầy kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa. Như vậy, các chức vụ trong Ban Hành Giáo cũng sẽ mãn nhiệm vào dịp này sau mỗi sáu năm (từ năm 1996 đổ về trước), và sau mỗi bốn năm (kể từ năm 1997 tới nay). Nói cách khác, Đại Lễ Quan Thầy kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa không chỉ là thời điểm bản lề theo thời gian, nhưng cũng còn là thời điểm bản lề của việc chuyển giao các chức vụ giữa Ban Hành Giáo tân và cựu. Đồng thời, đây cũng là thời gian để Ban Hành Giáo báo cáo về thu chi trong năm đã qua.


Sau Đại Lễ Quan Thầy năm nay, một số chức vụ trong Ban Hành Giáo cũng như trong các Hội Đoàn đã mãn nhiệm. Cụ thể như sau:

1.Thư Ký Hội Đồng Mục Vụ (ông Giu-se Trần Đăng Luyện);
2.Trưởng Hội Trống (ông Phê-rô Trần Tiến Lộ);
3.Trưởng Hội Nhạc Nhẹ (ông Vinh-sơn Trần Viết Toàn);
4.Thủ Kiệu (ông Gio-an Trần Thế Tiêu);
5.Bố Giới Trẻ (ông Vinh-sơn Trần Thế Thỉnh); và
6.Mẹ Giới Trẻ (bà Maria Trần Thị Chương).

Về vấn đề báo cáo tài chính: do bản báo cáo mới chỉ được đọc ngay trước Thánh Lễ của đêm Giao Thừa dịp Tết Nguyên Đán vừa rồi, nên trong dịp này Ban Hành Giáo sẽ báo cáo về tình hình tài chính của Giáo xứ trong cả hai năm (2013 và 2014).

Vì thế, vào ngày 02/01/2015 vừa qua, Giáo xứ Thánh Mẫu đã tổ chức một phiên họp khoáng đại để tiến hành hai nội dung nói trên với sự tham gia của hơn một trăm (100) vị đại biểu, phần lớn là nam giới, tại ngôi Thánh đường cũ.

Theo chương trình, cuộc họp sẽ khai mạc vào lúc 08g00 sáng. Tuy nhiên, vì Thánh Lễ Bế Mạc Đại Lễ Quan Thầy trước đó vừa mới kết thúc và sau đó mọi người phải về nhà dùng bữa sáng trước khi đến dự cuộc họp, nên cuộc họp này đã phải dời lại 30 phút so với kế hoạch.

Trước khi bước vào cuộc họp, tất cả các tham dự viên đã đứng lên, hướng về toà Chúa và Đức Mẹ để cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần: xin Người soi sáng cho cuộc họp, và nhất là soi sáng để có thể bầu chọn được những người xứng đáng nhất hầu có thể đảm nhận các công việc của Giáo xứ cũng như của các Hội Đoàn, thay cho những người đã mãn nhiệm.

Sau khi cầu nguyện, Cha xứ đã tuyên bố khai mạc cuộc họp và công bố nghị trình của buổi họp hôm nay. Trước hết, Ngài đã bày tỏ sự cám ơn của mình đối với những người tham dự cuộc họp này. Đồng thời, Ngài cũng không quên nhắc mọi người hãy tạ ơn Chúa và Đức Mẹ vì những ngày Đại Lễ vừa qua đã diễn ra hết sức tốt đẹp. Ngoài ra, Ngài cũng cám ơn các vị trong Ban Hành Giáo, các ông bà Trưởng hội, Trưởng Giáo xóm v.v…, vì đã nhiệt tình, và đã hết sức nỗ lực trong việc tổ chức những ngày Đại Lễ này. Tiếp đến, Ngài đã nhắc nhở các tham dự viên về tầm quan trọng của cuộc họp. Ngài nói: “Ở đây, quý vị đang là những đại diện cho toàn thể bà con trong Giáo xứ. Vì thế, chúng ta phải ý thức chuyện đó. Chúng ta phải cố gắng xây dựng Giáo xứ cho vững mạnh hơn, phải coi việc của Giáo xứ như việc của nhà mình, theo như tinh thần của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về việc tân Phúc Âm hóa đời sống Giáo xứ; hãy coi Giáo xứ như là nhà. Chúng ta ngồi lại với nhau để lo tinh thần chung. Hình ảnh này rất đẹp. Chúng ta bàn bạc, lắng nghe, bầu chọn người xứng đáng nhất, có nhiệt huyết nhất để làm việc cho nhà của chúng ta”. Sau đó, Cha xứ đã cám ơn về sự phục vụ tích cực của những người mãn nhiệm. Ngài nói rằng, khi Ngài “được sai về Giáo xứ, một mình sẽ chẳng làm nên được chuyện gì nếu không có Ban Hành Giáo, ban Phục vụ, và các Hội Đoàn v.v… Chúng ta càng nỗ lực, càng đan tay cộng tác thì ngôi nhà sẽ càng tốt”. Cuối cùng, Ngài xin Chúa chúc lành cho hội nghị, và Ngài cầu mong mọi người cùng cộng tác với nhau trong tinh thần trao hiến, cộng tác và nhất là loan báo Tin Mừng.

Trước khi dừng lời, Cha xứ còn đề cập đến vấn đề tài chánh, kinh tế của Giáo xứ. Ngài cho biết, theo quy chế mới, các Cha không được phép giữ tiền của Giáo xứ. Các Cha chỉ kiểm tra công việc thu chi hàng tháng cũng như đưa ra định hướng cho công việc này. Đồng thời Ngài cũng nhận xét về cách thức làm việc của Ban Hành Giáo đương nhiệm trong vấn đề tài chính. Ngài đánh giá rằng, “Ban Hành Giáo làm việc rất nhiệt tình và chuyên nghiệp; có bản thu chi chi tiết hàng tháng, và có cả bảng tổng hợp nữa”.

Vì bận công việc mục vụ khác, Cha xứ đã không thể tiếp tục chủ tọa cuộc họp này được, nên Ngài đã “nhường lại cho Ban Hành Giáo điều hành cuộc họp”.

Sau khi Cha xứ từ biệt, ông Chánh Thơ đứng lên nói lời chào kính các vị đại biểu, cám ơn ông Ký Luyện cũng như các ông bà Trưởng hội khác đã mãn khóa, vì đã hy sinh cả vật chất lẫn tinh thần, thời gian, sức lực, cũng như đã tận tâm phục vụ Giáo xứ trong suốt nhiệm kỳ của mình.

Sau nghi thức chào kính, ông Chánh Thơ đã đưa ra hai nội dung chính của cuộc họp hôm nay. Trước hết là việc bầu cử, ông nói: theo truyền thống thì hôm nay chúng ta chỉ bầu ba chức vụ thôi, đó là chức Thơ Ký Hội Đồng Giáo Xứ, và chức Bố – Mẹ Giới Trẻ, còn chức Trưởng các Hội Đoàn, thì các Hội Đoàn sẽ tự bầu trong nội bộ của Hội, và sau đó báo cáo lại với toàn Giáo xứ. Bên cạnh việc bầu cử, việc báo cáo tài chính cũng nằm trong nghị trình của cuộc họp hôm nay. Vì thế, ông Chánh Thơ đã đưa ra tiến trình của cuộc họp: tổ chức bầu cử trước rồi mới đến báo cáo tài chính.

Nhưng ông Cố Năng lại đề nghị báo cáo tài chính trước, rồi tổ chức bầu cử sau.

Và ông Nguyên Chánh Tuyên đã tán thành với đề nghị của ông Cố Năng.

Vì lời đề nghị trên, nên ông Phó Chánh Tịch đã yêu cầu ông Ký Luyện hãy đọc bản tổng kết. Bên cạnh đó ông cũng nói thêm rằng, việc thu nhập của Giáo xứ chỉ được thực hiện chủ yếu trong các ngày Chúa Nhật với việc đi xin tiền vợt trong các Thánh Lễ; nhưng việc chi ra thì rất nhiều. Ngoài ra ông còn nói rằng, đối với quan chức xã hội thì vì bổng lộc nên có sự tranh giành chức vị, “ghế thì ít, đít thì nhiều”, còn đối với các chức vị trong Giáo xứ thì lại đòi phải hy sinh, “cái mất thì thực còn cái được thì ảo”.

Ông Cố Tiến thì đề nghị: người phát biểu sau không nên lặp lại nội dung của các phát biểu trước, vì cuộc họp đã khai mạc muộn hơn nửa tiếng đồng hồ so với kế hoạch. Và ông nhấn mạnh rằng, việc báo cáo thu chi không quan trọng đối với ông, vì ông tin tưởng vào cách làm việc khoa học của Ban Hành Giáo. Do đó, theo ông, việc báo cáo tài chính nên để lại sau, và nên tổ chức bầu cử trước, vì ai đến đây cũng đều chú ý đến việc bầu bán, chứ không mấy ai bận tâm tới việc báo cáo tài chánh.

Ông Chánh Thơ cũng nhất trí với ý kiến của ông Cố Tiến, vì theo ông, việc báo cáo thu chi hàng tháng từ trước tới nay vẫn được thực hiện vào ngày mồng 05, trong khi hôm nay mới là mồng 02. Vì thế ông đề nghị hãy tiến hành việc bầu cử trước, nếu còn thời gian thì tiếp tục tiến hành việc báo cáo thu chi, bằng không thì để lại cuộc họp sau.

Mọi người đã đồng ý với ý kiến của ông Chánh Thơ: Tiến hành bầu cử trước.

Nhưng việc bầu cử hôm nay không phải chỉ được tiến hành cho một chức vụ, nhưng tới ba chức: Thư ký Hội Đồng Mục Vụ, Bố và Mẹ Giới Trẻ.

Ông Nguyên Quản Nhuận đề nghị tổ chức bầu chức vụ Thơ Ký Hội Đồng Mục Vụ trước.

Nhưng ông Nguyên Chánh Trương Tuyên lại phát biểu rằng: các Hội đoàn tự tìm và bầu người kế nhiệm rồi thông qua Giáo xứ. Đối với Hội Giới trẻ, nếu không tìm được người Trưởng Hội (Bố và Mẹ), thì Ban Hành Giáo sẽ chịu trách nhiệm tìm cho. Ngoài ra, ông còn đề nghị rằng, đối với những người vừa mãn nhiệm, hội nghị cũng cần đánh giá về công việc của họ để rút kinh nghiệm cho những người kế nhiệm. Theo đánh giá của ông, các vị vừa mãn nhiệm khóa vừa rồi đều đã làm việc với hết tinh thần trách nhiệm và với hết khả năng; những vị tân chức nên học hỏi, phát huy và kế thừa. Nhận xét về ông Ký Luyện, ông Nguyên Chánh Tuyên cho biết, mặc dù cũng bận rộn với công việc gia đình giống như hết thảy mọi người, nhưng ông Ký Luyện luôn luôn có mặt trong các công việc chính của Giáo xứ. Về Bố Mẹ Giới trẻ, ông Chánh Tuyên cũng đánh giá tốt về họ khi nhắc đến việc Đoàn Giới Trẻ của Giáo xứ đã đoạt được giải nhất trong một cuộc thi cấp Giáo phận. Sau đó ông Chánh Tuyên lại nói đến trách nhiệm và vai trò của người Thơ Ký. Theo ông, “làm cái này không có lợi lộc gì (về phương diện vật chất), nhưng phải hy sinh. Ông Ký là bộ mặt của Giáo xứ, là tiếng nói của Giáo xứ“. Tiếp đó ông Nguyên Chánh Tuyên nói rằng, việc bầu cử chức vụ Thơ Ký đã có quy chế. Cụ thể là bốn Giáo xóm phải tìm ra bốn ứng cử viên; Ban Hành Giáo cũng có thể giới thiệu ứng cử viên, vì ông Thơ Ký phải làm việc với Ban Hành Giáo. Ông lưu ý rằng, các Giáo xóm nên tìm người xứng đáng để đề cử. Và ông nhắc lại về quy chế của việc bầu cử rằng: trong trường hợp có hơn hai ứng cử viên cho chức vụ này, nhưng sau khi bỏ phiếu, mà không ứng cử viên nào đạt được số phiếu bầu quá bán thì phải tiến hành bỏ phiếu lại; hoặc nếu hai ứng cử có số phiếu cao nhất bằng nhau thì người nào lớn tuổi hơn, người đó trúng cử.

Ông Nguyên Trương Lạp không đồng ý với ý kiến của ông Chánh Tuyên về cách thức bầu cử. Ông nhấn mạnh rằng, nếu hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất, và bằng nhau về số phiếu, thì phải tiến hành bầu cử vòng tiếp, cho tới khi có được một người trúng cử với số phiếu cao hơn!

Ông Nguyên Chánh Việt đề nghị bầu cử thêm chức vụ Trưởng hội Gia đình phạt tạ trong cuộc họp này dù rằng vị Trưởng hội hiện tại sẽ chỉ mãn nhiệm vào tháng 5/2015. Theo ông, vì trong cuộc họp này có đông đủ đại diện của các gia đình trong Giáo xứ, chứ nếu để đến tháng 5 mới tổ chức bầu thì lúc đó sẽ không có nhiều người tham dự. Ông nêu ra quan ngại rằng, lúc đó có thể sẽ có việc rải truyền đơn, gây trở ngại cho việc bầu cử. Về bầu cử chức vụ Thơ Ký, ông có ý kiến rằng, nếu mỗi Giáo xóm đề cử một người thì rất nan giải; theo truyền thống của Giáo xứ, Ban Hành Giáo cũ sẽ giới thiệu một vị ứng cử. Nếu Ban Hành Giáo đương nhiệm đồng ý thì Giáo xứ sẽ biểu quyết. Vì thế, ông nói, “tôi mạnh dạn giới thiệu ông Chỉnh” vì ông Chỉnh “trung thực, có năng lực, trẻ trung và nhiệt thành”.

Ông Cố Năng đề nghị ông Chỉnh đưa ra ý kiến và thúc ông Chỉnh: “nếu nhận thì có ký kiến!”.

Ông Chánh Thơ nói rằng, “Ban Phạt tạ chưa có đơn (xin từ chức của ông Trưởng) và chưa hết nhiệm kỳ, vì thế khi nào hết nhiệm kỳ thì mới bầu”. Sau đó ông nói về việc bầu cử: nếu có một ứng cử viên thì hội nghị sẽ đưa ra biểu quyết; nếu có hai người trở lên thì tiến hành bầu cử với việc bỏ phiếu kín; Ban Hành Giáo không đưa ra ứng cử viên nào.

Ông Phó Chánh Tịch: Giáo xứ chỉ bầu ban thường trực (gồm bốn vị trí) và Bố-Mẹ Giới trẻ, vì thế Giáo xứ không tổ chức bầu cử chức Trưởng Gia Đình Phạt Tạ.

Ông Trưởng Tuyền cho biết, “Giáo xóm (Phê-rô) đã tổ chức họp toàn Giáo xóm; mọi người trong Giáo xóm đều đồng thuận đề cử ông Chỉnh ra giúp Giáo xứ”.
Ông Quản Đạt gợi ý nên đưa thêm ứng cử viên.

Ông Trưởng Chất hỏi rằng, người thuộc Giáo xóm của ông đến định cư ở Giáo xóm khác, thì Giáo xóm của ông có được đề cử người đó không. Nếu được, thì ông Trưởng Chất đề cử ông Nhu.

Ông Nguyên Chánh Tuyên nói rằng, “có quyền giới thiệu”.

Ông Trưởng Ninh nói: “Giáo xóm Thánh Gia giới thiệu ông Nhu”.

Ông Hinh: “Xóm Martin có dự kiến đưa tôi ra, nhưng tôi xin rút lui”.

Ông Phó Chánh Tịch đề nghị hai ứng cử viên, tức ông Chỉnh và ông Nhu có ý kiến. Tuy nhiên, trước khi hai ông này có ý kiến thì ông phó Chánh Tịch đã thêm rằng, “ông Chỉnh có đủ tư cách, có thể phục vụ (Giáo xứ) được”.

Ông Trương Lộ đề nghị ông Phó Chánh Tịch cho “biết rõ thế nào là đủ tư cách để làm được”.

Ông Cố Tiến tự nhận xét về mình rằng, ông chỉ là người nhỏ bé, hèn hạ trong Giáo xứ. Ông cho biết thêm ông là bố của ứng cử viên Chỉnh. Chính vì thế – ông cho biết - ông mới nêu ra ý kiến sau: trước khi cuộc họp này diễn ra và thậm chí ngay từ năm ngoái, có “nhiều bác, nhiều anh có thiện chí đến gặp tôi và nói với tôi rằng, hãy bảo cháu Chỉnh tham gia đóng góp (một chức vụ) với Giáo xứ. Tôi cám ơn. Tôi bảo cháu: nếu làm đội trưởng thì đừng, còn công việc thuộc  tôn giáo thì phải cân nhắc, cầu nguyện, phải làm theo tinh thần Phúc Âm, như Chúa Giê-su quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Tôi ở bên ngoài (cuộc họp) đã thấy bà con Giáo xóm Thánh Phê-rô giới thiệu cháu Chỉnh; ở trong cuộc họp này ông Việt lại cũng xót thương đưa cháu ra…”

Khi ông Cố Tiến nói tới đây, có người đã yêu cầu ông Cố Tiến thôi không phát biểu nữa để tập trung vào ý chính. Nhưng ông cố Tiến trả lời rằng, cứ để ông ấy nói, “tôi nói không thừa đâu”. Rồi ông nói tiếp. Những lời sau đó của ông Cố Tiến khá dài, đại để ông khuyên ông Chỉnh hãy rút lui để “nhường” lại cho ông Nhu…

Ông Cố Năng nói rằng, “chúng ta chỉ có hai vị thôi, không biết hai vị có làm không? Nếu hai ông nhận cả thì có ý kiến để Giáo xứ có kế sách bầu”.

Ông Nguyên Thủ Tấn: “Nếu nói về hai anh Chỉnh và Nhu thì cả hai ông đều có tinh thần, điều này thật tốt quá”. Sau đó ông Thủ Tấn đề nghị tiến hành bỏ phiếu cho hai ứng cử viên này.

Ông Nguyên Chánh Tuyên nói rằng, ý kiến của ông Cố Tiến là ý kiến mang tính cá nhân. Theo ông Tuyên, điều quan trọng nhất là người làm Thơ Ký có nhiệt tình hay không. Nói về việc thảo luận và bầu cử trong cuộc họp, ông Tuyên nhận xét rằng: “cuộc họp mà không có ý ngang ý dọc là cuộc họp giả tạo, việc bầu bán cũng vậy”. Ông Tuyên nói tiếp, “phải xác định được ai là người đủ tư cách ai là người đủ đạo đức; vì Giáo hội và xã hội ngày nay đòi hỏi (người làm việc) phải có năng lực. Ông Ký ít nhất phải viết được văn bản”. Theo ông Tuyên, cả hai ứng cử viên này đều xứng đáng, và ông lập lại rằng, trong một cuộc bầu cử “chỉ có một người ứng cử là không tốt”. Và ông bổ sung: “theo quy chế mới, nếu ông Chỉnh rút thì phải tìm một ứng cử viên khác thay thế”.

Ông Nguyên Bạ Bản nói rằng, lúc này không cần phải hỏi ý kiến ứng cử viên nào, mà tiến hành bỏ phiếu ngay.

Ông Nguyên Trưởng Cương đề nghị: ứng cử viên (ông Nhu và ông Chỉnh) nào nhất trí làm, nên có ý kiến phát biểu trước hội nghị.

Ông Chánh Thơ nói rằng, các ứng cử viên có đồng ý thì người ta mới tiến cử, vì thế không cần phải hỏi ứng cử viên có đồng ý làm (Thơ Ký) hay không. Về vấn đề bỏ phiếu, ông cho biết: “Việc bầu cử sẽ được tiến hành bằng cách bỏ phiếu kín. Sở dĩ chúng ta cần phải bỏ phiếu kín, là vì, đây là cách thức mà Giáo hội vẫn thực hiện từ xưa tới nay, và bây giờ, xã hội văn minh đang học theo cách làm này của Giáo hội”.

Ông Nguyên Chánh Việt đánh giá rằng, cả hai ứng cử viên (ông Nhu và ông Chỉnh) đều xứng đáng. Ông đề nghị hai ứng cử viên cứ vui lòng để Giáo xứ bỏ phiếu. Và ông còn đưa ra đề xuất rằng, “nếu ai nhiều phiếu thì làm khóa này, nếu ai ít phiếu hơn thì làm khóa sau”.

Ông Nguyên Trương Lạp không tán thành với ý kiến trên của ông Việt. “Khóa nào đứt khóa đấy” - ông Lạp nói.

Ông Nguyên Chánh Tuyên tiếp thu ý kiến ông Lạp khi nói: “Chúng ta không hứa hẹn điều gì!”

Sau khi vấn đề đã ngã ngũ, ông Ký Luyện thông báo thành lập hội đồng bầu cử.

Ông Nguyên Chánh Tuyên cho biết: “Với sự hiện diện của 60% số người trong Giáo xứ, chúng ta có thể tiến hành bỏ phiếu. Mỗi gia đình chỉ đại diện một phiếu (có nghĩa là bầu phiếu theo thể thức trung phán ước)”.

Ông Kiêm phát biểu rằng, theo đánh giá của ông thì cả hai ứng cử viên đều có thể làm tốt chức vụ Thơ Ký. Và khi bình luận về ý kiến của ông Cố Tiến ở trên, ông Kiêm nói rằng, “đây là việc của Giáo xứ, của tập thể, nên không được dùng từ “nhường”. Và ông nói thêm, hai ứng cử viên “không có phản ứng gì, có nghĩa là đã chấp nhận”.

Ông Nguyên Chánh Tuyên lại nói tiếp về quy chế về bỏ phiếu. Theo quy chế - ông Tuyên - nếu bỏ phiếu lần hai và cả hai ứng cử viên có số phiếu bằng nhau thì người lớn tuổi sẽ đắc cử. Trong trường hợp cả hai ứng cử có số phiếu thấp hơn 50% thì phải bỏ phiếu lại. Nếu trong một cuộc bầu cử chỉ có một ứng cử viên, thì cũng phải tiến hành bỏ phiếu. Việc bỏ phiếu trong trường hợp này là mang tính lấy phiếu tín nhiệm.

Ông Cố Năng  lại cố đề nghị thêm một lần nữa rằng, trong lúc hội đồng bầu cử đang chuẩn bị phiếu thì Ban Hành Giáo hãy báo cáo tài chính.

Ông Tuyên đọc quy chế về chức năng, nhiệm vụ của chức vụ Thơ Ký.

Sau đó ông Ký Luyện đã đọc báo cáo tài chính của cà hai năm 2013 và 2014 cho toàn thể hội nghị nghe.

Sau khi đọc báo cáo tài chính trong hai năm qua, ông Ký Luyện có đề cập đến việc những người dâng cúng cho Giáo xứ đã được ghi danh trong sổ vàng của Giáo xứ. Mà một trong những điều nổi bật nhất trong việc dâng cúng cho Giáo xứ là việc Cha Galgano Trần Minh Hiện (con trai út ông Cố Năng) đã dâng cúng cho Giáo xứ một cây đàn Organ có giá trị rất lớn.

Ông Cố Năng hỏi rằng, những người dâng cúng trong Giáo xóm có được ghi trong bảng vàng của Giáo xứ không?

Ông Ký Luyện trả lời: người dâng chúng trong các Giáo xóm không được ghi trong sổ vàng của Giáo xứ vì đã có sổ vàng của các Giáo xóm như xóm Phê-rô hiện nay đang làm.

Ông Chánh Thơ nói rằng, trong vấn đề báo cáo tài chính mà có thiếu sót gì về các gia đình dâng cúng thì xin báo lại cho Ban Hành Giáo để bổ sung, sửa đổi.

Ông Nguyên Chánh Việt nói, ông hoàn toàn tin tưởng (vào Ban Hành Giáo) và nếu có nhầm lẫn gì thì đã có Chúa và Đức Mẹ. Ngoài ra ông còn đề nghị xây một bia đá. Theo ông, việc xây một bia đá đãng lẽ đã được thực hiện khi xây xong nhà thờ. Nhưng vì còn thiếu 42 gia đình chưa đóng góp như quy định nên việc xây này chưa thực hiện được.

Ông Nguyên Chánh Tuyên đề nghị các viên chức chưa đóng lệ viên chức thì xin đóng. Đối với tiền đóng góp làm hàng rào cũng vậy, ai chưa đóng thì xin đóng. Khi nhận xét về ngày Đại Lễ vừa qua, ông nói rằng, Đại Lễ vừa qua đã diễn ra rất tốt đẹp, long trọng. Điều này là nhờ có sự nỗ lực làm việc của Ban Hành Giáo, các Giáo khu. Tuy nhiên, theo ông Tuyên, vẫn có một số sai sót cần lưu ý khắc phục cho các dịp Lễ sau, cụ thể như việc cắt cử những người cầm phương du trong lúc cung nghinh Thánh Thể. Ông đề nghị, sang năm nên để những vị làm thừa tác viên cầm phương du.

Ông Nguyên Quản Nguyên và Nguyên Quản Khang giải thích tại sao dịp lễ vừa rồi các cụ Nam Quan không cầm phương du nữa.

Cũng nhận xét về Đại Lễ vừa rồi, ông Cố Năng đề nghị Ban Hành Giáo cắt cử một vị túc trực trong nhà thờ để sắp xếp chỗ ngồi cho các Hội Đoàn khi đoàn rước tiến vào trong nhà thờ.

Ông Chánh Thơ cám ơn sự nhắc nhở của các vị đại biểu và hứa sẽ tiếp thu cũng như sẽ xem xét để thực hiện. Đồng thời ông cũng đề nghị rằng, những dịp Lễ lớn như vừa qua cần rất nhiều nhân lực, nên các anh em đi làm xa nên về trước khoảng 5 ngày.

Nói về vấn đề làm bia đá, ông Nguyên Chánh Tuyên có ý kiến rằng, cần phải bàn bạc xem có nhất thiết phải làm bia đá hay không, và nếu làm thì làm như thế nào, ai đóng góp từ mức độ nào thì được ghi trong bia đá.

Đến đây công tác chuẩn bị phiếu và hòm phiếu đã xong. Mọi người ra hết ngoài sân trừ những người trong hội đồng bỏ phiếu. Trước khi bỏ phiếu ông Chánh Thơ cầm thùng phiếu mang ra trước sân nhà thờ cho mọi người xem để xác nhận rằng thùng phiếu trống rỗng. Đúng 11g00 cuộc bỏ phiếu bắt đầu. Ông Trưởng Căn được chỉ định coi hòm phiếu. Ông Qũy Trương phát phiếu cho mọi người. Ông Thơ Ký Luyện ghi tên người nhận phiếu ngay tại cửa ra vào. Mọi người lần lượt xếp hàng vào nhận phiếu. Sau khi mọi người hiện diện đã nhận phiếu, người ta cầm phiếu và xếp hàng đi đến bàn có đặt sẵn bút ở góc phòng họp để gạch tên ứng viên mà người ta không muốn bầu, sau đó đi đến hòm phiếu được đặt ở giữa phòng họp để bỏ phiếu vào đó. Khi đã bỏ phiếu xong, người ta lại đi ra ngoài bằng một cửa khác (cửa buồng áo của nhà thờ cũ).

Tổng số phiếu phát ra là 89 phiếu tương ứng với 89 vị đại biểu cử tri. Mỗi gia đình chỉ có một phiếu vì thế những gia đình nào có hơn hai người đi họp thì cũng chỉ được nhận có một phiếu. Riêng ông Chánh Thơ thì không bỏ phiếu.

Sau khi mọi người bỏ phiếu xong, bốn vị trưởng Giáo xóm được cử làm người kiểm phiếu. Ông Trưởng Chất được chỉ định ghi số phiếu trúng của hai ứng cử trên hai cách cửa của một chiếc tủ được đặt ở cuối phòng họp. Cánh bên phải được ghi số phiếu của ông Chỉnh, và cánh bên trái được ghi số phiếu của ông Nhu. Ông Trưởng Căn nhặt phiếu và xướng tên ứng cử viên được bầu trong lá phiếu. Ông Trưởng Tuyền kiểm tra và đọc lại thông qua microphone. Ông Trưởng Tinh hỗ trợ. Trong lúc này các vị đại biểu đã trở lại phòng họp. Mọi con mắt đều đổ dồn về bàn kiểm phiếu.

Đúng 11g20 việc kiểm phiếu hoàn tất. Trong tổng số 89 phiếu, có 4 phiếu hoặc không hợp lệ hoặc để phiếu trắng.

Kết quả kiểm phiếu: ông Chỉnh đạt được 54 phiếu (chiếm 63,53%), và ông Nhu đạt 31 phiếu (chiếm 36,47%).

Khi việc kiểm phiếu kết thúc, ông Ký Luyện đã tuyên bố ông Chỉnh đắc cử.

Ông nguyên Chánh Tuyên đề nghị ông Chỉnh cho ý kiến.

Ông Chỉnh đã cám ơn mọi người vì đã tín nhiệm ông. Ông cho biết rằng, ông rất bất ngờ trước kết quả này! Đồng thời ông xin mọi người hãy tiếp tục giúp đỡ ông để ông hoàn thành trọng trách mà ông vừa được ủy thác (chúng tôi sẽ đăng tải video toàn bộ bài phát biểu ngay sau khi đắc cử của ông Tân Thư Ký Chỉnh sau).

Ông Chỉnh dứt lời, ông nguyên Chánh Tuyên lại phát biểu tiếp. Ông đề nghị ông Thư Ký tân cử hãy chu toàn trách vụ của mình một cách tận tình bao nhiêu có thể. Ông cũng để nghị ông Nhu – người vừa thất cử - không nên bỏ cuộc về việc này. Ông khuyên ông Nhu hãy tìm các cơ hội khác để tham gia phục vụ Giáo xứ. Theo ông Tuyên, ông Nhu cũng được nhiều người tín nhiệm chứ không phải ít, nhưng công việc thì chỉ được trao cho một người thôi!

Sau đó mọi người chuyển sang mục bầu Bố - Mẹ cho Đoàn Giới Trẻ.

Về Chức vụ Bố Giới trẻ: ông Từ đề cử ông Nghĩa.

Về Mẹ Giới trẻ: bà Phần Riêng đề cử bà Thủy (Kết).

Vì cả hai người được đề cử trên đều không có mặt trong cuộc họp hôm nay, nên ông Tuyên đề nghị Ban Hành Giáo liên hệ với hai ứng cử viên này, và Giáo xứ sẽ thông qua sau.

Giáo xứ cũng đồng ý thông qua việc đắc cử của Các ông tân trưởng của các Hội Đoàn đã được bầu trong nội bộ của các Hội. Cụ thể như sau:

Ông Trần Thế Vượng – Thủ Kiệu;
Ông Trần Viết Oánh – Trương Hội Trống;
Ông Trần Viết Khoa – Trương Hội Nhạc Nhẹ.

Hội nghị kết thúc vào lúc 11g30 cùng ngày. Ông Ký Luyện đã lập biên bản, và hầu hết mọi người tham dự đã ký tên trong biên bản này.

Sau đây là Video cuộc bầu cử chức Thư Ký Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Thánh Mẫu

BBT.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét