Thứ Tư, 10 tháng 6, 2015

Bài giảng của Cha xứ Đa-minh Phan Duy Hán trong Đại Lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô

Bài giảng của Cha xứ Đa-minh Phan Duy Hán trong Đại Lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Hôm nay chúng ta cùng với Giáo hội mừng lễ trọng thể kính Mình Máu Thánh Chúa Ky-tô cũng gọi là lễ Mình Thánh. Đây là ngày Lễ tôn vinh Phép Bí Tích cao trọng hơn hết trong bảy Bí Tích Chúa Giê-su thiết lập. Vì qua Bí Tích này, sự hiện diện thật sự và toàn vẹn của Chúa Giê-su trong hình bánh hình rượu làm của ăn thiêng liêng nuôi dưỡng chúng ta, trở nên tâm điểm và chóp đỉnh của đời sống tín hữu và đời sống Giáo hội, đồng thời cũng kéo dài sự hiện diện yêu thương của Đức Giê-su giữa nhân loại, giữa các môn đệ như Người đã hứa: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.

Các bài đọc sách Thánh chúng ta vừa mới nghe, trước hết là bài sách về việc ông Môi-sen ký kết giao ước và lập giao ước với dân Chúa. Chúng ta nghe trong bài đọc thứ nhất, sách Xuất Hành, đây là đoạn sách tiêu biểu việc Chúa thiết lập giao ước. Ở đó chúng ta thấy có một bầu không khí trang nghiêm và có một nghi thức kết ước thật long trọng. Ở đó máu của con chiên được sẻ ra và rảy trên dân chúng như một sự cam kết về sự sống sẽ được thiết lập bởi tương quan giao ước. Từ ngữ đẹp nhất của Kinh Thánh được nói tới nhiều lần là “giao ước”. Giao ước cũ Thiên Chúa thiết lập giữa Thiên Chúa với dân được tuyển chọn là dân Is-ra-en. Để rồi hình thức kết ước bằng máu con chiên được rảy lên để nhắc cho người ta về tương quan, về mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân của Người. Ta là Chúa của ngươi còn ngươi là dân của Ta. Từ ngữ giao ước vì vậy mà vượt lên khỏi trật tự pháp lý. Nghĩa là sự cam kết giữa bên A và bên B. Nhưng đưa người ta vào trong tương quan sống động của một Thiên Chúa là chủ còn một dân là dân giao ước của Thiên Chúa. Và từ nay họ phải sống cam kết ấy với dấu chỉ của sự trung tín mà máu con chiên được sẻ ra làm một sự kết ước.

Chúa Giê-su khi thiết lập phép Thánh Thể hôm trước ngày chịu nạn nhằm ngày lễ vượt qua. Hình ảnh của giao ước cũ của máu con chiên nay được cụ thể hóa, hiện thực hóa trong máu giao ước mới mà chủ tế là Chúa Giê-su, bàn thờ là chính Người và là con Chiên vẹn sạch tinh tuyền của giao ước mới, cũng là chính Chúa Giê-su. Người là chủ tế, là bàn thờ và là con chiên vẹn sạch. Máu của Người đổ ra vì lòng yêu mến, vì vâng phục thánh ý Thiên Chúa mà yêu thương nhân loại tội lỗi, nay rửa sạch, nay thanh tẩy nhân loại khỏi ảnh hưởng của tội lỗi. Máu Chúa Giê-su thiết lập một dân mới, là dân của Thiên Chúa, không còn giới hạn trong cộng đồng con cái Is-ra-en, nhưng mở rộng ra cho những kẻ tin và cho toàn thế giới.

Chúng ta nghe bối cảnh của bài phúc âm. Đó là bữa tiệc mà Chúa sẽ thiết lập phép Thánh Thể và liền sau đó là cuộc khổ nạn của Người. Cá môn đệ hiểu được ý nghĩa của Lời Chúa nói và xác tín điều Chúa truyền lại là phép thánh thể thánh và chính Mình Máu Thánh Người sẽ trao ban và thiết lập một dân giao ước muôn đời.

Mỗi lần chúng ta cử hành Thánh Lễ, lắng nghe Lời Chúa, cử hành phép Thánh Thể và dấu chỉ từ Chúa Giê-su thiết lập với bánh miến và rượu nho với lời của Chúa Giê-su và với lời của sự hiện tại hóa của Thánh Thần Thiên Chúa, chúng ta được sống lại giao ước thánh mà Chúa đã thiết lập cho chúng ta.

Giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với nhân loại trong Máu Thánh Chúa Giê-su Ky-tô để mỗi lần Thánh Phao-lô nói anh em ăn thịt và Mình và Máu Thánh Chúa qua phép Thánh Thể, anh em loan truyền Chúa chịu chết và sống lại cho đến khi Chúa lại đến. Giao ước Thánh Thể mà Chúa thiết lập cho chúng ta trở thành giao ước của cuộc đời chúng ta, trở thành giao ước của ngày sống. Vì thế, Thánh Lễ, nơi chúng ta cử thành phép Thánh Thể trở thành nguồn an ủi cho tất cả cuộc sống chúng ta đầy những thử thách, những gian nan để chúng ta biết rằng nhờ đó chúng ta sống hy tế Thánh Thể để được cứu chuộc trong máu châu báu của Chúa Giê-su và hiến tế cứu độ của Người, để chúng ta được tình yêu Chúa Ky-tô nung nấu chúng ta.

Qua cử hành Thánh Lễ và cử hành phép Thánh Thể chúng ta cũng sống Bí tích ấy trong cuộc đời của chúng ta, thực thi bổn phận của dân giao ước mới. Giống như Môi-sen ngày xưa cam kết lập với dân của Chúa và cử hành một nghi lễ trang trọng, có kết ước bằng máu con chiên, người ta tung hô mọi điều Đức Chúa phán, chúng tôi xin làm theo, thì nay khi cử hành Thánh Lễ, cử hành phép Thánh Thể, cử hành Thánh Lễ trong hy tế và Thánh Lễ cuộc đời là Thánh Lễ nối dài. Chúng ta cũng có bổn phận thi hành giao ước mới trong sự trung tín lề luật Thiên Chúa, trong việc thực thi đức yêu thương mà tất cả được mô phỏng bởi chính giao ước của phép Thánh Thể nơi đó Chúa Giê-su là tấm bánh trao ban, là hy tế cứu độ, Máu Thánh Người đổ ra vì nhân loại. Hình ảnh Thánh Thể và mầu nhiệm Thánh Thể đó trở thành gương mẫu cho đời sống của chúng ta. Khi sống phép Thánh Thể trong đời sống của mình, chúng ta có trách nhiệm, bổn phận thực thi giao ước mới của Chúa Ky-tô trong việc trung tín với lề luật của Thiên Chúa, trung tín thực thi đức yêu thương mà Chúa truyền lại cho chúng ta.

Chúng ta phải tự hào về phép Mình Thánh. Chúng ta phải luôn luôn thanh tẩy lòng trí chúng ta trong cái nhìn của Dức Tin tinh tuyền bởi vì phép Thánh Thể là màu nhiệm Dức Tin. Từ chủ tế cho đến dân của Chúa khi cử hành phép Thánh Thể này, chúng ta không dừng lại ở những ý nghĩa hời hợt chóng qua, nhưng phải sống một Dức Tin chân thật, một Dức Tin phát xuất từ Lời Thiên Chúa, tin và xác tín sự hiện diện thực sự và trọn vẹn của Chúa Giê-su trong phép Thánh Thể và đón rước Chúa cũng như cử hành phép Thánh Thể và đón rước mình máu Thánh Chúa với niềm tin sống động và toàn vẹn về sự hiện diện của Chúa, đồng thời chúng ta không ngừng nhắc nhớ việc thực thi phép Thánh Thể trong đời sống giáo hội như là chóp đỉnh của mọi sinh hoạt giáo hội cũng như là đỉnh cao hy tế cứu độ trong cuộc đời Ky-tô hữu của chúng ta. Đồng thời, sau Thánh Lễ là cuộc đời nối dài. Thánh Lễ nối dài trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta sẽ cam kết sống tư cách của dân giao ước mới, trung tín trong việc thực thi bổn phận của đời sống Ky-tô hữu chúng ta, gắn bó với phép Thánh Thể trong lòng yêu mến và sống yêu thương là hy tế Thánh Thể kéo dài trong cuộc đời của chúng ta.

Xin cho ngày lễ này nhắc nhớ chúng ta về niềm tin Thánh Thể, về hy tế Thánh Thể và đời sống Thánh Thể của mỗi người chúng ta trong giáo hội và trong thế giới hôm nay. Amen

Lm Đa-minh Phan Duy Hán

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét