Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

Bài Giảng của Cha Giu-se Nguyễn Ngọc Hưng trong Thánh Lễ tạ ơn hồng ân vĩnh khấn của Nữ Tu Tê-rê-sa Trần Thị Thanh Chuyền

Bài Giảng của Cha Giu-se Nguyễn Ngọc Hưng trong Thánh Lễ tạ ơn hồng ân vĩnh khấn của Nữ Tu Tê-rê-sa Trần Thị Thanh Chuyền

Kính thưa Cha xứ Vinh-sơn, quý Thầy, quý Dì, quý Ông Bà Cố, quý Chức, quý Khách và toàn thể Cộng Đoàn thân mến,

Khi nhận được tấm thiệp mời của gia đình ông bà Cố Nguyện và Dì Chuyền, con đọc được câu này ngay từ trang đầu: “Ơn gọi của con chính là tình yêu”. “Ơn gọi của con chính là tình yêu”. Đây là câu nói của Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su.

Như đầu Lễ Cha xứ vừa nêu: niềm vui nối tiếp niềm vui. Chúng ta đang ở trong ngày đầu xuân Bính Thân. Hôm nay là ngày mồng 04 Tết, chúng ta cùng nhau quy tụ về đây dâng Thánh Lễ Tạ ơn Chúa vì hồng ân Thánh hiến trọn đời của nữ tu Tê-rê-sa Trần Thanh Chuyền – người con yêu quý của ông bà Cố Giu-se – Tê-rê-sa Trần Tiến Nguyện, người con thân yêu của Giáo xứ Thánh Mẫu quê hương.

Trước khi đi vào chia sẻ đôi điều, nhân dịp đầu năm mới và Thánh Lễ Tạ ơn đây, con xin được chúc mừng năm mới tới Cha xứ, quý Chức Hội Đồng Mục vụ Giáo xứ cũng như là quý Tu sĩ Nam Nữ và quý Ông Bà và Anh Chị Em năm mới an khang, thịnh vượng, thánh đức và tràn đầy phúc lộc của Chúa xuân. Xin chúc mừng Cộng đoàn tràng pháo tay.

Vâng, cách đây khoảng hơn một tuần, hơn một tuần thôi, túc ngày mồng 02 tháng 02 vừa qua, tại nhà thờ Quần Cống xứ mẹ, con cũng đã được hân hạnh giảng Lễ Tạ ơn của nữ tu Tê-rê-sa Phạm Thị Nhường thuộc Hội dòng Bác Ái Truyền giáo. Hôm nay ngày 11 tháng 02 năm 2016, nhằm ngày Lễ Đức Mẹ Lộ Đức, cũng là ngày mồng 04 Tết Bính Thân, con lại được mời giảng Lễ Tạ ơn mừng hồng ân vĩnh khấn của nữ tu quê hương Thánh Mẫu. Nữ tu mới khấn trọn đời trong Hội dòng Đa-minh Lạng Sơn vào ngày 08 tháng 08 năm 2015 vừa qua.

Trong ngày hồng phúc này, con xin được chia sẻ ba ý:

Ý thứ nhất nói về ơn gọi, ơn gọi tín hữu. Không biết có phải trong thực tế Giáo hội đã đề cao hơi quá đáng ơn gọi Linh mục và Tu sĩ hay không, nhưng chắc chắn Giáo hội vẫn dậy rằng, ngoài hai ơn gọi Tu sĩ, Linh mục còn có một ơn gọi căn bản hơn, có thể nói quan trọng hơn bởi vì nếu không có nó sẽ chẳng bao giờ có Linh mục và Tu sĩ. Đó là ơn gọi làm con cái Thiên Chúa, làm môn đệ Chúa Ky-tô. Dù là Giáo hoàng, Giám mục hay Linh mục, Tu sĩ thì trước tiên phải là người Ky-tô hữu đã. Ơn gọi Ky-tô hữu là ơn gọi căn bản. Đó là ơn gọi căn bản chung cho mọi người trong Giáo hội, đều bình đẳng với nhau, đều có phẩm giá ngang nhau. Ngày xưa Thánh Au-gút-ti-nô đã nói với con chiên của ngài: để phục vụ anh chị em tôi là Giám mục, nhưng cùng với anh chị em tôi là Ky-tô hữu, tôi là môn đệ của Chúa cùng với anh chị em, là tội nhân cùng với anh chị em, đấm ngực ăn năn cùng với anh chị em. Thánh Au-gút-ti-nô nhấn mạnh những điểm giống nhau căn bản giữa ngài và chủ chăn và các con chiên của ngài.

Vậy thì ơn gọi của Nữ tu Tê-rê-sa hay của chính tôi đây khác với ơn gọi chung của chúng ta, khác với ơn gọi chung của chúng ta, thưa ở chỗ chúng tôi nhắm cùng một mục đích như mọi người đã chịu phép rửa tội, nhưng theo một cách rõ ràng hơn, trực tiếp và tỉ mỉ hơn với những phương tiện và điều kiện thuận lợi hơn. Đó là luật lệ của dòng tu, đời sống chung trong cộng đoàn, nhất là qua lời khấn khó nghèo, độc thân, khiết tịnh và vâng lời theo gương Chúa Ky-tô.

Chúng ta vừa nghe bài Phúc âm về người thanh niên giầu có. Anh ta là một tín hữu tốt lành, đã tuân giữ đúng mọi điều răn của Chúa, không tham lam, không trộm cắp, không ngoại tình, không làm chứng gian, luôn thảo kính cha mẹ, yêu thương mọi người như chính mình. Anh ta hỏi Chúa Giê-su, anh ta phải làm gì nếu muốn nên hoàn thiện. Chúa bảo: anh hãy về bán hết của cải mà phân phát cho người nghèo rồi đến đây theo tôi. Nghe nói thế anh ta sa sầm nét mặt, buồn rầu bỏ đi vì anh ta quá giầu. Dứt bỏ bấy nhiêu tài sản để đi theo ông Giê-su này phải chăng là quá liều lĩnh, là thả mồi bắt bóng chăng?

Đi theo tiếng Chúa gọi luôn luôn phải là một sự từ bỏ, luôn luôn là một sự liều lĩnh. Còn tu sĩ chúng tôi ngày nay nói chung không có của cải gì nhiều để từ bỏ như Abraham và anh chàng thanh niên kia. May lắm là một căn nhà, ít nhiều ruộng đất, một vài cây vàng. Nhưng có ba thứ, có ba thứ của mà chúng tôi rất giầu, giống như bất cứ ai trên đời đó là quyền sở hữu của cải, quyền tự do định đoạt cuộc đời mình, và tình yêu đôi lứa cùng với quyền sống hạnh phúc trong bậc hôn nhân.

Người tu sĩ từ bỏ không những tội lỗi và ba thù như người ta quen nói, nhưng qua ba lời khấn dòng họ còn dâng lên cho Chúa cả ba quyền tự nhiên căn bản nhất của mình để được đi theo Chúa sát gót hơn, thuộc về Chúa cách triệt để hơn và để có thể thi hành Thánh ý Chúa cách tự do hơn, thanh thoát hơn. Người tu sĩ khấn dòng là muốn nhận Chúa làm gia nghiệp mình, là tuyệt đối cho mình.

Chắc hẳn có người sẽ hỏi làm sao một con người như mọi người, có máu đỏ da vàng như bất cứ ai, lại dám liều lĩnh cam kết sống một cuộc đời Ky-tô hữu vốn đã khó khăn lắm rồi. Qủa thực người tu sĩ phải nhắc lại, người tu sĩ chẳng phải đã thần thánh đâu. Có người giáo dân tốt lành, đạo đức hơn các linh mục, tu sĩ, đạo đức hơn chúng tôi. Người ta đi tu không hẳn vì họ hơn ai, nhưng vì Chúa đã thương gọi họ bất chấp mọi yếu hèn của họ và họ cậy trông vào ơn Chúa giúp đỡ, cố gắng chiến đấu hằng ngày, trung thành với ơn Chúa kêu gọi.

Có một Linh mục kể truyện: lần kia ngài đã tĩnh tâm cho một cộng đoàn nữ tu, cuối tuần phòng có lễ khấn, sau lễ trong bữa tiệc, ngài vui miệng nói với cộng đoàn, thưa các chị lúc nãy tôi nghe các chị hát một bài trong đó có câu, đại ý nói, nếu Chúa biết con mai này sẽ phản bội, thì xin cho con chết dưới chân bàn thờ này ngay bây giờ. Nghe hát, tôi giợn cả người lên, cứ sợ Chúa nhận lời thì chúng ta sẽ đi toi. Tôi sẽ chết trước và các chị chắc cũng sẽ chết theo sau.

Nếu nói là tu sĩ không bao giờ làm gì nghịch lại ơn gọi của đời tu, đặc biệt là của lời khấn, thì chắc khó có thể có được. Họ có khá lắm thì như các Thánh Tông đồ xưa vậy. Lắm lần các ngài yếu đuối, hèn nhát, làm trái ý, thậm chí có kẻ còn chối Chúa nữa, nhưng dù sao đó chỉ vì do các ngài yếu đuối, chứ không phải cố tình và biết năn năn sám hối để rồi cứ bám chắc vào Chúa mà đi theo đến cùng: thưa Thầy, chúng con bỏ Thầy thì biết đi theo ai, chỉ có Thầy mới có những lời làm cho chúng con được sống đời đời.

Kính thưa quý Tu sĩ Nam Nữ, quý Khách và Cộng đoàn,

Nghi thức khấn dòng của các nữ tu cũng có những điểm gần giống như một lễ hôn phối, cũng nói tới tình yêu, cũng có việc trao nhẫn. Trong lễ cưới có trao nhẫn. Lễ khấn dòng, lễ khấn trọn đời cũng có trao nhẫn và lời cam kết trung tín với bạn trăm năm của mình. Có điều bạn trăm năm ở đây chính là Chúa Giê-su Ky-tô. Và cũng như trong lễ hôn phối, lời khấn dòng là lời cam kết long trọng, mở đầu cho một con đường dài chung sống, bao trùm toàn bộ cuộc đời người ta chưa biết rõ từng chi tiết cụ thể ra sao sau này. Nhưng cho dù con đường cụ thể sẽ như thế nào đi nữa, thì người tu sĩ cũng đã tự chấp nhận. Rồi trong lời khấn của mình. Lời khấn dòng không phải là mục đích. Khấn dòng không phải là điểm đến. Khấn dòng là điểm xuất phát. Tất cả còn nằm ở phía trước. Và người tu sĩ không được phép dừng lại nghỉ ngơi. Ngay như Thánh Phao-lô sau bao nhiêu năm lao đao lận đận tìm Đức Ky-tô ngài nói: tôi không dám cho mình đã đạt đến rồi, chỉ biết rằng tôi quên đi đàng sau mà lao mình về phía trước, nhắm thẳng đích mà chạy.

Thưa anh chị em.

Người tu sĩ cũng cần được nâng đỡ. Ơn gọi tu trì là một ơn Chúa ban nhưng không, cho ai tùy ý nhưng trong cụ thể một ơn gọi cũng cần được nâng đỡ, chăm sóc, vun trồng của con người bởi tất cả chúng ta trước hết là các anh chị em, chị em trong dòng, rồi đến gia đình ruột thịt cũng như quý Cha, quý tu sĩ, tất cả anh chị em giáo dân.

Được biết Chúa đã ban cho gia đình Ông Bà Cố Nguyện sinh được bảy người con, sáu cô và một cậu. Cô Tê-rê-sa Chuyền là người con cả của Ông Bà Cố Nguyện. Người con đầu lòng được dâng cho Chúa. Con xin được chúc mừng gia đình Ông Bà Cố. Chúc mừng gia tộc, họ hàng, nội ngoại. Chúc mừng Nữ tu và Giáo xứ Thánh Mẫu. Và Giáo xứ Thánh Mẫu cũng có rất đông ơn gọi. Trong Giáo xứ Thánh Mẫu này, ông bà cố của các Cha, các Thầy, các Dì là 19 cố, 19 cố, hiện nay 3 Cha và 1 Thầy đang du học ở nước ngoài, còn lại ở trong Giáo phận. Giáo xứ Thánh Mẫu cũng có rất nhiều kỳ vọng, cố Cha, cố Thầy, cố Dì 19. Một Giáo xứ khá đông. Một Giáo xứ mới lên xứ thôi, là một Giáo xứ con của Xứ mẹ Quần Cống và là Xứ em của Giáo xứ Thánh Thể. Lên xứ sau một chút phải không?

Chúng ta tiếp tục dâng Thánh Lễ tạ ơn Chúa cùng với Nữ tu Tê-rê-sa Trần Thanh Chuyền và cầu xin Chúa ban cho Nữ tu được hạnh phúc và luôn trung thành trong cuộc đời dâng hiến. Xin Chúa ban ơn nâng đỡ và chúc lành cho Ông Bà Cố và gia đình đã quảng đại dâng con cho Thiên Chúa.

Chắc nói đến dòng Đa-minh Lạng Sơn này thì anh chị em ở ta có ít người đi tu Dòng Đa-minh Lạng Sơn lắm, ở đây có Dòng Đa-minh Bùi Chu, rồi Dòng Thăm Viếng, Dòng Trinh Vương, Dòng Đa-minh, Dòng Mân Côi v.v. Thế thì Dòng Lạng Sơn này bắt nguồn từ đâu? Sắc lệnh của Thánh bộ Truyền giáo ban hành ngày 30/12/1913 thành lập Giáo phận Lạng Sơn, và một Đức Cha thuộc tỉnh Dòng Đa-minh Li-ông đã được giao để phụ trách Giáo phận mới, với chức Phủ doãn Tông tòa. Ngài đã xin một số chị em dì phước Dòng Đa-minh Bùi Chu đến giúp, lúc đầu thành lập được gọi là Nhà phước Đa-minh Bùi Chu, lên Lạng Sơn giúp. Năm 1918, Nhà phước Đa-minh Lạng Sơn lần đầu tiên được thành lập tại Đồng Đăng, thị trấn Lạng Sơn. Năm 1955, theo sáng kiến của các Linh mục Dòng Đa-minh Việt Nam, Nhà phước Đa-minh Lạng Sơn, Thánh bộ Truyền giáo chấp nhận cho trở thành Dòng Đa-minh Lạng Sơn. Từ năm 1958, Cha chính địa phận Lạng Sơn di cư, đã sáng lập, sáp nhập tạm thời với Dòng Đa-minh Bùi Chu Tam Hiệp trong tinh thần đổi mới. Từ năm 1975, Dòng Đa-minh Lạng Sơn tách khỏi Dòng Đa-minh Tam Hiệp. Ngày mồng 08/12/1978, Dòng được Đức tổng Phao-lô Nguyễn Văn Bình phê chuẩn là Hội Dòng nữ Đa-minh, Thánh hiệu Đức Mẹ Mân Côi thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn, bổn mạng của Dòng Lễ Đức Mẹ Mân Côi kính vào mồng 07/10 hằng năm. Cơ sở của Dòng gồm 16 cộng đoàn trên 5 giáo phận, Tổng Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh 04, Long Xuyên 03, Đà Lạt 02, Xuân Lộc 01, Lạng Sơn 04. Dòng hoạt động trong các lĩnh vực truyền giáo, giáo dục, mục vụ giáo xứ, bác ái xã hội. Nhân sự của Dòng hiện nay, nữ tu khấn là 119 người, tập sinh 10, tiền tập 13, thỉnh sinh 20. Địa chỉ nhà mẹ: Bề trên đương nhiệm: Dì Tê-rê-sa Nguyễn Thị Minh là bề trên tổng quyền. Địa chỉ 52/20 Lê Đức Thọ, Phường 16, Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh. Đấy là cơ sở của nhà dòng xin giới thiệu một chút, đôi nét về Dòng Đa-minh Lạng Sơn xem có em nào của giáo xứ Thánh Mẫu, Quần Cống, Thánh Thể có ai muốn tìm hiểu cái dòng Đa-minh Lạng Sơn này thì cứ liên lạc với Dì Chuyền để tiếp tục đi tu.

Xin được cám ơn Cộng đoàn. Chúng ta tiếp tục dâng Thánh Lễ Tạ ơn Thiên Chúa.

Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Hưng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét