Thứ Ba, 16 tháng 2, 2016

Bài giảng của Cha xứ Vinh-sơn Mai Văn Bảo - Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay: CÁM DỖ LÀM CHO CON NGƯỜI KHÔNG NHÌN THẤY SỰ THẬT

Bài giảng của Cha xứ Vinh-sơn Mai Văn Bảo - Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay: CÁM DỖ LÀM CHO CON NGƯỜI KHÔNG NHÌN THẤY SỰ THẬT

Cám dỗ làm cho con người không nhìn thấy sự thật Thiên Chúa là ai và con người là ai, đồng thời ngăn cản con người đến với chúa và đến với anh em. Đó là nội dung chính trong bài giảng của Cha xứ Vinh-sơn trong thánh lễ Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay tại Thánh đường Giáo xứ Thánh Mẫu.

Ngay khi mở đầu bài giảng, Cha xứ đã đi thẳng vào vấn đề cám dỗ mà Phụng vụ Lời Chúa đề cập đến hôm nay. Theo ngài, ở nơi con người thì cám dỗ là chuyện bình thường, “bình thường như  cân đường hộp sữa, là chuyện bình thường như đường nông thôn” và “chẳng có lúc nào là không có cám dỗ”. Ngài cho rằng, con người bị cám dỗ đủ thứ. Và Ngài khẳng định: “Cám dỗ làm cho chúng ta không nhìn thấy cái sự thật Thiên Chúa là ai đối với chúng ta. Và chúng ta cũng không nhìn nhận ra rõ chúng ta là ai, nhân phẩm chúng ta bởi đâu, hay nhân phẩm chúng ta có được coi trọng hay không”.

Liên hệ đến bài Tin Mừng hôm nay, ngài nói rằng, “mặc dù là Con Thiên Chúa, Đức Giê-su Ky-tô Ngài cũng bị cám dỗ”. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giê-su chịu ba loại cám dỗ. Trước hết, Ngài bị cám dỗ về sự ăn uống. Khi Chúa Giê-su ăn chay 40 ngày ở trong hoang địa, Người cảm thấy đói. Ma quỷ đã biết điều đó nên nó tìm cách cám dỗ Chúa Giê-su về của ăn. Nó bảo Chúa Giê-su: “hãy làm cho những viên đá này, hòn đá này biến thành bánh để lấp đầy cái dạ dầy, cái bao tử của ông đi”.

Cơn cám dỗ thứ hai: sau khi Chúa Giê-su đã trả lời và đối đáp với Sa-tan, thì nó lại bày ra một cơn cám dỗ khác, đó là cơn cám dỗ về quyền lực, về danh vọng. Nó chỉ cho Chúa Giê-su tất cả các nước trên thiên hạ để rồi nếu Chúa Giê-su thờ lạy nó thì nó sẽ trao hết cho Chúa Giê-su quyền bính trên thế gian này. “Khi ông thờ lạy tôi và khi ông bái lạy tôi như vậy, ông lãnh đạo tất cả các nước thiên hạ như vậy, thì lợi lộc nhiều vô kể” – Cha xứ quảng diễn.

Tiếp đến là cơn cám dỗ về sự “tò mò”. Cha xứ nói tiếp: “Ma quỷ lại tìm một cái kế khác để cám dỗ Chúa Giê-su. Đó là có thể dẫn đến con người ta tới sự tò mò. Làm cái này, hoặc làm cái khác một cách lạ thường. Mà chúng ta có thể gọi đó là những phép lạ. Hay dùng những phép lạ, những dấu lạ để lôi kéo người khác đến với mình

Từ ba cám dỗ nêu trên của Chúa Giê-su, Cha xứ  đã liên hệ đến những cơn cám dỗ trong đời sống của mỗi người trong cộng đoàn. Ngài nói: “Tất cả những cám dỗ ấy, một cách nào đó cũng thường thấy trong đời sống của mỗi người chúng ta. Nhưng khi nhìn vào trong những cám dỗ của Chúa Giê-su, thì Chúa đã lướt thắng tất cả. Chúng ta biết Chúa Giê-su mặc dù là Con Thiên Chúa, nhưng Ngài vẫn mặc lấy thân phận con người. Và chỉ trong thân phận con người, thì Ngài đã mang lấy những cám dỗ, những khổ đau của con người trên vai mình để rồi dâng lên Thiên Chúa, làm của lễ giao hòa với Thiên Chúa. Và một trong những phương thế và có lẽ là phương thế hữu hiệu nhất mà Chúa Giê-su đã sử dụng để chống trả lại trước những cám dỗ, những cái mưu mẹo của Sa-tan đó chính là Ngài cậy dựa vào chính Lời của Thiên Chúa. Chúng ta thấy lời đối đáp của Chúa Giê-su: Đã có lời chép rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh. Đó là lời của Ngôn Sứ ở trong Cựu Ươc. Hay là Chúa Giê-su cũng dùng những lời lẽ khác để chống trả lại Sa-tan. Khi mà Sa-tan cám dỗ Chúa phải thờ lạy nó, thì Chúa nói: ngươi chỉ có thờ lạy một mình Thiên Chúa mà thôi bởi vì chỉ có Ngài mới là Thiên Chúa thật, chỉ Ngài mới có quyền năng, mới có đủ tất cả những ưu phẩm để con người có thể tôn thờ”.

Ngài nói tiếp: “Có lẽ Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay cũng đưa cho chúng ta những phương thế để giúp chúng ta chống trả lại những chước cám dỗ. Khi còn nhỏ thì có lẽ những cám dỗ hay giận hờn, ghen, tức giận, hay là đôi lúc đòi, nhất là các em nhỏ đòi ăn những thứ gì mà mình nhiều khi chưa được, thấy bạn bè có nhiều khi cũng đòi cho bằng được, hoặc một chút nào đó tham lam để nuôi, để cho cơ thể của mình. Hay là còn nhiều cám dỗ khác về quyền lực hay về danh vọng, hay là những cám dỗ về thể xác, về dục vọng, về tất cả, chúng ta tìm thấy cách này hay cách khác ở trong mỗi con người chúng ta một cách rất khác nhau mà chúng ta thường gặp trong đời sống thường ngày. Qúy ông bà và anh chị em có thể thường hỏi hoặc nghĩ không biết vậy thì các Đức giám mục, Đức Thánh Cha hay cả Linh Mục, Tu sĩ có bị cám dỗ hay không. Thưa có chứ, nhiều khi là nhiều là đàng khác bởi vì chúng ta vẫn mang thân phận con người yếu đuối, mỏng giòn. Chúng ta có những cám dỗ đến với con người chúng ta, nhưng điều quan trọng là khi cám dỗ đến, chúng ta làm gì, chúng ta đi theo, hay là chúng ta xin ơn Chúa để chống lại những cám dỗ ấy. Nếu chúng ta đi theo thì đương nhiên chúng ta mất phương hướng. Cái định hướng cho đời sống thiêng liêng của chúng ta coi như bị lệch lạc. Còn nếu như chúng ta xin ơn Chúa để rồi ơn Chúa xuống như Chúa Giê-su đã được đầy ơn Chúa Thánh Thần, thì Ngài mới chống trả những cơn cám dỗ. Chúng ta cũng vậy, chúng ta xin ơn Chúa Thánh Thần để Ngài luôn hiện diện trong tâm hồn. Qua đó, Ngài giúp chúng ta như một sức mạnh. Một sức mạnh phi đường để giúp chúng ta chống trả lại những cơn cám dỗ. Vâng, chúng ta xin ơn Chúa nhất là chúng ta sống trong Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay này, khởi đầu của Mùa Chay.”

Cuối bài giảng, ngài khuyên nhủ cộng đoàn hãy cầu nguyện, hãy ăn năn sám hối và làm việc bác ái, và hãy xin ơn Chúa để “chúng ta chống trả lại các cám dỗ nhất là những cám dỗ bất chính, những cái cám dỗ dẫn chúng ta đi lệch lạc với con đường của Chúa, những cái cám dỗ ngăn cản chúng ta đến với Chúa, ngăn cản chúng ta đến với anh chị em”. Đồng thời ngài mời gọi mọi người “hãy lấy Lời Chúa như là phương thế hữu hiệu nhất để chống trả, để như một ngọn đèn soi dẫn chúng ta sống trong mùa Chay Thánh này”.

Sau đây là toàn văn bài giảng của Cha xứ Vinh-sơn

Nếu nói đến cám dỗ thì chúng ta có lẽ thường nói: cám dỗ là chuyện bình thường như  cân đường hộp sữa, là chuyện bình thường như đường nông thôn. Tức là chẳng có lúc nào là không có cám dỗ. Người thì bị cám dỗ bởi cái này, người khác thì bị cám dỗ bởi cái kia. Vậy thì cám dỗ ấy nó cản trở chúng ta như thế nào trong đời sống của người con cái Thiên Chúa? Cám dỗ làm cho chúng ta không nhìn thấy cái sự thật Thiên Chúa là ai đối với chúng ta. Và chúng ta cũng không nhìn nhận ra rõ chúng ta là ai, nhân phẩm chúng ta bởi đâu, hay nhân phẩm chúng ta có được coi trọng hay không.

Chúng ta thấy là trong bài Tin Mừng hôm nay. Mặc dù là Con Thiên Chúa, Đức Giê-su Ky-tô Ngài cũng bị cám dỗ. Và giống như chúng ta vẫn nói với nhau, đúng là nhiều khi ma quỷ nó khéo léo, nó ma lanh như là quỷ vậy. Khi mà Chúa Giê-su chịu ăn chay 40 ngày ở trong hoang địa, thì Người cảm thấy đói. Tin Mừng nói cho chúng ta như vậy. Và nhân cơ hội ấy, thì Sa-tan đã cám dỗ Đức Giê-su về cái sự đói khát thể xác: ông hãy làm cho những viên đá này, hòn đá này biến thành bánh để lấp đầy cái dạ dầy, cái bao tử của ông đi. Một sự cám dỗ về thể xác, về sự ăn uống. Chúng ta thấy trong bài Tin Mừng có ba loại cám dỗ khác nhau về thể xác con người.

Cám dỗ thứ hai sau khi Chúa Giê-su đã trả lời và đối đáp với Sa-tan, thì nó lại bày ra một cái cám dỗ khác, đó là về quyền lực, về danh vọng. Nó chỉ cho Chúa Giê-su tất cả các nước trên thiên hạ để rồi nếu ông thờ lạy tôi thì tôi sẽ trao hết cho ông cái quyền mà ông được lãnh đạo và như vậy, khi ông thờ lạy tôi và khi ông bái lạy tôi như vậy, ông lãnh đạo tất cả các nước thiên hạ như vậy, thì lợi lộc nhiều vô kể. Đó là cám dỗ thứ hai.

Và rồi cám dỗ thứ ba. Ma quỷ lại tìm một cái kế khác để cám dỗ Chúa Giê-su. Đó là có thể dẫn đến con người ta tới sự tò mò. Làm cái này, hoặc làm cái khác một cách lạ thường. Mà chúng ta có thể gọi đó là những phép lạ. Hay dùng những phép lạ, những dấu lạ để lôi kéo người khác đến với mình.

Kính thưa quý cụ, quý ông bà và anh chị em.

Tất cả những cám dỗ ấy, một cách nào đó cũng thường thấy trong đời sống của mỗi người chúng ta. Nhưng khi nhìn vào trong những cám dỗ của Chúa Giê-su, thì Chúa đã lướt thắng tất cả. Chúng ta biết Chúa Giê-su mặc dù là Con Thiên Chúa, nhưng Ngài vẫn mặc lấy thân phận con người. Và chỉ trong thân phận con người, thì ngài đã mang lấy những cám dỗ, những khổ đau của con người trên vai mình để rồi dâng lên Thiên Chúa, làm của lễ giao hòa với Thiên Chúa. Và một trong những phương thế và có lẽ là phương thế hữu hiệu nhất mà Chúa Giê-su đã sử dụng để chống trả lại trước những cám dỗ, những cái mưu mẹo của Sa-tan đó chính là Ngài cậy dựa vào chính Lời của Thiên Chúa. Chúng ta thấy lời đối đáp của Chúa Giê-su: Đã có lời chép rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh. Đó là lời của Ngôn Sứ ở trong Cựu Ươc. Hay là Chúa Giê-su cũng dùng những lời lẽ khác để chống trả lại Sa-tan. Khi mà Sa-tan cám dỗ Chúa phải thờ lạy nó, thì Chúa nói: ngươi chỉ có thờ lạy một mình Thiên Chúa mà thôi bởi vì chỉ có Ngài mới là Thiên Chúa thật, chỉ mới Ngài mới có quyền năng, mới có đủ tất cả những ưu phẩm để con người có thể tôn thờ.

Kính thưa quý cụ, quý ông bà và anh chị em,

Có lẽ Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay cũng đưa cho chúng ta những phương thế để giúp chúng ta chống trả lại những chước cám dỗ. Khi còn nhỏ thì có lẽ những cám dỗ hay giận hờn, ghen, tức giận, hay là đôi lúc đòi, nhất là các em nhỏ đòi ăn những thứ gì mà mình nhiều khi chưa được, thấy bạn bè có nhiều khi cũng đòi cho bằng được, hoặc một chút nào đó tham lam để nuôi, để cho cơ thể của mình. Hay là còn nhiều cám dỗ khác về quyền lực hay về danh vọng, hay là những cám dỗ về thể xác, về dục vọng, về tất cả, chúng ta tìm thấy cách này hay cách khác ở trong mỗi con người chúng ta một cách rất khác nhau mà chúng ta thường gặp trong đời sống thường ngày. Qúy ông bà và anh chị em có thể thường hỏi hoặc nghĩ không biết vậy thì các Đức giám mục, Đức Thánh Cha hay ca Linh Mục, Tu sĩ có bị cám dỗ hay không. Thưa có chứ, nhiều khi là nhiều là đàng khác bởi vì chúng ta vẫn mang thân phận con người yếu đuối, mỏng giòn. Chúng ta có những cám dỗ đến với con người chúng ta, nhưng điều quan trọng là khi cám dỗ đến, chúng ta làm gì, chúng ta đi theo, hay là chúng ta xin ơn Chúa để chống lại những cám dỗ ấy. Nếu chúng ta đi theo thì đương nhiên chúng ta mất phương hướng. Cái định hướng cho đời sống thiêng liêng của chúng ta coi như bị lệch lạc. Còn nếu như chúng ta xin ơn Chúa để rồi ơn Chúa xuống như Chúa Giê-su đã được đầy ơn Chúa Thánh Thần, thì Ngài mới chống trả những cơn cám dỗ. Chúng ta cũng vậy, chúng ta xin ơn Chúa Thánh Thần để Ngài luôn hiện diện trong tâm hồn. Qua đó, Ngài giúp chúng ta như một sức mạnh. Một sức mạnh phi đường để giúp chúng ta chống trả lại những cơn cám dỗ. Vâng, chúng ta xin ơn Chúa nhất là chúng ta sống trong Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay này, khởi đầu của Mùa Chay. Chúng ta xin ơn Chúa với những mục tiêu khác nhau. Thứ nhất Mùa Chay mời gọi chúng ta hãy cầu nguyện, hãy ăn năn sám hối và làm việc bác ái. Có lẽ những phương thế như vậy mà giáo hội mời gọi từ những người mục tử tới những người Ky-tô hữu chúng ta. Để rồi mỗi người chúng ta, theo sự cố gắng của mình, nhất là chúng ta cầu nguyện để xin ơn Chúa, qua đó Chúa sẽ giúp chúng ta để chúng ta chống trả lại các cám dỗ nhất là những cám dỗ bất chính, những cái cám dỗ dẫn chúng ta đi lệch lạc với con đường của Chúa, những cái cám dỗ ngăn cản chúng ta đến với Chúa, ngăn cản chúng ta đến với anh chị em. Vậy chúng ta dâng lên Chúa, đặc biệt Chúa mời gọi chúng ta hãy lấy Lời Chúa như là phương thế hữu hiệu nhất để chống trả, để như một ngọn đèn soi dẫn chúng ta sống trong mùa Chay Thánh này. Amen

Lm. Vinh-sơn Mai Văn bảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét