Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

Cuộc Họp của Giáo Xứ Thánh Mẫu Về Việc Trùng Tu Ngôi Thánh Đường Cũ

Cuộc Họp của Giáo Xứ Thánh Mẫu Về Việc Trùng Tu Ngôi Thánh Đường Cũ

Vào lúc 17g30 ngày 28/02/2016, sau Thánh Lễ Chúa Nhật thứ III Mùa Chay, Giáo xứ Thánh Mẫu đã tổ chức một phiên họp toàn thể để bàn về việc trùng tu Ngôi Thánh Đường cũ, tức Ngôi Thánh Đường được xây dựng vào năm 1923 với vật liệu chủ yếu là gỗ, và đã được đại tu một lần vào năm 1986.

Thành phần tham dự cuộc họp hôm nay gồm có:

1.Cha xứ Vinh-sinh Mai Văn Bảo – Chủ Tọa Cuộc Họp;
2.Ban Thường Vụ Giáo xứ;
3.Các ông Trưởng các Giáo khu, các vị Viên Chức Tân Cựu;
4.Các ông bà, anh chị em thuộc mọi thành phần trong Giáo xứ;

Nơi diễn ra cuộc họp:

Tại Ngôi Thánh Đường được xây dựng vào năm 1999.

Nội dung cuộc họp:

1.Trùng tu Ngôi Thánh Đường cũ (nội dung chính).
2.Xây dựng nhà kho.

Diễn tiến cuộc họp:

Sau khi đọc Kinh cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, ông Phó Chánh Trương Trần Quốc Tịch đã giới thiệu sơ qua về nội dung cuộc họp cũng như về các thành phần tham gia cuộc họp, và nghị trình cuộc họp hôm nay. Trong phần giới thiệu các thành phần tham gia cuộc họp, ông Phó Chánh Trương đã đặc biệt nhắc đến sự hiện diện của hai ông Trần Thế Đoàn và Trần Thế Đảng. Mặc dù hai ông đang sinh sống và công tác tại Thành phố Nam Định, nhưng vì cuộc họp hôm nay bàn về vấn đề có liên quan đến việc bảo tồn các di sản của tiền nhân, nên hai ông đã thu xếp công việc và thời gian để về quê tham dự cuộc họp này.

Sau đó ông Phó Chánh Trương Tịch lưu ý mọi người rằng, cuộc họp hôm nay rất quan trọng vì nó bàn về việc trùng tu Nhà Thờ cũ, một công trình liên quan đến di sản quý giá của Tiền Nhân. Vì thế, ông Phó Chánh Trương cho biết, trong cuộc họp này, Ban Thường vụ Giáo xứ không chỉ ghi lại các ý kiến bằng văn bản, mà còn ghi lại cả bằng hình ảnh nữa, tức quay video, để lưu lại cho con cháu sau này, nhằm thể hiện rằng, chúng ta rất trân trọng những gì Tiền Nhân để lại, và qua đó, làm bài học cho con cháu, cho những thế hệ mai sau, để chúng noi gương và trân trọng những gì các thế hệ đi trước đã để lại như chúng ta đang làm đây.

Tiếp đến, Cha xứ đã nồng nhiệt chào kính các vị đại biểu. Và sau khi chào kính mọi người, Ngài cũng đã nói lên ý kiến của Ngài nhằm cho thấy sự cần thiệt phải tiến hành việc trùng tu Ngôi Thánh Đường cũ. Ngài nhấn mạnh đến các giá trị văn hóa, đến giá trị tinh thần của Ngôi Thánh Đường bằng gỗ mà Tiền Nhân đã để lại cho thế hệ hiện tại cũng như cho các thế hệ mai sau. Vì thế, theo Ngài, cần thiết phải bảo tồn Ngôi Thánh Đường này bằng mọi giá, và cuộc họp hôm nay được tổ chức vì lý do đó.

Sau khi Cha xứ dứt lời, ông Chánh Trương Đa-minh Trần Văn Thơ đã đại diện cho Ban Thường Vụ Hội Đồng Mục Vụ để nói lên sự cần thiết phải trùng tu Ngôi Thánh Đường cũ. Ông nói rằng, Ngôi Thánh Đường bằng gỗ đang hiện diện bên cạnh nơi họp này chính là một nơi mà các vị tiền nhân của chúng ta, trong đó cũng có cả các cụ, các ông, các bà, các chú, các anh, các chị đang hiện diện trong buổi họp hôm nay, đã dành ra để cử hành các buổi phượng tự, các buổi cầu nguyện cũng như để tổ chức các cuộc họp hành trong một thời gian khá dài, cụ thể là gần một thế kỷ. Không những thế, Ngôi Thánh Đường này còn là chứng tá cho Đức Tin của nhiều thế hệ Cha Anh chúng ta. Đây là một di sản vô cùng quý báu mà Tiền Nhân đã để lại. Nó quý báu, không chỉ về khía cạnh vật chất, nhưng còn cả về khía cạnh tinh thần, và khía cạnh văn hóa nữa. Đặc biệt, nó là chứng tá Đức Tin của Tiền Nhân chúng ta. Chính vì thế, bằng mọi giá, chúng ta phải duy trì, phải bảo tồn, và phải chuyển giao lại Ngôi Thánh Đường này cho thế hệ con em chúng ta. Nếu chúng ta không làm như thế, nếu chúng ta để cho Ngôi Thánh Đường này bị hư hại mà không chịu sửa sang, thì chắc chắn chúng ta sẽ có lỗi rất lớn, không chỉ với các bậc Tiền Nhân, nhưng còn mang lỗi nặng cả với những thế hệ đến sau nữa.

Sau đó ông Chánh Thơ đã nói sơ qua về lịch sử của Ngôi Thánh Đường cũ. Ông nói rằng, Ngôi Thánh Đường này được khởi công từ năm 1923 và được đại tu vào năm 1986. Từ thời gian đại tu đến nay đã tròn 30 năm. Theo khảo sát sơ bộ của Ban Thường vụ, thì ngôi Thánh Đường này hiện tại đã bị xuống cấp khá trầm trọng, và vì thế cần phải được trùng tu lại. Nếu giờ đây chúng ta không trùng tu lại ngôi Thánh Đường này thì chỉ cần vài năm nữa thôi, có lẽ chúng ta sẽ không dám làm gì trong Ngôi Thánh Đường đó nữa, cũng như sẽ không dám để Kiệu hay để bất cứ vật dụng Thánh nào có giá trị trong ngôi Thánh Đường này.

Ngoài ra ông Chánh Thơ cũng nhắc lại mong muốn của Cha xứ về việc trùng tu Ngôi Thánh Đường này. Ông nói rằng, „ngay từ những ngày đầu khi vừa mới về với Giáo xứ chúng ta, Cha xứ đây đã có sự quan tâm đặc biệt đến ngôi Thánh Đường này. Ngài đã hiểu rất rõ rằng, Ngôi Thánh Đường này rất quý báu, không phải chỉ vì giá trị sử dụng của nó, nhưng còn vì ý nghĩa văn hóa, cội nguồn, di sản và chứng tá Đức Tin của nó nữa. Chính vì thế, Ngài đã luôn lo lắng sao cho Ngôi Thánh Đường này được bảo tồn, được sửa chữa, để có thể được chuyển giao lại cho các thế hệ mai sau trong tình trạng nguyên vẹn“.

Và cuối cùng, ông Chánh Thơ cảnh báo: „Nếu chúng ta không tôn trọng những di sản của Tiền Nhân, nếu chúng ta hủy hoại di sản của các Cụ, thì không gì có thể bảo đảm được rằng, các thế hệ tương lai sẽ tôn trọng những di sản của chúng ta, sẽ không hủy hoại những gì chúng ta đang thực hiện trong ngày hôm nay“.

Sau lời khai mạc của Cha xứ và ông Chánh Thơ, rất nhiều vị đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến và bàn luận rất sôi nổi.

Có khá nhiều ý kiến cần được ghi nhận, trước hết là lời của ông Nguyên Chánh Trương Trần Thế Việt. Ông cho biết rằng, trước đây Giáo xứ đã định bán Ngôi Thánh Đường cũ này rồi, thậm chí đã nhận tiền của người mua rồi. Tuy nhiên, sau khi tham khảo ý kiến của Đức Cố Viện Phụ Tê-pha-nô Trần Ngọc Hoàng, và sau khi bàn bạc với các cụ trong Giáo xứ lúc bấy giờ, Giáo xứ đã quyết định giữ lại Ngôi Thánh đường này. Vì thế, theo ý kiến của ông Nguyên Chánh Việt, cần phải trùng tu và bảo tồn lại Ngôi Thánh Đường này.

Một trong những ý kiến nổi bật khác là ý kiến của ông Trần Thế Đảng. Ông nói rằng, tuổi thơ của ông được gắn liền với Ngôi Thánh Đường này. Đó là nơi ông được học kinh, học Bổn Đồng Ấu, học Giáo lý, học cầu nguyện v.v. Vì thế, ông cho rằng, Ngôi Thánh Đường này rất quan trọng đối với ông, và ông tin rằng, nó không chỉ quan trọng riêng đối với ông, nhưng cũng còn đối với tất cả mọi người. Ông cũng cho biết rằng, nhiều nơi người ta có nhà hai ba tằng bằng bê tông cốt thép, nhưng người ta đã đập bỏ những ngôi nhà bê tông đó đi để làm lại bằng gỗ. Và ông kết luận rằng, chúng ta đang có Nhà Thờ bằng gỗ rất quý, vì thế, cần phải bảo tồn nó. Sau cùng, để hưởng ứng việc trùng tu Ngôi Thánh Đường này, ông Đảng đã hứa sẽ đóng góp một khoản kinh phí trong việc trùng tu.

Cũng như ông Đảng, sau khi cho biết việc sửa chữa và bảo tồn Ngôi Thánh Đường cũ là điều hết sức cần thiết, ông Trần Thế Đoàn đã hứa sẽ đóng góp một phần kinh phí trong việc trùng tu Ngôi Thánh Đường này.

Ngoài những ý kiến tán thành việc trùng tu Ngôi Thánh Đường cũ ra, cũng có một số ý kiến đề nghị nên sửa lại Ngôi Thánh Đường mới trước đã.

Theo ông Nguyên Trương Hội Kèn Trần Thế Lạp, thì việc sửa chữa Ngôi Thánh Đường mới là điều cần thiết hơn, vì Ngôi Thánh Đường mới này cũng đã xuống cấp, mái Nhà Thờ đã bị dột nhiều nơi.

Đồng quan điểm với ông Nguyên Trương Lạp, ông Nguyên Chánh Trương Trần Tiến Tuyên cũng đề nghị có phương án sửa lại Ngôi Thánh Đường mới. Ngoài ra, theo ông Nguyên Chánh Trương Tuyên, việc trùng tu Ngôi Nhà Thờ cũ phải có phương án cụ thể, trùng tu ở mức độ nào v.v.

Trước các ý kiến trên, ông Chánh Thơ nói rằng, việc sửa chữa Ngôi Thánh Đường mới là cần thiết. Tuy nhiên, để sửa chữa Ngôi Thánh Đường mới, cần phải trùng tu Ngôi Thánh Đường cũ cũng như khuôn viên của nó trước đã, để lấy nơi thờ phượng, sinh hoạt, cầu nguyện, cử hành Thánh Lễ và các Bí Tích v.v... Sau khi trùng tu xong Ngôi Thánh Đường cũ, Ban Thường vụ Giáo xứ sẽ tổ chức họp để bàn về phương án sửa Nhà Thờ mới vào một dịp khác.

Sau ý kiến của ông Chánh Thơ, ông Nguyên Trưởng Hội Gia Trưởng Trần Thế Định đã nhấn mạnh tới sự cần thiết của việc trùng tu lại Ngôi Thánh Đường cũ. Ông còn nói, để sửa chữa Ngôi Thánh Đường mới, thì phải trùng tu Ngôi Thánh Đường cũ trước, và để trùng tu Ngôi Thánh Đường cũ thì phải xây dựng nhà kho để chứa các đồ vật hiện đang được để ở Ngôi Thánh Đường cũ.

Sau đó nhiều vị đại biểu cũng đã bày tỏ ý kiến, đa phần ủng hộ việc trùng tu Ngôi Thánh Đường cũ và xây dựng nhà kho.

Với sự thảo thuận cởi mở, đa chiều nhưng mang tính xây dựng, các vị đại biểu tham gia cuộc họp đã đi đến kết luận và thống nhất như sau:

-Giao cho Ban Thường vụ Giáo xứ tìm các đơn vị chuyên môn khảo sát, đánh giá lại mức độ xuống cấp của ngôi Thánh Đường cũ để đưa ra phương án trùng tu thích hợp.

-Sau khi có kết quả khảo sát, đánh giá của đơn vị chuyên môn, Ban Thường vụ Giáo xứ sẽ lập phương án trùng tu và dự toán để trình Cha xứ phê duyệt.

-Về kính phí sửa chữa Ngôi Thánh Đường cũ: sẽ sử dụng quỹ của Giáo xứ, kêu gọi các nhà hảo tâm, và còn thiếu bao nhiêu thì bổ bán cho các hộ gia đình.

-Ban trùng tu: Cha xứ sẽ thành lập Ban trùng tu. Ban trùng tu sẽ hoạt động dưới sự điều hành của Cha xứ.

-Ngày khởi công việc trùng tu sẽ do Cha xứ và Ban trùng tu quyết định. Cha xứ sẽ công bố ngày khởi công việc trùng tu trước một tuần.

-Các Giáo xóm, các hội đoàn và mọi thành phần Dân Chúa sẽ tham gia một cách tích cực vào công việc trùng tu theo sự sắp xếp, phân công của Ban trùng tu.

Về vấn đề xây dựng nhà kho:

+Khái toán khoảng 120-130 triệu VNĐ.

+Nguồn kinh phí: Giáo xóm và Giáo xứ cùng kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ. Trong trường hợp nguồn kinh phí do các nhà hảo tâm giúp đỡ chưa đủ, Giáo xứ sẽ tạm ứng trước. Chi phí tạm ứng trước này sẽ được ghi vào trong sổ chi tiêu của Giáo xứ.

Cuộc họp kết thúc vào lúc 18g30 cùng ngày với một lời kinh tạ ơn sau khi các vị đại biểu đã ký vào biên bản cuộc họp.

Minh Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét