Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2016

Muốn biến phần mộ của các vị Tử Đạo thành nhà kho mãi mãi, phải chăng đó không phải là việc làm của NHỮNG KẺ PHẢN PHÚC?

Muốn biến phần mộ của các vị Tử Đạo thành nhà kho mãi mãi, phải chăng đó không phải là việc làm của NHỮNG KẺ PHẢN PHÚC?

LTS: Chúng tôi vừa nhận được bài viết “Muốn biến phần mộ của các vị Tử Đạo thành nhà kho mãi mãi, phải chăng đó không phải là việc làm của NHỮNG KẺ PHẢN PHÚC?” của tác giả Thế Trường, muốn nói về tình trạng thực tế đang xảy ra tại Giáo xứ Thánh Mẫu. Tuy nhiên nội dung của bài viết này không nhất thiết phản ánh lập trường của chúng tôi. Nhưng tôn trọng tính đa chiều và để rộng đường dư luận, chúng tôi vẫn đăng tải bài viết này. Mời quý vị theo dõi.

Con người là loài vật duy nhất biết chôn cất xác đồng loại. Và ngoài việc biết chôn cất xác đồng loại ra, con người còn biết coi trọng và giữ gìn mồ mả của những người thân nữa, nhất là mồ mả của cha mẹ, của ông bà và của tổ tiên.

Khắp nơi trên thế giới, hầu như dân tộc nào cũng coi trọng việc bảo trì mồ mả. Riêng đối với người Việt Nam, thì việc bảo trì mồ mả còn được coi trọng một cách đặc biệt hơn nữa. Động đến mồ mả là động đến chuyện vô cùng linh thiêng và thẳm sâu nhất của con người. Đến nỗi người Việt thường hay nói rằng, “giữ như giữ mả tổ” để ví những người đang muốn giữ gìn hay bảo tồn một điều gì đó. Vì thế, chẳng cần phải đụng đến mồ mả, nhưng chỉ cần nói đến mồ mả thôi thì cũng đã là một sự xúc phạm ghê gớm đến nhau rồi. Ghét nhau, chửi nhau, người ta thường nói “mả cha mày”. Cụm từ “đào mồ đào mả nhau lên”, được dùng để diễn tả về một sự xúc phạm đến nhau cách tột cùng.

Do mồ mả của cha ông quan trọng như thế, nên người Việt thường chú trọng đến việc xây mộ, xây lăng cho cha mẹ, cho ông bà, và cho tổ tiên. Dù gia đình có khó khăn đến đâu đi nữa thì người ta cũng vẫn phải cố để làm sao xây cho được mồ cao mả đẹp cho cha mẹ và cho ông bà của mình. Nếu chưa có điều kiện để xây mồ cao mả đẹp cho các vị tiền nhân, thì ít ra hàng tháng, hàng năm, vào những ngày giỗ, ngày kỵ, con cháu thường phải tổ chức tu bổ mồ mả, hay quen được gọi là đắp mồ đắp mả cho các cụ. Không những chỉ cố xây cho được mồ cao mả đẹp, hay hàng năm đắp mồ, sửa mả cho cha mẹ, cho ông bà, và cho tổ tiên của mình, con cháu còn thường xuyên ra viếng mộ cha mẹ, ông bà, và tổ tiên nữa. Việc viếng mộ như thế vừa thể hiện lòng hiếu kính với người đã đi trước, vừa bày tỏ sự trở về cội nguồn của người đi viếng, cũng như để cầu xin ân phúc, và sự phù hộ chở che của những người đã khuất. Người Việt thường cảm thấy chạnh lòng trước những nấm mồ hoang, trước những nấm mồ không còn ai đến thăm, không còn ai chăm sóc, không còn ai đắp mồ sửa mả, không còn ai nhớ tới.

Đối với người Công giáo Việt Nam thì, bên cạnh những truyền thống dân tộc nói trên, họ còn có Lời Chúa cũng như có giáo huấn của Giáo hội nữa. Giống như những người phụ nữ ngày xưa đã đến viếng mộ Chúa Giê-su ngay lúc trời vừa tảng sáng của ngày thứ nhất trong tuần, người Công giáo Việt nam cũng thường đến viếng mộ của những người thân trong gia đình mình. Họ coi trọng mồ mả của cha mẹ, của ông bà và của tổ tiên cách đặc biệt. Nơi chôn cất những người đã chết không thuần túy chỉ là một cái nghĩa trang, chỉ là nơi an nghỉ của người quá cố, nhưng còn là nơi được thánh hiến để trở thành đất thánh, hay còn được gọi là thánh địa, nơi mà Giáo luật của Giáo hội Công giáo minh nhiên cho phép cử hành Thánh Lễ tại đó.

Cùng trong truyền thống của dân tộc và được thấm nhuần bởi Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh, người dân xứ Thánh Mẫu có một sự quan tâm và kính trọng đặc biệt đối với các phần mộ của cha mẹ, của ông bà và của tổ tiên mình. Tại nghĩa địa của Giáo xứ Thánh Mẫu, người ta thấy được những lăng mộ rất to, đẹp, cao ráo và uy nghiêm. Vào những ngày Lễ, ngày Tết, hay những dịp đi xa về, người dân Thánh Mẫu thường hay ra nghĩa địa để cầu nguyện, để thưa chuyện với các vị tiền nhân, và để nhận được những phúc lành từ các Ngài.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, dường như người dân Thánh Mẫu đã quên bẵng đi mất phần mộ của 5 vị tiền nhân đáng kính của mình. Đó là phần mộ của những vị phải được xếp vào bậc đáng kính nhất của Giáo xứ Thánh Mẫu. Các Ngài không phải là ai khác mà là chính tiền nhân, là tổ tiên của người dân Thánh Mẫu. Và cụ thể, đó là 5 vị Tử Đạo đã đổ máu đào để minh chứng cũng như để bảo tồn và truyền lại Đức Tin nguyên tuyền cho con cháu. Thế nhưng dường như người ta đã biến nơi an nghỉ của các Ngài thành một chiếc nhà kho, và xem ra muốn biến nó thành một chiếc nhà kho vĩnh viễn. Với con cháu, xem ra các Ngài đã bị rơi vào quên lãng. Hãy hình dung xem, nếu mồ mả cha mẹ hay ông bà của một ai đó bị biến thành một cái nhà kho, thì người ta sẽ lấy làm đau lòng đến mức nào nếu người ta còn có chút lương tri. Tuy nhiên, khi tận mắt chứng kiến cảnh mồ mả cha mẹ tổ tiên mình bị biến thành nhà kho mà không cảm thấy đau lòng, thì những người như thế chắc chắn phải là những kẻ phản phúc, bất hiếu và mất dậy. Trong trường hợp của 5 Đấng Tử Đạo nói trên, vì các Ngài không phải chỉ là các cụ tổ của dân Thánh Mẫu, mà còn là những chứng nhân Đức Tin, những Anh Hùng Tử Đạo, nên việc biến phần mộ của các Ngài thành một chiếc nhà kho là một điều vô cùng phản phúc và bất kính. Dẫu vậy mặc lòng, trong thực tế, người dân Thánh Mẫu đang vô tình hoặc hữu ý biến nơi phần mộ của các Ngài thành một chiếc nhà kho thuần túy. Điều này đang gây ra một mối bận tâm lớn và đau lòng khôn xiết cho những người có trách nhiệm và có lương tri trong Giáo xứ. Một trong những người đang thể hiện sự đau lòng lớn trước sự việc này, đó là Cha tân Chánh Xứ Vinh-sơn Mai Văn Bảo và ông Chánh Trương Đa-minh Trần Văn Thơ.

Về phần mình, ngay sau khi được bầu làm Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ của Giáo xứ Thánh Mẫu, ông Chánh Đa-minh Trần Văn Thơ đã ấp ủ ý định phục hồi lại nơi an nghỉ của 5 Đấng Tử Đạo bản hương cho đúng với chức năng ban đầu của nó, tức là nơi phượng tự, nơi dành riêng cho Thiên Chúa và cho các Thánh của Người. Trước tiên, ông đã bỏ tiền túi ra để chuộc lại phần đất mà Giáo xứ Thánh Mẫu đã đổi cho chính quyền địa phương trước đây, để dâng lại cho Giáo xứ. Mảnh đất này nằm ở phía cuối ngôi Thánh Đường cũ (tức ngôi Thánh Đường được xây dựng vào năm 1923 và được đại tu vào năm 1986 – và cũng là nơi có phần mộ của 5 Đấng Tử Đạo, nhưng đã bị biến thành nhà kho). Tiếp đến, ông đã lập Đồ án Quy hoạch Khuôn viên Thánh Đường Giáo xứ Thánh Mẫu đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo Bản Quy hoạch này, Ngôi Thánh Đường, nơi các Đấng Tử Đạo đang an nghỉ, “sẽ được trùng tu lại để làm Đền kính Đức Mẹ La Vang. Các giờ Kinh hằng ngày hay các Thánh Lễ ngày thường sẽ được diễn ra ở đây để có một không gian ấm cúng”, và “trong tương lai, nếu Đấng bản quyền thương cất nhắc Giáo xứ lên một bậc nữa, và các vị Tử đạo của Giáo xứ được Giáo hội tuyên Thánh, thì Giáo xứ sẽ sử dụng ngôi nhà thờ này để làm nơi kính các Thánh Tử Đạo bản hương, và khi đó Giáo xứ sẽ đổi tên thành Đền Thánh kính các Thánh Tử Đạo bản hương”.

Bên cạnh sự thao thức muốn phục hồi lại chức năng cũng như mục đích ban đầu của ngôi Thánh Đường cũ, tức nơi thờ phượng, nơi chôn cất các Đấng Tử Đạo bản hương, ông Chánh Thơ còn cảm thấy khao khát đến cháy bỏng muốn trùng tu và phục chế lại Ngôi Thánh Đường này, khi tận mắt chứng kiến sự xuống cấp của nó, để vừa phục hồi lại mục đích ban đầu của ngôi Thánh Đường, vừa để đảm bảo rằng, ngôi Thánh Đường sẽ được chuyển giao lại cho các thế hệ mai sau trong tình trạng nguyên vẹn.

May mắn thay, mong muốn cháy bỏng của ông Chánh Thơ trong những việc nêu trên lại nằm trên cùng một tuyến với sự mong muốn của chính Cha chánh xứ Vinh-sơn Mai Văn Bảo. Cũng xin nói thêm rằng, mặc dù Cha xứ Vinh-sơn Mai Văn Bảo không sinh ra và lớn lên tại đất Thánh Mẫu, hơn nữa, Ngài mới chỉ phụ trách Giáo xứ Thánh Mẫu được hơn một nửa năm, nhưng vì Ngài có một viễn kiến rất xa, và có một tầm nhìn rất sâu sắc, bên cạnh một kiến thức uyên bác của người được học cao hiểu rộng với nhiều năm du học bên trời Âu, và biết trân quý những giá trị văn hóa - điều mà chỉ những người tri thức như Ngài mới biết -, nên Ngài đã rất sớm thể hiện sự cố gắng hết mình của Ngài trong việc bảo vệ các di sản do các vị tiền nhân của Giáo xứ Thánh Mẫu để lại, làm như thể chính Ngài cũng là một người con được sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Thánh Mẫu vậy.

Chính vì thế, vào ngày 28/02/2016, Cha xứ Vinh-sơn Mai Văn Bảo đã chủ trì một cuộc họp nhằm lấy ý kiến của mọi thành phần Dân Chúa trong việc trùng tu Ngôi Thánh Đường nêu trên. Qua cuộc họp này người ta đã thấy được rằng, tại Giáo xứ Thánh Mẫu cũng còn có rất nhiều người khác đang có cùng cái nhìn, đang đi cùng một tuyến với Cha xứ Vinh-sơn Bảo và ông Chánh Đa-minh Thơ. Nổi bật nhất trong số những con người có tầm nhìn và sự hiểu biết rộng đó, là ông Nguyên Chánh Trương Trần Thế Việt, ông Trưởng Trần Thế Đoàn, và ông Trưởng Trần Thế Đảng v.v. Các ông đều mạnh mẽ ủng hộ việc trùng tu và bảo tồn Ngôi Thánh Đường này. Ngoài các ông ra, hầu hết những người tham dự cuộc họp còn lại cũng đều nhất trí với việc trùng tu vừa nêu, và vì thế cuộc họp đã kết thúc với một kết quả tích cực.

Ngay sau khi kết thúc phiên họp vừa kể, Cha xứ Vinh-sơn và ông Chánh Đa-minh đã ngay lập tức bắt tay vào việc chuẩn bị cho công tác trùng tu ngôi Thánh Đường đúng theo nội dung Biên bản của cuộc họp ngày 28/02/2016 nói trên, cụ thể là tiến hành khảo sát, lập phương án trùng tu, lập dự toán, và lập ban trùng tu v.v.

Nhưng thật đáng tiếc, vì dù hầu hết mọi người trong Giáo xứ Thánh Mẫu đều tỏ ra hồ hởi trước việc trùng tu và bảo tồn Ngôi Thánh Đường cũ để nó trở lại đúng với chức năng ban đầu của nó là nơi thờ tự và là nơi an nghỉ của các Đấng Tử Đạo, nhưng trong giáo xứ Thánh Mẫu vẫn còn một số người, có lẽ vì thiếu hiểu biết, thiếu cái tâm, hay cũng có thể vì một yếu tố xấu xa nào đó, như ghen tị hay muốn phá rối chẳng hạn, lại tỏ ra không muốn hoặc thờ ơ với việc trùng tu này. Thậm chí có kẻ còn ngấm ngầm tìm cách phá hoại và cản trở công việc trên, bằng cách lôi kéo, vận động, khích bác, xủi bẩy và kích động người này người kia, để cùng mình phản đối, hay phá rối việc trùng tu này.

Phải chăng những kẻ phá hoại đó không phải là những kẻ phản phúc? Phải chăng những kẻ muốn biến nơi an nghỉ của các vị Tử Đạo bản hương, muốn biến mộ phần của các Đấng Tiền Nhân thành một chiếc nhà kho mãi mãi, không phải là những kẻ phản phúc? Người ta sẽ gọi những kẻ đó là gì khi chúng thể hiện thái độ coi khinh các Đấng Tử Đạo của Chúa, coi khinh các bậc tiền nhân đáng kính của mình? Thật vô phúc cho những người cha và người mẹ nào đã sinh ra những kẻ phản phúc như vậy! Và cũng vô phúc cho những người con nào có cha mẹ mình là những kẻ phản phúc như thế! Chắc chắn những kẻ coi thường mồ mả của tiền nhân, bất kính với các Đấng Tử Đạo của Chúa, nếu không bị chúc dữ bởi các Ngài, thì ít ra cũng sẽ không thể nhận được phúc lành đến từ các Ngài; chắc chắn họ sẽ bị các thế hệ mai sau nguyền rủa và oán hận. Tuy nhiên, quay đầu là bờ, vì thế người ta vẫn hy vọng những kẻ phá rối trên sớm hồi tâm và thay đổi thái độ; người ta vẫn hy vọng rằng, sau khi những kẻ này nhắm mắt lìa đời, mồ mả của họ sẽ không bị các thế hệ mai sau chỉ tay vào và bảo: đó là kẻ phản phúc vì đã muốn biến phần mộ của các vị Tử Đạo, đã muốn biến mồ mả của các bậc Tiền Nhân thành một chiếc nhà kho mãi mãi!

Thế Trường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét