Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2016

Video Clip Về Dự Án Trùng Tu Nhà Thờ Cũ

Video Clip Về Dự Án Trùng Tu Nhà Thờ Cũ

Như chúng tôi đã đưa tin, vào ngày 28 tháng 02 năm 2016, Cha xứ Vinh-sơn Mai Văn Bảo đã chủ trì một cuộc họp để lấy ý kiến của mọi thành phần Dân Chúa về việc Trùng Tu ngôi Thánh Đường cũ, tức ngôi Thánh Đường được xây dựng vào năm 1923 và được đại tu vào năm 1986.
Sau cuộc họp trên, vào ngày 27 tháng 03 năm 2016, Cha xứ Vinh-sơn Mai Văn Bảo đã chính thức thành lập Ban Trùng Tu đúng theo kết luận đã được nhất trí và được ghi trong Biên Bản của cuộc họp này. Theo đó, Cha Vinh-sơn Mai Văn Bảo làm Trưởng Ban, Ông Chánh Trương Trần Văn Thơ làm Phó Ban Thường trực, Ông Phó Chánh Trương Trần Quốc Tịch làm Phó Ban điều hành trực tiếp và phụ trách ngân sách, Ông Trần Ngọc Chỉnh làm Thư ký, và Ông Đỗ Duy Trương làm Thủ quỹ.

Đồng thời, sau cuộc họp trên, bên cạnh việc liên hệ và làm việc với các đơn vị chuyên môn để thẩm tra, và đánh giá mức độ xuống cấp của ngôi Thánh Đường cũ, cũng như để đưa ra các phương án Trùng Tu, Cha xứ và các vị trong Ban Trùng Tu còn khẩn trương tham khảo tận nơi nhiều công trình như Nhà Thờ Chính Tòa Phát Diệm, Nhà Thờ xứ Phạm Pháo, Nhà Thờ xứ Lạc Thành v.v. Ngoài ra, các vị còn đi tìm các nguồn vật liệu vừa chất lượng, vừa phù hợp với giá thành cũng như phù hợp với kết cấu hiện có của ngôi Thánh Đường nêu trên. Sau một thời gian nghiên cứu, tham khảo, và bàn bạc, Cha xứ và Ban Trùng Tu cùng những người có liên quan, đã thống nhất chọn phương án 2 trong năm phương án Trùng Tu do Kiến Trúc sư đề xuất, đồng thời chọn gỗ hương làm vật liệu chính cho việc tu bổ các kết cấu gỗ cần phải thay thế cũng như cần phải tăng cường của ngôi Nhà Thờ này.

Vào ngày 06 tháng 04 năm 2016, Cha xứ đã tổ chức một cuộc họp mở rộng với sự tham dự của các thành viên trong Ban Trùng Tu và các vị Trưởng Xóm của bốn Giáo khu, để  bàn về kế hoạch triển khai chi tiết cho dự án Trùng Tu này. Tuy nhiên sau cuộc họp đó, và ngay cả sau khi Cha xứ đã chính thức công bố rằng, dự án Trùng Tu sẽ được triển khai, thì vẫn có một số cá nhân trong Giáo xứ, thậm chí có cả một số thành viên trong Ban Trùng Tu còn tỏ ra băn khoăn về dự án này. Họ đặt ra những câu hỏi đại loại như: Có nên trùng tu nhà thờ không? Trùng tu như thế nào, theo phương án nào? Nếu bão gió xảy ra làm sập nhà thờ chính, thì lúc đó sẽ làm sao? v.v… Chính vì thế, vào ngày 24 tháng 04 năm 2016, Cha xứ đã tái nhóm họp các vị trong Ban Trùng Tu nhằm lắng nghe và giải tỏa các băn khoăn vừa nêu. Cha xứ và ông Chánh Thơ đã đưa ra những lời giải đáp cho những thắc mắc nêu trên một cách cụ thể như sau:

1.Băn khoăn về việc có nên trùng tu nhà thờ không?

Việc có nên trùng tu nhà thờ cũ nữa hay không, thì bây giờ chúng ta không được phép bàn tới nữa, vì trong cuộc họp ngày 28/02 vừa qua, toàn thể bà con Giáo xứ đã thống nhất với việc trùng tu này rồi; đồng thời, vào ngày 17/4 vừa qua, đích thân Cha xứ cũng đã chính thức công bố sẽ tiến hành việc trùng tu nhà thờ cũ. Vì thế, chúng ta phải tôn trọng bà con giáo dân, cũng như phải tôn trọng Cha xứ. Nếu bây giờ chúng ta còn đem việc có trùng tu nữa hay không ra để bàn thảo, thì có nghĩa là chúng ta đang coi thường mọi người, chúng ta đang coi mọi người như những đứa trẻ con, và chính chúng ta cũng đang tự biến mình thành những đứa con nít. Vì thế, xin nhắc lại rằng, bây giờ chúng ta sẽ không bàn tới việc có trùng tu nữa hay không, nhưng sẽ bàn tới việc bắt tay vào việc trùng tu.

2.Trùng tu như thế nào, nói khác đi theo phương án nào?

Chúng ta đã đưa ra 5 phương án. 5 phương án chứ không phải là ít. Và rồi sau khi cân nhắc, chúng ta đã đi đến thống nhất và quyết định chọn phương án 2. Dự kiến thời gian trùng tu sẽ kéo dài khoảng từ 5 tới 8 tháng nếu theo phương án 2 này.

3.Nếu bão gió xảy ra làm sập nhà thờ chính, thì lúc đó sẽ làm sao đây?

Việc bão gió là việc ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Đó là việc của thiên nhiên, nên chúng ta không lường trước được. Nếu bão đến, sóng thần đến, động đất đến, chẳng hạn như ở Nhật Bản hay ở Ê-cu-a-đo vừa rồi, thì sẽ không phải chỉ riêng nhà thờ, mà ngay cả nhà chúng ta, và thậm chí cả tính mạng chúng ta nữa, cũng sẽ bị mất. Vì thế, chỉ còn cách là chúng ta phó thác vào sự quan phòng của Chúa mà thôi. Nếu chúng ta không tín thác vào Chúa thì chúng ta sẽ chẳng dám làm gì. Chẳng lẽ vì bão gió lụt lội mà sẽ chẳng có ai ra đồng để cầy bừa, để gieo mạ, để cấy lúa, để chăm bón và để gặt hái hay sao? Không phải vậy, bởi dù biết rằng, bão gió lụt lội có thể đến bất cứ lúc nào, nhưng bà con chúng ta vẫn cứ cầy bừa, vẫn cứ gieo mạ, vẫn cứ cấy lúa, vẫn cứ chăm bón và vẫn cứ gặt hái nếu lúa chín, vì tất cả mọi người đều biết rằng, việc cầy cấy gieo trồng và chăm sóc là của chúng ta, còn việc cho hoa trái trổ bông, hay cho bão gió đến, là việc của tự nhiên, là việc của Thiên Chúa. Và cho dẫu có bị mất mùa vì thiên tai hay vì bão gió, thì người nông dân Ky tô hữu vẫn được  mời gọi để tạ ơn Chúa. Cũng vậy, đối với việc trùng tu nhà thờ thì chúng ta cứ làm, nếu thiên tai bão gió đến làm đổ nhà thờ, thì chúng ta cũng tạ ơn Chúa. Chúng ta phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, vì “một sợi tóc trên đầu của chúng ta rơi xuống cũng không ngoài ý Chúa”. Và “nếu Chúa chẳng xây nhà thì thợ nề vất vả cũng là uổng công”. Tuy nhiên, nếu Chúa muốn, các vị tiền nhân muốn, mà chúng ta không cộng tác thì chúng ta sẽ có lỗi với Chúa, cũng như sẽ có lỗi với các vị tiền nhân của chúng ta. Nếu Chúa cho bão đến để làm sập nhà thờ, thì chúng ta cũng không lo. Chúa làm thì Chúa cũng có cách giúp chúng ta khắc phục.

Sau khi được Cha xứ và ông Chánh Thơ giải đáp những thắc mắc nêu trên, mọi người trong hội nghị không ai còn cảm thấy băn khoăn gì nữa.

Hiện nay, để bà con có cái nhìn toàn cảnh về công trình sau khi phương án trùng tu thứ 2 hoàn thành, với sự cẩn thận và chu đáo, Cha xứ và ông Chánh Thơ đã làm một video clip và chiếu cho bà con xem vào tối thứ Bảy ngày mồng 04 tháng 06 năm 2016.

Xem xong video clip này, tất cả bà con, ai nấy đều rất phấn khởi và mong cho dự án sớm được triển khai và hoàn thành. Chúng tôi cho đăng video clip này để cho những bà con đang làm ăn, công tác hay học tập ở xa quê hương, đều có thể chia sẻ tâm tình với mọi người tại quê nhà, cũng như để cùng nhau hiệp thông, cầu nguyện, chung sức, chung lòng, góp của và góp công v.v…, để dự án được thực hiện cách thành công và tốt đẹp như lòng Chúa mong muốn, cũng như theo tâm nguyện của Cha xứ, của ông Chánh Thơ và của mọi người trong Giáo xứ.

Công tác chuẩn bị cho việc trùng tu Ngôi Thánh Đường cũ đã diễn ra một cách hết cẩn thận, chu đáo và công phu. Vì thế, nếu ai đó vẫn cố tình ngăn cản công trình này, hoặc nếu vì họ mà công trình này không thể được tiến hành, thì người ấy sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước lương tâm và lịch sử. Mọi người đều biết, lúc này là lúc thuận tiện nhất xét về mọi phương diện để tiến hành Trùng Tu Ngôi Thánh Đường cũ. Nếu công trình này không được tiến hành vào lúc này thì còn phải rất lâu nữa, phải trong một tương lai rất xa nữa, người ta mới dám tái khởi động lại nó. Không những thế, có khi việc trùng tu Ngôi Thánh Đường trên sẽ không bao giờ được đặt vấn đề tới nữa, và như vậy, nõ sẽ bị để cho hoang tàn, và có ngày sẽ bị sụp đổ. Và lúc đó, công trình đầy giá trị xét về khía cạnh Đức Tin, văn hóa và lịch sử này sẽ bị biến mất. Vì thế, bất cứ ai góp phần cản trở công trình Trùng Tu nói trên, cho dù người đó là ai, và đang nắm giữ chức vụ nào, thì cũng vẫn sẽ bị điểm mặt chỉ tên, và sẽ bị lưu tên trong lịch sử của Giáo xứ Thánh Mẫu với tư cách là những kẻ phá hoại.
BTT.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét