Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

Giáo Xứ Thánh Mẫu tổ chức Phiên Họp Trù Bị Cho Cuộc Bầu Cử Ban Hành Giáo

Giáo Xứ Thánh Mẫu tổ chức Phiên Họp Trù Bị Cho Cuộc Bầu Cử Ban Hành Giáo
Ảnh:

Chiều ngày 27 tháng 11 năm 2016 vừa qua, sau Thánh Lễ Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng, Cha xứ Vinh-sơn Mai Văn Bảo đã tổ chức một phiên họp nhằm chuẩn bị cho cuộc Bầu Cử Ban Thường Vụ của Giáo xứ Thánh Mẫu – Khóa 2017-2021.

Các thành viên tham dự cuộc họp hôm nay gồm Cha xứ Vinh-sơn (Chủ trì cuộc họp), các vị trong Ban Thường Vụ, các cựu viên chức, các Trưởng và Phó các Giáo khu đương nhiệm.

Khai mạc cuộc họp, Cha xứ đã đề cập đến nghị trình của cuộc họp hôm nay. Theo đó, cuộc họp sẽ bàn về cách thức tổ chức cuộc bầu cử Ban Thường Vụ khóa 2017-2021, cũng như bàn về cách thức tìm các ứng viên cho từng vị trí của Ban Thường Vụ. Cuộc họp cũng sẽ bàn về thời gian tổ chức cuộc bầu cử Ban Thường Vụ. Đồng thời, Cha xứ đã đề cập đến Tờ Trình được ký vào ngày 08 tháng 07 năm 2016 mà Ban Thường Vụ Giáo xứ đã gửi tới Cha Xứ để đề xuất về việc tổ chức bầu Ban Thường Vụ – Khóa 2017-2021. Cha xứ cũng không quên đưa ra nhận xét rằng, cách thức tổ chức bầu Ban Thường Vụ như được nêu ra trong Tờ Trình là rất khoa học.

Sau lời khai mạc của Cha xứ, hội nghị đã diễn ra rất sôi nổi theo tiến trình mà Cha xứ đã đề xuất. Mọi người đều đưa ra những ý kiến đóng góp rất mang tính xây dựng.

Ông Nguyên Chánh Việt đưa ra ý kiến cụ thể như sau: các vị trong Ban Thường Vụ khóa đương nhiệm cần tiếp tục tại vị cho đến ngày cắt băng khánh thành Dự Án Trùng Tu Ngôi Nhà Thờ Cổ. Chẳng hạn như, nếu việc cắt băng khánh thành diễn ra vào ngày 05 tháng 01 năm 2017, thì các vị trong BTT khóa đương nhiệm sẽ tại vị cho tới hết ngày hôm đó.

Mặc dù cuộc họp hôm nay không có mục địch nhằm giới thiệu các ứng viên, nhưng ông Nguyên Chánh Việt vẫn giới thiệu hai ứng cử viên cho chức vụ Chánh Trương của Ban Thương Vụ khóa tới, cụ thể là ông Trần Thế Đoàn và ông Trần Tiến Nhượng.

Ông Phó Chánh Tịch cũng có ý kiến cụ thể như sau: Như Tờ Trình mà Cha xứ đã đề cập ở trên, Ban Thường Vụ khóa đương nhiệm đã trình với Cha rằng, dù thế nào đi nữa, thì trách nhiệm công việc của những người với tư cách là Ban Thường Vụ Ban Hành Giáo cũng sẽ chấm dứt vào ngày 01 tháng 01 năm 2017. Vì thế, ông Phó Chánh Tịch vẫn bảo lưu quan điểm này.

Còn về ngày cắt băng khánh thành Dự Án Trùng Tu Nhà Thờ Cổ, ông Phó Chánh Tịch nói rằng, nếu sau ngày 01 tháng 01 năm 2017 mà dự án chưa hoàn thành, thì các ông trong Ban Thường Vụ đương nhiệm vẫn sẽ cố gắng tiếp tục thực hiện Dự Án này cho đến khi khánh thành, nhưng lúc ấy sẽ không còn mang tư cách là Ban Thường Vụ nữa, nhưng với tư cách là thành viên của Ban Trùng Tu Dự Án.

Tiếp lời ông Phó Chánh Tịch, ông Nguyên Chánh Tuyên nói rằng, ngày mãn nhiệm hay bổ nhiệm là do Cha xứ quyết định. Về ngày bầu cử Ban Thường Vụ khóa  mới, ông Chánh Tuyên đề nghị rằng, ngày ấy nên diễn ra vào ngày Đại Lễ Chúa Giáng Sinh, tức ngày 25 tháng 12 năm 2016. Về ứng cử viên, ông đề nghị mỗi Giáo khu đưa ra một ứng cử viên; ai chấp nhận làm ứng viên, người ấy phải xác nhận việc này bằng văn bản. Đồng thời, ông gợi ý Cha xứ nên gặp gỡ các ứng cử viên để động viên họ.

Các ông Trưởng, Phó của các Giáo xóm cũng có ý kiến trong cuộc họp hôm nay.

Ông trưởng Viễn phát biểu rằng, việc yêu cầu các ứng viên phải xác nhận bằng văn bản là điều không có tính khả thi, bởi vì ai là người dám yêu cầu họ viết văn bản và ký tên vào đó; một số ứng cử viên được tiến cử nhưng họ đang vắng mặt lúc này, vậy họ làm sao mà xác nhận bằng văn bản hay ký vào một văn bản đã được soạn sẵn; hơn nữa, khi người ta đã xác nhận bằng văn bản hay ký vào một văn bản được soạn sẵn rồi, thì họ sẽ cảm thấy xấu hổ nếu như sau khi bỏ phiếu họ không trúng cử.

Ông Trưởng Đĩnh đưa ra đề nghị rằng, cần phải giới thiệu những người có khả năng như các ông trong Ban Thường Vụ đương nhiệm làm ứng viên.

Ông Trưởng Tuyền thì cho biết, hoàn toàn đồng ý với ý kiến của ông Nguyên Chánh Việt.

Nhưng ông Phó Trưởng Huy thì thắc mắc rằng, mỗi Giáo xóm đưa ra từ 2 đến 3 ứng cử viên có được không?

Tiếp theo những ý kiến trên của các vị đại biểu, Cha xứ đề nghị ông Chánh Thơ nêu ý kiến của mình.

Ông Chánh Thơ cho ý kiến như sau: về câu hỏi do ông Phó Trưởng Huy nêu ra, thì chúng ta nên thỏa thuận thế này: mỗi Giáo khu nên đưa ra 3 ứng cử viên cho ba chức vụ khác nhau của Ban Thường Vụ: Chánh Trương, Phó Chánh Trương và Thủ Qũy. Về yêu cầu buộc các ứng cử viên phải có văn bản xác nhận hay ký vào một văn bản được soạn sẵn, thì chúng ta nên bác bỏ, như ý kiến của ông Trưởng Viễn nêu ra ở trên. Ông Chánh Thơ tán thành với đề nghị cho rằng, ngày bầu cử Ban Thường Vụ khóa tới sẽ diễn ra vào ngày 25 tháng 12 năm 2016. Nhưng ông đề nghị rằng, ngày bổ nhiệm sẽ diễn ra vào ngày 02 tháng 01 năm 2017.

Sau khi đã bàn thảo kỹ lưỡng, Hội Nghị đã thống nhất và đưa ra những quyết nghị sau đây:

1.Ngày nộp danh sách các ứng cử viên: trước ngày 15 tháng 12 năm 2016;

2.Ngày bầu cử: Sáng ngày 25 tháng 12 năm 2016.

3.Ứng cử viên cho Ban Thường Vụ: Mỗi Giáo khu sẽ giới thiệu ba ứng cử viên cho mỗi chức danh. Danh sách các ứng cử viên sẽ phải được gửi về cho Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ và Cha Xứ trước ngày 15 tháng 12 năm 2016.

4.Cách thức bầu cử: Bầu phiếu kín, trước tiên là bầu chức Chánh Trương - Sau khi các cử tri quy tụ đông đủ tại nơi và theo thời gian quy định, Cha xứ sẽ cất Kinh Cầu Xin Chúa Thánh Thần để xin ơn soi sáng cho các cử tri bầu ra những người có năng lực và có đức nhất để phục vụ Giáo Xứ. Sau đó Cha xứ hoặc một vị có trách nhiệm sẽ gải thích cách thức bầu cử (Nên có văn bản hướng dẫn cụ thể và chi tiết về cách thức Bầu Cử). Khi mọi người hiện diện đã hiểu rõ cách thức bầu cử thì các lá phiếu (đã được chuẩn bị sẵn) sẽ được phân phát cho từng cử tri hiện diện (mỗi người hiện diện chỉ được nhận một lá phiếu, và không được phép nhận phiếu thay, hay bầu thay cho người khác). Tiếp đến là phần bầu phiếu: Sau khi ghi tên ứng viên trên tờ phiếu, mỗi cử tri sẽ gấp tờ phiếu đó lại và tiến đến thùng phiếu để bỏ vào đó (thùng phiếu được để ở nơi trang trọng trước sự quan sát của mọi người). Khi mọi cử chỉ đã bầu phiếu xong thì ba vị được chỉ định sẽ tiến đến thùng phiếu, đổ phiếu ra trước sự chứng kiến của Cha Xứ và mọi người hiện diện. Sau đó là nghi thức đếm phiếu: nếu phiếu không đủ so với số người hiện diện thì không sao, nhưng nếu số phiếu nhiều hơn số người hiện diện thì phải tổ chức bầu lại. Và rồi, từng lá phiếu sẽ được mở ra, và danh tính ứng viên được ghi trong đó sẽ được đọc to lên cho mọi người nghe. Tên của người được bầu sẽ ngay lập tức được ghi trên bảng trước sự chứng kiến của mọi người. Những lá phiếu nào không hợp lệ (chẳng hạn như ghi sai tên ứng viên) sẽ bị hủy bỏ. Nếu số phiếu không hợp lệ chiếm quá một phần ba (1/3) toàn số phiếu, thì phải tổ chức bầu lại. Trong lần bầu cử đầu tiên, nếu ai đạt được số phiếu trên 50%, người ấy sẽ đắc cử Chánh Trương. Nhưng nếu không ai đạt được trên 50% số phiếu thì phải tổ chức bầu lại. Tuy nhiên, trong lần bầu cử thứ hai, chỉ hai người trong số các ứng viên có số phiếu bầu cao nhất trong lần bầu cử thứ nhất mới tiếp tục còn là ứng viên, các ứng viên khác sẽ bị loại. Và trong cuộc bầu cử lần hai, ai đạt được số phiếu cao nhất, người ấy sẽ đắc cử Chánh Chương. Trong trường hợp hai người có số phiếu ngang nhau, thì ai lớn tuổi hơn, người ấy sẽ đắc cử. Khi bầu các chức danh khác (Phó Chánh Trương và Thủ Quỹ), tiến trình cũng được áp dụng như vậy[*].

5.Cử tri: Bất cứ ai là thành viên của Giáo xứ Thánh Mẫu, từ đủ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam, nữ, đều có quyền tham gia bầu Ban Thường Vụ. Những ai là người Công giáo, đã đủ 18 tuổi, và đã cư ngụ tại Giáo xứ Thánh Mẫu ít  nhất là 6 tháng, cũng sẽ được tham gia bầu cử. Nhưng chỉ những ai hiện hiện trong cuộc bầu mới có quyền bầu phiếu. Không ai được phép bầu thay cho người khác; cũng không được phép bầu phiếu bằng cách gửi thư[*].

Trong quá trình chuẩn bị cho việc bầu cử nói trên, nếu có điều gì ngăn trở thì Cha xứ và Ban Thường Vụ sẽ bàn bạc và thông tin lại.

Hội nghị kết thúc trong bầu khí vui tươi và bình an.

[*]Cả mục 4 và 5 đều không có trong nghị quyết của Hội Nghị trù bị, nhưng là do đề nghị của chúng tôi.


Quốc Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét