Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi (Trả lời thắc mắc của độc giả - mục 2)

Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi (Trả lời thắc mắc của độc giả - mục 2)

2.Thiên Chúa Tự Mạc Khải Mình Là Thiên Chúa Ba Ngôi

Thiên Chúa Cha được mạc khải thông qua Chúa Con.

Trong nhiều tôn giáo, Thượng Đế được gọi như là „Cha“. Và Thượng Đế thường được coi như là „cha của các thần thánh và con người“. Đối với dân Israel, Thiên Chúa cũng được gọi là „Cha“, như là Đấng sáng tạo nên thế giới (Vgl. Dtn 32,6; Mal 2,10). Thiên Chúa trước tiên hoàn toàn là Cha chiếu theo Giao Ước và việc trao ban lề luật cho Israel – „đứa con đầu lòng“ của Ngài (Ex 4,22). Ngài cũng được gọi là Cha của vua Israel (Vgl. 2 Sam 7,14). Một cách hoàn toàn đặc biệt, Thiên Chúa là „Cha của những người nghèo“, của những kẻ mồ côi và người góa bụa (Vgl. Ps 68,6), tức những người đứng trong sự yêu thương bao bọc chở che của Thiên Chúa.

Khi ngôn ngữ của Đức Tin gọi Thiên Chúa là „Cha“, trước hết nó gợi ý tới hai phương diện: Thiên Chúa là căn nguyên của tất cả cũng như là Đấng có uy quyền trổi vượt, và đồng thời Ngài cũng là Đấng Tốt Lành và là Đấng Yêu Thương săn sóc tất cả mọi con cái của Người. Sự tốt lành mang tính chất như người cha người Mẹ của Thiên Chúa được bày tỏ thông qua hình ảnh của tình mẫu tử (Vgl. Jes 66,13; Ps 131,2), nó thể hiện hơn nữa tính nội tại của Thiên Chúa, sự gần gũi thân mật giữa Thiên Chúa và thụ tạo của Ngài. Ngôn ngữ của Đức Tin tiếp thu kinh nghiệm của con người về cha mẹ mình, mà cha mẹ có thể được gọi như là những người đại diện đầu tiên của Thiên Chúa đối với con người. Nhưng kinh nghiệm lại cho thấy, cha mẹ nhân loại có thể mắc phải những lỗi lầm, và như thế họ làm biến dạng hình ảnh của tình phụ tử cũng như tình mẫu tử. Vì thế nó nhắc nhớ rằng, Thiên Chúa vượt lên trên sự khác biệt của phái tính con người. Ngài không phải là một người đàn ông cũng không phải là một người đàn bà; Ngài là Thiên Chúa. Ngài vượt lên trên tình phụ tử cũng như tình mẫu tử nhân loại (Vgl. Ps 27,10), mặc dầu Ngài là căn nguyên và là mực thước (Vgl. Eph 3,14; Jes 49,15): nhưng không ai có thể là cha giống như Thiên Chúa.

Chúa Giê-su đã mạc khải cho chúng ta biết rằng, Thiên Chúa là „Cha“ trong một ý nghĩa vô tiền khoáng hậu: không phải chỉ như một Đấng Sáng Tạo, nhưng là Cha từ đời đời của Con Độc Nhất, Đấng là Con từ đời đời chỉ trong mối tương quan với Cha của Ngài: „Không ai biết Chúa Con ngoại trừ Chúa Cha, và cũng không ai biết Chúa Cha ngoại trừ Chúa Con và Đấng mà Chúa Con muốn mạc khải“ (Mt 11,27).

Vì thế, các môn đệ đã tuyên xưng Chúa Giê-su là Ngôi Lời, Đấng vốn là Thiên Chúa và ở trong cung lòng Thiên Chúa (Vgl. Joh 1,1), là „hình ảnh của Thiên Chúa vô hình“ (Kol 1,15), là „phản ánh vẻ huy hoàng và hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa“ (Hebr 1,3).

Sự tuyên tín của Giáo Hội được bảo tồn từ truyền thống các Tông Đồ , trong sự tiếp nối truyền thống đó, vào năm 325 nơi Công Đồng Chung đầu tiên tại Ni-ze-a, Giáo Hội đã công bố rằng, Chúa Con „đồng bản thể (homoúsios, consubstantialis) với Chúa Cha“, điều này có nghĩa rằng, Chúa Con với Chúa Cha là một Thiên Chúa duy nhất. Vào năm 381 tại Konstantinopel, Công Đồng chung thứ hai đã duy trì cách diễn đạt này trong sự trình bày về kinh Tin Kính của Công Đồng Ni-ze-a, và công bố rằng: „Con Một Thiên Chúa được sinh ra từ Chúa Cha trước mọi thời: Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa Thật bởi Thiên Chúa Thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản tính với Đức Chúa Cha“ (DS 150).

(Còn tiếp)

Mời quý vị đón đọc mục 3: Chúa Cha và Chúa Con được mạc khải thông qua Chúa Thánh Thần.

BBT.

Bài có liên quan: Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi (01)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét