Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

THÔNG ĐIỆP - LUMEN FIDEI - ÁNH SÁNG ĐỨC TIN (Chương IV)

THÔNG ĐIỆP - LUMEN FIDEI - ÁNH SÁNG ĐỨC TIN 
CHƯƠNG IV
NGƯỜI ĐÃ CHUẨN BỊ CHO CÁC NGÀI MỘT THÀNH TRÌ
(cf. Heb 11:16)
Đức tin và sự thiện phổ quát 

50. Trong khi trình bày câu truyện về các tổ phụ cũng như các người nam và người nữ công chính của Cự Ước, Thư gửi tín hữu Do Thái đã nhấn mạnh đến một khía cạnh thiết yếu của đức tin nơi họ. Đức tin ấy không chỉ được trình bày như là một cuộc hành trình, mà còn như là một quá trình xây dựng, chuẩn bị một địa điểm mà ở đó con người có thể cự ngụ cùng nhau và với nhau. Người xây dựng đầu tiên là ông No-ê – ông đã cứu gia đình của ông trong một con tàu (Dt.11,7). Tiếp theo là Ab-ra-ham, người được nói đến rằng, nhờ đức tin ông đã ở trong các lều vì ông trông chờ một thành có nền móng vững chắc (x. Dt.11,9-10). Bởi đức tin giúp đi tới một thực tại mới cũng như một sự chắc chắn mới mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể ban phát. Nếu người có đức tin tìm thấy sự hỗ trợ trong Thiên Chúa tín trung, Thiên Chúa Amen (x. Is.65,16), và như vậy có thể tự trở nên vững chắc, thì chúng ta giờ đây cũng có thể nói rằng, sự vững chắc của đức tin biểu thị một thành trì mà Thiên Chúa đang chuẩn bị cho con người. Đức tin chỉ biểu lộ mức độ vững chắc trong các mối quan hệ của con người khi mà Thiên Chúa hiện diện ở giữa họ. Đức tin không chỉ tặng ban sự vững chắc bên trong, tự sự tin tưởng chắc chắn vào Đấng mà họ tin, mà nó còn chiếu giãi ánh sáng của nó trên mọi mối quan hệ của con người, bởi nó được bắt nguồn từ tình yêu và phản chiếu tình yêu của chính Thiên Chúa. Thiên Chúa – Đấng tự mình đáng tin cậy - ban tặng cho chúng ta một thành trì đáng tin cậy.

51. Đúng vậy, bởi nó được nối liền với tình yêu (x. Gal.5,6), nên ánh sáng đức tin được đặt cụ thể trong việc phục vụ công ích, luật pháp và hòa bình. Đức tin được bắt nguồn từ sự gặp gỡ với tình yêu căn nguyên của Thiên Chúa, ở đó ý nghĩa và sự tốt lành của đời sống chúng ta trở nên rõ ràng; đời sống của chúng ta được chiếu sáng tới một mức độ mà nó đi vào không gian được mở ra, bởi tình yêu ấy, tới một mức độ mà nó trở thành, nói cách khác đi, một con đường và một thực tiễn dẫn đến sự viên mãn của tình yêu. Ánh sáng đức tin có khả năng làm tăng thêm sự phong phú các mối tương quan của con người, khả năng duy trì, đáng tin cậy và làm phong phú đời sống của chúng ta. Đức tin không kéo chúng ra ra khỏi thế giới này, hoặc tỏ ra không tương thích với những mối bận tâm cụ thể của những người nam và người nữ trong thời đại chúng ta.

Không có một tình yêu đáng tin cậy thì không có cái gì có thể thực sự duy trì được sự hiệp nhất giữa những người nam và người nữ. Lúc ấy, sự hiệp nhất của con người sẽ chỉ có thể hình dung được dựa trên cơ sở của những lợi ích, trên sự tính toán của những cái hơn thiệt hoặc trên nỗi sợ hãi nhưng không dựa trên  sự thiện phổ quát, không dựa trên niềm vui mà chỉ nhờ vào sự hiện diện của người khác mới có thể đem lại. Đức tin làm cho chúng ta nhận thức rõ được cấu trúc của các mối quan hệ nơi con người, bởi nó nắm được nền tảng cuối cùng của nó và số phận sau cùng trong Thiên Chúa, trong tình yêu thương của Ngài, và vì thế nó chiếu tỏa ánh sáng trên tính nghệ thuật của cấu trúc; được hiểu theo nghĩa hẹp là nó trở nên một sự giúp ích cho sự thiện phổ quát. Đức tin thực sự là một điều tốt lành cho mọi người; nó là một sự tốt lành phổ quát. Ánh sáng của nó không đơn giản chỉ chiếu rọi bên trong Giáo Hội, cũng không chỉ phục vụ việc xây dựng một thành trì vĩnh cửu trong lai thời, mà nó giúp chúng ta xây dựng các xã hội của chúng ta theo cách mà chúng có thể tạo ra một hành trình tiến về một tương lai đầy hy vọng. Thư gửi Do Thái đã đưa ra một ví dụ về khía cạnh này khi nó gọi tên, ở giữa những người nam và người nữ mang đức tin, Samuel và Đavid, đức tin đã làm cho các vị “thực hành đức công chính” (Dt.11,33). Sự thể hiện này nhắc đến đức công chính của họ trong nhiệm vụ cai trị, trong sự khôn ngoan để mang hòa bình đến cho dân (x. 1 Sm. 12,2-5; 2 Sm.8,15). Đôi tay của đức tin được giơ lên trời, đồng thời nó bắt tay vào để xây dựng trong đức ái một thành trì dựa trên các mối quan hệ mà trong đó tình yêu của Thiên Chúa được đặt làm nền tảng.

Đức tin và gia đình

52. Trong cuộc hành trình tiến về thành trì tương lai của Ab-ra-ham, Thư gửi tín hữu Do Thái đã đề cập đến lời chúc phúc đã được truyền từ thế hệ này sang thế thế hệ khác (x. Dt.11,20-21). Môi trường đầu tiên mà ở đó đức tin khai sáng thành trì của con người là gia đình,  mà đầu tiên và trước hết đó là sự hợp nhất bền vững giữa một người nam và một người nữ trong hôn nhân. Sự hợp nhất này bắt nguồn từ tình yêu của họ, như là một dấu chỉ về sự hiện diện của tình yêu của chính Thiên Chúa, và bắt nguồn từ sự thừa nhận và chấp nhận sự tốt lành trong sự dị biệt của giới tính, nhờ đó vợ chồng có thể trở thành một xác thể (x. Gen.2,24) và được làm cho có thể sinh ra một sự sống mới, một sự biểu lộ điều thiện, sự khôn ngoan và kế hoạch yêu thương của Đấng Sáng Tạo. Được đặt trên nền tảng của tình yêu thương này, một người nam và một người nữ có thể đoan hứa với nhau về một tình yêu qua lại trong một cử chỉ cam kết toàn bộ đời sống của họ và phản ánh nhiều đặc điểm của đức tin. Thề hứa yêu thương mãi mãi là có thể khi chúng ta nhận thức được một kế hoạch lớn hơn cả những ý kiến và công việc  của chúng ta, một kế hoạch mà nó duy trì, nâng đỡ chúng ta, và làm cho chúng ta có thể dâng toàn bộ tương lai cho người mà chúng ta yêu. Đức tin cũng giúp chúng ta hiểu thấu - trong tất cả sự sâu thẳm và phong phú của nó – sự sinh ra con cái, như là một dấu chỉ của tình yêu của Đấng Sáng Tạo – Đấng đã trao phó cho chúng ta màu nhiệm của một con người mới. Bà Sarah, nhờ đức tin, đã trở thành một người mẹ, vì bà đã tin tưởng vào sự trung tín của Thiên Chúa đối với lời hứa của Ngài (x. Dt.11,11).

53. Trong gia đình, đức tin đi cùng với mọi giai đoạn của cuộc đời, bắt đầu với tuổi ấu thơ: trẻ em học biết để tin tưởng vào tình yêu của cha mẹ chúng. Đây là lý do tại sao nó rất quan trọng, đến nỗi trong các gia đình, cha mẹ cổ võ, khuyến khích sự thể hiện chung về đức tin, điều đó có thể giúp các em dần dần lớn lên trong đức tin của chính các em. Đặc biệt những người trẻ đang đi qua giai đoạn của quãng đời rất phức tạp, phong phú và quan trọng đối với đức tin của họ, cần cảm thấy sự gần gũi không ngừng và sự hỗ trợ, nâng đỡ của gia đinh và Giáo Hội trong cuộc hành trình đức tin của họ. Tất cả chúng ta đều đã thấy, trong những Ngày Giới Trẻ Thế Giới, niềm vui mà các người trẻ thể hiện trong đức tin của họ cũng như trong sự khao khát của họ cho một đời sống đức tin phong phú và vững chắc hơn bao giờ hết. Những người trẻ muốn sống cuộc sống trong sự tràn đầy nhất. Việc gặp gỡ Đức Ky-tô, để mình được bắt kịp và được hướng dẫn bởi tình yêu của Ngài, đã mở rộng các chân trời hiện hữu, cho nó một niềm hy vọng chắc chắn mà sẽ không phải thất vọng. Đức tin không phải nơi ẩn náu của người nhát gan, nhưng là cái gì đó làm tăng cường đời sống của chúng ta. Nó làm chúng ta nhận thức được một tiếng gọi to lớn, thiên hướng của tình yêu. Nó đảm bảo với chúng ta rằng, tình yêu này là đáng tin cậy và đáng ôm lấy, bởi vì nó được dựa trên sự trung tín của Thiên Chúa, và nó mạnh mẽ hơn bất kỳ sự yếu đuối nào của chúng ta.

Một ánh sáng cho cuộc sống trong xã hội

54. Được hấp thụ và được đào sâu trong gia đình, đức tin trở thành một ánh sáng có khả năng chiếu soi tất cả các mối quan hệ của chúng ta trong xã hội. Nó đặt chúng ta trên con đường của tình huynh đệ như một trải nghiệm về lòng  thương xót của Thiên Chúa Cha.  Tính hiện đại cần được xây dựng trên một tình huynh đệ phổ quát dựa trên sự bình đẳng, như chúng ta đã dần dà nhận ra rằng, tình huynh đệ này, nếu thiếu vắng sự quy chiếu về một vị Cha chung như là nền tảng tối hậu của nó, thì không để kéo dài. Chúng ta cần trở lại với nền tảng đích thực của tình huynh đệ. Lịch sử của đức tin đã bắt đầu từ sự khởi phát của một lịch sử tình huynh dệ, dù có thể có sự xung đột. Thiên Chúa gọi Ab-ra-ham ra khỏi xứ sở của ông để tiến về phía trước và hứa làm cho ông thành một quốc gia lớn, một dân tộc vĩ đại mà sự chúc phúc của Thiên Chúa đối với toàn thể nhân loại phụ thuộc vào họ. Khi lịch sử cứu độ diễn tiến, nó trở nên rõ ràng rằng, Thiên Chúa muốn làm cho mọi người chia sẻ với nhau như là những anh chị em của nhau trong lời chúc phúc đó, điều sẽ đạt tới được sự viên mãn của nó trong  Đức Giê-su, ngõ hầu tất cả mọi người có thể trở nên một. Tình yêu vô biên của Chúa Cha cũng đến với chúng ta, trong Đức Giê-su, thông qua những người anh chị em của chúng ta. Đức tin dậy chúng ta nhìn thấy rằng, mọi người nam và người nữ đại diện cho một lời chúc phúc đối với tôi, rằng ánh sáng của khuôn mặt Thiên Chúa chiếu rọi trên tôi thông qua khuôn mặt của các anh chị em của tôi.
Cái nhìn của đức tin Ky-tô giáo đã mang lại biết bao lợi ích cho thành trì của con người vì cuộc sống chung của họ! Nhờ đức tin, chúng ta đến để hiểu được nhân phẩm độc nhất của mỗi người, tức điều đã không được nhìn thấy một cách rõ ràng trong thời xa xưa.Vào thế kỷ thứ hai, Celsus – một người ngoại giáo – đã chê bai những người Ky-tô giáo về một ý tưởng mà ông cho là ngốc nghếch và ảo tưởng: cụ thể là, Thiên Chúa đã tạo dựng thế giới cho con người, đặt con người ở vị trí cao trọng nhất của toàn thể vũ trụ “Tại sao cứ phải nó rằng [cỏ] lớn lên vì lợi ích của con người hơn là vì tính hoang dại của  các súc vật?” [46] “Nếu chúng ta nhìn xuống trái đất từ các tầng trời, thì liệu thực sự có sự khác biệt nào giữa các hoạt động của chúng ta và các hoạt động của con ong, con kiến không?”  [47]. Trọng tâm của đức tin trong Kinh Thánh là tình yêu thương của Thiên Chúa, là sự quan tâm cụ thể của Ngài đối với mọi người, và kế hoạch cứu độ của Ngài ôm lấy toàn bộ nhân loại và tất cả các tạo vật, thể hiện tuyệt đỉnh nơi sự nhập thể, sự chết và sự phục sinh của Đức Giê-su Ky-tô. Không có cái nhìn sâu vào những thực tại này, thì chẳng có tiêu chuẩn nào để phân biệt được cái gì làm cho sự sống con người quý giá và độc nhất. Con người đánh mất đi vị trí của mình trong vũ trụ, bị đặt để trong sự bấp bênh của tự nhiên, hoặc từ chối trách nhiệm đạo đức hợp lý của mình, hoặc lại tiếp tục với một sự lựa chọn của sự phán xét tuyệt đối, được phú cho một sức mạnh không giới hạn để điều khiển thế giới xung quanh mình.

55. Mặt khác, đức tin, bằng việc tiết lộ tình yêu của Thiên Chúa Sáng Tạo, làm cho chúng ta có thể tôn trọng toàn bộ thế giới thụ tạo nhiều hơn nữa, và nhận ra trong nó một trật tự ngữ pháp được viết bởi bàn tay của Thiên Chúa và một nơi cư ngụ được giao phó cho sự bảo vệ và chăm sóc của chúng ta. Đức tin cũng giúp chúng ta nghĩ ra các mô hình phát triển được dựa trên không chỉ lợi ích và lợi nhuận, nhưng còn xem sự sáng tạo như là một quà tặng mà tất tả chúng ta mang ơn; nó dậy chúng ta sáng tạo ra một dạng thức cai trị có tính công lý, trong sự nhận ra rằng, quyền bính đến từ Thiên Chúa và là phương tiện để phục vụ lợi ích chung. Đức tin cũng tạo ra khả năng tha thứ, điều thông thường cần thời gian và nỗ lực, kiên nhẫn và thứ tha. Tha thứ là điều có thể thực hiện khi chúng ta khám phá ra rằng, điều thiện luôn luôn được ưu tiên trước và có sức mạnh hơn điều xấu, và rằng lời mà Thiên Chúa đảm bảo cho đời sống chúng ta sâu xa hơn mọi phủ nhận của chúng ta. Từ một quan điểm nhân loại học thuần túy, sự hiệp nhất luôn cao hơn sự chia rẽ; thay vì tránh né sự chia rẽ, chúng ta cần đương đầu với nó trong một nỗ lực để giải quyết và vượt lên nó, mang đến cho nó một sự liên kết trong một chuỗi, như là một tiến trình tiến tới sự hiệp nhất.

Khi đức tin bị yếu đi, thì nền tảng của cuộc sống cũng có nguy cơ bị yếu đi, như Nhà thơ T.S. Eliot đã cảnh báo: “Bạn có cần phải nói cho bạn biết, thậm chí ngay cả trong những thành tựu khiêm tốn nhất, khi bạn có thể lấy làm kiêu hãnh theo cách lịch thiệp của xã hội, thì cũng sẽ hầu như không tồn tại lâu dài hơn đức tin mà nhờ đó chúng có ý nghĩa?” [48] Nếu chúng ta loại bỏ đức tin vào Thiên Chúa khỏi các thành trì của chúng ta, thì sự tin tưởng lẫn nhau sẽ trở nên suy yếu, chúng ta sẽ duy trì sự hiệp nhất chỉ bằng sự sợ hãi và sự bền vững của chúng ta sẽ bị đe dọa. Trong Thư gửi tín hữu Do Thái, chúng ta đọc thấy rằng, “Thiên Chúa đã không hổ thẹn để cho các ngài gọi mình là Thiên Chúa của các ngài, vì Người đã chuẩn bị một thành trì cho các ngài” (Dt.11,16). Ở đây, sự thể hiện “không hổ thẹn” được nối với sự thừa nhận công khai. Mục đích là để nói rằng Thiên Chúa, bằng những hành động cụ thể, đã làm công khai sự hiện diện của Ngài ở giữa chúng ta, và rằng Ngài mong muốn củng cố, tăng cường mọi mối tương quan của con người. Qủa thực, có phải rằng chúng ta là những người cảm thấy hổ thẹn khi gọi Thiên Chúa là Thiên Chúa của chúng ta? Rằng chúng ta là những người không tuyên xưng ngài theo đúng nghĩa trong cuộc sống công khai của chúng ta? Đức tin chiếu rọi cuộc sống và xã hội. Nếu nó sở hữu một loại ánh sáng có tính sáng tạo cho mỗi khoảnh khắc mới của lịch sử, thì bởi vì nó đặt mọi sự kiện, biến cố trong mối tương quan với nguồn gốc và số mệnh của tất cả mọi thứ trong Chúa Cha.

Sự an ủi và sức mạnh giữa những thử thách gian truân 

56. Khi viết cho các Tín hữu ở Cô-rin-tô về sự đau khổ và nỗi khổ cực của mình, Thánh Phao-lô đã liên kết đức tin của ngài với sự rao giảng Phúc Âm của ngài. Ở nơi chính bản thân mình, ngài nhận ra sự thực thi đoạn Kinh Thánh như đã chép: “Tôi đã tin, nên tôi mới nói”. Sự nhắc đến này là nhắc đến đoạn Thánh Vịnh 116, trong đó tác giả Thánh Vịnh đã kêu lên rằng: “Tôi đã tin cả khi mình đã nói : "Ôi nhục nhã ê chề !" (Tv.10). Nói về đức tin thường liên quan đến nói về các thử thách đau khổ, nhưng chính xác là vì trong sự thử thách như thế thánh Phao-lô đã nhìn thấy sự loan truyền Phúc Âm có tính thuyết phục nhất, vì lẽ trong sự yếu đuối và đau khổ, chúng ta khám phá ra được sức mạnh của Thiên Chúa thắng vượt những yếu hèn và đau khổ của chúng ta. Thánh Tông Đồ tự mình đã trải nghiệm một cuộc chết đi để trở nên sự sống cho các Ky-tô hữu (x. 2 Cr.4,7-12).

Trong cơn thử thách, đức tin mang lại ánh sáng, trong khi đau khổ và sự yếu đuối làm cho nó trở nên rõ ràng rằng, “chúng tôi không rao giảng chính mình, mà chỉ rao giảng Đức Ki-tô Giê-su là Chúa” (2 Cr.4,5). Chương mười một của Thư gửi tín hữu Do Thái đã kết luận với một sự nhắc đến những người chịu đau khổ vì đức tin (x Dt.11,35-28); nổi bật trong số những người này là Mô-sê, ông đã tự mang lấy những điều bị ngược đãi của Đấng Mes-si-a (x. v. 26). Người Ky-tô hữu biết rằng, không thể loại bỏ được đau khổ, nhưng đau khổ có thể có ý nghĩa và trở nên một hành động của tình yêu và sự trao phó nơi bàn tay của Thiên Chúa – Đấng không bao giờ từ bỏ chúng ta; theo cách này nó có thể phục vụ như là một khoảnh khắc làm  lớn lên trong đức tin và tình yêu. Bằng việc chiêm ngắm sự hiệp thông của Đức Ky-tô với Thiên Chúa Cha, thậm chí nơi đỉnh điểm sự đau khổ của Ngài trên thập giá (x Mc.13,34), người Ky-tô hữu học để chia sẻ trong cùng một cái nhìn của Đức Giê-su. Thậm chí sự chết được chiếu rọi và có thể được trải nghiệm như là tiếng gọi cuối cùng đối với đức tin, cuối cùng “Hãy rời bỏ xứ sở” (St.12,1), cuối cùng “Hãy đến!” được nói bởi Thiên Chúa Cha, với Đấng mà chúng ta dám từ bỏ chính mình, trong sự tin tưởng rằng Ngài sẽ giữ chúng ta vững mạnh, thậm chí trong những bước đi cuối cùng trong cuộc hành trình của chúng ta.

57. Ánh sáng đức tin cũng không làm cho chúng ta quên đi những đau khổ của thế giới này. Có biết bao nhiêu người nam và người nữ mang đức tin đã tìm thấy những ngọn đèn chiếu sáng từ chính nơi những người phải chịu khổ đau! Như trường hợp của Thánh Phan-xi-cô Assis và người phong cùi, hạy Chân phúc Tê-re-sa Calcutta và người nghèo. Họ đã hiểu được màu nhiệm nơi các việc làm của họ. Khi đến với những người chịu đau khổ, chắc chắn họ đã không thể loại trừ tất cả các đau khổ hoặc giải thích được mọi sự xấu. Đức tin không phải là một loại ánh sáng tỏa sáng mọi bóng tối của chúng ta, nhưng là một ngọn đèn hướng dẫn những bước chân của chúng ta trong đêm tối và đủ cho cuộc hành trình của chúng ta. Trước những người đau khổ, Thiên Chúa không cung cấp những luận cứ mà với nó có thể giải thích mọi thứ; đúng hơn, sự trả lời của Ngài là luận cứ  của một sự đồng hiện hữu, một lịch sử của sự thánh thiện đụng chạm đến mọi câu truyện đau khổ và mở ra một tia ánh sáng. Trong Đức Ky-tô, Thiên Chúa tự mình muốn chia sẻ con đường này với chúng ta và ban cho chúng ta cái nhìn của Ngài nhờ đó chúng ta có thể nhìn thấy ánh sáng trong đó. Đức Ky-tô là người đã từng chịu đau khổ, là “Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (Dt.12,2).

Đau khổ nhắc nhở cho chúng ta rằng, sự phục vụ của đức tin đối với lợi ích chung luôn luôn là sự phục vụ của hy vọng – một sự hy vọng nhìn thấy phía trước trong sự nhận thức rằng, chỉ khi đến từ Tiên Chúa, đến từ Đức Giê-su Phục Sinh, thì xã hội của chúng ta mới có thể tìm được nền tảng vững chắc và bền lâu. Theo ý nghĩa này, đức tin được nối liền với hy vọng, bởi vì nếu nơi cư ngụ của chúng ta ở nơi trần thế này đang bị hao mòn đi, thì chúng ta có một nơi cư ngụ vĩnh cửu mà Thiên Chúa đã chuẩn bị nơi Đức Ky-tô, trong thân thể của Ngài (x. 2 Cr. 4,16 – 5,5).

Trong sự kết hợp với đức tin và đức ái, niềm hy vọng đưa chúng ta tới một tương lai chắc chắn, được thiết định ngược với một chân trời khác của  những cám dỗ viển vông mà các ngẫu tượng của thế gian này gợi mở, nhưng mang lại cho đời sống hằng ngày của chúng ta sức mạnh và động lực mới. Chúng ta đừng để cho niềm hy vọng bị tước mất, hoặc đừng cho phép niềm hy vọng của chúng ta trở nên lu mờ do những câu trả lời và lời giải pháp dễ dãi cản trở bước tiến của chúng ta, “phân mảng” thời gian và biến nó thành không gian. Thời gian luôn luôn vĩ đại hơn nhiều so với không gian. Không gian làm đóng băng các tiến trình, trái lại thời gian đẩy tiến trình đi về tương lai và khuyến khích chúng ta tiến bước trong hy vọng.

Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em (Lc.1,45)

58. Trong dụ ngôn người gieo hạt giống, Thánh Lu-ca đã kể lại cho chúng ta những lời của Chúa về “đất tốt”: Đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả” (Lc.8,15). Trong ngữ cảnh Tin Mừng của Thánh Lu-ca, sự đề cập về tấm lòng cao thượng và quảng đại của việc nghe và giữ lời là một bức chân dung đức tin tuyệt vời của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Chính tác giả Tin Mừng nói về ký ức của Đức Ma-ri-a, Mẹ đã suy niệm trong lòng như thế nào về tất cả những điều Mẹ nghe thấy và nhìn thấy, sao cho lời có thể sinh hoa kết trái trong cuộc đời của Mẹ. Mẹ Thiên Chúa là biểu tượng đức tin trọn hảo; như Thánh Ê-li-za-beth nói: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1:45).

Nơi Đức Ma-ri-a, Nữ Tử Si-on, lịch sử lâu dài của của niềm tin Cựu Ước được lấp đầy bởi câu chuyện của nhiều phụ nữ đạo đức, bắt đầu với Saral - người đã ở bên cạnh các tổ phụ -  mà lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện và sự sống mới trổ bông. Trong thời gian viên mãn, lời của Thiên Chúa được nói với Đức Ma-ri-a, và Mẹ đã đón nhận lời ấy vào lòng của Mẹ, vào toàn bộ sự hiệu hữu của Mẹ, để rồi từ trong dạ Mẹ, lời ấy nhận lấy xác phàm và được sinh ra làm ánh sáng cho nhân loại. Thánh Justin tử đạo, trong cuộc đối thoại của ngài với Trypho, đã sử dụng một sự thể thiện rất ấn tượng; ngài nói cho chúng ta rằng, Đức Ma-ri-a, khi chấp nhận sứ điệp của thiên thần, đã thụ thai “đức tin và niềm vui”. [49] Nơi người Mẹ Chúa Giê-su, đức tin đã chứng tỏ sự trổ sinh hoa trái của nó; khi đời sống thiêng liêng của chính chúng ta sinh hoa trái, chúng ta được lấp đầy bởi niềm vui, đó là dấu chỉ rõ ràng nhất trong sự cao cả của đức tin. Trong cuộc đời của chính Đức Ma-ri-a, Mẹ đã hoàn thành cuộc hành trình đức tin, theo những bước chân của Con của Mẹ [50]. Do vậy Trong đức tin của Mẹ, cuộc hành trình của Cựu Ước lại được tiếp tục đi vào trong những người đi theo Đức Ky-tô, được Ngài biến đổi và đi vào cái nhìn của Con Thiên Chúa nhập thể.

59. Chúng ta có thể nói rằng, nơi Đức Trinh Nữ Ma-ri-a – Đấng được chúc phúc -  chúng ta tìm thấy một điều gì đó mà tôi đã đề cập trong phần trước, cụ thể là người tín hữu được hoàn toàn nâng lên để đi vào trong sự  tuyên xưng đức tin của mình. Bởi sự liên kết chặt chẽ của Mẹ với Đức Giê-su, nên Mẹ liên kết một cách hoàn toàn với những điều chúng ta tin. Là Trinh Nữ và là Mẹ, Đức Ma-ri-a cho chúng ta một dấu chỉ rõ ràng về tư cách làm con Thiên Chúa của Đức Ky-tô. Nguồn gốc đời đời của Đức Ky-tô là ở trong Chúa Cha. Ngài là Con theo một nghĩa duy nhất và tuyệt đốt, và vì Ngài được sinh ra trong thời gian mà không có sự can thiệp của một người nam. Là Chúa Con, Chúa Giê-su mang lại cho thế giới một sự bắt đầu mới và một ánh sáng mới, sự trọn vẹn nơi Tình yêu chung thủy của Thiên Chúa được ban tặng cho nhân loại. Nhưng cương vị làm mẹ đích thực của Đức Ma-ri-a cũng đảm bảo cho Con Thiên Chúa một lịch sử con người xác thực, xác thể đích thực mà trong đó Ngài sẽ chết trên thập giá và phục sinh từ cõi chết. Đức Ma-ri-a sẽ đi theo chân Đức Giê-su cho đến tận cây thập giá (x. Ga.19,25), từ đó cương vị làm mẹ của Mẹ sẽ nối dài tới từng người môn đệ của Ngài (x. Ga.19,26-27). Mẹ cũng sẽ có mặt trong nhà tiệc ly sau khi Đức Giê-su phục sinh và lên trời, tham dự cùng với các Tông đồ để cầu xin ơn Chúa Thánh Thần (x. Cv.1,14). Sự vận động của tình yêu giữa Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần chạy suốt chiều dài lịch sử của chúng ta, và Đức Ky-tô lôi kéo chúng ta đến với chính Ngài để cứu độ chúng ta (x. Ga.12,32). Tại trung tâm đức tin của chúng ta là sự tuyên xưng Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, được sinh ra bởi một người nữ, mang đến cho chúng ta, nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, để trở nên những người con trai con gái của Thiên Chúa(x. Gl.4,4).

60. Chúng ta hãy cầu xin Mẹ: Mẹ của Giáo Hội và Mẹ của đức tin chúng ta.
Lạy mẹ xin hãy nâng đỡ đức tin của chúng con!
Hãy mở tai chúng con để chúng con nghe thấy lời của Thiên Chúa và nhận ra tiếng mời gọi của Ngài.
Hãy làm thức tỉnh trong chúng con một niềm khao khát để đi theo những bước chân của Ngài, để ra khỏi xứ sở của chúng con và đón nhận lời hứa của Ngài.
Xin giúp chúng con được đụng chạm bởi tình yêu thương của Ngài, nhờ đó chúng con có thể đụng chạm vào Ngài trong đức tin.
Xin giúp chúng con hoàn toàn trao phó bản thân mình cho Ngài và tin vào tình thương yêu của Ngài, đặc biệt trong những lúc thử thách, dưới bóng cây thập giá, khi đức tin của chúng con được mời gọi để lớn lên.
Xin hãy gieo trong đức tin của chúng con niềm vui của Đấng Phục Sinh.
Xin hãy nhắc nhớ chúng con rằng, những người tin sẽ không bao giờ phải đơn độc. 
Xin dậy chúng con nhìn thấy mọi sự bằng đôi mắt của Đức Giê-su, rằng Ngài là ánh sáng cho bước đường của chúng con, và ánh sáng đức tin này luôn luôn gia tăng nơi chúng con, cho đến bình minh của ngày bất diệt là chính Đức Ky-tô, Con của Mẹ và là Chúa của chúng con!

Được ban hành  tại Rô-ma, trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô, vào ngày 29/06/2013, nhân dịp Lễ Kính Thánh Phê-rô và Phao-lô Tông Đồ, năm đầu tiên trong triều đại giáo hoàng của tôi.

PHAN-XI-CÔ (đã ký)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét