Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Thánh Augustino: Trước hết bạn hãy yêu thương rồi sau đó bạn hãy làm những gì bạn muốn! (Phần IV)

Thánh Augustino: Trước hết bạn hãy yêu thương rồi sau đó bạn hãy làm những gì bạn muốn! (Phần IV)

Dịch giả Cát Nguyên

IV.“Thiên Chúa đã làm người vì bạn“

Thiên Chúa đã làm người vì bạn. Bạn sẽ chết muôn đời nếu Thiên Chúa đã không sinh ra trong thời gian. Bạn sẽ không bao giờ được giải thoát khỏi tính xác thịt – tức điều đã bị tội lỗi chinh phục – nếu như Thiên Chúa đã không nhận lấy hình thể xác thịt. Bạn sẽ phải rơi vào sự bất hạnh đời đời nếu như hành động của lòng khoan hậu này không được diễn ra.

Chúng con vững tin và tín cẩn tuyên xưng rằng, Thiên Chúa Cha đã sinh ra Ngôi Lời, là chính sự Khôn Ngoan, với sự Khôn Ngoan này mà muôn loài muôn vật được tạo thành: Đấng là Người Con Độc Nhất Của Thiên Chúa, là Một Trong Sự Duy Nhất, là Đồng Vĩnh Cửu trong Đấng Đời Đời, là Đồng Tốt Lành trong Đấng Thiện Hảo Nhất.

Lạy Thiên Chúa là Cha nhân hiền, Ngài đã thương yêu chúng con biết bao, „Ngài đã không bảo vệ Con Độc Nhất của Ngài, nhưng đã trao nộp Người Con Một ấy vì tội lỗi chúng con“. Ngài đã yêu thương chúng con biết bao, vì Đấng, „Đấng đã không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng vì chúng con đã vâng lời cho đến chết và chết trên cây Thập Giá!“ Và chỉ mình Đấng „Đã vui lòng chịu chết“ có quyền „trao hiến chính sự sống của mình, cũng như có quyền lấy lại nó.“

Đấng là Con Một Duy Nhất, chính Ngài là con đường chắc chắn nhất đối với tất cả những ai lạc đường: Chúa Giê-su chính là Thiên Chúa và đồng thời cũng là con người; với tư cách là Thiên Chúa, Ngài chính là đích điểm mà chúng ta đi tới; với tư cách là con người, Ngài chính là con đường mà qua đó chúng ta đi lên.

Có lẽ, một Lời trong „Lời Ban Sự Sống“ có thể được hiểu là một Lời về Chúa Ky-tô và không phải là thân mình của Chúa Ky-tô. Nhưng hãy nhìn xem, cái gì được viết tiếp theo trong bản văn: „Sự Sống đã đến.“ Chúa Ky-tô chính là Lời Sự Sống.

Người ta đã chiêm ngưỡng „Lời Sự Sống“ với đôi mắt để con tim được chữa lành. Nhưng chỉ với con tim người ta mới có thể chiêm ngưỡng được Lời. Trái lại, với đôi mắt xác thịt, người ta chỉ nhìn thấy xác thể. Tuy nhiên, có một khả năng để chiêm ngưỡng được Lời: Lời đã trở thành xác phàm. Như vậy, trong chúng ta, con tim cần được chữa lành, với nó, chúng ta có thể chiêm ngưỡng được Lời.

Vì lòng thương xót, Chúa Ky-tô đã từ trời mà xuống. Không ai có thể lên trời được như Ngài, vì cũng như chúng ta sống trong Ngài nhờ ân sủng. Với khả năng ấy, chỉ Chúa Ky-tô có thể xuống từ trời và cũng chỉ mình Ngài có thể lên trời.

Con người đã bị sa ngã, nhưng Thiên Chúa thì đi xuống. Con người đã bị sa  ngã  một cách tội nghiệp, nhưng Thiên Chúa tràn đầy lòng thương xót đã đi xuống. Con người sa ngã vì sự kiêu ngạo, nhưng Thiên Chúa đi xuống với ân sủng.

Chúa Giê-su đã không từ bỏ Thiên Đàng khi Ngài từ đó mà xuống; cũng thế, Ngài đã không lìa bỏ chúng ta khi Ngài trở về lại Thiên Đàng. Điều đó được nói bởi một lý do duy nhất: vì Ngài là đầu của chúng ta, còn chúng ta là thân thể của Ngài.

Con Một Duy Nhất của Thiên Chúa đã đến với con người và đón nhận con người. Thông qua điều mà Ngài đã đón nhận, Ngài đã trở thành con người, chịu chết nhưng sẽ phục sinh và lại lên trời, ngồi bên hữu Chúa Cha và thực hiện lời tiên đoán của Ngài cho muôn dân.

Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và con người phải có trong chính Ngài điều mà Thiên Chúa đã tạo nên cũng như điều mà con người đã gây ra cho. Vì thế, nếu Ngài chỉ như là con người thì Ngài sẽ trở nên xa cách với Thiên Chúa; cũng vậy, nếu Ngài chỉ như là Thiên Chúa thì Ngài sẽ trở nên xa cách với nhân loại và không thể trở thành Đấng Trung Gian nữa.

Đấng Trung Gian được chỉ cho thấy các vị Thánh Tổ, để các ngài được cứu thoát nhờ niềm tin vào nỗi đau khổ tương lai của Ngài, cũng như chúng ta đã được cứu thoát nhờ niềm tin vào nỗi khổ đau trong quá khứ của Ngài. Vì thế, với tư cách là con người, Ngài trở thành Đấng Trung Gian; nhưng với tư cách là Ngôi Lời, Ngài sẽ không còn là Trung Gian nữa, mà ngang hàng với Thiên Chúa, Thiên Chúa nơi Thiên Chúa, một Thiên Chúa duy nhất cùng với Chúa Thánh Thần.

Trước kia con người bị bao phủ bởi cái xưa cũ. Nhưng giờ đây, Đấng tái tạo công trình sáng tạo của Ngài đã đến. Ngài đến để nung chảy khối bạc của Ngài và đúc nên những đồng tiền của Ngài.

Nếu chúng ta chiêm ngưỡng sự cao cả cũng như thần tính của Chúa Giê-su, những điều tối cao ấy, tức sự lớn lao vượt lên trết tất cả mọi thụ tạo của Con Thiên Chúa, chúng ta sẽ nghe thấy Ngài cũng như những tiếng thở than, những lời cầu và sự tuyên xưng trong những chương của Kinh Thánh.

Con Một Duy Nhất của Thiên Chúa đã trở nên con cái loài người và làm cho con cái của nhân loại  trở nên con cái Thiên Chúa. Ngài tiến sát tới bên những kẻ nô lệ thông qua hình tượng nô lệ một cách hiển nhiên, và làm cho họ được giải thoát, đến nỗi họ có thể chiêm ngưỡng thấy hình tượng của Thiên Chúa.

Chúa Giê-su đã đến, vậy chúng ta hãy chiêm ngưỡng Ngài vì Ngài đang ở đó. Ngài không muốn ở lâu bên chúng ta, nhưng Ngài đã không bỏ rơi chúng ta. Ngài đã đến nơi mà Ngài đã không bao giờ bị tách ra từ đó; vì vũ trụ này được dựng nên nhờ Ngài, và Ngài đã hiện diện trong vũ trụ này cũng như đã đến trong vũ trụ này để làm cho các tội nhân được nên thánh.

Ân Sủng nào của Thiên Chúa còn có thể lớn lao và sáng tó tỏ hơn đối với chúng ta như Ân Sủng mà Ngài đã làm cho Người Con Độc Nhất của Ngài trở thành con người và làm cho con người trở thành Con Thiên Chúa?

Vì tiếng (Thánh Gio-an Tẩy Giả) của Lời (Chúa Giê-su) đã công bố cho bạn, phải chăng tiếng đó không tự mình nói với bạn: „Người phải lớn lên còn tôi thì phải nhỏ bé đi“?  Chúng ta hãy bám chặt vào Lời!

Thật là khó để phân biệt Lời (Chúa Giê-su) từ Tiếng (Thánh Gio-an Tẩy Giả). Vì thế, Thánh Gio-an Tẩy Giả đã bị xem như là chính Đấng Messia. „Hãy san phẳng con đường của Chúa“ – Tiếng đã nói khi nó muốn nói: Vì thế tôi là tiếng kêu để mở tâm hồn anh em ra với Ngài. Nhưng nếu anh em không san phẳng con đường thì Ngài cũng sẽ không muốn bước vào.

„San phẳng con đường“ có nghĩa là: hãy trở nên khiêm nhượng, các bạn hãy chọn sự sự khiêm nhượng của Thánh Gio-an Tẩy Giả như một tấm gương để noi theo. Người ta coi Ngài như là Đấng Messia, nhưng Ngài nói: Tôi không phải là Đấng mà người ta đang nghĩ tới; và Ngài đã không tiếp nhận sự ngộ nhận của người khác bởi lòng kiêu căng.

Hãy chiêm ngắm! Kìa, những bàn tay và bàn chân của Chúa đã bị đóng đinh, chân tay của Chúa đã bị đóng đinh chặt vào Thập Giá đang được tôn thờ, về áo choàng của Chúa, bọn chúng đã bắt thăm. Hãy chiêm ngưỡng!, Kìa, Chúa đang thống trị, Ngài chính là Đấng mà họ nhìn thấy đang bị treo ở đó. Hãy chiêm ngưỡng! Kìa, Chúa đang ngự trên ngai nơi Thiên Đàng, Ngài chính là Đấng mà họ đã khinh thường khi Ngài còn sống nơi trái đất.

Lạy Chúa Giê-su: Đấng Cao Cả đã bị lăng nhục, Đấng Bị Lăng Nhục đã bị giết chết, Đấng Bị Giết Chết đã được phục sinh và đã được tôn vinh để không đặt chúng con – những kẻ đã chết – vào trong thế giới của sự chết nữa, nhưng để nâng chúng con lên tới sự phục sinh từ cõi chết của chính Chúa.

Từ những yếu tố nơi chúng ta, không công trạng nào xuất hiện trước khi Con Thiên Chúa chịu chết cho chúng ta. Vì thế, lòng khoan hậu thì thật rất lớn lao vì không có những công trạng.

Thiên Chúa, sự sống của chúng ta, đã xuống với chúng ta, và Ngài đã gánh lấy cái chết của chúng ta và đã giết chết nó bởi sự dồi dào phong phú nơi sự sống của Ngài.

Khi ngày đã ngả về chiều, Chúa Giê-su đã hy sinh sự sống của mình trên Thập Giá, để rồi lấy lại nó. Ngài đã vất bỏ sự sống của mình không phải trái với ý muốn của Ngài. Ở đó, chúng ta cũng được góp phần một cách tượng trưng. Vì cái gì đã treo Ngài vào cây gỗ, đó không phải là cái gì khác ngoài cái mà Ngài đã tiếp nhận từ chúng ta.

Ngài không trì hoãn, Ngài kêu lên lời và hành động; Sự chết và sự sống, việc xuống hỏa ngục và lên Thiên Đàng kêu lên với chúng ta, vì thế chúng ta nên quay về với Ngài. Và Ngài đã từ biệt khỏi con mắt chúng ta để chúng ta trở về với cõi lòng của riêng chúng ta, và ở đó chúng ta sẽ lại thấy Ngài.

Khi Chúa Giê-su chịu chết, Ngài cũng ngay lập tức giết chết ngay chính tử thần; nhờ đó chúng ta mới được giải thoát khỏi cái chết trong chính sự chết của Ngài. Thân xác Ngài không bị mục nát. Nhưng thân xác của chúng ta, vào ngày tận thế, chỉ sau sự mục nát, mới đạt tới được sự không mục nát nhờ Ngài. Ngài không cần chúng ta trong việc cứu độ chúng ta, nhưng trái lại, chúng ta sẽ không thể làm được điều gì nếu không có Ngài.

Trong thân xác, trong Chúa Ky-tô đã chết, phục sinh và lên trời vinh hiển, Thiên Chúa muốn dựng nên cho chúng ta một mẫu gương – đối với chúng ta, điều đó có nghĩa là: mầu nhiệm thân thể của Ngài – để làm cho những chi thể được nên dũng cảm. Các chi thể đó sẽ đi theo Ngài đến nơi mà Ngài đã đến đó trước họ.

Điều này là sự hy sinh của các Ky-tô hữu: „Tuy nhiều, nhưng là một thân thể trong Chúa Ky-tô“. Giáo Hội cũng cử hành điều đó nơi các Bí Tích của bàn thờ. Ở đây, Giáo Hội đã kinh qua sự kiện rằng, trong Ân Sủng, tức điều được ban cho Giáo Hội, Giáo Hội được trao tặng cho chính mình.

Lạy Chúa, đối với chúng con, trước con mắt của Ngài, Chúa Giê-su đã trở thành Đấng Chiến Thắng và là của lễ hiến dâng; và sở dĩ Ngài là Đấng Chiến Thắng là vì Ngài đã trở thành của lễ hiến dâng. Đối với chúng con, trước con mắt của Ngài, Chúa Giê-su đã trở thành vị Linh Mục và là của Lễ được hiến dâng. Được phát sinh từ Thiên Chúa Cha và cũng đang phụng sự Thiên Chúa Cha, Chúa Giê-su đã  làm cho chúng con đang là những tôi tớ trở nên con cái của Chúa.

Chúa Giê-su Ky-tô của chúng ta sẽ đến. Và rồi sẽ không cần những ngọn đèn nữa khi ở trong chính ngày ấy. Sau đó sẽ không còn lời tiên báo nào nữa được đọc cho chúng ta nghe, cũng như sẽ không có cuốn sách nào của các Tông Đồ được mở ra nữa. Chúng ta sẽ không cần đến các sách Tin Mừng một lần nào nữa. Toàn bộ Kinh Thánh – tức điều được đốt lên trong đêm tối của trần gian như một ngọn đèn để chúng ta không ở lại trong tối tăm - cũng sẽ không cần nữa.

Thiên Chúa đã công bố Tin Mừng trên toàn thế giới, và tất cả nên kín múc từ đó tùy theo khả năng của mỗi người.

Tình Yêu đối với Chúa Ky-tô sẽ là cái gì đây nếu chúng ta sợ hãi trước sự trở lại của Ngài! Liệu chúng ta sẽ không đỏ mặt vì xấu hổ chăng? Chúng ta yêu mến nhưng lại sợ hãi trước việc Người đến. Làm như thế, phải chăng chúng ta đã thực sự yêu mến Ngài hay lại yêu mến tội lỗi của chúng ta hơn? Vì thế, chúng ta phải căm ghét tội lỗi và yêu mến Chúa Ky-tô.

Chúa Giê-su – Người Con Độc Nhất được sinh ra – đã trở nên sự khôn ngoan cũng như đức công chính và ơn cứu độ đối với chúng ta; và Ngài được coi là quan trọng đối với chúng ta.

Dù nước có phủ kín trái đất này hay dù có đại hồng thủy đi chăng nữa, chúng ta cũng vẫn được an toàn. Chúa Ky-tô không muốn ngủ mê, Đức Tin cũng không muốn ngủ mê. Chúng ta hãy đánh thức Đức Tin khi nó ngủ.

Các Tín Hữu sẽ nhận biết thân mình Chúa Ky-tô nếu họ nghĩ đến một điều rằng, họ chính là chi thể của Chúa Ky-tô. Họ cần trở thành chi thể của Chúa Ky-tô nếu họ muốn sống trong Thần Khí của Chúa Ky-tô.  Chi thể của Chúa Ky-tô chỉ có thể sống nhờ Thần Khí của chính Ngài.

Như thế, con phải làm thật tốt để đặt toàn bộ niềm hy vọng mạnh mẽ nhất của con trên Chúa Giê-su, vì chỉ nhờ Người mà Chúa mới có thể chữa lành tất cả mọi nỗi yếu nhược của con, nhờ Người, „Đấng ngồi bên hữu Chúa Cha và cầu bầu cho chúng con“. Ngoài Ngài ra, con sẽ phải rơi vào cảnh tuyệt vọng.

Trước hết, Chúa Giê-su đã nói - bởi bạn sẽ đến được nơi đó như thế nào khi mà chỉ sau này bạn mới đến được: Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Nơi Thiên Chúa Cha, Thầy ở lại trong Sự Thật và Sự Sống. Thầy nhận lấy xác phàm và như thế Thầy là Đường.

Chúng ta cầu nguyện cùng Chúa Giê-su, nhờ Người và trong Người. Chúng ta nói chuyện cùng với Người và Người nói với chúng ta.

Chúng ta muốn thực hiện những gì mà Chúa Giê-su truyền lệnh. Ngoài ra, nó sẽ là sự đòi hỏi quá đáng đối với những gì mà Người đã hứa. Chúng ta muốn gỡ bỏ tất cả những gì cột trói chúng ta lại, tức những điều ngăn cản chúng ta trở thành người bước theo Chúa ky-tô.

Đó là chuyện quá ít ỏi đối với Thiên Chúa trong việc Ngài làm cho Con Một của Ngài trở thành người chỉ đường; Ngài làm cho Con của Ngài trở thành đường để Người Con ấy dẫn dắt bạn trong cuộc hành trình.

Khi nhà thơ Vergil có thể nói: „Một người bị quấn hút bởi sự ham thích của mình“, thì đó không phải  là sự cưỡng bức nhưng là sự phấn khởi; không phải là bổn phận mà là niềm vui, thật có lý biết bao để chúng ta được phép nói rằng, con người trở nên xúc động nơi Chúa Ky-tô, khi họ hân hoan trong Chân lý, trong sự thánh thiện, trong Đức Công Chính và trong sự sống đời đời. Vì Chúa Ky-tô chính là tất cả đối với họ.

Đó là buổi chiều hiến tế: sự đau khổ của Chúa Giê-su, Thánh Giá của Ngài, của lễ hiến dâng, tất cả được trao hiến để cứu độ chúng ta, của lễ hy sinh, của lễ làm hài lòng Thiên Chúa. Chúa Giê-su đã biến buổi chiều hiến dâng này trong sự Phục Sinh của Ngài thành Của Lễ Ban Mai. Tất cả những ai có Đức Tin, hãy vui mừng vì Của Lễ này.

Lạy Chúa Ky-tô – Đấng đang ngồi bên hữu Thiên Chúa; Lạy Chúa Con – Đấng đang hiện diện nơi cung lòng, phía bên hữu Chúa Cha; xin hãy làm cho chúng con được thêm tin tưởng.

(Còn tiếp; mời quý vị theo dõi mục: V.“Thông qua cuộc sống tốt lành, các bạn làm thay đổi mọi thời“.)

Cát Nguyên – CTV của Gx Thánh Mẫu Bc - chuyển ngữ từ nguyên bản Augustinus: Liebe und tut was du willst – Textauswahl von Marianne Ligendza -  nhà xuất bản Butzon & Berker Kevelaer 1986.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét