Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Tông Huấn Evangelii Gaudium - Niềm Vui Tin Mừng (2)

Tông Huấn  Evangelii Gaudium - Niềm Vui Tin Mừng (2)
ĐTC Phan-xi-cô 
TÔNG HUẤN
EVANGELII GAUDIUM
(NIỀM VUI TIN MỪNG)

CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ
GỬI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC,
CÁC TU SĨ VÀ CÁC TÍN HỮU

VỀ VIỆC LOAN BÁO TIN MỪNG
TRONG THẾ GIỚI HÔM NAY

5. Tin Mừng, chói sáng với vinh quang của thập giá Chúa Ky-tô, không ngừng mời gọi chúng ta hãy vui mừng lên. Một vài ví dụ sẽ thấy: “Mừng vui lên” là lời chào của sứ thần đối với Đức Ma-ri-a (Lc 1:28). Việc Đức Ma-ri-a đi viếng bà Ê-li-za-bét đã làm cho thánh Gio-an nhảy mừng trong dạ mẹ (x. Lc 1:41). Trong bài hát tán dương của Mẹ, Đức Ma-ri-a đã tuyên bố: “Thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Chúa Đấng Cứu độ của tôi” (Lc 1:47). Khi Chúa Giê-su bắt đầu sứ vụ của Người, Thánh Gio-an đã kêu lên: “Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn” (Ga 3:29). Chính Chúa Giê-su đã “hớn hở vui mừng trong Thánh Thần“ (Lc 10:21). Sứ điệp của Người mang lại cho chúng ta niềm vui: “Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 15:11). Niềm vui của người Ky-tô hữu được kín múc từ niềm vui trong trái tim Người. Người đã hứa với các tông đồ: „Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui“ (Ga 16:20). Sau đó Chúa Giê-su nói tiếp: “Thầy sẽ gặp lại anh em và lòng anh em sẽ vui mừng ; và niềm vui của anh em sẽ không bị ai lấy mất“ (Ga 16:22). Các môn đệ đã „vui mừng“ (Ga 20:20) vì được thấy Chúa Ky-tô phục sinh. Trong sách Tông đồ Công vụ, chúng ta đọc thấy rằng, những người Ky-tô hữu đầu tiên “đã dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ“ (2:46). Bất cứ nơi nào các tông đồ đi tới, „ở đó người ta rất vui mừng“ (8:8); thậm chí ở giữa những bắt bớ, các ngài vẫn được „tràn đầy hoan lạc“ (13:52). Viên thái giám vừa mới được rửa tội „tiếp tục cuộc hành trình, lòng đầy hoan hỷ“ (8:39), trong khi đó viên cai ngục của Thánh Phao-lô „và cả nhà vui mừng vì đã tin Thiên Chúa“ (16:34). Vì thế, tại sao chúng ta lại không đi vào dòng suối của niềm vui ấy?

6. Có những người Ky-tô hữu mà cuộc sống của họ dường như chỉ là mùa Chay, không có mùa Phục Sinh. Cha nhận thấy, dĩ nhiên rằng, niềm vui không được thể hiện theo cùng một cách ở mọi thời điểm trong cuộc sống, đặc biệt ở những lúc rất khó khăn. Niềm vui thích ứng và thay đổi, nhưng nó luôn luôn tồn tại, thậm chí như là một ánh sáng lung linh bắt nguồn từ sự chắc chắn riêng tư của chúng ta rằng - khi mọi điều được nói và được thực hiện - chúng ta được yêu thương một cách không cùng. Cha hiểu sự đau buồn của những người phải chịu đựng những sự đau khổ lớn lao, tuy nhiên từ từ nhưng chắc chắn tất cả chúng ta phải để niềm vui của Đức Tin dần dần hồi sinh như là một sự phó thác chắc chắn nhưng bình an, thậm chí ở giữa những lúc khốn cùng nhất: “Hồn tôi hết được bình an thư thái, tôi đã quên mùi hạnh phúc rồi…Đây là điều con suy đi gẫm lại, nhờ thế mà con vững dạ cậy trông: Lượng từ bi ĐỨC CHÚA đâu đã cạn, lòng thương xót của Người mãi không vơi. Sáng nào Người cũng ban ân huệ mới. Lòng trung tín của Người cao cả biết bao !...Biết thinh lặng đợi chờ, đợi chờ ơn cứu độ của ĐỨC CHÚA, đó là một điều hay” (Ac:17, 21-23, 26).

7. Đôi khi chúng ta bị cám dỗ để đi tìm các lý do và phàn nàn kêu ca, hành xử như thể là chúng ta chỉ có thể hạnh phúc nếu hàng ngàn điều kiện được đáp ứng. Ở một mức độ nào đó thì điều này là vì “xã hội công nghệ của chúng ta đã thành công trong việc nhân lên các dịp vui thú nhưng lại tìm thấy rất khó khăn trong việc đem lại niềm vui” (2*). Cha có thể nói rằng, cách thể hiện niềm vui tự nhiên và đẹp nhất mà Cha đã từng thấy trong cuộc sống là ở trong những người nghèo – họ có rất ít những thứ để có thể bám vào. Cha cũng muốn nói tới niềm vui đích thực được thể hiện nơi những người mà thậm chí ở những nghĩa vụ, bổn phận nghề nghiệp cấp bách, họ có thể giữ vững – trong sự xác định và giản dị - một tấm lòng đầy tràn Đức Tin. Trên con đường của chính họ, tất cả những ví dụ về niềm vui này chảy ra từ tình yêu vô tận của Thiên Chúa – Đấng đã mặc khải chính mình cho chúng ta nơi Chúa Giê-su Ky-tô. Cha không bao giờ thấy chán khi nhắc lại những lời của Đức Bê-nê-đíc-tô XVI, mà những lời ấy giúp đưa chúng ta đến ngay được với trung tâm điểm của Tin Mừng: “Là một người Ky-tô hữu không phải là kết qủa của một sự lựa chọn đạo đức hay một ý tưởng cao quý, nhưng là sự gặp gỡ với một sự kiện, một con người, điều đó đem lại cho cuộc sống một chân trời mới và một hướng mang tính quyết định” (3*).

8. Chỉ nhờ cuộc gặp gỡ này – hay sự tái gặp gỡ - với tình yêu Thiên Chúa, một sự gặp gỡ làm trổ hoa trong một tình bằng hữu trở nên phong phú, giầu có, chúng ta mới có thể được tự do, thoát khỏi nỗi buồn phiền và cũng như sự ích kỷ của chúng ta. Chúng ta trở nên con người tròn đầy khi chúng ta dám để cho Thiên Chúa mang chúng ta vượt ra khỏi chính chúng ta hầu đạt được chân lý tròn đầy nhất của kiếp nhân sinh chúng ta. Ở đây, chúng ta tìm thấy nguồn mạch và sự cảm hứng của tất cả mọi nỗ lực của chúng ta về việc Tin Mừng hóa. Bởi vì nếu chúng ta đã lãnh nhận tình yêu mà tình yêu ấy làm tái sinh ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta, thì làm sao chúng ta lại có thể không chia sẻ tình yêu ấy cho tha nhân?

(Còn nữa – mời quý vị theo dõi)
ĐTC Phan-xi-cô
(Chuyển ngữ) BBT.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét