Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Tông Huấn Evangelii Gaudium - Niềm Vui Tin Mừng (14)

Tông Huấn  Evangelii Gaudium - Niềm Vui Tin Mừng (14)

ĐTC Phan-xi-cô
TÔNG HUẤN
EVANGELII GAUDIUM
(NIỀM VUI TIN MỪNG)
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ
GỬI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC,
CÁC TU SĨ VÀ CÁC TÍN HỮU
VỀ VIỆC LOAN BÁO TIN MỪNG
TRONG THẾ GIỚI HÔM NAY

II. NHỮNG CÁM DỖ MÀ CÁC THỪA TÁC VIÊN MỤC VỤ PHẢI ĐỐI MẶT

76. Cha cảm thấy biết ơn vô cùng đối với tất cả những ai đã tận tâm làm việc trong và vì Giáo hội. Ở đây Cha không muốn thảo luận dài về các hoạt động của các thừa tác viên mục tử khác nhau, từ các Giám mục đến những người làm những công tác phục vụ âm thầm và khiêm hạ nhất. Đúng hơn, Cha muốn nói đến những thử thách mà tất cả trong số họ phải đối mặt trong bối cảnh của nền văn hóa toàn cầu của chúng ta hiện nay. Nhưng để công bằng, Cha phải nói trước rằng, đóng góp của Giáo hội trong thế giới hôm nay là to lớn. Nỗi đau và sự xấu hổ mà chúng ta cảm thấy nơi những lỗi lầm của một số thành phần thuộc Giáo hội, và ở chính chúng ta, không bao giờ cho phép chúng ta quên đi biết bao nhiêu là Ky-tô hữu đã hiến mạng sống vì tình yêu. Họ giúp đỡ rất nhiều người, chữa lành những vết thương hoặc ra đi trong bình an tại những bệnh viện, nhà thương tạm thời. Họ có mặt ở nơi những con người đang bị nô lệ bởi những hình thức nghiện ngập khác nhau, ở những nơi nghèo khổ nhất trên trái đất này. Họ dành hết mình cho việc giáo dục các em nhỏ và những người trẻ. Họ chăm sóc những người già cả bị lãng quên. Họ tìm ra những phương thức để truyền thông các giá trị trong những môi trường thù địch. Họ tận tụy bằng nhiều cách khác để chỉ ra một tình yêu vô hạn của Thiên Chúa – Đấng đã trở thành người – dành cho nhân loại. Cha biết ơn về tấm gương cao đẹp của rất nhiều Ky-tô hữu đã nêu cho Cha. Họ là những người đã vui vẻ hiến dâng mạng sống và thời gian của mình. Chứng nhân này làm cho Cha cảm thấy được an ủi và vững vàng trong nỗ lực của Cha để vượt qua sự ích kỷ và cho đi bản thân mình nhiều hơn nữa.

77. Như những trẻ em của thời đại này, dầu vậy, tất cả chúng ta, theo cách nào đó, bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa của sự toàn cầu hóa hiện nay, tức điều mà, trong khi nó trao cho chúng ta các giá trị và những cơ hội mới, thì cũng có thể hạn chế, khống chế và cuối cùng là làm hại chúng ta. Cha nhận thức rằng, chúng ta cần tạo ra các không gian nơi mà các thừa tác viên mục vụ có thể được hỗ trợ, giúp đỡ và chữa lành, “những nơi mà niềm tin vào Chúa Giê-su chịu đóng đinh và phục sinh được canh tân, những nơi mà những câu hỏi sâu thẳm nhất và những mối bận tâm hằng ngày được sẻ chia, những nơi mà sự nhận thức sâu xa hơn về những kinh nghiệm của chúng ta và cuộc sống tự nó được đảm bảo dưới ánh sáng của Tin Mừng, vì mục đích định hướng các quyết định mang tính cá nhân và xã hội hướng về điều thiện mỹ”. (62*) Đồng thời, Cha muốn lưu ý đến những cám dỗ cụ thể nào đó mà chúng đang ảnh hướng đến các thừa tác viên mục vụ.

78. Ngày nay chúng ta đang chứng kiến nơi nhiều thừa tác viên mục vụ, kể cả các tu sĩ nam nữ, một sự quan tâm thái quá cho tự do cá nhân và sự giải trí, sự buông lơi của họ, điều này làm cho họ nhìn nhận công việc của mình chỉ là một sự phụ thêm vào cuộc sống của họ, như thể nó không phải là một phần căn tính của chính họ. Đồng thời, đời sống tu đức hóa ra lại được nhận biết bằng một vài công việc thực hành tôn giáo mà chúng có thể đem lại một sự tiện ích nhất định nào đó nhưng không khích lệ sự gặp gỡ người khác, hội nhập với thế giới hoặc tha thiết với việc loan báo Tin Mừng. Kết quả là, nơi nhiều hội truyền giáo, dù rằng họ có thực hành việc cầu nguyện, nhưng người ta vẫn có thể nhận thấy một chủ nghĩa cá nhân đang được đề cao, một sự khủng hoảng về căn tính và một sự nguội lạnh về lòng nhiệt thành. Đây là ba điều xấu nhưng chúng lại tương tác lẫn nhau.

79. Đôi khi văn hóa truyền thông và một số giới trí thức mang một thái độ hoài nghi rõ rệt về sứ điệp của Giáo hội, cùng với một lời giễu cợt nhất định nào đó. Hậu quả là, nhiều người làm công tác mục vụ, mặc dù họ có cầu nguyện, lại bị nhiễm một loại tâm lý phức cảm tự ti, tức điều làm cho họ dẫn tới việc tương đối hóa hoặc giấu giiếm căn tính Ky-tô giáo và các xác tín của mình. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn. Cuối cùng họ cảm thấy bất hạnh về những gì mà họ là, và những công việc mà họ thực hiện; họ không gắn bó với sứ vụ loan báo Tin Mừng của họ và điều này làm giảm bớt lòng nhiệt thành của họ. Rốt cục họ dập tắt niềm vui của sứ vụ với một loại cám dỗ muốn trở nên giống như mọi người khác và sở hữu cái mà mọi người khác sở hữu. Vì thế, công việc loan báo Tin Mừng của họ trở nên bị cưỡng buộc, và họ chỉ dành một chút sức lực và thời gian rất hạn chế cho công việc loan báo này.

80. Vì thế các thừa tác viên mục vụ có thể rơi vào một chủ nghĩa tương tối về bất cứ điều gì cũng như về kiểu cách riêng biệt của việc thực hành tu đức  hay lối suy nghĩ, thậm chí còn tỏ ra nguy hiểm hơn cả chủ nghĩa tương đối mang tính học thuyết. Phải thực hiện với những quyết định sâu xa nhất từ tận đáy lòng, những điều mà chúng định hình nên lối sống của họ. Chủ nghĩa tương đối thực hành này nằm ở chỗ hành động như thể là Thiên Chúa không tồn tại, đưa ra các quyết định như thể là người nghèo không tồn tại, vạch định các mục đích như thể là người khác không tồn tại, và làm việc như thể là những người chưa đón nhận Tin Mừng không tồn tại. Có một sự đáng chú ý rằng, một số người, thậm chí cả những người có những nhận thức rõ ràng về đời sống tu đức  cũng như rất vững chắc lý thuyết, nhưng lại thường xuyên rơi vào một lối sống bám víu vào sự an toàn của tiền bạc, hay khao khát có được quyền lực và danh vọng mang tính con người bằng mọi giá, hơn là trao đi sự sống của mình cho người khác trong việc thi hành sứ vụ. Chúng ta không cho phép bản thân mình bị lấy mất đi sự nhiệt huyết của việc truyền giáo!

(Còn nữa – mời quý vị theo dõi)

ĐTC Phan-xi-cô
(Chuyển ngữ) BBT.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét