Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

Tông Huấn Evangelii Gaudium - Niềm Vui Tin Mừng (7)

Tông Huấn  Evangelii Gaudium - Niềm Vui Tin Mừng (7)

ĐTC Phan-xi-cô
TÔNG HUẤN
EVANGELII GAUDIUM
(NIỀM VUI TIN MỪNG)
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ
GỬI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC,
CÁC TU SĨ VÀ CÁC TÍN HỮU
VỀ VIỆC LOAN BÁO TIN MỪNG
TRONG THẾ GIỚI HÔM NAY

29. Các tổ chức Giáo hội khác, các cộng đoàn cơ sở và các cộng đoàn nhỏ, các phong trào, và các hình thức hiệp hội là những nguồn đem lại sự phong phú cho Giáo Hội, được thúc đẩy bởi Thần khí để loan báo Tin Mừng cho những vùng miền khác nhau. Những tổ chức ấy mang một nhiệt huyết thường xuyên, một sự hăng hái mới về việc loan báo Tin Mừng, và một khả năng mới về việc đối thoại với thế giới, và nhờ đó Giáo hội được canh tân.  Nhưng các tổ chức sẽ chứng tỏ lợi ích của nó nếu nó không đánh mất đi sự liên lạc với thực tại phong phú của các Giáo xứ địa phương và sẵn sàng tham gia vào các hoạt động mục vụ riêng cũng như chung của cả Giáo hội. (29*) Dạng thức hòa nhập này sẽ tránh cho họ khỏi việc chỉ tập chung vào một phần của Tin Mừng hay Giáo hội, hoặc trở nên những người du cư không có gốc rễ.

30. Cũng vậy, mỗi Giáo hội riêng, với tư cách là một phần của Giáo hội hoàn vũ dưới sự lãnh đạo của Giám mục Giáo phận, được kêu gọi đối với việc canh tân công cuộc truyền giáo. Đây là tiền đề của việc loan báo Tin Mừng, (30*) bởi nó là sự biểu hiện khuôn mặt cụ thể của một Giáo hội ở một nơi cụ thể và trong đó “Giáo hội duy nhất, thánh thiện, Công giáo và Tông truyền của Chúa Ky-tô đích thực hiện diện và hoạt động” (31*). Nó là sự hiện thân của Giáo hội ở một nơi chốn cụ thể, được trang bị bằng tất cả các phương tiện cứu độ do Chúa Ky-tô ban tặng, nhưng có các đặc thù mang tính địa phương. Niềm vui của nó trong sự hiệp thông với Chúa Giê-su Ky-tô được thể hiện cả bằng sự quan tâm rao giảng về Người tại những nơi bức thiết hơn và trong việc không ngừng ra đi tới vùng bên ngoài địa hạt của nó hay hướng về những miền có nền văn hóa xã hội mới. (32*) Bất cứ nơi nào cần ánh sáng và sự sống của Chúa Ky-tô Phục sinh nhất, thì nó muốn có mặt ở đó. (33*) Để cho sự thúc đẩy truyền giáo trở nên tập trung, quảng đại và sinh hoa trái hơn bao giờ hết, Cha cổ võ và khuyến khích mỗi Giáo hội địa phương hãy thực hiện một quá trình kiên quyết về sự nhận thức rõ ràng, thanh tẩy và cải cách.

31. Giám mục phải luôn luôn nuôi dưỡng sự hiệp thông truyền giáo này trong Giáo phận của mình, noi theo mẫu gương lý tưởng của các cộng đoàn Ky-tô hữu tiên khởi, trong đó mọi tín hữu trở nên một trái tim và một linh hồn (x, Cv 4,32). Để làm như vậy, đôi khi ngài sẽ phải đi trước đoàn chiên của mình, chỉ ra con đường và giữ cho niềm hy vọng của đoàn chiên luôn sống động. Có những lúc, một cách đơn thuần ngài sẽ ở giữa đoàn chiên với sự hiện diện đầy lòng thương xót và khiêm nhường của ngài. Ở những thời điểm khác, ngài sẽ phải đi sau đoàn chiên, giúp đỡ những ai đi chậm chạp và – trên tất cả - cho phép đoàn chiên đi trên những lối đi mới. Trong sứ vụ nuôi dưỡng sự hiệp thông truyền giáo, cởi mở và năng động của ngài, vị Giám mục sẽ phải khuyến khích, cổ võ và phát triển sự tham gia của các phương tiện được đề xuất trong bộ Giáo luật, [34] và các hình thức đối thoại mục vụ khác, vì một sự khao khát lắng nghe tất cả mọi người và không chỉ đối với những người nói với ngài điều ngài muốn nghe. Nhưng mục đích chính của những quá trình tham dự này không nên là một sự tổ chức bên trong Giáo hội mà nên là niềm khát vọng muốn mang Tin Mừng đến cho mọi người.

32. Bởi vì Cha được kêu gọi để thực hiện điều Cha yêu cầu người khác, nên Cha cũng phải nghĩ về một sự canh tân của chính Đức Giáo Hoàng. Đó là nhiệm vụ của Cha, với tư cách là Giám mục Rô-ma, để mở rộng ra đối với những lời lời đã được đóng góp hầu có thể giúp làm cho việc thực hiện sứ vụ của Cha trung thành hơn với ý nghĩa mà Chúa Giê-su đã muốn trao cho nó và cho các nhu cầu hiện tại về việc loan báo Tin Mừng. Đức Gio-an Phao-lô II đã xin giúp đỡ trong việc tìm ra “một sự canh tân trong việc thi hành quyền tối thượng,  mà thực ra việc thi hành quyền tối thượng này hoàn toàn không phải là không có nền tảng nơi sứ mệnh của nó, nhưng được mở ra với một hoàn cảnh mới”. (35*) Chúng ta đã thực hiện một chút về sự tiến triển trong vấn đề này. Giáo hoàng và các tổ chức trung ương của Giáo hội hoàn vũ cũng cần phải nghe thấy tiếng gọi để canh tân công tác mục vụ. Công đồng Va-ti-can-nô II đã chỉ ra rằng, giống như các Giáo hội cổ xưa do các Giáo Phụ lãnh đạo, “các Hội Ðồng Giám Mục có thể góp phần phong phú bằng nhiều cách thế để cụ thể hóa tinh thần cộng đoàn”. (36*) Nhưng mong muốn này đã không được thực hiện một cách trọn vẹn, bởi tư cách pháp lý của các Hội Đồng Giám Mục mà người ta thường xem các Hội Đồng ấy như là các chủ thể của các thẩm quyền riêng biệt, bao gồm quyền giải thích Giáo Lý chân thật, chưa được thảo luận đầy đủ. (37*) Sự tập trung quyền lực quá mức, đã làm phức tạp cho cuộc sống hơn là chứng tỏ tính hữu ích của việc ra đi loan báo Tin Mừng của Giáo hội.

33. Trong chìa khóa của sự truyền giáo, sứ mạng mục tử cố gắng từ bỏ thái độ tự mãn để nói rằng: “chúng tôi luôn làm điều đó theo cách này”. Cha mời gọi mọi người hãy dũng cảm và sáng tạo trong nhiệm vụ này và nghĩ tới  các mục đích, các tổ chức, và những phương thức loan báo Tin Mừng nơi các cộng đoàn của mình. Mội sự đề xuất các mục tiêu mà không có sự nghiên cứu đầy đủ đối với các phương tiện để đạt được các mục tiêu ấy, sẽ không tránh khỏi sự viển vông, hão huyền. Cha cổ võ và khích lệ mọi người hãy sử dụng các hướng dẫn trong văn kiện này một cách quảng đại và can đảm, không do dự hay sợ hãi. Điều quan trọng là không đi một mình, nhưng hãy dựa vào nhau như là những anh chị em của nhau và đặc biệt dưới sự lãnh đạo dẫn dắt của các Giám mục, trong một sự nhận thức mục vụ thực tế và khôn ngoan.

(Còn nữa – mời quý vị theo dõi)

ĐTC Phan-xi-cô 
(Chuyển ngữ) BBT.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét