Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

Tông Huấn Evangelii Gaudium - Niềm Vui Tin Mừng (10)

Tông Huấn  Evangelii Gaudium - Niềm Vui Tin Mừng (10)

ĐTC Phan-xi-cô

TÔNG HUẤN
EVANGELII GAUDIUM
(NIỀM VUI TIN MỪNG)
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ
GỬI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC,
CÁC TU SĨ VÀ CÁC TÍN HỮU
VỀ VIỆC LOAN BÁO TIN MỪNG
TRONG THẾ GIỚI HÔM NAY

V.  MỘT NGƯỜI MẸ VỚI TRÁI TIM RỘNG MỞ

46. Một Giáo hội “ra đi” là một Giáo hội có cánh cửa rộng mở. Ra đi đến với người khác hầu đến được với những người bên ngoài, không có nghĩa là lao vào thế giới một cách vô định. Thông thường, tốt nhấn là hãy chậm lại, gạt sang một bên mọi sự háo hức của chúng ta để nhìn và lắng nghe người khác, dừng chạy từ thứ này sang thứ khác và ở lại với những người đã vấp ngã trên đường. Đôi khi chúng phải giống như người cha của đứa con hoang đàng, luôn mở rộng cửa để khi đứa con ấy trở về, nó có thể dễ dàng bước vào cửa.

47. Giáo hội được mời gọi trở thành nhà của Thiên Chúa Cha, có cánh cửa luôn luôn rộng mở. Một dấu chỉ cụ thể của sự rộng mở này là những cánh cửa của nhà thờ chúng ta nên luôn để mở, ngõ hầu nếu một ai đó được đánh động bởi Chúa Thành Thần, có thể đến đó để tìm kiếm Thiên Chúa, người đó sẽ không gặp phải một cánh cửa đang bị đóng kín. Có những cửa khác cũng không nên đóng. Mọi người có thể chia sẻ theo một cách nào đó trong đời sống của Giáo hội; mọi người có thể là một phần của cộng đoàn, những cánh cửa Bí Tích cũng không nên đóng lại vì bất cứ lý do gì. Điều này đặc biệt đúng với Bí Tích mà tự nó là “cửa”: Bí Tích Thanh Tẩy. Bí Tích Thánh Thể, mặc dù là sự tròn đầy của sự sống mang tính Bí Tích, không phải là một lời giải cho những người hoàn hảo, nhưng là một phương thuốc đầy sức mạnh và của ăn cho những người yếu đuối. (51*) Những xác tín này có những kết quả mục vụ mà chúng ta được mời gọi để xem xét với sự thận trọng, khôn ngoan và dũng cảm. Đôi khi, chúng ta hành xử như người phán xét các ân sủng hơn là việc trở nên những điều giải viên của nó. Nhưng Giáo hội không phải là một phòng thuế; Giáo Hội là ngôi nhà của Thiên Chúa Cha, nơi đó có chỗ cho mọi người với tất cả những lầm lỗi của họ.

48. Nếu toàn thể Giáo hội tiếp nhận sự thúc đẩy truyền giáo này, thì Giáo hội phải ra đi đến với mọi người mà không có sự ngoại trừ. Nhưng ai là người mà Giáo hội nên đi đến với họ trước? Khi chúng ta đọc Tin Mừng, chúng ta tìm thấy một sự chỉ dẫn rõ ràng: không phải những bạn bè và những người láng giềng giầu có của chúng ta, mà trên tất cả là những người nghèo khổ và ốm đau, những người bị xem thường và bị lãng quên, những người “không có gì đáp lễ” (Lc,14,14). Không thể có chỗ nào để nghi ngờ hay để chỗ cho cách giải thích làm giảm thiểu ý nghĩa của một sứ điệp rất rõ ràng.  Hôm nay và mãi mãi, “người nghèo vẫn là những người có đặc quyền lãnh nhận Tin Mừng”,(52*) và thực tế việc họ được nghe rao giảng Tin Mừng là một dấu chỉ về nước trời mà Thiên Chúa đã đến để thiết lập. Chúng ta phải chỉ ra, không phải bằng những từ ngữ màu mè, rằng: “có một sự gắn kết không thể tách rời giữa Đức Tin của chúng ta với người nghèo”. Chúng ta hãy cầu xin cho được ơn để không bao giờ khước từ họ. 

49. Chúng ta hãy tiến về phía trước, và rồi chúng ta hãy ra đi để tặng ban cho mọi người sự sống của Chúa Giê-su Ky-tô. Ở đây, Cha nhắc lại một lần nữa đối với toàn thể Giáo hội điều mà Cha thường nói với các Linh mục và Tu sỹ ở Buenos Aires: Cha thích một Giáo hội bị bầm tím, thương tích và bụi bẩm, bởi vì Giáo hội ấy đã đi đến các ngả đường, hơn là một Giáo hội ốm yếu do bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của chính mình. Cha không muốn có một Giáo hội chỉ bận tâm tới việc mình là trung tâm điểm của tất cả và rồi đi đến chỗ bị ám ảnh bởi một mớ các thủ tục. Nếu có điều gì đó gây phiền phức cho chúng ta một cách đúng đắn và làm phiền hà cho lương tâm của chúng ta, thì quả thực đó chính là điều mà quá nhiều anh chị em của chúng ta đang sống không có sức mạnh, không có ánh sáng và sự an ủi bắt nguồn từ tình thân hữu với Chúa Giê-su Ky-tô, không có một cộng đoàn Đức Tin để hỗ trợ họ, không có ý nghĩa và mục đích trong cuộc sống. Và điều tệ hại hơn nữa chính là nỗi sợ hãi bị lầm đường. Cha hy vọng rằng, chúng ta sẽ được đánh động bởi nỗi sợ hãi vì vẫn còn bị đóng kín trong các cơ cấu, tổ chức mà nó làm cho chúng ta hiểu sai về sự an toàn; trong các luật lệ mà chúng làm cho chúng ta có những phát xét khắc nghiệt; trong những thói quen làm cho chúng ta cảm thấy an toàn, trong khi ở ngoài phía bên ngoài cửa nhà của chúng ta người ta đang chết đói, và Chúa Giê-su không ngừng nói với chúng ta rằng: “Hãy cho họ ăn” (Mc.6,37).

(Còn nữa – mời quý vị theo dõi)

ĐTC Phan-xi-cô
(Chuyển ngữ) BBT.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét